Bộ GD&ĐT tăng cường giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường học tăng cường tổ chức dạy bơi cho học sinh để phòng tai nạn đuối nước
Bài liên quan
Thanh Hóa: Một ngày xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 5 học sinh thương vong
Trao huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho nam sinh cứu sống 3 học sinh bị đuối nước
Hải Dương: Một học sinh lớp 6 bị nạn nguy kịch khi nhảy cao trong giờ thể dục
Tập huấn phòng chống đuối nước cho giáo viên thành phố Hòa Bình
Trong vòng 3 ngày nghỉ lễ dịp giỗ tổ Hùng Vương, tại một số địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm mà nạn đang ở lứa tuổi học sinh.
Cụ thể, gần đây nhất, khoảng 15h ngày 14/4, một nhóm 4 em nhỏ rủ nhau ra bãi biển xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Trong lúc đang tắm và nô đùa, bất ngờ 2 học sinh bị sóng lớn cuốn vào vùng nước xoáy và trôi ra xa bờ. Thấy các bạn bị sóng cuốn trôi, 2 em còn lại hốt hoảng chạy vào khu vực dân cư để kêu cứu nhưng không kịp.
Cũng vào ngày 14/4, 3 học sinh gồm: H.C.H. (7 tuổi) và 2 anh em ruột là N.A.K. (8 tuổi), N.Đ.K. (6 tuổi), đều ngụ tại thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) rủ nhau ra hồ nước câu cá. Vì trời nắng nóng nên các em đã xuống ao cá của nhà H. tắm. Tuy nhiên, do không biết bơi, sau đó 3 em đều đuối nước, tử vong.
Trước đó, vào ngày 12/4, em H.B.T. (13 tuổi), học sinh lớp 7, trường THCS Trần Thế Sinh, xã Thạnh Đức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) rủ bạn học chung trường ra vàm sông Thủ Đoàn, thuộc khu vực ấp 5 tắm. Lúc đó, nước đang lên cao và chảy mạnh, nhưng T. vẫn bơi ra xa. Một lúc sau, khi T. bơi vào thì đuối sức, khi còn cách bờ khoảng 2m thì bị chìm dần.
Phát hiện T. bị chìm, bạn học đi cùng liền chạy lên bờ kêu cứu nhưng không kịp. Đến ngày 13/4, thi thể của T. mới được tìm thấy, cách khu vực em bị đuối nước khoảng 100m.
Ngày 12/4, trước tình hình trên cùng một số vụ đuối nước đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều học sinh thương vong, gây tổn thất nặng nề về tinh thần đối với gia đình và xã hội, Bộ GD-ĐT đã có công văn về việc tăng cường các giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước cho HSSV dịp hè 2019.
Theo đó, để khắc phục, phòng chống, hạn chế các vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc, đảm bảo an toàn tính mạng đối với HSSV, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè năm học 2018 – 2019, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm thực hiện quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về phòng chống tai nạn đuối nước đối với HSSV và cán bộ quản lý.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức của HSSV trong việc tuân thủ các quy định về an toàn khi tham gia các hoạt động trong đời sống hàng ngày; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhà giáo nhân viên trong việc tổ chức hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước đối với HSSV.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các Sở GD-ĐT, các nhà trường, cơ sở giáo dục phổ thông cần chỉ đạo giáo viên tiếp tục duy trì việc hàng ngày dành 3 - 5 phút trong các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo các em trên đường từ nhà tới trường, từ trường về nhà, thời gian được nghỉ học, nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hồ công trình… Khuyến khích các trường học tăng cường tổ chức dạy bơi cho học sinh.
Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kĩ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ hè. Kịp thời có phương án ứng phó với hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, bão, lũ lụt… nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Ngoài ra, đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm cần thường xuyên tổ chức hướng dẫn học sinh, sinh viên kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động thực tế, dã ngoại, tránh những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
Theo đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam. Mỗi năm cả nước có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đáng lưu ý, tử vong do đuối nước ở trẻ em chủ yếu tập trung tại các vùng nông thôn và những nơi có nhiều sông hồ.