Bài 4: Tuyên truyền có bỏ lửng?
Các em học sinh Tiểu học Văn Yên thể hiện kiến thức về an toàn giao thông qua những tiểu phẩm hài hước
Bài liên quan
Tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường và biển đảo
Những hiểm nguy rình rập từ "quái xế" tuổi teen
Giúp bạn trẻ có văn hóa khi tham gia giao thông
Bài 3: Gia đình chớ buông lỏng, tiếp tay để con vi phạm giao thông
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
Đi khắp các nẻo đường, câu khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà” như một lời nhắc nhở, cảnh báo với những người tham gia giao thông phải tuân thủ, chấp hành để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học trò, không phải em học sinh nào cũng hiểu được điều đó.
Theo giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), dù nhà trường có nhiều biện pháp mềm mỏng có, kiên quyết có để xử lý những học sinh vi phạm quy định khi tham gia giao thông nhưng bằng cách này hay cách khác, các em vẫn mắc lỗi; Phổ biến nhất là hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
“Có rất nhiều lý do kiểu “học trò” được các em đưa ra như “sợ hỏng tóc”, “sợ không đẹp” để bao biện cho hành động của mình. Cùng với những biện pháp cứng rắn thì nhà trường vẫn xác định cần phải giáo dục các em theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, cùng phối hợp với gia đình để tuyên truyền, nhắc nhở”, giáo viên này chia sẻ.
Có thể thấy, tình hình giao thông Việt Nam vô cùng phức tạp với số người tử vong hàng năm còn rất cao, có đến 30% trong số đó là trẻ em. Thực tế đáng buồn là nguyên nhân dẫn đến tai nạn chủ yếu do ý thức tham gia giao thông, kỹ năng lái xe an toàn và khả năng dự đoán tình huống để phòng tránh nguy hiểm còn kém. Bởi ngay từ lúc trẻ, khi mới bắt đầu “làm quen” với chiếc xe thì đa phần mọi người chỉ nhăm nhăm đi được xe chứ ít khi quan tâm đến văn hóa đi đường, văn hóa lái xe.
Không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, ngay từ cấp học tiểu học, khi học sinh còn chưa chủ động đi học bằng phương tiện cá nhân, nhiều nhà trường đã có những hoạt động thiết thực để tuyên truyền, giáo dục học sinh góp phần đẩy lùi nguy cơ mất an toàn giao thông.
Trường Tiểu học Văn Yên (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) là một trong những nơi như thế. Đặc biệt, trong năm học 2019 - 2020, chương trình được triển khai theo chủ đề “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”, với tinh thần coi học sinh là chủ thể của sự sáng tạo và trọng tâm của sự thay đổi.
Theo hướng này, những quy định về Luật Giao thông đường bộ được minh họa, cụ thể hóa bằng hình vẽ, tiểu phẩm, hò, vè, đồng dao, thi “Rung chuông vàng”… sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi học sinh, do chính học sinh thể hiện, đánh giá.
Không chỉ cụ thể hóa bằng cuộc thi, để tăng cường nhận thức về an toàn giao thông, hàng trăm hình vẽ có nội dung tuyên truyền về an toàn giao thông được Trường Tiểu học Văn Yên trang trí từ ngoài cổng vào đến sân trường và các lớp học. Vào đầu giờ buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, các thành viên trong Ban Chỉ huy liên đội thay nhau trực trước cổng trường, trường hợp nào vi phạm lại nhẹ nhàng nhắc nhở.
“Đối với phụ huynh, chúng em mong muốn người lớn đừng vì bất cứ lý do gì mà quên đi trách nhiệm bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ. Với bạn bè và các em nhỏ, chúng em hướng dẫn từng người nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ”, em Trần Nhật Linh, Liên đội trưởng Trường Tiểu học Văn Yên cho hay.
Ngoài ra, các kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông còn được Trường Tiểu học Văn Yên đưa vào giảng dạy, sinh hoạt trong giờ chào cờ đầu tuần, chương trình học ngoại khóa, học kỹ năng sống... “Mưa dầm thấm lâu”, đến nay, hầu hết học sinh Trường Tiểu học Văn Yên nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông.
Cô Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Văn Yên khẳng định, chương trình “An toàn giao thông - Cho nụ cười trẻ thơ” được triển khai bằng nhiều hình thức là giải pháp quan trọng để đưa mô hình “Trường học an toàn” vào cuộc sống. Đây là sân chơi lành mạnh, bổ ích đồng thời cũng là giải pháp góp phần đẩy lùi nguy cơ tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường, chung sức, đồng lòng cùng xã hội xây dựng đô thị an toàn, trật tự, văn minh.
Những biện pháp đảm bảo an toàn giao thông được trường THCS Tân Định treo ngay cổng trường để tuyên truyền hiệu quả đến học sinh |
Mỗi học sinh là một chiến sỹ tuyên truyền, đẩy lùi nguy cơ tai nạn giao thông
Trường THCS Tân Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nằm giữa khu vực đông đúc dân cư. Trong số 2189 học sinh của nhà trường, có khoảng 1/4 học sinh đến trường bằng phương tiện cá nhân như xe đạp, xe đạp điện. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức cho học sinh về các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông là một trong những nội dung được nhà trường đặc biệt chú trọng.
Theo quan sát của phóng viên, trường THCS Tân Định có cổng vào chung với trường Tiểu học Tân Định. Dù thời gian vào học và tan học của 2 khối khác nhau nhưng vào những khung giờ cao điểm, lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng lên, việc ùn tắc giao thông là không thể tránh khỏi.
Để đảm bảo học sinh đến và về an toàn, trường đã bố trí đội thanh niên xung kích cùng các thầy, cô giáo ứng trực ở cổng trường sẵn sàng phân luồng.
Học sinh tham gia cuộc thi tìm hiểu kiến thức về an toàn giao thông |
Cùng với những biện pháp tích cực ấy, cô Chu Thị Xuân Hường - Hiệu trưởng THCS Tân Định đánh giá, việc giáo dục ý thức cho học sinh mới là cốt lõi của công tác ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
“Việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, ý thức tham gia giao thông cho học sinh được nhà trường thực hiện thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi bằng nhiều biện pháp.
Cụ thể, ngay từ khi đón học sinh lớp 6 nhập trường, chúng tôi đã dạy các em về nội quy của trường, quy định về đảm bảo an toàn giao thông, ý thức giữ gìn vệ sinh trường học (nhắc nhở học sinh không đi hàng hai, hàng ba, đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, không sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi...)
Việc giám sát được thực hiện chặt chẽ. Nếu học sinh ngồi trên xe máy của bố mẹ, xe đạp điện bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Trường áp dụng trừ thi đua nếu học sinh vi phạm. Bên cạnh đó, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường cũng truyền tải nội quy này đến phụ huynh để cùng phối hợp thực hiện”, cô Hường chia sẻ.
Song song với đó, hàng năm nhà trường tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), vẽ tranh chủ đề an toàn giao thông, sáng tác khẩu hiệu về an toàn giao thông, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và tiểu phẩm. Với cách làm sáng tạo, gần gũi, hoạt động này thường xuyên nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của học sinh, có tính lan tỏa cao.
Theo đánh giá của hiệu trưởng nhà trường, việc giám sát một cách nghiêm túc đã khiến những quy định được thực hiện hiệu quả. Học sinh ngày càng ngoan, có ý thức hơn. Đã có nhiều câu chuyện thú vị xảy ra xung quanh “chiếc mũ bảo hiểm”.
Ví dụ như, có em học sinh đã kiên quyết không đi học nếu bố mẹ không chịu đội mũ bảo hiểm. Hay có học sinh vì đợi mẹ mượn mũ bảo hiểm nên bị đi học muộn.
Cô Hường phấn khởi tâm sự: “Qua những ví dụ đó để thấy rằng, không chỉ chấp hành tốt nội quy, chính các em học sinh trở thành một tuyên truyền viên tích cực để lan tỏa ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông đến cha mẹ, người thân của mình. Đó mới là cốt lõi của công tác giáo dục”.
(còn nữa)