Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ
Khai mạc Hội thi “Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam” 300 nghệ nhân tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử TP Hồ Chí Minh TP HCM kiến nghị cải thiện chính sách đối với hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử |
Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp báo thông tin về cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - năm 2022”.
Ban Tổ chức tại buổi họp báo công bố cuộc thi |
Cuộc thi được tổ chức nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và nghệ thuật Sân khấu cải lương, một giá trị văn hóa lớn, đặc trưng của vùng đất phương Nam. Đây còn là một trong những hoạt động trọng tâm thực hiện “Đề án tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030”.
Kế thừa thành quả đã đạt được của “Giải thưởng Trần Hữu Trang” do Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức (từ năm 1991 đến năm 2014) và cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - năm 2020” đã phát triển hoạt động này theo định hướng nâng tầm quốc gia, mở rộng quy mô tổ chức ra toàn quốc nhằm góp phần phát triển lĩnh vực nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật cải lương nói riêng, tạo sự lan tỏa, gắn kết hoạt động sân khấu cải lương trên khắp mọi miền đất nước. Từ đó, một lần nữa khẳng định sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương vẫn luôn đồng hành với nhịp sống thời đại.
Năm nay, cuộc thi được triển khai tổ chức thành 2 vòng trên phạm vi toàn quốc. Đối với các thí sinh từ Đà Nẵng trở vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ sẽ dự thi tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang từ ngày 9/9 đến ngày 12/9 tại TP Hồ Chí Minh. Các thí sinh khu vực phía Bắc (từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở ra các tỉnh phía Bắc) sẽ dự thi vòng sơ tuyển tại Nhà hát Cải lương Việt Nam từ ngày 14/9 đến 15/9. Riêng tại khu vực Tây Nam Bộ, các thí sinh sẽ dự thi vòng sơ khảo tại Nhà hát Tây Đô, TP Cần Thơ từ ngày 17 đến 20/9.
Theo Ban Tổ chức, vòng chung kết dự kiến diễn ra từ ngày 14/10 đến 18/10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP Hồ Chí Minh. Chương trình công bố, trao giải thưởng diễn ra vào ngày 22/10 tại Nhà hát Thành phố.
Thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - năm 2022” là những nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật sân khấu cải lương trên phạm vi toàn quốc tại các đơn vị nghệ thuật công lập và các nghệ sĩ ngoài công lập. Ban Tổ chức miễn tham gia vòng thi sơ tuyển đối với thí sinh đã đạt Huy chương Vàng của Giải thưởng Trần Hữu Trang những năm trước và Huy chương Bạc tại Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2020”.
Một tiết mục Đờn ca tài tử tại buổi họp báo |
Theo Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo vòng sơ tuyển (tại 3 khu vực) có số lượng 5 thành viên là các nghệ sĩ, chuyên gia, giảng viên, hoạt động nghệ thuật lâu năm, có chuyên môn cao, uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu cải lương do Ban Tổ chức ra quyết định thành lập. Ban Tổ chức sẽ trao tổng số giải thưởng là 30 huy chương, trong đó có 10 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc gồm các thể loại vai: Kép mùi, Đào mùi; Kép độc, Đào lẳng; Kép lão, Đào mụ; Kép hài, Đào hài.
Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - năm 2022” ngoài mục đích tìm kiếm các tài năng, tăng cường cho lực lượng nghệ sĩ kế thừa, còn tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho các nghệ sĩ, khơi gợi ý thức tự rèn luyện, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả; Đồng thời, tôn vinh và ghi nhận lòng yêu nghề, sức sáng tạo của nghệ sĩ, khuyến khích sự phấn đấu đối với các nghệ sĩ trong sáng tạo, biểu diễn.
Thành tích của các nghệ sĩ, diễn viên đạt được từ cuộc thi sẽ được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chứng nhận, là cơ sở đề xuất xem xét, bổ sung thành tích nghệ thuật của cá nhân trong các đợt xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” do Nhà nước phong tặng.
Đối với các đơn vị nghệ thuật, cuộc thi sẽ là động lực, làm cơ sở góp phần định hướng về tiêu chí nghệ thuật, giúp nghệ sĩ, diễn viên gắn bó lâu dài với các đơn vị. Từ đó, xây dựng lực lượng kế thừa có đầy đủ năng lực, góp phần phát huy mạnh mẽ nghệ thuật sân khấu cải lương gắn kết phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ Nhân dân.