Bài 3: Nhiều gia đình... vỡ mộng
Chọn trường cho con như thế nào vẫn luôn là vấn đề khiến các bậc phụ huynh đau đầu mỗi mùa tuyển sinh đến (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
"Trường học công dân xanh" tạo ý thức cho học sinh bảo vệ môi trường
Phụ huynh Hà Nội hài lòng với dịch vụ giáo dục công tại các trường học
TP HCM: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học sau vụ cây phượng đè chết học sinh
Lợi bất cập hại
Từ chối cho con học ở trường cách nhà chỉ hơn 100m để bằng mọi giá “chạy” học trái tuyến xa hơn 10km, sau hơn 3 năm ròng rã với bài ca đón đưa sớm chiều, chị Thanh Phượng (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) mệt mỏi thốt lên: “Tôi thật sai lầm!”.
Chị Phượng kể: “Lúc xin cho con đi học, mình chỉ nghĩ đến chuyện con học trường tốt sẽ được rèn giũa phát triển, có môi trường học tập lý tưởng. Thật không ngờ, chuyện khoảng cách còn quan trọng hơn thế gấp nhiều lần”.
Trường con chị Phượng học không có xe đưa đón học sinh, cung đường chị đi làm và con đi học lại ngược nhau. Đường thường xuyên tắc nên mỗi ngày chị phải mất hơn 30 phút mới đưa con đến trường và 20 phút từ trường con học để đến cơ quan làm việc.
“Để mẹ không muộn giờ làm thì con buộc phải đi học sớm hơn các bạn khác. Ngày nào cháu cũng phải thức dậy từ 5h30, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi theo mẹ đi làm, luồn lách qua những cung đường ùn tắc kéo dài, nắng nóng cực điểm. Nhìn con hôm nào thức dậy cũng mắt nhắm mắt mở, tôi lại thấy thương”, chị Phượng bùi ngùi chia sẻ.
Cũng cố cho con vào bằng được trường điểm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm nên ngày nào cũng vậy, mẹ con chị Huyền đều thức dậy từ sớm tinh mơ để di chuyển quãng đường hơn 10 cây số từ khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào nội thành.
“Hôm nào thằng bé cũng phải dậy từ tinh mơ ăn sáng rồi theo mẹ bắt xe buýt đi làm vì chỉ cần muộn một chút thôi, đường ùn tắc kéo dài sẽ dẫn đến muộn học của con, muộn làm của mẹ”, chị Huyền bày tỏ.
Trường điểm không làm nên thương hiệu cho con
Cùng với những bất tiện khi đi học trái tuyến xa nhà, nhiều bậc phụ huynh cũng không thể lường hết những khó khăn khi lớp học của con quá tải về sĩ số, chất lượng giáo dục không giống như kỳ vọng ban đầu.
Chị Thúy Hương, một phụ huynh có con học lớp 6 trường điểm ở Hà Nội chia sẻ: “Theo thông báo tuyển sinh ban đầu chỉ tiêu số lượng là 6 lớp với hơn 200 học sinh, tức là trung bình mỗi lớp chỉ khoảng 35 học sinh. Đó con số mơ ước, lý tưởng cho một lớp học chất lượng cao. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến vợ chồng tôi tha thiết cho con mình vào học bằng được. Tuy nhiên, thực tế, sĩ số hiện nay đã lên đến 50 học sinh một lớp, không khác gì các lớp học đại trà khác. Không chỉ vậy, với áp lực sĩ số học sinh lớn, cơ sở vật chất trường lớp hạn chế nên nhiều khi con phải đi học thêm vào cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật".
Cùng với sự mệt mỏi vì con đi học xa, chị Phượng còn có thêm nỗi thất vọng nữa khi chất lượng dạy học không như kỳ vọng ban đầu. “Qua theo dõi, mình nhận thấy việc học của con không có nhiều tiến bộ. Các bài kiểm tra học kỳ theo đề chung của Sở, kiến thức khá dễ, học sinh trường bình thường cũng đạt điểm cao nhưng con thì chỉ đạt điểm khá. Trung tâm tiếng Anh mà trường liên kết chất lượng cũng kém. Nhiều học sinh phải bỏ dở giữa chừng để ra học bên ngoài”, chị Phượng chia sẻ.
Không riêng gì các bậc cha mẹ Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ Châu Á như ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng có tâm lý muốn cho con vào học trường điểm, thậm chí ngay từ bậc mầm non. Họ quan niệm rằng, nếu không vào được đúng trường mầm non thì con sẽ không thể vào được đúng trường tiểu học và trường cấp 2, cấp 3; Cuối cùng con sẽ không vào được đúng trường đại học mình mong muốn. Từ đó, tương lai con sẽ không thể tìm được công việc thích hợp. Với lối suy nghĩ như vậy, áp lực chọn trường điểm ngay từ khi con bắt đầu đi học là gánh nặng, một nhiệm vụ lớn lao với nhiều bậc cha mẹ.
Theo các chuyên gia, việc sống trong môi trường "thượng lưu" với bạn bè cùng hoàn cảnh dư dả, lại được nhà trường chiều chuộng, học sinh có thể thiếu động lực và ý chí vượt khó. Các em có thể xem những gì mình được hưởng là đương nhiên, thậm chí ý thức sai lạc về đặc quyền của mình.
Vì thế, gia đình có vai trò không thể thay thế trong việc bổ khuyết những nhược điểm của từng loại trường. Chỉ cần có ý thức về điều này sẽ có vô vàn cơ hội để cha mẹ dạy con những thứ mà nhà trường không mang lại được.
Nền tảng đó sẽ quyết định việc đứa trẻ lớn lên trở thành con người như thế nào, nhìn cuộc đời ra sao và được trang bị những gì để bước vào cuộc sống thực. Các trường cũng cần có ý thức bổ khuyết những nhược điểm của mình để hoàn thiện hơn.
Vì thế, chọn trường cho con chính là chọn một môi trường mà gia đình có thể đi cùng nhà trường trong việc giúp con phát triển nhân cách hài hòa với những tiềm năng sẵn có.
(Còn nữa)