Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao
Tỉnh Bình Dương hướng đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương |
Phát triển giáo dục, đào tạo cấp quốc gia
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, trong nhiều năm qua tỉnh Bình Dương luôn chú trọng đến chính sách ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị từ ngân sách để tạo động lực phát triển tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển dụng nguồn nhân lực (Ảnh: Quang Tám) |
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, dân số tỉnh Bình Dương đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp là 40%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%.
Để phát triển hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thời gian tới tỉnh Bình Dương sẽ tập trung xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh cũng như vùng Đông Nam Bộ trên cơ sở khai thác, phát huy các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Bình Dương đề ra phương hướng phát triển cụ thể cho từng bậc giáo dục. Cụ thể, đối với phát triển bậc giáo dục đại học, tỉnh Bình Dương sẽ đẩy mạnh khai thác và phát huy các trường đại học hiện có trên địa bàn tỉnh cùng các trường cao đẳng, trung tâm dạy nghề...
Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng mới 1 khu đại học tập trung tại Bàu Bàng (diện tích khoảng 500ha đáp ứng khoảng 100.000 sinh viên); 2 cụm trường tại TP Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên; đồng thời thu hút từ 3 đến 5 trường đại học phân tán tại khu vực đô thị phía Nam để đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Về phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bình Dương sẽ đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, trình độ, phân bổ theo huyện, thành phố; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề. Đồng thời, tỉnh nâng cấp, đầu tư một số trường cao đẳng theo định hướng thực hiện chức năng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp vùng, quốc gia về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Giáo dục mầm non và phổ thông được tỉnh ưu tiên về quỹ đất trong quỹ đất, ưu tiên phát triển giáo dục các cấp từ mầm non đến phổ thông theo từng giai đoạn, gắn với đặc điểm về dân số và độ tuổi học sinh; thu hút phát triển các trường quốc tế liên cấp, các trung tâm đô thị dịch vụ - giáo dục - công nghiệp hướng tới giáo dục chất lượng cao, bên cạnh đó là tổ chức các hoạt động giáo dục STEM, STEAM, rèn luyện kỹ năng sống trong trường học..
Quả ngọt trong công tác giáo dục và đào tạo
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương nhiều năm qua đã không ngừng nỗ lực để nâng tầm chất lượng giáo dục và đào tạo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhờ đó, tỉnh đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 70 cơ sở GDNN, gồm: 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN với 2.632 nhà giáo, cán bộ quản lý đều đạt chuẩn về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trên địa bàn ngày càng được chú trọng; địa phương luôn gắn kết việc song hành đào tạo gắn với việc làm.
Bình Dương chú trọng chất lượng đào tạo để đáp ứng chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề (Ảnh: Quang Tám) |
Đến nay, tỉnh Bình Dương đang là địa phương thu hút nhiều học sinh, sinh viên, học viên đến với địa phương khi quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề được tăng mạnh qua các năm. Tỷ lệ học sinh, sinh viên sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định ngày càng cao.
Năm 2014, tỉnh Bình Dương có tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 68% đến năm 2023 tăng lên 83%; trong đó, tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ năm 2014 chỉ có 19,5% đến năm 2023 tăng lên 32%.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo ở các cơ sở GDNN được tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng. Chất lượng đào tạo trên địa bàn tỉnh với đội ngũ nhà giáo tăng về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đạt chuẩn theo quy định để giảng dạy.
Nội dung chương trình, phương pháp đào tạo được đổi mới; công tác kiểm định chất lượng được quan tâm, chất lượng GDNN được cải thiện. Cơ chế tài chính được đổi mới theo hướng trao quyền tự chủ về chi thường xuyên đã nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả đầu tư ở các cơ sở GDNN công lập.
Ngoài ra, Bình Dương còn duy trì hợp tác 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Sự hợp tác này đã và đang là sức hút lớn đối với nguồn nhân lực từ các địa phương khác đến học và làm việc tại địa phương.
Việc tỉnh Bình Dương tạo cơ chế, chính sách, cũng như ưu tiên nâng cấp, mở rộng cơ sở GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh liên kết tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng sau quá trình đào tạo đã giúp địa phương đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và các nguồn nhân lực, trong đó không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực qua đào tạo đến tìm kiếm cơ hội, phát triển tại đây.
Kế thừa và phát huy thành quả đó, tỉnh Bình Dương sẽ sớm phát triển thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của khu vực và cả nước.