Bài 2: Ngàn lẻ một "chiêu” chạy trường lớp
Nhiều phụ huynh bằng mọi giá kiếm được "suất" học trường điểm cho con (tranh minh họa)
Bài liên quan
Chọn trường cho con, cuộc đua khốc liệt
Chạy vòng chạy vèo
Đó là cách mà chị Thanh Loan (ở quận Hà Đông, Hà Nội) được một người quen tư vấn để chuẩn bị bước đệm cho việc xin học vào trường điểm cho con. Chị kể: “Mình được tư vấn rằng để thuận lợi cho khâu xét duyệt hồ sơ tuyển sinh sau này, ngoài đi bằng “cửa ngách” vẫn cần hộ khẩu cho con về phường ở địa bàn trường đóng càng sớm càng tốt”.
Vậy là trong những ngày Hà Nội nắng nóng cao điểm, vợ chồng chị lại đôn đáo lo thủ tục cho con xin nhập khẩu nhờ vào nhà người quen với một khoản chi phí; Tiếp sau đó là những ngày ăn chực nằm chờ để ngóng tin, xin cuộc hẹn. Với phụ huynh khác, sau khi xác định trường xong sẽ cố gắng nhờ cậy người uy tín giới thiệu với ban giám hiệu nhà trường để đặt vấn đề. Người khác lại chuẩn bị tiền và... chờ đợi.
“Dù mệt mỏi nhưng vì tương lai của con nên mình vẫn phải cố. Trường ấy cơ sở vật chất khang trang lắm, giáo viên cũng toàn những người có kinh nghiệm. Mình vừa nhìn là thấy… “mê” ngay”, chị Loan hồ hởi chia sẻ về lý do tìm mọi cách chạy vòng chạy vèo những mong kiếm được suất học cho con như ý nguyện.
Một số phụ huynh khác lại chia sẻ lý do họ sẵn sàng chấp nhận cho con học trái tuyến vì “trường phố”, danh tiếng, chất lượng giảng dạy của giáo viên sẽ tốt hơn “trường làng”.
"Lớp 1 quan trọng nhất, đầu có xuôi, đuôi mới lọt. Để có môi trường học tập tốt cho con, giá nào tôi cũng chấp nhận", phụ huynh tên Minh nêu quan điểm.
Chia sẻ với phóng viên, phụ huynh Thanh Loan (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra rất “dày dạn” kinh nghiệm: “Theo tìm hiểu của tôi, một trường chuyên công lập có tiếng ở Hà Nội, với sĩ số 50 học sinh/lớp, thường sẽ có gần 10% suất ngoại giao. Phần lớn lãnh đạo nhà trường được cấp trên gọi điện trực tiếp hay viết thư tay “nhờ giúp đỡ”. Thậm chí, không ít trường có cả một lớp dành cho “ngoại giao”. Vì vậy, phải có quan hệ khủng và chuẩn bị sớm mới có thể có được suất học ở trường tốt cho con”.
Chuyện khó tin nhưng có thật
Không chỉ mệt mỏi cho phụ huynh, các thầy cô giáo, người làm công tác giáo dục, nhà quản lý cũng gặp không ít phiền hà trong câu chuyện chạy trường, chạy lớp.
Không tiếp, không nghe (điện thoại), không gặp, không ở nhà... Đó là một số trong vô vàn cách lãnh đạo các nhà trường chọn để “né tránh” vì phụ huynh tìm mọi cách “tấn công” từ nhiều phía.
Chia sẻ với phóng viên, hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở khu vực Hai Bà Trưng kể: “Năm nào cũng vậy, cứ sát thời điểm tuyển sinh đầu cấp, tôi phải dùng 2 số điện thoại. Éo le là số chính thường tôi không dám nghe máy của số lạ, còn số phụ để liên lạc với gia đình khi cần thiết. Cổng nhà luôn có phụ huynh chờ sẵn để gặp đề cập chuyện xin học cho con. Nhiều phụ huynh kiên trì đến độ dù bị từ chối vẫn cứ chực chờ gây nên nhiều bất tiện cho gia đình. Có phụ huynh còn cố tình gửi quà tặng tới nhà qua dịch vụ giao hàng. Vì thế, tôi phải dặn người nhà không được nhận bất cứ đồ gì nếu không phải gia đình đặt hàng”.
Cùng chung cảnh ngộ nhưng một lãnh đạo trường THCS ở quận Cầu Giấy, Hà Nội giấu tên cho biết, mình không chỉ mệt mỏi vì phụ huynh “vây” mà còn bị áp lực từ nhiều phía. Vị này tâm sự: “Từ chối thì mọi người nói mình khó khăn, rằng “thêm một suất học, thêm một chỗ ngồi ở lớp nữa có ảnh hưởng gì đâu”. Không phải mọi sự nhờ vả sẽ được đáp ứng vì sĩ số học sinh, trường lớp có hạn. Khi ấy, những người nhờ vả không được sẽ bức xúc, đơm đặt đủ điều, mệt mỏi vô cùng”.
Nữ lãnh đạo này cũng cho rằng, “văn hóa phong bì” đã ăn sâu vào suy nghĩ của một bộ phận người dân với suy nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Nhiều bậc cha mẹ không ngại ngần chạy bằng nhiều cửa để mong được việc. Có khi quà đã biếu, phong bì đã trao nhưng con vẫn chưa được chỗ học như mong muốn…
(Còn nữa)