BSR sẵn sàng cho “chiến dịch 51 ngày đêm”
Đợt bảo dưỡng tổng thể lần này sẽ diễn ra trong vòng 51 ngày, từ ngày 12/8 đến ngày 1/10/2020, bao gồm 7 gói thầu chính. Trước khi bước vào “trận chiến” có vô vàn khó khăn, thách thức; ông Trần Tấn Chức - Trưởng ban Bảo dưỡng Sửa chữa BSR đã có những chia sẻ với chúng tôi xung quanh vấn đề này.
- Ông có thể chia sẻ một số hạng mục công việc chính sẽ triển khai trong đợt bảo dưỡng này?
Trong đợt bảo dưỡng này, BSR sẽ tiến hành các hạng mục quan trọng như thay thế các van trên đường ống khí, thiết bị tách tại cụm phản ứng và tái sinh xúc tác (bản quyền AXEN); sửa chữa ăn mòn của tháp tách propylene; thực hiện kiểm tra hệ thống bảo vệ sốc cho cụm máy nén khí; thay thế hệ thống điều khiển cụm phân xưởng bản quyền UOP; thay thế xúc tác của các cụm phân xưởng bản quyền UOP.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tiến hành nhóm công việc khác như sửa chữa, thay thế các van cao áp khu vực sản xuất hơi; làm sạch, thay thế sửa chữa các thiết bị trao đổi nhiệt; sửa chữa và sơn toàn bộ hệ thống ống ngầm dẫn nước biển làm mát; kiểm tra và bảo dưỡng hơn 1.400 van; đại tu, thay thế hệ thống bạc đạn chính của phao nhập dầu; đại tu 9 cụm máy nén chính; thay thế hệ thống điều khiển động cơ hạ cáp INSUM; kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật toàn bộ bên trong ống dẫn nhập dầu thô và rất nhiều hạng mục công việc khác.
- Kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động thì đây là lần thứ 4 BSR triển khai bảo dưỡng tổng thể Nhà máy. Vậy, BSR đã rút ra bài học kinh nghiệm gì của 3 lần trước?
Cho đến nay, anh em công nhân, kỹ sư BSR đã có hơn 10 năm làm việc và trưởng thành ở nhà máy lọc dầu hiện đại. Chúng tôi có trải nghiệm với ba lần bảo dưỡng tổng thể nhà máy vào các năm 2011, 2014, 2017.
Bài học lớn nhất mà chúng tôi rút ra là dù công tác bảo dưỡng tổng thể đã được chuẩn bị rất chu đáo, chi tiết từ phạm vi công việc đến nguồn lực, quy trình, phương án, giải pháp,… nhưng trong quá trình triển khai thực tế, luôn có những phát sinh mới, vấn đề kỹ thuật ngoài dự kiến.
Ông Trần Tấn Chức (thứ hai từ phải sang) báo cáo tiến độ chuẩn bị BDTT lần 4 với Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến |
Chẳng hạn, trong lần bảo dưỡng tổng thể lần 3, có nhiều vấn đề kỹ thuật phát sinh so với dự tính ban đầu, liên quan đến ăn mòn của các bó ống thiết bị trao đổi nhiệt E-1520, refractory tại cụm R&R, cyclone và bracing bar bên trong tháp tái sinh, hư hỏng hệ thống đường ống nước biển, nứt casing của máy nén MAB… Điều này buộc chúng tôi phải tính toán lại thiết kế, đưa ra các giải pháp sửa chữa trong điều kiện vật tư không mua sắm kịp nhằm đảm bảo an toàn vận hành sau khi khởi động lại.
Hay ở lần bảo dưỡng tổng thể thứ 2, chúng tôi phát hiện vấn đề hư hỏng bên trong cyclone của tháp tái sinh RFCC trong những ngày cuối của đợt bảo dưỡng. Toàn bộ đội ngũ BSR, từ lãnh đạo cho tới kỹ sư, công nhân đều nín thở, họp lên họp xuống không biết bao lần để tìm giải pháp. Cuối cùng, phương án mua gấp vật tư từ Mỹ và thực hiện chế tạo ngay tại công trường để lắp đặt được lựa chọn…
Do đó, chúng tôi xác định phải thật bình tĩnh, chung sức chung lòng để có các phương án, giải pháp, quyết đoán cũng như xây dựng sẵn sàng các kênh kết nối với các đơn vị trong ngành dầu khí, đặc biệt là khâu sau tìm sự hỗ trợ.
Sự kết nối thường xuyên với các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ kỹ thuật trong khu vực và thế giới cũng vô cùng quan trọng để xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh một cách nhanh nhất, đảm bảo chất lượng và tiến độ của bảo dưỡng tổng thể.
- Được biết, nhà thầu nước ngoài tham gia bảo dưỡng tổng thể lần 4 bao gồm các công ty đến từ Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan. Ông đánh giá như thế nào về năng lực các nhà thầu nước ngoài?
Đợt bảo dưỡng lần này bao gồm 7 gói thầu chính và có các nhà thầu Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan trúng thầu liên danh cùng các nhà thầu bảo dưỡng uy tín của Việt Nam.
Cụ thể, gói thầu số 1: Thiết bị và đường ống tại khu vực A2 do liên danh nhà thầu Dong IL (Hàn Quốc) - PVChem đảm nhận.
Gói thầu số 2: Thiết bị và đường ống tại khu vực A1, A3 và Gói thầu số 3: Thiết bị và đường ống tại khu vực PP, phụ trợ và ngoại vi; do Liên danh PTSC Quảng Ngãi & Newwin (Malaysia) đảm nhận.
Gói thầu số 4: Thiết bị trao đổi nhiệt HE và AFC, nhà thầu là PTSC Quảng Ngãi và HDS (Thái Lan).
Gói thầu số 5: Sơn chống ăn mòn hệ thống đường ống nước biển do Liên danh DMC.MT và DOBC đảm nhận;
Gói thầu số 6: Bảo dưỡng van do Liên danh PTSC PPS và PVMTC thực hiện
Gói thầu số 7: Hệ thống Phao rót dầu không bến (SPM) nhà thầu là Liên danh POS và PVMTC.
Mặc dù là lần đầu tham gia bảo dưỡng tổng thể tại BSR, tuy nhiên các nhà thầu Newwin, Dong-IL đã có rất nhiều kinh nghiệm triển khai bảo dưỡng tổng thể ở các nhà máy lọc hóa dầu có cấu hình tương tự tại Malaysia, Hàn Quốc.
Ngoài ra, các đối tác khác cũng đã có kinh nghiệm tham gia các đợt bảo dưỡng tổng thể tại BSR trong các lần trước cũng như tham gia trong quá trình xây lắp nhà máy trước kia như PTSC, PVChem, POS, PVMTC, PPS…
Vì vậy chúng tôi tin tưởng rằng, BSR và các nhà thầu sẽ quyết tâm thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần này đạt 4 mục tiêu chính: (1) Không tai nạn mất ngày công lao động; (2) Đảm bảo chất lượng, tiến độ, không có công việc phải làm lại; (3) Vượt tiến độ 51 ngày đêm; (4) Tiết kiệm chi phí tối đa.
Nhân sự BSR và nhà thầu trên công trường chuẩn bị cho BDTT lần 4 |
- Việc bảo dưỡng tổng thể đồng nghĩa với việc ngừng sản xuất trong một thời gian dài, tốn kém chi phí lớn trong bối cảnh BSR đang chịu khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm. Công ty có giải pháp gì để tiết giảm chi phí?
Lần bảo dưỡng tổng thể này diễn ra trong lúc BSR chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và giá dầu suy giảm nên ngay từ đầu, lãnh đạo Công ty đã rà soát và chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm tiết giảm chi phí.
Cụ thể, tăng số lượng công việc do BSR tự đảm nhận như đại tu các máy nén chính, kiểm tra các hệ thống điều khiển, thực hiện thay thế với sự hỗ trợ từ xa của chuyên gia, thay vì thuê họ đến công trường.
BSR tự chủ trì thực hiện 6 gói công việc lớn như thiết bị quay, thiết bị điện và thiết bị tự động hóa… Tổng khối lượng công việc do BSR tự thực hiện hơn 5.000 đầu mục.
- Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước. Các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam phải thực hiện cách ly để phòng chống dịch. Đợt bảo dưỡng tổng thể của BSR vào thời gian này có phát sinh khó khăn, lực cản nào từ việc phòng chống dịch hay không?
Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng tổng thể như huy động chuyên gia, mua sắm, vận chuyển vật tư…
Mặc dù rất nỗ lực trong công tác chuẩn bị, song BSR vẫn phải lùi thời điểm thực hiện bảo dưỡng 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Để góp phần giảm thiểu rủi ro do chu kỳ bảo dưỡng kéo dài hơn, Công ty đã phối hợp với các đơn vị kiểm định thiết bị tiến hành các bước kiểm tra, đánh giá đưa ra các khuyến nghị, hành động để đảm bảo an toàn vận hành cho nhà máy.
Việc bắt đầu bảo dưỡng tổng thể trễ cũng phát sinh những yếu tố bất lợi như Quảng Ngãi đang chuẩn bị bước vào mùa mưa bão và đặc biệt hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại mà tâm dịch là Đà Nẵng, rất gần với Quảng Ngãi.
Do đó, BSR và nhà thầu đã xây dựng các kịch bản, giải pháp cụ thể để ứng phó với dịch bệnh, mưa bão như áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch đã được ban hành, chia đội/nhóm nhỏ ra làm việc, ăn ở tập trung tại các lán trại tạm để tăng cường khả năng giãn cách, hạn chế họp trực tiếp...
Mồ hôi đã đổ ròng ròng nhiều tháng nay để chuẩn bị quy trình, lắp đặt thiết bị ngoài công trường đến công tác thương mại, công tác hậu cần, điều động chuyên gia, xin visa, thủ tục cách ly, tối ưu nhân sự, ghép chuyến bay…
Đến ngày hôm nay, có thể nói là BSR đã sẵn sàng bước vào chiến dịch TA4 với niềm tin chiến thắng.