Cậu học trò bại não tham dự Olympic Tin học Châu Á 2021
Luôn lạc quan và đầy nghị lực
Dịp Thuận ra Hà Nội tham dự vòng 2 để chọn đội tuyển đi thi Olympic Tin học Châu Á, tôi đã gặp Thuận trước khi thi. Dù đi lại khó khăn, phát âm ngọng, nhiều câu không ai hiểu, tay bị cứng, quắp lại nhưng ở Thuận luôn là sự lạc quan và nghị lực.
Em Nguyễn Đức Thuận |
Chị Đỗ Thị Hoài San, mẹ của Thuận kể với tôi qua điện thoại, khi mới sinh con ra, nhìn thấy con tím tái, chân tay quắp lại mà lòng đau nhói. “Thuận bao nhiêu cân thì bấy nhiêu cân thuốc từng uống vào người để chữa trị bệnh từ nhỏ tới giờ”, mẹ Thuận nghẹn lời khi nói về căn bệnh quái ác của con. Bù lại, từ nhỏ, Thuận đã rất ham học, dù luôn phải vào viện chữa trị nhưng vẫn không nản chí.
Chị San kể, dù con nói khó khăn, phát âm ngọng, nhiều câu không ai hiểu, nhưng khi đi học, dần dần các bạn cùng lớp, các thầy cô nghe quen nên vẫn học được trong lớp như bình thường. Hồi lớp 1, lúc mới tập viết, tay cứng, viết rất chậm nên con được cô giáo với mẹ cầm tay nắn nót từng chữ. Sau đó, tay cứ cứng dần, càng ngày, con viết càng khó dần. Hồi lớp 5, Thuận được bố tặng chiếc máy tính cũ và từ đó mày mò nghịch ngợm, có gì không biết thì lên mạng tìm hiểu.
Cũng may mắn vào thời điểm đó, chú Minh, giáo viên Tin học trường THCS ở xã Châu Phong (huyện Quế Võ, Bắc Ninh, là bạn của cậu Thuận) đã tỉ mẩn chỉ cho Thuận học Tin học. Rồi chú Hào, chú Kiên (lập trình viên) cũng là bạn của cậu thi thoảng chỉ cho nên Thuận học Tin học một cách say mê. Từ lớp 6, Thuận được nhà trường (trường THCS Đại Xuân, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) tạo điều kiện cho dùng máy tính để học và thi, nên em chép bài trên máy tính, gửi email bài kiểm tra, bài thi cho thầy cô chấm điểm. Việc học của Thuận diễn ra suôn sẻ.
Lên lớp 7, Thuận đoạt giải nhì Tin học trẻ cấp huyện, giải Khuyến khích Tin học trẻ cấp tỉnh. Giữ vững phong độ, Thuận đoạt tiếp giải Ba Tin học trẻ cấp tỉnh năm lớp 8; Năm lớp 9, giành giải Nhất Tin học trẻ cấp huyện, giải Nhất Tin học trẻ cấp tỉnh và giải Ba Tin học trẻ cấp quốc gia. Năm lớp 8, 9, Thuận chuyển lên trường THCS Nguyễn Cao.
Suốt những năm cấp 2, Thuận chỉ ước mơ được đi thi học sinh giỏi bình thường như các bạn nhưng không được. Dù thầy cô rất quan tâm, thông cảm nhưng chỉ vì quy chế thi học sinh giỏi là phải viết tay trên giấy thi, trong khi Thuận bàn tay bị quắp, không viết được, chỉ đánh được kết quả, làm bài trên máy tính nên năm lớp 9, khi không được thi học sinh giỏi Toán, Thuận đã khóc.
Thuận muốn mẹ đưa đi gặp các thầy cô ở trường, huyện, tỉnh để hỏi nhưng hồi đó, quy chế thi học sinh giỏi như vậy nên cậu đành chịu.
Tác giả Thanh Hải và cậu học trò nghị lực phi thường Nguyễn Đức Thuận |
Năm lớp 9, may mắn được thầy Ngô Quốc Minh dẫn đội tuyển quốc gia của trường THPT Chuyên Bắc Ninh nhận dạy phụ đạo môn Tin học nên Thuận học rất tiến bộ. Năm đó, em cũng được tham gia thi học sinh giỏi Tin học và giành giải Nhất tỉnh Bắc Ninh, giải Ba Tin học trẻ quốc gia.
Khi thi vào lớp 10, Thuận quyết thi chuyên Tin của trường THPT Chuyên Bắc Ninh. "Đen đủi" thay, hôm thi, máy tính bị hỏng 30 phút, Thuận bị tâm lý, cuống khi làm bài bù giờ nên đã thiếu 1 điểm và trượt vào trường THPT Chuyên Bắc Ninh.
Dù rất buồn nhưng khi về học cấp 3 trường Quế Võ ở quê nhà, Thuận vẫn quyết tâm học giỏi các môn, đặc biệt là Tin học để được đi thi học sinh giỏi các cấp với sự dạy thêm của thầy Ngô Quốc Minh.
Cứ rảnh thầy Minh lại dạy cho Thuận mà không lấy một đồng học phí nào. Lên cấp 3, khi thi học sinh giỏi môn Tin học, được sự dạy dỗ ôn luyện của thầy Minh, Thuận đã đoạt giải Ba quốc gia năm lớp 11. Sau đó, Thuận được trường THPT Chuyên Bắc Ninh tuyển ngang.
Niềm vui vô bờ khi giấc mơ “phục thù” vào trường chuyên đã thành sự thật dù hành trình đó không trải hoa hồng.
Những năm học cấp 3, với nỗi buồn thi trượt và bao khó khăn khác, mẹ Thuận có lúc buồn và thương con nên chỉ biết khóc. Thấy Thuận vẫn quyết tâm học, không nản chí, chị lại là đôi chân của con trên mỗi nẻo đường học thêm, ôn luyện để chinh phục các kỳ thi học sinh giỏi.
Niềm tin để thực hiện giấc mơ
Thầy Nguyễn Nho Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Thuận là một trong 3 học sinh của tỉnh vinh dự được lựa chọn tham dự kỳ thi Olympic Châu Á năm 2021. Chứng kiến nghị lực của Thuận và mẹ khi đồng hành cùng con, Ban Giám hiệu nhà trường quyết định báo cáo lên Sở GD&ĐT để đón về học tập tại trường.
Trường THPT Chuyên Bắc Ninh đã sắp xếp cho hai mẹ con Thuận một phòng sinh hoạt riêng để thuận lợi hơn cho việc học tập. Các thầy cô trường THPT Chuyên Bắc Ninh cũng dạy kèm miễn phí cho Thuận.
Năm lớp 12, Thuận một lần nữa chinh phục giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Tin học, giải Nhất Tin học trẻ quốc gia… Hành trình chinh phục trường chuyên năm lớp 11 của Thuận với những giải thưởng học sinh giỏi đã chứng minh người thành công không phải chưa bao giờ thất bại mà là người chưa bao giờ bỏ cuộc.
Thuận và bố ra Hà nội chuẩn bị cho kì thi Olympic tin học Châu Á |
Nói về những thành tích của mình, Thuận luôn nhắc tới những thầy cô giáo từ lớp 2 đến bây giờ. Các thầy cô luôn hỗ trợ và dõi theo Thuận trong hành trình đầy chông gai. Thuận luôn nhớ về cô giáo chủ nhiệm lớp 2 dù cô không có điều kiện nhưng khi biết gia đình muốn đưa Thuận đi mổ chân, cô cũng sẵn sàng đi vay tiền hộ và trả lãi thay để gia đình yên tâm chữa trị. Vì thế, trong hành trình bao năm qua, mẹ Thuận nói cũng có những lúc gặp khó khăn, bị gây cản trở tưởng như nản chí nhưng cứ nghĩ đến ân tình của bao người tốt bên gia đình, giúp con vượt khó vươn lên, chị lại có thêm động lực bước tiếp cùng con.
Anh trai của Thuận cũng vừa tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và đang tiếp tục học cao học, "viết" tiếp ước mơ thành bác sĩ.
Chúng tôi rất phục nghị lực của bố mẹ Thuận. Dù con út tật nguyền nhưng anh chị vẫn cố gắng lo cho hai con ăn học nên người, vượt mọi khó khăn để hai anh em có ngày hôm nay.
Trước khi lên đường tham dự kỳ thi Olympic Tin học Châu Á 2021, Thuận đã chuẩn bị ôn tập khá tốt. Sau kỳ thi này, Thuận muốn tiếp tục học lên đại học về lĩnh vực công nghệ thông tin để phát huy sở trường của mình. Thuận luôn có niềm tin để thực hiện giấc mơ của mình, trở thành người có ích, một lập trình viên có thể đứng vững bằng trí tuệ, để dần bớt gánh nặng trên đôi chân của bố mẹ. Tôi tin, Nguyễn Đức Thuận, cậu học trò đặc biệt sẽ tiếp tục lập kì tích bằng sự nghị lực của mình và sự sẻ chia của bố mẹ, gia đình, thầy cô và bạn bè luôn yêu thương, ở bên Thuận.