Cần có cơ chế đặc thù với những sản phẩm báo chí thiết yếu
Xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi - Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016” diễn ra ngày 10/6, Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và Tuyên truyền, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, trong bối cảnh truyền thông số, mạng xã hội, các dạng truyền thông khác phát triển phức tạp, Luật Báo chí hiện nay quy định về quyền thông tin cá nhân còn quá đơn giản.
Tiến sĩ Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và Tuyên truyền, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trình bày tham luận tại hội thảo |
Bên cạnh đó, thông tin của người phạm tội trên báo chí Việt Nam hiện nay "cực kỳ phức tạp". Các thông tin của người phạm tội không liên quan đến hành vi phạm tội như gia đình, người thân... của họ đang được khai thác sâu, chi tiết.
Ông Kiền cho rằng, thông tin của người phạm tội cần phải đưa nhưng đưa ở mức độ nào cho phù hợp. Những vấn đề này cần có quy định rõ ràng hơn trong Luật Báo chí.
Ngoài ra, ông Kiền cho hay, hiện nay khi xử lý về vi phạm đối với báo chí đăng phát thông tin sai thì báo điện tử ngoài đăng lời xin lỗi còn phải gỡ bỏ thông tin sai nhưng nếu đăng trên báo in thì mới chỉ có đăng cải chính thông tin.
"Trong Luật Xuất bản, sách phát hành ra nếu không hợp lệ thì thu hồi, còn với báo in thì sao? Mặc dù "đời sống" của một tờ báo in ngắn ngủi hơn so với cuốn sách nhưng giá trị lưu trữ của nó rất cao. Nếu những tờ báo in sai sót mà không thu hồi thì sẽ tồn tại mãi. Việc này Luật Báo chí cũng chưa đề cập", ông Kiền nêu.
Góp thêm ý kiến, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, nên xem xét xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông là đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước. Tổ hợp có thể có nhiều cơ quan báo chí, nhà xuất bản trực thuộc, hoạt động đa loại hình, đa nền tảng, đa dịch vụ.
Đồng thời, về chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí quy định theo hướng “chủ báo”, “chủ bút”. Đây cũng là hướng đi để hình thành những cơ quan báo chí lớn của đất nước và tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đối với các cơ quan chủ quản, địa phương nhiều cơ quan báo chí có truyền thống, uy tín và vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Mặt khác, quy định chức danh báo chí theo hướng “chủ báo”, “chủ bút” phù hợp với cả những cơ quan báo chí lớn, có nhiều loại hình, sản phẩm báo chí, nhằm cá thể hóa trách nhiệm đến từng sản phẩm của cơ quan báo chí.
Cần có quy định ứng xử riêng với các sản phẩm báo chí thiết yếu
Trình bày tham luận, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Luật Báo chí 2016 đã quy định Giấy phép hoạt động báo chí không có thời hạn đã khẳng định cơ quan báo chí là bộ phận cơ hữu của Đảng và Nhà nước, cần được duy trì bền vững lâu dài và có tính chất công ích. Nếu xét về đặc điểm của sản phẩm báo chí thiết yếu với đời sống xã hội, việc các cơ quan báo chí đang làm thì các lực lượng ngoài xã hội không được làm hoặc không làm được. Sản phẩm báo chí thiết yếu không theo cơ chế thị trường để có thể tìm nguồn thu bù đắp chi phí. Đồng thời, người dân thụ hưởng thông tin báo chí thiết yếu cơ bản không phải trả bất kỳ chi phí nào. Mặt khác, đa số các cơ quan báo chí đang hoạt động không vì lợi nhuận khi so sánh với các ngành nghề khác. Với tính chất công ích như vậy, cần thiết bổ sung những quy định phù hợp để có cơ chế đặc thù hơn điều chỉnh đến phạm vi sản xuất, sáng tạo những sản phẩm báo chí thiết yếu của các cơ quan báo chí.
Quang cảnh hội thảo |
Về sản phẩm báo chí, ông Yên cho rằng, cần định vị rõ vị trí, vai trò của các sản phẩm báo chí thiết yếu để có quy định ứng xử riêng, phân biệt với các sản phẩm thông tin giải trí có tính chất báo chí khác. Làm được việc này, việc huy động nguồn lực xã hội trong việc đa dạng hoá nội dung thông tin giải trí sẽ dễ dàng hơn và tạo đột phá trong việc giải quyết vấn đề kinh tế báo chí, trong khi hiện nay, cơ quan báo chí chủ yếu chỉ trông vào nguồn thu quảng cáo.
Bên cạnh đó, câu chuyện đào tạo là cơ bản và đã được xác lập tại các quy định hiện hành về nhà báo, điều kiện cấp thẻ nhà báo. Tuy nhiên, để duy trì được nguồn nhân lực sáng tạo, những người có thể làm ra sản phẩm báo chí chất lượng cao, ông Yên kiến nghị cần bổ sung các quy định về đào tạo, đào tạo lại, đặc biệt là các kiến thức về nghệ thuật, công nghệ số, sử dụng ngôn ngữ và tư tưởng lãnh đạo của Đảng.
“Đối với các sản phẩm báo chí thiết yếu, cần có quan điểm thể hiện rõ trong quy định đây là đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thông qua các biện pháp phù hợp; Trong đó, ưu tiên áp dụng rộng rãi cơ chế nhà nước đặt hàng các tác phẩm báo chí về tuyên truyền, thông tin chính luận và cả các chương trình văn nghệ, thể thao, giải trí”, ông Yên nhấn mạnh.