Việc ứng xử văn minh trên mạng xã hội không chỉ góp phần hình thành nhân cách tốt cho người trẻ, đặc biệt là các bạn Gen Z hiện nay, mà còn tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều mô hình hay, hoạt động thiết thực đã được các cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn Hà Nội, trong đó có các Đoàn trường triển khai tích cực.
Xây dựng chiến lược dài hạn
TS Nguyễn Văn Tánh, Bí thư Đoàn trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong thời đại 4.0, công nghệ và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, gần như 100% sinh viên nhà trường đều có sử dụng tài khoản mạng xã hội để theo dõi các thông tin, tương tác với bạn bè và giải trí.
Mạng xã hội đã mang đến sự kết nối toàn cầu, chia sẻ thông tin nhanh chóng và kết nối dễ dàng, tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận người dùng mạng xã hội chưa văn minh, thường xuyên tuyên truyền các thông tin xấu độc, tương tác và để lại những hậu quả tiêu cực trên trang mạng xã hội.
Nắm bắt được tình hình đó, nhận được sự chỉ đạo của Đảng ủy - Ban Giám hiệu trường Đại học Quốc tế, Đoàn Thanh niên nhà trường đã xây dựng chiến lược dài hạn tập trung vào việc nhân cao nhận thức và ứng xử văn minh của đoàn viên, sinh viên trên mạng xã hội thông qua nhiều hoạt động cả trực tiếp và trực tuyến.
Tổ chức Đoàn đã tham góp các ý kiến để nhà trường xây dựng bộ Quy tắc ứng xử cho người học tại trường Quốc tế trong đó có nhiều quy định về văn minh, văn hóa ứng xử cho sinh viên tại giảng đường và trên mạng xã hội.
Không chỉ xây dựng các bộ ấn phẩm truyền thông về việc ứng xử văn minh trên không gian mạng cho sinh viên, Đoàn trường Đại học Quốc tế còn phối hợp cùng phòng Công tác sinh viên tổ chức cuộc thi tìm hiểu Quy tắc ứng xử cho người học tại trường Quốc tế.
Cuộc thi thu hút hơn 3.000 lượt tham gia thi và hưởng ứng của đoàn viên, sinh viên. Bên cạn đó, Đoàn trường Quốc tế còn phát huy lợi thế của việc sở hữu hơn 50 kênh truyền thông trên mạng xã hội qua nhiều nền tảng khác nhau với tổng số hàng trăm nghìn người theo dõi để tuyên truyền về ứng xử văn…
Đặc biệt, trong năm học 2023- 2024, Đoàn Thanh niên trường Quốc tế đã đăng cai tổ chức thành công cuộc thi Tiếng Anh trong sinh viên toàn quốc - Star Awards lần thứ 1, với chủ đề Tuổi trẻ Việt Nam với không gian mạng. Cuộc thi đã thu hút hơn 71,805 thí sinh đến từ 183 trường đại học, cao đẳng tham gia thi tại các vòng thi.
Cuộc thi đã góp phần lớn trong việc nâng cao nhận thức của sinh viên trên không gian mạng. Bên cạnh đó, các bạn trẻ được lắng nghe các chia sẻ về giải pháp trong việc nâng cao văn hóa, văn minh ứng xử trên không gian mạng. Những hoạt động này đã góp phần từng bước đưa việc ứng xử văn minh trên mạng xã hội trở thành thói quen của sinh viên.
Sinh viên nói và làm
Trải qua 6 mùa tổ chức cuộc thi Tinh thần pháp luật đã góp phần làm nên uy tín của Câu lạc bộ Luật gia trẻ, trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với mong muốn nâng cao nhận thức và ý thức về pháp luật cũng như quá trình thực thi pháp luật của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ, mỗi mùa cuộc thi có chủ đề khác nhau. Năm 2024 cuộc quay trở lại với chủ đề “Quyền con người trên không gian mạng”.
Bạn Nguyễn Thị Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật gia trẻ cho biết: “Giữa một thế giới khoa học công nghệ ngày càng phát triển, “Quyền con người trên không gian mạng” là một vấn đề cấp thiết đặt ra yêu cầu toàn xã hội phải quan tâm và bảo vệ. Xuất phát từ thực tiễn, mỗi đề án đến với Cuộc thi Tinh thần pháp luật 2024 đều đặt lên bàn nghị luận những vấn đề bức thiết như: Nghiện trò chơi điện tử trực tuyến ở trẻ em, lừa đảo qua mạng bằng công nghệ deepfake, quyền đối với hình ảnh cá nhân hay quyền riêng tư… trong thời đại số”.
Theo Hạnh, tất cả những vấn đề này đều liên quan mật thiết đến việc ứng xử văn minh trên mạng xã hội của người trẻ. Muốn ứng xử tốt, có bản lĩnh để chống lại thông tin xấu độc bạn cần phải có kiến thức, kỹ năng. Cuộc thi chính là cơ hội để đoàn viên, sinh trau dồi kiến thức, nói đi đôi với làm.
Không chỉ tổ chức tốt Cuộc thi Tinh thần pháp luật, chương trình diễn án hình sự, phiên tòa giả định cũng là “đặc sản” của Câu lạc bộ Luật gia trẻ. Diễn mà như thật “Phiên tòa giả định” không chỉ mang đến tình huống thực tế, còn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những sự việc người trẻ rất dễ mắc phải trên không gian mạng nói riêng, cuộc sống nói chung. Đây chính là hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động tác động mạnh mẽ đến các bạn trẻ.
Cùng với hoạt động năng nổ của Câu lạc bộ Luật gia trẻ, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường Đại học Luật còn phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án “Rule 901”. Trong đó, các thành viên dự án cho ra đời cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội Gen Z”. Theo các bạn trẻ, Gen Z được mệnh danh là những công dân của thời đại số hoá, gắn liền với sự phát triển của công nghệ thông tin. Chính vì được tiếp cận với internet và các thiết bị công nghệ từ sớm, Gen Z dễ bị ảnh hưởng và tác động bởi những hành vi ứng xử trên không gian mạng.
Giữa không gian mạng đầy rẫy những thông tin không rõ nguồn gốc, đúng - sai vẫn chưa được kiểm chứng, việc hành xử khi chưa đủ cơ sở thông tin chính là tác nhân gây nên những hậu quả không đáng có. Vì vậy, cẩm nang “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho Gen Z” ra đời chính là hành trang vững vàng cho các bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội, ứng xử văn minh hơn.
Tại trường Đại học Hà Nội, tọa đàm “Sinh viên với văn hóa ứng xử trên không gian mạng”, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Ban Tổ chức cho biết, văn hóa ứng xử là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nhân cách, giá trị của mỗi con người.
Hiện nay, sự phát triển của mạng xã hội đã đem đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích để học tập, giao lưu, phát triển các mối quan hệ cá nhân… Tuy nhiên, bên cạnh đó hệ lụy từ mạng xã hội mang lại cũng không ít. Có rất nhiều câu chuyện buồn đã xảy ra do mâu thuẫn trên mạng xã hội, thậm chí có những cuộc đời, số phận đã bị tước đi vĩnh viễn hoặc vướng vào vòng lao lý chỉ vì một phút sốc nổi khi ứng xử trên không gian mạng.
Tọa đàm giúp đoàn viên, sinh viên có những định hướng đúng đắn trong việc ứng xử trên không gian mạng, hòa nhập với các nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa Thủ đô, dân tộc. Các diễn giả đã chia sẻ về 4 quy tắc ứng xử trên không gian mạng, nhằm giúp sinh viên có những hành vi đúng đắn, tôn trọng pháp luật, phù hợp với các giá trị văn hóa, đạo đức, truyền thống tốt đẹp.
Theo thống kê của UNICEF (Tổ chức Liên Hợp Quốc hoạt động trên toàn cầu luôn đi đầu trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em ở 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam): Có khoảng 21% thanh thiếu niên Việt Nam từng là nạn nhân của bạo lực mạng và khoảng 75% trong số đó không tìm được sự giúp đỡ mà phải tự mình đối mặt. Dù là nạn nhân hay là người đi bạo lực mạng đối với người khác thì đều gánh chịu những hậu quả nặng nề. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, việc nắm chắc các nguyên tắc của cuộc vận động Ứng xử văn minh trên mạng xã hội sẽ giúp người trẻ hành động đẹp, ứng xử tốt. |
Bài viết: Phương Thanh Trình bày: Lê Dung Bài viết liên quan:
|