Bảo Việt Quảng Bình có làm tròn trách nhiệm với ngư dân?
Bà Diên – mẹ anh Cường chủ tàu cá QB 93192 gào khóc trước cửa Công ty.
Bài liên quan
Tập huấn nâng cao kỹ năng ứng xử cho cán bộ ngành bảo hiểm Thủ đô
Bảo hiểm xã hội Việt Nam lên tiếng vụ 4 cựu cán bộ của đơn vị bị bắt giam
Năm 2019, tiếp tục hỗ trợ hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh
Khẩn trưởng xác minh việc tàu cá bị đâm chìm trên biển Vũng Tàu
Ngư dân kéo vào trụ sở của Công ty Bảo Việt Quảng Bình để đòi quyền lợi |
Vừa qua, khi chủ tàu cá QB 93912 TS là ông Phạm Ngọc Cường, cùng gia đình và hàng chục ngư dân khác ở xã Cảnh Dương đã kéo đến trụ sở Công ty Bảo Việt Quảng Bình (tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới). Tại đây, các ngư dân đã mang băng rôn, tờ rơi lao vào trụ sở; sau đó kéo lên tầng 2 để yêu cầu gặp giám đốc Công ty Bảo Hiểm Quảng Bình để làm việc.
Họ liên tục hô to và dán các tờ giấy ghi “Bảo Hiểm Bảo Việt lừa đảo”, “Bảo Hiểm Bảo Việt hãy đền bù cho tàu cá QB 93192” vào vị trí làm việc của các nhân viên và nhiều vị trí khác khắp trụ sở Công ty này.
Lúc này các nhân viên và lãnh đạo Công ty Bảo Việt Quảng Bình đã tránh mặt; nhiều phòng ban khóa trái cửa. Các ngư dân tiếp tục kéo đi khắp trụ sở để tìm lảnh đạo Công ty này.
Khoảng 30 phút sau, lực lượng Cảnh sát 113 Công an Quảng Bình đã có mặt để ổn định trật tự và trấn an bà con ngư dân để tìm phương án giải quyết. Lúc sau, Giám đốc Công ty này đã ra làm việc với đại diện gia đình chủ tàu cá và các ngư dân.
Ông Phạm Ngọc Cường bức xúc cho biết: “Bảo hiểm Bảo Việt lừa đảo ngư dân. Gia đình tôi đã tin tưởng và mua bảo hiểm Bảo Việt năm, sáu năm nay rồi. Chúng tôi mua bảo hiểm số tiền hàng trăm triệu đồng, năm nào chúng tôi cũng đóng đầy đủ. Vậy mà tàu chúng tôi chìm đến nay đã 11 tháng, Bảo hiểm Bảo Việt năm lần, bảy lượt hứa hẹn rồi phủi trách nhiệm với chúng tôi, rõ ràng họ ăn trên xương máu của ngư dân chúng tôi”.
Bà Diên, mẹ ông Phạm Ngọc Cường cũng khóc không nên lời khi đòi quyền lợi tại trụ sở Công ty Bảo Việt Quảng Bình: “Gần một năm ròng không có tàu để đi đánh bắt, không công ăn việc làm, tiền vay ngân hàng thì hàng tháng không biết xoay cở đâu phải đi vay mượn khắp nơi. Khi bán bảo hiểm thì họ (nhân viên bán bảo hiểm) ngon ngọt lắm, vậy mà khi xảy ra sự cố thì họ trốn tránh trách nhiệm không chịu đền bù cho chúng tôi như hợp đồng đã ký, Bảo hiểm Bảo Việt lừa đảo”.
Bà Diên – mẹ anh Cường chủ tàu cá QB 93192 gào khóc trước cửa Công ty. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, tàu cá QB 93192 TS trước đó do ông Phạm Ngọc Hoàng làm chủ tàu có ký hợp đồng bảo hiểm tàu cá số QBI.D.06.TC.17.HD.199 E92 với Công ty Bảo Việt Quảng Bình. Hợp đồng này có giá trị thực tế và giá trị thân tàu tham gia Bảo Hiểm là 3 tỷ đồng, phí bảo hiểm thân tàu cá là 90 triệu đồng. Thời hạn hợp đồng bảo hiểm 1 năm, từ ngày 22/6/2017 đến 22/6/2018. Thời hạn thanh toán bảo hiểm được chia thành hai kỳ. Kỳ 1 thanh toán 50% phí bảo hiểm thân tàu với số tiền 45 triệu đồng, kỳ 2 thanh toán 50% phí bảo hiểm thân tàu còn lại sau 6 tháng (chậm nhất không quá 180 ngày) kể từ ngày có hiệu lực bảo hiểm với số tiền 45 triệu đồng.
Ngày 5/9/2017, ông Phạm Ngọc Cường mua lại tàu cá QB 93192 TS của ông Phạm Ngọc Hoàng (có hợp đồng chuyển nhượng và được UBND xã Cảnh Dương xác nhận). Ngày 18/9/2017, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá QB 93192 TS cho chủ tàu là ông Phạm Ngọc Cường.
Đến ngày 20/9/2017, Công ty Bảo Việt Quảng Bình đã cấp Giấy Chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 363 cho tàu cá QB 93192 TS do ông Phạm Ngọc Cường làm chủ tàu với số tiền bảo hiểm là 3 tỷ đồng và phí bảo hiểm là 90 triệu đồng. Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá này do ông Trần Nguyễn Trường Sơn – Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Quảng Bình ký.
Khoảng 9h00 ngày 8/01/2018, tàu cá QB 93192 TS bị tàu hàng Hùng Khánh 86 ở Hải Phòng đâm chìm hoàn toàn. Sau khi xảy ra sự việc, ông Phạm Ngọc Cường đã báo cho hai cán bộ khai thác bảo hiểm là ông Hường và ông Hiệp thuộc Công ty Bảo Việt Quảng Bình.
Sau đó nhiều lần ông Cường đã đến gặp lãnh đạo Công ty Bảo Việt Quảng Bình để yêu cầu được hướng dẫn làm thủ tục bồi thường thiệt hại cho tàu cá QB 93192 TS của ông bị đâm chìm. Tuy nhiên phía Công ty Bảo Việt Quảng Bình đã từ chối bồi thường tổn thất cho tàu cá trên.
Lý do đưa ra để Công ty Bảo Việt Quảng Bình từ chối bồi thường thiệt hại cho tàu cá QB 93192 TS của ông Phạm Ngọc Cường là do phía ông Cường không thực hiện thanh toán phí bảo hiểm kỳ 2 của hợp đồng bảo hiểm đã ký nên hợp đồng đã chấm dứt hiệu lực từ ngày 22/12/2017.
Tuy nhiên, theo ông Cường thì trong thời gian trước khi tàu của ông bị nạn thì ông không hề nhận được thông báo đóng tiền bảo hiểm kỳ hai và thông báo chấm dứt hợp đồng của phía công ty Bảo hiểm để đi thanh toán. Nguyên nhân được Công ty Bảo hiểm lý giải là gửi nhầm địa chỉ.
Tàu cá QB 93192 TS bị đâm chìm cách đây gần 1 năm. |
Đến ngày 17/01/2018, gia đình ông Cường vào Công ty Bảo Việt Quảng Bình để làm việc thì mới nhận được thông báo nộp tiền bảo hiểm kỳ 2 số 528 và thông báo chấm dứt hiệu lực hợp đồng tàu cá số 532. Tuy nhiên, điều lạ lùng là cả 2 thông báo này đều được ký cùng ngày 11/12/2017, trong khi hiệu lực kỳ 1 trong hợp đồng bảo hiểm có giá trị đến 22/12/2017.
Gia đình ông Cường cho rằng Công ty Bảo Việt Quảng Bình vừa ra thông báo đóng tiền bảo hiểm kỳ 2 vừa ra thông báo chấp dứt hiệu lực hợp đồng bảo hiểm để không cho ông Cường kịp trở tay và đây là một “tiểu xảo” của Công ty Bảo Việt Quảng Bình để bẫy người dân ít hiểu biết?.
Trao đổi với ông Võ Tiến Dũng – Giám đốc Công ty Bảo Việt Quảng Bình, ông Dũng cho biết: “Tôi vừa mới vào phụ trách. Tôi cũng đã nắm bắt và báo cáo tổng công ty. Khi nào có ý kiến của tổng công ty thì tôi sẽ trả lời cho chủ tàu. Tổng công ty trước đây cũng đã có hai văn bản trả lời rồi, trong đó đã báo cáo với cục giám sát bảo hiểm. Cục này đã trả lời cho chủ tàu. Nếu Chủ tàu không đồng tình ý kiến của Bảo Việt thì có thể khởi kiện ra tòa. Khi đó, tòa phán như thế nào thì các bên phải chịu thôi”.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.