Bé gái 5 tháng phải cắt bỏ một bên buồng trứng
Đó là trường hợp bé gái Đ.M.A (5 tháng tuổi, Hà Nội), gia đình bệnh nhi cho biết, cách 2 ngày gia đình tình cờ phát hiện một bên mu bẹn trái to hơn hẳn bên phải, sờ vào thấy khối cứng và đau, em bé quấy khóc nhiều nên đã đưa bé tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để kiểm tra.
Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán thoát vị bẹn nghẹt. Bé nhanh chóng được phẫu thuật cấp cứu. Đáng tiếc, do bệnh nhi nhập viện muộn dẫn tới hoại tử buồng trứng nên phải cắt bỏ một bên buồng trứng.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ khám sàng lọc thoát vị bẹn sớm để phòng ngừa các biến chứng dẫn đến phải cắt bỏ ruột hay buồng trứng. |
PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đây không phải trường hợp đầu tiên phải cắt bỏ buồng trứng, hay cắt ruột do thoát vị bẹn nghẹt. Thực tế, các bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp thoát bị bẹn nghẹt đến muộn, sau phẫu thuật khả năng phục hồi chậm hơn do tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc.
Trường hợp bé Đ.M.A sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh sản của cháu trong tương lai. Do vậy PGS Việt Hoa khuyến cáo cần phải khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm phòng ngừa các biến chứng.
Cũng theo chuyên gia Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, thoát vị bẹn là bệnh lý bẩm sinh rất hay gặp ở trẻ đặc biệt trẻ trai. Ở trẻ gái hiếm gặp hơn và thường khó phát hiện thấy vì không có triệu chứng điển hình, thông thường sẽ thấy một bên mu hoặc môi lớn phồng to khi trẻ khóc, rặn, sờ vào có thể nhỏ lại hoặc không, trẻ có thể đau hoặc không đau.
Ở trẻ gái thường trong bao thoát vị sẽ có buồng trứng, ở trẻ trai thường là có ruột xuống. Bệnh thoát vị bẹn có biến chứng thoát vị nghẹt, nếu đến muộn các tạng trong bao thoát vị có thể bị nghẹt hoại tử như ruột, buồng trứng dẫn đến phải cắt bỏ.