Người trẻ là đối tượng rất năng động, có thể tiếp thu nhanh chóng kiến thức, kỹ năng, những cái mới, xu hướng của xã hội, thế giới nhưng cũng rất dễ bị tổn thương khi chưa đủ kỹ năng bước vào môi trường mạng. Làm thế nào để ứng xử văn minh trên không gian mạng, chứ không chỉ ở ngoài đời thực, cũng là câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ Thủ đô đã và đang đặt ra trong cuộc sống “số” ngày nay, để góp phần xây dựng, phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hiểu biết quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân
Thượng tá, Nhà báo, Chuyên gia Tội phạm học, TS Đào Trung Hiếu, nhận định, mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần xác định rõ trách nhiệm của mình trước mọi phát ngôn. Đồng thời, việc siết chặt kỷ luật phát ngôn trên không gian mạng là cần thiết. Người dân nên chủ động tìm hiểu và nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về ứng xử trên không gian mạng, để tự mình kiểm soát phát ngôn, không làm những việc pháp luật cấm và biết cách để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại.
Mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội cần xác định rõ trách nhiệm của mình trước mọi phát ngôn, lường trước hậu quả pháp lý có thể phải gánh chịu, để điều chỉnh hành vi phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo ông Hiếu, hiện nay, trước những diễn biến phức tạp trên mạng xã hội, các đơn vị chức năng cần theo dõi chặt các hoạt động, phán đoán nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra với trật tự pháp luật, uy tín danh dự của cơ quan, tổ chức và cá nhân, để có những phản ứng kịp thời, ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra, xử lý nghiêm sai phạm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Đặt mình vào vị trí của người bị công kích
Thạc sĩ Bùi Vĩnh Nghi - Chuyên gia xã hội học, cho rằng: Mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người, là nơi giúp chúng ta kết nối với nhau, học tập giao lưu, chia sẻ. Tuy nhiên, ở đó chúng ta cũng dễ dàng bị công kích nếu như lựa chọn cách ứng xử không tốt.
Theo chuyên gia, đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về mặt tâm lý của giới trẻ và tất cả người sử dụng mạng xã hội. Ví dụ như khi các bạn không chọn lọc, chưa kiểm chứng thông tin mà vội vàng, hấp tấp, tấn công một ai đó hoặc để lại lời tương tác không hay, thì chính bản thân bị ảnh hưởng đến uy tín, sự giao tiếp về mặt xã hội, sự tin tưởng của mọi người dành cho và cũng không phát triển tốt được.
Còn những người bị tấn công, công kích bởi mạng xã hội, có những trường hợp dễ dàng cảm thấy bị tổn thương, thu mình lại, không muốn tiếp xúc với xã hội, có trường hợp tự làm đau bản thân, để họ sao nhãng đi những áp lực, tổn thương do mạng xã hội mang đến. Đó là những hệ lụy nếu như chúng ta cư xử không đúng, không tích cực.
“Vì thế, khi chúng ta quyết định để lại một bình luận (comment) nào đó hãy nhớ đặt mình vào vị trí của người tiếp nhận những lời bình luận ấy, để mình cảm nhận họ có buồn hay không, họ có bị tổn thương, bị tấn công hay không. Khi chúng ta hiểu như thế, thì sẽ lựa chọn những ngôn từ tích cực hơn, mang tính chất góp ý mà không phải là tấn công người khác”, Thạc sĩ Bùi Vĩnh Nghi cho hay.
Tuân thủ, lành mạnh, an toàn, trách nhiệm
Thạc sĩ, giảng viên Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng, chúng ta cần thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành, để hạn chế tiêu cực của mạng xã hội tác động đến người dùng, hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội.
Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội đã triển khai cuộc vận động Ứng xử văn minh trên không gian mạng, giai đoạn 2023 - 2030. Kế hoạch đặt ra 4 quy tắc ứng xử văn minh trên không gian mạng cho thanh thiếu niên bao gồm: Tuân thủ, lành mạnh, an toàn, trách nhiệm.
Ngoài những quy định không được vi phạm, anh Hùng cho rằng, thanh thiếu niên cần có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; lan tỏa, chia sẻ thông tin tích cực, câu chuyện, thông điệp, hình ảnh tốt đẹp, góp phần xây dựng văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội ngay từ trên không gian mạng.
Thanh thiếu niên cần có trách nhiệm khi đăng tải, chia sẻ, lan tỏa các nội dung, thông tin trên trang cá nhân hoặc trên các nhóm, diễn đàn; chỉ chia sẻ, đăng tải nếu thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; tham gia đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thông tin sai sự thật. Đồng thời, các bạn trẻ cần tìm hiểu, trau dồi, bổ sung kiến thức văn hóa, pháp luật, rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ mình khi online.
Lan toả thông tin, hình ảnh đẹp
Chị Nguyễn Phương Hoa (thanh niên quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, những người tham gia mạng xã hội nên lan tỏa thông tin, hình ảnh tốt đẹp về các hoạt động xã hội, tình nguyện vì cộng đồng, phê phán những cái xấu, biểu hiện lệch lạc, hướng tới thông điệp nhân văn; thể hiện sự tôn trọng cộng đồng trong giao tiếp, ứng xử trên môi trường mạng.
Chúng ta nên sử dụng ngôn ngữ đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không sử dụng ngôn ngữ lai căng, tục tĩu, cá biệt và mang xu hướng bạo lực; chỉ đăng, phát thông tin rõ nguồn gốc, thông tin đã được kiểm chứng, thông tin không vi phạm pháp luật.
Mỗi người hãy sử dụng chính danh khi tham gia môi trường mạng. Hành vi mạo danh cá nhân, tổ chức để lập các tài khoản, đăng phát, chia sẻ, truyền đưa thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ, hạ uy tín người khác và trục lợi là vi phạm pháp luật. Người sử dụng thông tin trên môi trường mạng có trách nhiệm tìm hiểu, trau dồi, bổ sung kiến thức văn hóa, pháp luật, rèn luyện kỹ năng tực bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
Chúng ta tự bảo vệ mật khẩu cá nhân, tuyệt đối không chia sẻ cho người khác; quản lý, kiểm soát chặt chẽ danh sách bạn bè; thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi kết bạn hoặc tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội; hủy kết bạn, hủy tham gia nhóm khi cảm thấy thông tin của người, nhóm đó không phù hợp với lợi ích cộng đồng.
“Like” và “share” có trách nhiệm
Anh Nguyễn Văn Anh (thanh niên quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, người dùng mạng xã hội không nên vào hùa theo đám đông để nhấn nút thích (like), chia sẻ (share), nhận xét, phê bình trước một thông tin, sự kiện khi chưa hiểu rõ về vụ việc đó, hoặc không có căn cứ để khẳng định sự kiện đó là có thật; không cổ súy, tiếp tay cho các trào lưu lệch lạc, thiếu văn hóa, gây phản cảm, bị xã hội lên án như trào lưu “bóc phốt”, tung clip nhạy cảm, đủ like là làm.
Chúng ta không đưa thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây kích động bạo lực, phân biệt dân tộc, vùng miền, giới tính, tôn giáo, hình ảnh trái thuần phong mỹ tục Việt Nam thông tin vi phạm pháp luật…
Để phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội, cùng với quá trình "chống", chúng ta phải tích cực "xây"; cần định hướng, khuyến khích những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật trên mạng, những người có tầm ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ hiện nay sản xuất, sáng tạo lan tỏa những nội dung có giá trị, phù hợp với văn hóa Việt, góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, biến những nội dung sạch thành dòng chủ lưu trên không gian mạng.
Tận dụng mạng xã hội để giáo dục người trẻ
Theo chị Chu Hồng Minh, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành uỷ viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội: Đoàn Thanh niên thành phố sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động: Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới giai đoạn 2023 - 2027, Tuổi trẻ Thủ đô ứng xử văn minh trên không gian mạng, Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp; tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, nhân rộng và phát huy các gương điển hình thanh thiếu nhi tiêu biểu ở các lĩnh vực.
Đoàn Thanh niên thành phố xây dựng hệ thống kênh truyền thông số của trên mạng xã hội trên các nền tảng Facebook, Tiktok, Youtube...; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa ưu thế của các công cụ, phương tiện truyền thông hiện đại, mạng xã hội trong giáo dục, định hướng lối sống, xây dựng giá trị sống cho thanh thiếu nhi.
Bài viết: Lê Dung Trình bày: Bình Minh Bài viết liên quan:
|