Bếp ăn, chốn ngủ và men say ở lưng trời Tây Bắc
Bài 2: Bảo vệ văn hóa truyền thống trong dòng chảy hòa nhập
Từ những năm 1990, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đã bắt tay làm du lịch cộng đồng. Đến nay, những bản người Thái của Mai Châu đã nổi tiếng ở tầm thế giới. Đội văn nghệ tại đây không chỉ biết múa sạp, mà còn giỏi nhảy địệu shalala. Điều đáng mừng là tỉnh Hòa Bình quyết tâm bảo tồn, gìn giữ các giá trị truyền thống để “đặc sản văn hoá” không bị mai một, biến dạng.
Thung lũng Mai Châu nhìn từ trên cao |
Điệu nhảy Pháp tại Mai Châu
Với sự nỗ lực lớn từ các cấp chính quyền tỉnh Hoà Bình, trong mấy năm gần đây, những bản làng du lịch cộng đồng phát triển nở rộ. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình 12km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh (huyện Cao Phong) với khoảng 100 nóc nhà trăm tuổi còn nguyên vẹn là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách nước ngoài. Xa hơn, du khách có thể về với bản Cú, xã Tử Nê (huyện Tân Lạc), bản Thấu, xã Lạc Sỹ (huyện Yên Thủy ).
Tuy nhiên, ngược dòng thời gian, đã có lúc, nói đến du lịch Hoà Bình, địa danh Mai Châu là “từ khoá” đầu tiên xuất hiện trong ý nghĩ của du khách.
Cùng với cảnh sắc hùng vĩ tráng lệ, huyện Mai Châu còn là một địa phương đa sắc tộc (dân tộc Mường, Thái, Mông). Mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa đặc trưng riêng, tạo ra một nền văn hóa đặc sắc, phong phú, đa dạng.
Các dân tộc vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống riêng, thể hiện ở phong tục, tập quán sinh hoạt, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đặc biệt, Tạp chí uy tín Business Insider đã bình chọn Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) là một trong mười địa danh hấp dẫn trên thế giới dành cho tour du lịch văn hóa địa phương.
“Chỉ mất khoảng 3 giờ đi ô tô từ Hà Nội, Mai Châu là một điểm du lịch miền núi với những ngôi nhà sàn truyền thống nằm rải rác. Dân cư nơi đây chủ yếu là người Thái trắng sinh sống. Cách tốt nhất để bạn trải nghiệm văn hóa địa phương ở đây là tham gia loại hình du lịch “homestay”, nghĩa là sống và tham gia sinh hoạt cùng với những gia đình địa phương”, Tạp chí Business Insider giới thiệu.
Khi chúng tôi đến Mai Châu vào cuối tháng 9 vừa qua, lúa đã chín vàng khắp thung lũng. Xen kẽ khéo léo bên ruộng lúa bát ngát vàng rộm hoặc tán cây um tùm xanh mướt mải, dễ dàng thấy những căn nhà sàn san sát được xây dựng quy củ, khang trang. Những homestay như vậy trở thành điểm hẹn quen thuộc của du khách từ Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương trong cả nước.
Đông đảo du khách tới với Mai Châu |
Một chiếc xe ô tô to uỳnh oành, loại 45 chỗ, màu xanh dương, dừng lại. Khách quốc tế ùa ra khỏi xe, hướng cặp mắt nâu hào hứng ngắm nhìn núi non trùng điệp của Mai Châu, trong đó có anh Dawson Martinez (35 tuổi, quốc tịch Italy), lần đầu tiên tới Việt Nam.
Sau một ngày khám phá Thủ đô Hà Nội, Dawson theo đoàn đến với Mai Châu. Khi xe vừa dừng lăn bánh, bỗng một tiếng “Awesome” – Dawon thốt lên bằng tiếng Anh, nghĩa là đáng kinh ngạc.
Quả thật là vậy! Mai Châu mang đến biết bao nhiêu trải nghiệm lý thú. Buổi sáng, du khách dậy sớm để hít thở không khí trong lành vốn không thể có được ở thành phố bụi bặm.
Còn trong ánh chiều chạng vạng, hãy thuê một chiếc xe đạp, chậm rãi đạp xe trên những con đường trong bản hít hà mùi lúa, mùi đất, mùi nắng ngai ngái. Mọi căng thẳng và mệt mỏi của công việc như tan biến hết, chỉ còn lại cảm giác thanh bình khó tả.
Không chỉ có thanh bình và yên ả, Mai Châu hiện nay không thiếu các dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp cao.
Bắt đầu với những ngôi nhà sàn du lịch cộng đồng đầu tiên từ năm 1992 tại Bản Lác, huyện Mai Châu hiện có 8 điểm du lịch cộng đồng gồm Bản Lác (xã Chiềng Châu), bản Bước (xã Xăm Khòe), bản Văn, bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu), bản Hịch (xã Mai Hịch), bản Pà Cò (xã Pà Cò) và bản Hang Kia (xã Hang Kia), bản Nhót (xã Nà Phòn).
Những bản du lịch này đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Avana Resort, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan village Resort, Mai Chau Hideaway Resort... tạo nên những sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, thu hút đối tượng khách du lịch có mức chi trả cao, tăng doanh thu cho các khu du lịch.
Với kinh nghiệm du lịch cộng đồng từ 30 năm trước, các homestay tại Mai Châu dường như được xây dựng, vận hành để làm hài lòng mọi nhu cầu của du khách. Bên cạnh ao cá truyền thống của đồng bào Thái, luôn có bể bơi lát đá xanh.
Bên cạnh điệu múa sạp hay xoè Thái, các thành viên đội văn nghệ tại đây còn nhảy những điệu truyền thống của nước Pháp, nước Ý, nước Nga một cách ngọt ngào, náo nhiệt.
Song, nhìn thẳng vào thực tế, phong trào du lịch rộng khắp tại Mai Châu không phải lúc nào cũng toàn mang lại điều tốt đẹp. “Một số dân tộc chưa nhận thức được việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình”, cán bộ văn hoá của huyện Mai Châu thẳng thắn thừa nhận.
Giao lưu văn hóa giữa người địa phương và du khách quốc tế |
Vị này nói thêm, hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang bị mai một, pha trộn, lai căng, không còn giữ được bản sắc.
Do đó, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cũng đang là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược được đặt ra đối với huyện Mai Châu, nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng đều và vững chắc cho tỉnh Hòa Bình, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trước tình hình đó thì việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là vấn đề cấp bách, nóng hổi trong giai đoạn hiện nay.
Doanh nhân Vũ Duy Bổng - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Hoà Bình có cái nhìn thấu đáo: “Việc xâm nhập ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa độc hại, thông qua nhiều con đường, dưới nhiều hình thức phức tạp, tinh vi, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa, xã hội, làm xói mòn các giá trị đạo đức tốt đẹp trong một bộ phận nhân dân nhất là thanh thiếu niên. Đồng thời, cũng là giảm sức hút của du lịch tỉnh Hoà Bình – vốn được biết đến như cái nôi của văn hoá Mường”.
bảo tồn văn hóa như bảo vệ báu vật
Từ những biển đổi trên cho thấy mặt trái của quá trình giao lưu văn hóa là yếu tố bản sắc dân tộc rất có nguy cơ bị mai một. Các yếu tố truyền thống đang dần bị thay thế bởi các yếu tố hiện đại.
Sự biến đổi theo hướng mai một văn hóa truyền thống của các dân tộc có nhiều nguyên nhân như: Do sự tác động của kinh tế thị trường đã làm biến đổi đời sống kinh tế và làm biến đổi cả đời sống văn hóa; Do điều kiện sống thay đổi, đời sống vật chất của cộng đồng các dân tộc thiểu số được cải thiện nên người dân thay đổi, đã ảnh hưởng làm thay đổi cấu trúc của văn hóa truyền thống, tác động xấu đến quá trình thực hiện lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Du khách ngoại quốc trải nhiệm mặc những tấm áo mang bản sắc văn hóa Mai Châu |
Chính vì thế, từ nhiều năm về trước, vấn đề bảo tồn văn hoá đã được huyện Mai Châu nói riêng, tỉnh Hoà Bình nói chung, qua tâm.
“Xây dựng các mô hình văn hóa đã góp phần tạo nền tảng tinh thần cho xã hội, vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực để phát triển”, đồng chí Hoàng Tiến Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu chia sẻ.
Đưa phóng viên thăm quan một số thiết chế văn hoá mới được phục dựng, đồng chí Hoàng Tiến Minh nói thêm, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc huyện Mai Châu đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Trong đó, có nhiều đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện, tiêu biểu như: “Nghệ thuật múa Keng Lóong của dân tộc Thái Mai Châu”, “Giữ gìn và phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn của đồng bào Thái, Mường huyện Mai Châu”; các làn điệu dân ca, dân vũ (Hát Khắp); phục dựng và duy trì tổ chức lễ hội “Xên Mường” của dân tộc Thái, lễ hội “Gầu Tào” của dân tộc Mông ...
Qua đó đã đánh giá được thực trạng của di sản văn hóa các dân tộc và đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên địa bàn toàn huyện Mai Châu.
Đối với tỉnh Hoà Bình nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng trên thực tế, công tác này vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập.
Nguyên nhân chính là điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc huy động nguồn lực vật chất của chính quyền địa phương và của chính bản thân đồng bào trong việc duy trì, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vẫn còn hạn chế...
Nhằm giải quyết “bài toán khó” này, tỉnh Hoà Bình chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản gắn với phát triển du lịch.
Từ đó khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc trên địa bàn huyện đối với di sản văn hóa truyền thống và gắn với tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình cho biết, việc gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, các loại hình văn hóa truyền thống phải được bảo tồn trong không gian văn hóa phù hợp. Gắn việc bảo tồn với việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội của huyện; phải có sự gắn kết giữa các cấp chính quyền với người dân ở cơ sở thì công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mới thực sự hiệu quả, có định hướng đúng, bảo tồn bền vững.
"Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cần được gắn với phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” qua việc đưa các quy định bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống vào quy ước, hương ước để mọi người dân cùng thực hiện", ông Trường chia sẻ.
Những năm qua, từ chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch bền vững... nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đã có những thành tựu đáng kể.
Cụ thể, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm, tổ chức, khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc như: Lễ hội chùa Tiên, Lễ hội Khai hạ Mường Bi, Lễ hội đền Bờ, Lễ hội Xên Mường...
Phóng viên hòa tan vào những men say văn hóa của Mai Châu |
Các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của các dân tộc được phục hồi, phát triển và ngày càng được nhiều người biết đến, trở nên gần gũi với công chúng trong nước và quốc tế.
Tỉnh Hòa Bình xây dựng một số làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; hàng năm thực hiện được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc; phục dựng, duy trì 59 lễ hội.
"Nhờ đó mà, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay đã xuất hiện nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... Người dân tự hào về những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nên đã có ý thức bảo tồn, phát huy", ông Bùi Xuân Trường cho biết.
Ông Trường cũng chia sẻ, Sở VHTT&DL đã tham mưu UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ VHTT&DL công nhận 4 di sản văn hóa phi vật thể mo Mường Hòa Bình, nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình, Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường, Tri thức dân gian lịch Đoi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay Di sản văn hóa Mo Mường đang hoàn thiện hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình |
Nhằm thực hiệu có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa của các thế hệ trước, làm cho giá trị của các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội; Đồng thời khai thác, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngày 11/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết đề ra 6 nhóm giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; tuyên truyền nâng cao nhận thức, tổ chức phổ biến truyền dạy các di sản văn hóa; đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa công nghiệp văn hóa; huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc...
Tính đến tháng 6/2023, trên địa bàn huyện Mai Châu có 197 cơ sở lưu trú. Trong đó, 4 khu nghỉ dưỡng, 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 - 3 sao, 31 cơ sở nhà nghỉ, 153 nhà nghỉ cộng đồng. Năm 2022, huyện Mai Châu đón 534 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch. Trong đó, khách quốc tế là 19.713 lượt khách, khách nội địa 504.287 lượt. Doanh thu đạt trên 598 tỷ đồng.
Bài 1: Đặc sản văn hóa thành “nam châm” hút khách |
(Còn nữa)
Bài: Phạm Việt Khoa