Bình Dương: Gia hạn khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp, người dân bất an !
Mỏ đá Tân Đông Hiệp đang được xin gia hạn khiến dân bất an.
Mỏ đá Tân Đông Hiệp chưa hoàn chỉnh thủ tục gia hạn nhưng vẫn đang khai thác. |
Chưa được gia hạn cấp phép vẫn tiếp tục khai thác?
Vừa qua, HĐND tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp bất thường thông qua việc điều chỉnh quy hoạch một số mỏ khoáng sản trên địa bàn, trong đó có việc đồng ý kéo dài thời gian khai thác mỏ Tân Đông Hiệp đến hết năm 2019, thay vì phải đóng cửa mỏ vào cuối năm 2017 theo đúng giấy phép.
Theo đó, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp (thuộc phường Tân Đông Hiệp, TX Dĩ An, Bình Dương, tiếp giáp một phần với xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) hiện có 4 đơn vị đang hoạt động khai thác và chế biến đá tại đây, gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB), Công ty Cổ phần Xây dựng Bình Dương, Công ty Cổ phần Trung Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 3-2.
Qua tìm hiểu, cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp bắt đầu hoạt động khai thác từ năm 1996, với tổng diện tích được cấp phép là 44.923,2m2.
Từ khi hoạt động cho đến nay, cụm mỏ đá này đã được gia hạn thời gian và độ sâu khai thác 3 lần.
Cụ thể, lần 1: Gia hạn thời gian khai thác từ năm 2010 đến năm 2013 và độ sâu đến cote - 80m; lần 2: Gia hạn từ năm 2013 đến năm 2015 và độ sâu đến cote - 100m; lần 3: Gia hạn từ năm 2015 đến năm 2017 và độ sâu đến cote - 120m.
Và vừa qua, trước khi giấy phép khai thác hết hạn vào ngày 31/12/2017, các doanh nghiệp này đã có kế hoạch tiếp tục xin gia hạn giấy phép vì trữ lượng đá tồn còn nhiều.
Ngày 12/6/2018, HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc họp bất thường và thông qua tờ trình về điều chỉnh, bổ sung ba nội dung trong quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đồng ý việc kéo dài thời gian khai thác mỏ Tân Đông Hiệp đến hết năm 2019, thay vì làm thủ tục đóng cửa mỏ vào cuối năm 2017.
Tuy nhiên, để khai thác xuống cote – 150m, xuống sâu hơn so với quy chuẩn 30m, HĐND tỉnh Bình Dương đòi hỏi các ban ngành, cơ quan chuyên môn cẩn trọng, lưu ý về thiết kế mỏ, liên tục quan sát chấn động, bảo vệ môi trường trong quá trình mỏ được hoạt động.
Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, KSB chỉ mới được phép hoạt động thăm dò, đánh giá tác động, mọi hoạt động liên quan đến gia hạn giấy phép để tiếp tục khai thác cũng chỉ mới dừng lại ở chấp thuận chủ trương mà chưa có quyết định chính thức từ cơ quan chức năng. Thế nhưng, thời gian gần đây rất nhiều người dân địa phương sống cạnh khu vực mỏ đá Tân Đông Hiệp liên tiếp phản ánh về việc chủ đầu tư vẫn tiến hành hoạt động nổ mìn khai thác đá tại dự án, bất chấp quy định pháp luật. Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.
Dân lo lắng vì sống chung với ô nhiễm
Liên quan đến nội dung phản ánh trên, ngày 08/8, phóng viên có mặt tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp. Tại đây chúng tôi ghi nhận, dưới lòng mỏ, hàng chục máy đào, máy xúc và công nhân vẫn đang hoạt động. Trên khu vực mỏ, nhiều băng chuyền tải và xe chở đá vẫn liên tiếp ra vào không ngừng nghỉ.
Trước thông tin UBND tỉnh Bình Dương có chủ trương gia hạn cho KSB tiếp tục khai thác mỏ đá đến năm 2019, nhiều người dân sống tại khu vực gần mỏ đá (thuộc xã Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai) không khỏi hoang mang. Theo những người dân này, nếu để mỏ đá tiếp tục khai thác thì hậu quả không chỉ là “chảy máu tài nguyên” mà còn gây ra nhiều hệ lụy về sau.
Nhà dân bị nứt được cho là do hoạt động khai thác mỏ đá tân Đông Hiệp. |
Chị N.T.T, một người dân cho biết: “Từ khi mỏ đá đi vào hoạt động, việc nổ mìn, khai thác đá không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh mà còn làm đảo lộn cuộc sống của gia đình chúng tôi. Ngoài việc phải sống chung với ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn thì nguy cơ tai nạn giao thông tại khu vực này cũng luôn rình rập khi mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe tải nối đuôi nhau đi vào khu vực mỏ để vận chuyển đá ra ngoài”.
Đặc biệt, việc nổ mìn để phá đá trong suốt thời gian qua đã gây chấn động mạnh, làm lún nứt nhiều nhà dân xung quanh khu vực mỏ. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì nguy cơ sập đổ nhà có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của nhiều người.
Bên cạnh đó, việc nổ mìn để khai thác đá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái, môi trường sống xung quanh. Nếu tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn thì nguy cơ ô nhiễm lại càng tăng lên, đe dọa trực tiếp sức khỏe và tính mạng của nhiều người dân nơi đây.
Người dân thắc mắc, chủ trương gia hạn thêm giấy phép khai thác là để tiếp tục tận thu hết số lượng đá tồn còn nhiều ở mỏ, hay vì có lý do nào khác? Phải chăng vì lợi ích trước mắt mà tiếp tục hủy hoại môi trường, bỏ qua quyền lợi của người dân, đẩy người dân vào cảnh sống chung với ô nhiễm thêm nhiều năm nữa?
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Bình Dương cần xem xét thấu đáo trước khi có quyết định chính thức cho việc cấp phép gia hạn tại mỏ đá Tân Đông Hiệp.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.