Bảo hiểm y tế phải được thanh toán cho khám chữa bệnh từ xa
Nhiều quy định mới có lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế |
Chiều 24/10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Tại đoàn Hà Nội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện đánh giá, dự thảo luật lần này mới sửa đổi một số điều, chưa được toàn diện.
Theo đại biểu Hà, về phạm vi được hưởng của người tham gia theo dự thảo luật là phù hợp, nhưng Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định các hình thức khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình.
Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì thảo luận tổ |
“Tôi đề nghị bảo hiểm y tế cũng phải được thanh toán cho việc khám chữa bệnh từ xa, theo nguyên lý y học gia đình. Đây là hình thức khám chữa bệnh mới, phù hợp với thực tiễn”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu quan điểm.
Về việc vận chuyển người bệnh, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc vận chuyển cấp cứu khi tai nạn, nhồi máu cơ tim... phải rất sớm, cần phải được thanh toán bảo hiểm y tế.
Hiện nay nội dung vận chuyển cấp cứu người bệnh chỉ được thanh toán với một số đối tượng. Như vậy, tất cả bệnh nhân bị cấp cứu mà có bảo hiểm y tế phải thanh toán, trường hợp nào cấp cứu thì do bác sĩ chỉ định.
Theo bà Hà, dự thảo luật mới đề cập đến phạm vi hưởng bảo hiểm y tế trong lĩnh vực khám chữa bệnh mà chưa quan tâm đến những lĩnh vực, dịch vụ khám sàng lọc, phát hiện sớm như một dịch vụ dự phòng.
"Việc sàng lọc phát hiện một số bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư rất quan trọng. Đây là những bệnh nếu phát hiện sớm sẽ giảm chi phí điều trị, giảm ngân sách Nhà nước, giảm bệnh tật cho người dân, bảo hiểm y tế cần chi trả", Phó trưởng Ban Dân nguyện chia sẻ.
Về cấp khám chữa bệnh, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh có 3 cấp, nhưng dự thảo luật vẫn mang nặng chuyển tuyến.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó trưởng Ban Dân nguyện góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế |
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, từ ngày 1/1/2025 sẽ có 3 tuyến khám chữa bệnh, nhưng nội dung này trong dự thảo luật tương đối mờ nhạt, chưa tích hợp được với Luật Khám bệnh, chữa bệnh nên phải có giải pháp để người dân biết mình sẽ khám bệnh, chữa bệnh ở cơ sở nào, tạo trật tự khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ sở biết mình đang ở cấp nào để phục vụ người dân.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, hơn 15 năm nay, từ khi có Luật Bảo hiểm y tế đã làm được rất nhiều việc. Trong đó, tác dụng to lớn trong khám chữa bệnh cho Nhân dân, nhất là với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Ông Nguyễn Anh Trí nhắc lại chuyện có bệnh nhân chia sẻ sau khi phát hiện bệnh, nhẩm tính chi phí điều trị thì “căn nhà 5 tầng rung rinh”, nhưng nhờ có bảo hiểm y tế mà Nhân dân nói chung, nhất là bệnh nhân nghèo mới chữa bệnh được.
Bên cạnh đó, người dân thấy được phải có bảo hiểm y tế mới yên tâm, mặc dù trước kia, vẫn còn nhiều người trốn, không mua bảo hiểm y tế.
Ngoài điểm tích cực, ông Nguyễn Anh Trí cho biết, sau 15 năm thì hiện tại Luật Bảo hiểm y tế đã có nhiều bất cập cần sửa đổi. Đó là nguy cơ vỡ Quỹ bảo hiểm y tế nếu vận hành như cách của luật cũ.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, vấn đề chuyển tuyến cũng đang là bất cập, dù đã có nhiều thay đổi, trong khi quyền, sự chủ động của người có thẻ bảo hiểm y tế chưa được hình thành rõ.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, không nên coi việc khám chữa bệnh theo tuyến bảo hiểm là biện pháp chống quá tải cho hệ thống y tế, mà phải tổ chức lại hệ thống y tế làm sao người dân có thể đến nơi khám, chữa bệnh nhanh nhất, đầy đủ nhất, có thầy giỏi, thuốc tốt; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong thụ hưởng bảo hiểm y tế.