Cách ôn và làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử đạt điểm cao
Ra mắt cuốn sách “Lịch sử truyền thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Quốc Oai” Tuyển sinh vào lớp 10 công lập Hà Nội: Lịch sử được chọn là môn thứ 4 |
Cách học nhớ dễ dàng
Thí sinh điền thông tin cá nhân trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2020-2021 |
Thầy giáo Khuất Duy Dũng - Tổ trưởng tổ Lịch sử trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng, năm nay, học sinh lớp 9 không quá lo lắng về cách ra đề và ôn luyện như thế nào bởi hai năm trước, kỳ thi vào lớp 10 cũng đã có môn Lịch sử.
Theo thầy Dũng, để học hiệu quả môn Lịch sử, việc đầu tiên học sinh cần quan tâm là thời gian, vì chỉ còn 1 tháng nữa thi. “Lời khuyên của tôi với các em là phải làm cho mình một thời gian biểu thật khoa học dành cho các môn: Học ở trường, ở nhà như thế nào? Học Toán, Văn, Anh và các môn khác ra sao?
Học sinh của thầy Khuất Duy Dũng thoả sức sáng tạo với sơ đồ tư duy trong giờ Lịch Sử |
Trên lớp, các bạn phải chú ý, ghi chép đầy đủ. Trong quá trình ghi chép, các bạn nên chuẩn bị một quyển vở riêng. Cách ghi vở nên dùng bút mực đỏ ghi đầu mục và khi nghe cô giáo giảng có từ khóa (từ chốt ý) các bạn nên đánh dấu từ đó.
Nếu bạn nào cẩn thận nữa thì ghi vào tờ giấy note từ khóa đó rồi dán vào bài của mình hoặc ghi vào sổ tay nhỏ. Các bạn phải ghi như thế vì trong đề thi có 40 câu mà trong sách giáo khoa có tổng số bài 34 bài, như vậy, bình quân mỗi bài chỉ có 1 câu, trong đó có bài sẽ 2 câu. Khi lựa chọn câu hỏi cho bài thi, thầy cô ra đề hay chọn những vấn đề đặc trưng nhất, nổi bật nhất của bài thì ghi từ khoá sẽ giải quyết được điều đó.
Thầy Khuất Duy Dũng, Tổ trưởng tổ Lịch sử trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam |
Khi làm bài tập, nếu trả lời sai, các bạn nên ghi vào tờ note dán vào đề đó để sau này mình quay lại làm sẽ nhớ những nội dung mình làm sai”.
Cô Nguyễn Thị Điệp, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A3, dạy môn Văn và Lịch sử trường THCS Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Khi có quyết định thi môn Sử, tổ nhóm chuyên môn của trường đã xây dựng nội dung học và ôn tập theo chủ đề.
Theo đó, buổi sáng dạy kiến thức, buổi chiều chúng tôi hệ thống lại những nội dung đã học. Sau khi học sinh nắm được kiến thức cơ bản, giáo viên sẽ hướng dẫn các em xây dựng sơ đồ tư duy để nắm được kiến thức cơ bản theo từng chủ đề, từng bài và sắp xếp trình tự thời gian sự kiện.
Tôi khuyên các em chỉ nên luyện 2 đề mỗi ngày. Khi luyện đề lần thứ 2 thì các em nên bấm thời gian, câu nào sai khoanh vào, sau đó sẽ làm lại.
Cô Nguyễn Thị Điệp hướng dẫn bài cho học sinh trong giờ Lịch Sử |
Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như phòng GD&ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể nên chúng tôi đang "mày mò" theo hướng dẫn thi môn Lịch sử của năm trước. Trong 40 câu hỏi có 19 câu nhận biết, 17 câu thông hiểu và 4 câu vận dụng. Tôi chia các câu hỏi ra theo từng dạng, qua đó các học sinh sẽ tìm từ khóa. Sau khi có từ khóa, học sinh phải ghi vào trong bài cho phù hợp với lượng kiến thức của mình".
Cô Điệp lưu ý với các học trò: Ngoài việc phân biệt được khía cạnh lịch sử thì học sinh cần nắm được thời gian, hoàn cảnh, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học và ý nghĩa lịch sử của các sự kiện.
Bí quyết đạt điểm cao khi làm bài thi trắc nghiệm
Theo đánh giá của nhiều giáo viên, thi trắc nghiệm môn Lịch sử có kiến thức rất rộng. Vì thế, học sinh làm bài đạt điểm cao không dễ dàng.
Theo thầy Khuất Duy Dũng, để làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử tốt thì việc sử dụng quỹ thời gian rất quan trọng. Thí sinh có 60 phút làm bài. Sau khi nhận đề thi, các bạn nên ngồi tĩnh tâm, hít sâu để hết hồi hộp. Khi làm bài thi, các bạn sử dụng một phút cho mỗi câu, kể cả câu mình chắc chắn đúng. 40 câu có 40 phút, còn 20 phút quay lại làm những câu chưa chắc chắn.
Trong 4 đáp án của câu hỏi trắc nghiệm có 2 câu hỏi sai rõ ràng, các bạn rất dễ nhận biết, gạch bỏ luôn, còn 2 đáp án một đúng và một nghi ngờ, lúc đó còn thời gian nên cân nhắc. Chú ý trong đáp án thường có câu hỏi ngược mà đề thi hay in đậm như: “Ý nào trong câu này “không phải” nội dung của…,” khi gặp câu này, học trò hay tư duy xuôi nhưng lúc đó phải tư duy ngược, gạch bỏ ý nào, đáp án nào thuộc cái đúng thì nó sẽ ra đáp án của từ “không phải”.
Đáp án nào chưa chắc chắn thì gạch đi hai đáp án sai hoàn toàn, còn lại hai đáp án, các bạn chọn một đáp án, sau đó còn thời gian quay lại suy nghĩ làm tiếp. Đặc biệt, các bạn phải chọn cho mình một đáp án, không được để giấy trắng.
Cô Điệp kiểm tra bài cũ |
Cô Điệp cũng đưa ra những mẹo nhỏ trong khi làm bài thi trắc nghiệm môn Lịch sử: Trong 40 câu hỏi sẽ có 13 câu Sử Thế giới và 27 câu Sử Việt Nam. Khi làm bài thi, học sinh cần đọc kỹ đề, câu nào dễ, chắc chắn thì làm trước; Sử dụng mẹo có từ khóa; Câu có phương án trả lời dài thường là câu đúng nhưng cũng phải thận trọng với những câu có phương án nhiễu (cho đáp án mà sự kiện gần tương đồng với nhau); Câu nào khó hãy dành thời gian móc nối sự kiện để cho liền mạch…
Nắm chắc kiến thức trên lớp là thi đỗ
Chia sẻ kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh lớp 9, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Hiệu trưởng trường THCS Đô thị Việt Hưng, quận Long Biên cho biết:
Để ôn thi hiệu quả, nhà trường phân loại học sinh, định hướng cho các con ôn thi, đồng thời có bài kiểm tra đầu giờ, qua mỗi bài kiểm tra đó, các cô giáo chấm 5 bài, sửa rất kỹ cho các học sinh hiểu nội dung và cách làm bài. Bên cạnh đó, cô giáo chia nhóm dạy buổi chiều. Một nhóm là học sinh khá giỏi, một nhóm là học sinh trung bình để có những cách ôn thi phù hợp. Ngoài ra, nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, để các bậc cha mẹ luôn đồng hành, theo sát, nhắc nhở và giám sát con làm bài tập.
Cũng theo cô Thuý, hiện nay có nhiều phần mềm, các con có thể học và làm bài tập trên đó, những phần mềm này có các đáp án để mình biết điểm như thế nào.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết kiến thức nền trong nhà trường mà các thầy cô trang bị cho học sinh tương đối đầy đủ. Nếu những học sinh nào ở giai đoạn này thấy phương pháp học tập của mình chưa thực sự khoa học thì có thể theo những khóa học ngắn để các thầy cô hướng dẫn cách học tập hiệu quả. Thi vào lớp 10 là kiến thức cơ bản, nắm chắc kiến thức trên lớp sẽ thi đỗ, cha mẹ không nên cho con đi học nhiều nơi, sẽ gây áp lực cho con.
Cách học “có một không hai” của học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử |