Bảo tồn giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội
Chuyện những người nước ngoài “phải lòng” phố cổ Chiêm ngưỡng “Sắc màu di sản” qua lăng kính trang phục Phố cổ Hà Nội kỷ niệm 20 năm là Di tích Quốc gia |
Dấu ấn lịch sử, văn hóa của Thủ đô
Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của thành phố, với diện tích 5,34 km2, quận Hoàn Kiếm là quận có mật độ di sản văn hóa cao của Thủ đô với 190 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có Khu Phố cổ Hà Nội. Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, Khu Phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, là yếu tố quan trọng để nhận diện bản sắc văn hóa đô thị của Thủ đô.
Các giá trị này không chỉ là những di tích, ngôi nhà cổ với những đặc thù về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc mà còn là những giá trị văn hóa thông qua những nét sinh hoạt thường nhật, những hoạt động ẩm thực, lễ hội...
Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã đạt được một số kết quả nhất định. Các giá trị di sản vật thể luôn được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; các giá trị di sản phi vật thể được phục hồi và phát huy (khôi phục 14 lễ hội, gồm 7 lễ hội cấp quận và 7 lễ hội cấp phường).
Phố cổ Hà Nội gợi nên rất nhiều cảm xúc |
Các lễ hội được khôi phục gắn với các ngày lễ lớn như: Lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Đình Yên Thái, Đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ...; Đã có trên 1000 cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu tác phẩm nghệ thuật, trình diễn nghề truyền thống, biểu diễn âm nhạc truyền thống, hội thảo, tọa đàm và các hoạt động trải nghiệm, tương tác được tổ chức.
Năm 2004 là một cột mốc đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo khu Phố cổ Hà Nội: Bộ Văn hóa Thông tin Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu Phố cổ Hà Nội. Đồng thời cũng trong năm 2004, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức không gian đi bộ đầu tiên kết hợp với phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch ở Hà Nội trên tuyến phố Hàng Đào - Đồng Xuân.
Qua 20 năm triển khai xây dựng không gian đi bộ trên địa bàn quận, hoạt động của không gian đi bộ đã tạo ra một sản phẩm du lịch mới của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo ra không gian văn hóa giá trị mới cho Nhân dân Thủ đô, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên tuyến phố về bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, dịch vụ, du lịch trong Khu phố cổ.
Diễu hành tại Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Ảnh minh họa) |
Lần lượt các năm 2014, 2016, quận Hoàn Kiếm có thêm không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Năm 2020, việc mở rộng không gian đi bộ từ khu vực phía nam Phố cổ kết nối khu vực phía Bắc hồ Hoàn Kiếm nhằm tạo sự kết nối giữa 2 không gian đi bộ đã đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoại, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực.
Các không gian đi bộ ở Hoàn Kiếm ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả: đã tổ chức 9.345 buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại, trong đó có 2.461 buổi biểu diễn tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và 6.884 buổi biểu diễn tại tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội.
Hoạt động của các tuyến phố đi bộ trên địa bàn quận đã tạo ra sản phẩm du lịch mới của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh doanh dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo ra không gian văn hóa cho nhân dân Thủ đô. Điều đó khẳng định chủ trương mở tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và các không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội của Quận ủy - UBND quận Hoàn Kiếm là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển.
Các hoạt động đa dạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia và 20 năm hoạt động không gian đi bộ là dịp để quận Hoàn Kiếm điểm lại những dự án, những hoạt động đã triển khai.
Đồng thời, quận Hoàn Kiếm tiếp tục đưa ra những định hướng, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội cũng như tổ chức hiệu quả các không gian đi bộ, không gian công cộng theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và đặc biệt là thực hiện Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Dịp này, quận Hoàn Kiếm mong muốn sẽ đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đời sống tinh thần và vật chất của người dân; tiếp tục nhận được sự ủng hộ, chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong nước, quốc tế, đặc biệt từ người dân trong việc gìn giữ, duy trì và phát huy giá trị của khu Phố cổ Hà Nội.
Trình diễn áo dài tại Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm |
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, quận Hoàn Kiếm tổ chức trưng bày giới thiệu một số hình ảnh, dự án, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Khu Phố cổ Hà Nội và hoạt động của không gian đi bộ trên địa bàn quận tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm. Thời gian từ ngày 1/12/2024 đến ngày 15/12/2024.
Ngoài ra, quận tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc truyền thống, triển lãm, trải nghiệm giới thiệu làng nghề - Phố nghề… tại Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ ngày 29/11 đến ngày 1/12/2024 và tại các địa điểm: Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội số 50 phố Đào Duy Từ, ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân số 42 - 44 phố Hàng Bạc từ ngày 29/11 đến ngày 15/12/2024.