Các nền kinh tế APEC đang ở thời điểm thích hợp để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực
Cơ hội hậu APEC với các ngành công nghiệp Việt Nam Vai trò của các nền kinh tế APEC đối với Việt Nam |
Người đứng đầu Nhóm Hỗ trợ chính sách APEC, ông Denis Hew nhận định COVID-19 và tác động của đại dịch này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập kinh tế khu vực.
Do đó, ông cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách của APEC cần giải quyết các thách thức và những vấn đề liên quan đến thương mại đang nổi lên hiện nay nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn”.
Trong khi đó, ông Carlos Kuriyama, nhà phân tích cấp cao của nhóm và là tác giả của bản báo cáo trên, cho rằng, việc các chính quyền có hành động quyết đoán ở cấp độ quốc gia, vùng lãnh thổ là chưa đủ khi mà đại dịch đặt ra thách thức cho toàn thế giới.
Theo ông Kuriyama, hợp tác quốc tế phải là một phần của giải pháp và điều quan trọng nhất là bất kỳ cơ chế hội nhập khu vực nào cũng có thể hỗ trợ vượt qua những thách thức liên quan tới đại dịch.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo tóm tắt chính sách của Nhóm Hỗ trợ chính sách APEC cũng chỉ ra 6 thách thức chính tác động tới thương mại, bao gồm tình trạng gián đoạn tiếp cận hàng hóa thiết yếu; Gián đoạn thương mại dịch vụ; Những khó khăn trong chuỗi cung ứng và hoạt động logistics; Chuyển đổi kỹ thuật số; Tính minh bạch và những nút thắt về quy định ảnh hưởng đến việc thông thương các hàng hóa thiết yếu. Những thách thức này vẫn tồn tại, dù rằng với mức độ ít trầm trọng hơn so với giai đoạn đầu đại dịch bùng phát.
Báo cáo nhấn mạnh rằng APEC có thể xem xét tới những thách thức đó và lồng ghép chúng vào các chủ đề mới liên quan tới thương mại hàng hóa, dịch vụ, các vấn đề kỹ thuật số... trong khuôn khổ FTAAP.
Ngoài ra, báo cáo cho rằng số hóa là một yếu tố quan trọng đối với tương lai của ngành thương mại và lĩnh vực việc làm. Các quy tắc thương mại hiện đại về bảo mật dữ liệu, bản địa hóa dữ liệu, các luồng dữ liệu xuyên biên giới và thương mại điện tử là những nhân tố cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế số.
Ông Kuriyama nhận định các nền kinh tế APEC cần tháo gỡ những nút thắt trong chuỗi cung ứng và hoạt động logistics. Theo ông, các nền kinh tế thành viên có thể hợp tác và cùng cam kết không áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời đảm bảo luôn có sẵn nguồn cung các mặt hàng này để đáp ứng các nhu cầu thương mại.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế thành viên cũng cần đảm bảo rằng các sân bay, cảng biển, các cửa khẩu và hoạt động hải quan vẫn hoạt động thông suốt trong các đại dịch.
Ngoài ra, các nền kinh tế APEC cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng lao động thiết yếu có thể dễ dàng di chuyển qua các khu vực biên giới.
Bên cạnh đó báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác biên giới và hỗ trợ kỹ thuật bằng cách ứng dụng các công nghệ hiện đại và thực hiện các thủ tục số hóa, thay vì khai báo trên giấy.
Mặt khác, APEC cũng đang khuyến khích khả năng phục hồi của các nền kinh tế bằng cách thực hiện các sáng kiến tập thể, gồm các hoạt động nâng cao năng lực trong những lĩnh ngày càng được quan tâm. Các nền kinh tế thành viên cần nắm bắt động lực này để đạt được một tương lai bền vững và toàn diện hơn.