Báo động đỏ liên viện với 5 ê-kíp phẫu thuật cứu sống bệnh nhân có vết thương thấu bụng
Vào lúc 14h40 ngày 16/12, BVĐKTƯ Cần Thơ tiếp nhận báo động đỏ liên viện từ bệnh viện địa phương An Giang, nam bệnh nhân Hồ Minh K (55 tuổi, địa chỉ quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) bị đâm vào vùng hông lưng trái.
Sau 5 phút nhập viện, bệnh nhân với vết thương nặng được chuyển thẳng lên phòng phẫu thuật |
Bệnh nhân nhập viện địa phương tại An Giang với tình trạng lơ mơ, mạch bằng 0, huyết áp không đo được. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, truyền máu, phẫu thuật. Vì không thể khống chế tình trạng chảy máu nên các phẫu thuật viên đã xử lý gạc chèn ép cầm máu tạm thời và liên hệ khẩn cấp chuyển đến BVĐKTƯ Cần Thơ.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Giám đốc bệnh viện đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và huy động 5 ê-kíp với 15 bác sĩ sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân. Do có thông tin từ tuyến trước nên bệnh viện đã chuẩn bị phòng phẫu thuật, máu và các chế phẩm máu …
Khoảng 15h30, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu BVĐKTƯ Cần Thơ với tình trạng nguy kịch, hôn mê, da xanh, niêm nhợt, bụng chướng căng, mạch nhanh, huyết áp khó đo mặc dù đang sử dụng thuốc vận mạch liều cao.
Các bác sĩ vừa hồi sức tích cực, đồng thời tiến hành hội chẩn nhanh, thống nhất phướng án xử lý và bỏ qua các thủ tục hành chính. Sau 5 phút nhập viện, bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng phẫu thuật.
Các ê-kíp đang phẫu thuật cho bệnh nhân có vết thương thấu bụng |
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu do vết thương phức tạp hông lưng trái thấu bụng. 5 ê-kíp mổ được huy động gồm 15 bác sĩ của các chuyên khoa: Ngoại Tổng hợp, Ngoại Thận - Tiết niệu, Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Chấn Thương chỉnh hình, Ngoại Thần kinh.
Do có chuẩn bị sẵn máu và các chế phẩm nên bệnh nhân được hồi sức tích cực vừa bơm máu vừa phẫu thuật. Các bác sĩ trình tự tiến hành thám sát ổ bụng có nhiều máu loãng, máu cục, có một gạc lớn đắp dưới vết mổ và 9 gạc nhỏ chặn trước và sau vết thương hông lưng trái, máu tụ sau phúc mạc, đại tràng có 2 tổn thương rách thanh mạc cơ, không thấy tổn thương mạch máu lớn.
Sau đó, bệnh nhân được nghiêng phải để kiểm tra vết thương hông lưng trái. Vùng lưng có 2 vết thương, thám sát thấy đứt hoàn toàn các cơ, đứt mấu ngang L2-3 bên trái, tổn thương các mạch máu quanh thân sống vùng lưng L2-3, máu chảy thành tia do mạch máu quanh thân sống dù nhỏ nhưng gần động mạch chủ áp lực cao nên gây chảy máu nhiều và nhanh khi bị tổn thương.
Các bác sĩ đã cầm máu mạch máu quanh thân sống, kiểm tra cầm máu tốt, rửa vết thương và khâu các cơ cạnh sống, khâu lại bao cơ cầm máu, khâu da kín vết thương hông lưng và băng ép.
Sau hơn một giờ phẫu thuật, tình trạng chảy máu cơ bản được kiểm soát, sinh tồn bệnh nhân ổn định hơn. Tiếp đó, các bác sĩ xử lý tổn thương rách thanh mạc cơ và tổn thương niệu quản…
Quá trình cấp cứu và phẫu thuật cả từ tuyến trước đã truyền 29 đơn vị máu, chế phẩm máu (14 đơn vị hồng cầu, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 4 đơn vị tủa lạnh, 7 đơn vị khối tiểu cầu). Đến 20h30 cùng ngày, ca mổ kéo dài 5 giờ đã thành công với sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng của tất cả các chuyên khoa.
Bệnh nhân Hồ Minh K đã tỉnh táo, ổn định sau phẫu thuật |
Sau mổ, bệnh nhân được hồi sức nội khoa tích cực tại khu hậu phẫu khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Sáng 18/12, bệnh nhân đã rút được ống thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, niêm mạc hồng, sinh tồn ổn định, vết mổ khô.
BSCKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn BVĐKTƯ Cần Thơ cho biết: Bệnh nhân được cứu sống nhờ xử trí cấp cứu ban đầu tốt, báo động đỏ liên viện, chuyển viện an toàn của bệnh viện tuyến trước; Sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, trình độ chuyên môn của tập thể nhân viên y tế bệnh viện và sự cung cấp nhanh chóng máu, chế phẩm máu số lượng lớn của Bệnh viện Huyết học và Truyền máu thành phố Cần Thơ. Điều này cho thấy hiệu quả triển khai của quy trình báo động đỏ liên viện.
Báo động đỏ liên viện là quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các bệnh viện nhằm cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch cần sự phối hợp can thiệp của nhiều bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau; Huy động nhiều nguồn lực trong thời gian ngắn nhất để cấp cứu có hiệu quả. Khi quy trình báo động đỏ được khởi động, các thủ tục được đơn giản hóa, nhân viên y tế sẽ có cơ hội tiếp cận bệnh nhân trong vài phút.
Việc triển khai quy trình báo động đỏ tại BVĐKTƯ Cần Thơ đã giúp hồi sinh nhiều bệnh nhân nguy kịch.