Bài 2: Thị trường được “gạn đục khơi trong”
Bất động sản “vượt sóng” Covid-19 |
Khách hàng tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City (Chụp trước thời điểm giãn cách xã hội - Ảnh: Novaland) |
Bức tranh sáng - tối
Mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nhưng quý II/2021 vừa qua, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn tại phía Nam vẫn công bố lợi nhuận tăng mạnh, có doanh nghiệp đạt hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Điển hình như công bố của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (NVL), trong quý II/2021 vừa qua đạt doanh thu hợp nhất gần 7.097 tỷ đồng, tăng gần 282% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt 6.344 tỷ đồng, tăng 541% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 2.014 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.
Một đại diện của thị trường BĐS phía Nam có mức tăng trưởng lớn nữa là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN). Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất quý II của HTN đạt 1.696 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 82,6 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 159% và 4.511% so với Quý II/2020. Tính chung lũy kế 6 tháng, HTN đạt doanh thu thuần hợp nhất với 2.855 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 66,5% và 3,4% so với kết quả đạt được năm 2020.
Phối cảnh dự án Moonlight Centre Point của Hưng Thịnh Land vừa được công bố (Ảnh: Hưng Thịnh Land) |
Ngược lại, trong quý II/2021, dịch Covid-19 cũng khiến một số doanh nghiệp BĐS rơi vào tình trạng thua lỗ. Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, HOSE: SGR) có mức doanh thu thuần giảm 8%, xuống còn 30 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 102 tỷ đồng. Kinh doanh thua lỗ, dòng tiền kinh doanh tại SGR cũng âm gần 14 tỷ đồng.
Cùng hoàn cảnh, một công ty khá có tiếng trong lĩnh vực môi giới BĐS (xin giấu tên) cũng ghi nhận mức doanh thu khá khiêm tốn trong quý II/2021 là 4,8 tỷ đồng, chỉ bằng 1/20 so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế lỗ 69 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng.
Không chỉ lỗ nặng, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này còn âm hơn 15,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 2,4 tỷ đồng. Nguyên nhân theo doanh nghiệp này lý giải do hàng tồn kho bất ngờ tăng gấp 4,4 lần so với đầu năm, lên hơn 36 tỷ đồng. Hơn nữa, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp cũng “lao dốc” từ 13,4 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1,8 tỷ đồng...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, nhìn nhận một cách tích cực thì đây lại chính là cơ hội để thanh lọc thị trường. Ông Châu giải thích, đây là giai đoạn thích hợp để các doanh nghiệp thực hiện “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Đồng thời, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người tiêu dùng.
“Các doanh nghiệp cũng có thể linh động chuyển đổi sang các hình thức hoạt động phù hợp, chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, kinh doanh online vào lĩnh vực BĐS. Như hoạt động bán hàng có thể chuyển sang hình thức online, các doanh nghiệp vừa tránh được lây lan dịch bệnh, vừa bảo đảm cho khách hàng có thể yên tâm giao dịch an toàn. Về mặt tích cực, đây có thể xem như một cuộc sàng lọc giúp thị trường nhà đất trở nên "khỏe mạnh", giữ lại những doanh nghiệp có đủ thực lực”, Chủ tịch HoREA nói.
Thời điểm “gạn đục khơi trong”
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam khiến mọi mặt đời sống, xã hội và các hoạt động kinh tế đều chịu tổn thương nặng nề. Trong vòng xoáy của dịch bệnh, các doanh nghiệp BĐS đã phải thay đổi “chiến thuật” kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp, nhân sự để duy trì hoạt động. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp mới, thiếu kinh nghiệm cũng chạy đua theo làn sóng BĐS nở rộ khắp nơi đã phải “nếm trái đắng”.
Nhiều sàn giao dịch BĐS tại khu vực giáp ranh giữa KCN Hiệp Phước (Nhà Bè, TP HCM) và KCN Long Hậu (Cần Giuộc, Long An) phải đóng cửa (Ảnh: Quốc Hương) |
Theo Thông cáo 63/TC-BXD của Bộ Xây dựng về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý II/2021, từ cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước. Các sàn giao dịch BĐS chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát trước đây, do đó chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn. Khảo sát cho thấy, khoảng 80% các sàn giao dịch BĐS chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Còn theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, BĐS là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại chỉ ra rằng, tác động từ dịch bệnh có thể là cơ hội để người mua sàng lọc, “nhìn ra” chủ đầu tư có năng lực và dự án đắt giá trên thị trường. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng nhận định được những thương vụ khả thi trong thời điểm hiện tại. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các chủ đầu tư sẽ đưa ra nhiều giải pháp tài chính linh hoạt và các gói vay với lãi suất “dễ thở” hơn. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng sẽ “bắt bệnh” và sàng lọc được nhiều doanh nghiệp, sàn giao dịch BĐS yếu kém; Các doanh nghiệp làm ăn kiểu “chụp giật” sẽ được phơi bày...
“Tôi nghĩ, dịch cũng là cơ hội để thị trường “gạn đục khơi trong”, cơ hội cho các doanh nghiệp nhìn lại một cách thấu đáu và thay đổi phần nào đó “chiến thuật” kinh doanh, sàng lọc thị trường, sàng lọc nhân sự, những mắt xích yếu kém sẽ bị loại bỏ, thay thế. Các sàn giao dịch BĐS cũng sẽ phải tính tới bài toán chuyên nghiệp hóa từ việc đào tạo đội ngũ sale chuyên nghiệp, chứ không phải “ăn xổi” kiểu không có việc làm thì đi làm sale. Đó là kiểu làm ăn chụp giật sẽ gây ảnh hưởng tới chính doanh nghiệp, chủ đầu tư và đặc biệt là khách hàng”, anh Nguyễn Quốc Hương - một chuyên gia đầu tư BĐS nhận định.
Thực tế cho thấy, không chỉ khi dịch bệnh bùng phát, mà việc làm ăn kiểu chụp giật, lừa đảo khách hàng theo kiểu Alibaba hay hàng loạt Công ty BĐS tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua cũng khó có thể tồn tại khi Chính phủ cùng chính quyền địa phương có hàng loạt giải pháp, quy định để kiểm soát chặt chẽ về đầu tư, kinh doanh BĐS.
(Còn nữa)