Bếp ăn, chốn ngủ và men say ở lưng trời Tây Bắc
Bài 1: Đặc sản văn hóa thành “nam châm” hút khách
Đối với du khách lần đầu tới mảnh đất huyền thoại về quan Lang xứ Mường, bầu không khí của bề dày văn hoá tại Hòa Bình đậm đặc đến mức gần như hữu hình, có thể chạm tay vào được. Từ diễn xướng “mặt mẻ” huyền bí trong đám tang đến điệu nhảy sạp màu sắc sặc sỡ trên sân khấu, di sản văn hoá hiện hữu khắp nơi, trở thành sức hút mê mải đối với khách phương xa. |
“Các tỉnh phía Tây Bắc – trong đó có tỉnh Hoà Bình – phấn đấu trở thành bếp ăn, chỗ ngủ cho du khách từ Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh thành trong cả nước” – câu nói của ông Hà Văn Thắng (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hoà Bình) có lẽ khái quát khá đầy đủ về mục tiêu, tham vọng của ngành du lịch tại những địa phương dọc quốc lộ 6 xinh đẹp, mộng mơ, kỳ vỹ. Bên cạnh “món quà của trời” là cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, tỉnh Hoà Bình đang khéo léo và ân cần mang tới cho du khách “đặc sản văn hóa” từ trầm tích ngàn năm. Tuy nhiên, đối diện với nỗi lo sợ “hòa tan” các giá trị truyền thống, nhiều chuyên gia cho rằng việc đầu tư vào phát triển con người sẽ là chìa khóa để Hòa Bình đảm bảo gìn giữ được những yếu tố văn hóa cốt lõi, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh chóng, bền vững. |
Thung lũng trong mây
Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hòa Bình hiện nay kết nối bằng hệ thống thống đường cao tốc rộng thênh thang. Thành ra, xuất phát từ Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) tới thủ phủ của thành phố Hòa Bình vỏn vẹn một giờ đồng hồ. Xe chạy êm ru trên con đường quốc lộ 6 huyền thoại, bên ngoài là núi đồi trập trùng xanh ngằn ngặt tựa như những bàn tay vươn lên trời xa. |
Vẻ đẹp như thần thoại tại Lũng Vân |
Bất chợt, qua thị trấn Mường Khến một đoạn ngắn, xe chuyển hướng rẽ phải, tiếng lốp rít xuống mặt đường kèn kẹt, báo hiệu vào đoạn đường khó. Đây là chúng tôi bắt đầu hành trình vào Lũng Vân (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Từ Địch Giáo nhìn theo hướng con đèo Dốc Mùn ngoằn ngoèo, dốc đứng lên những ngọn núi đang chìm trong biển mây. Ấy là Lũng Vân, với những bản Mường nhà sàn treo lưng chừng núi vây lấy lòng chảo mây ngàn. Tiếng chị Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Tân Lạc vang vang: “Bao quanh bởi núi Trâu, núi Có, núi Tiên, thắng cảnh Lũng Vân được mệnh danh là nóc nhà xứ Mường, hay tiên cảnh xứ Mường. Lũng Vân là tên một xã, nhưng thực ra, nó đại diện cho cả xứ Mường Bi giữa đại ngàn Pù Luông, gồm mấy xã xung quanh, nhỏ bé, lẩn khuất dưới những mây mờ thung lũng, khe núi”. Lũng Vân là đỉnh cao nhất của khu vực Mường Bi - đứng đầu trong 4 mường lừng danh là Bi, Vang, Thàng, Động. Xứ Mường Hòa Bình có câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” nói lên rằng, Mường Bi là vùng đất giàu có nhất xứ Mường. Lũng Vân là nóc nhà của xứ Mường Bi, vì thế, đó cũng là nơi cội nguồn của xứ Mường đậm đà bản sắc văn hóa. |
Cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kỳ thú của Hoà Bình |
Truyền thuyết kể rằng, tại vùng núi non, nơi những bản làng đang sống yên bình, có cơn đại hồng thủy tràn đến. Bản làng bị cuốn trôi, ngàn người mất tích trong dòng nước bạc. Có đôi vợ chồng bám vào được một thân cây chìm nổi giữa sóng, lênh đênh nhiều ngày. Gốc cây lớn đó vướng vào cành cây cổ thụ khổng lồ, người Mường gọi là cây Bi. Cây Bi quá lớn, rễ khổng lồ cắm sâu vào lòng núi, nên vững vàng giữa đại hồng thủy. Khi nước rút, bản làng bị cuốn trôi sạch, chẳng còn cây gì, nên cặp vợ chồng dựng lều ở dưới gốc cây Bi, san đất làm ruộng, phát rừng làm nương, sinh con đẻ cái. Nhớ ơn cứu mạng, cặp vợ chồng lấy tên cây đặt cho tên mường, nên có vùng Mường Bi từ đó. |
Đêm say ở xóm Chiến
Lần này, đến với Lũng Vân, không thấy bóng dáng cây Bi trong truyền thuyết. Chỉ có cây vải to lớn lừng lững, tán cây che cả một góc trời ở xóm Chiến. Ông chủ của cây vải tổ này là anh Hà Văn Thạn. Anh Thạn cũng là chủ của homestay có tên Hải Thạn, là một trong 3 homestay duy nhất ở cả thung lũng mây mù Lũng Vân. Hồi làm cái cổng, tiện có thước dây liền lấy ra đo thân cây, tính được đường kính của nó tới 1,7m. Phần thân trên cao, cây bạnh ra, đường kính to hơn, đến 2m, rồi chia ra làm hai cành khổng lồ, mỗi cành đường kính cũng tới 1m, bằng một đại thụ trong rừng. Hai cái cành đó, thẳng đuột, cao vút lên trời. |
Nhịp sống bình yên ở xóm Chiến |
Các cô giáo mầm non biểu diễn văn nghệ | Điệu múa "mặt mẻ" huyền bí |
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi chú ý không phải là cây vải khổng lồ, hay những đệm thổ cẩm được chủ nhà tẩn mẩn bày biện bắt mắt. Ấn tượng đọng lại mãi trong lòng du khách có lẽ là sự nguyên sơ của cảnh vật, sự gần gũi của người dân, sự ân cần của chủ nhà. À, đây mới là cuộc sống thật sự của đồng bào! Tối hôm đó, trăng cuối tháng mỏng như cánh ve treo trên nền trời tím thẫm, trời lạnh, trong không khí lẩn khuẩn mùi gia súc. Bà con trong bản lục tục tề tụ về căn nhà sàn của anh Hà Văn Thạn. Họ uống thứ nước màu nâu đỏ được nấu từ rễ cây rừng và tán gẫu rôm rả với khách phương xa. Ông chủ nhà "biến mất" trong bếp – một lát sau, tiếng băm chặt rộn ràng, cộng với mùi thơm ngào ngạt của đồ ăn đã đánh thức tiếng lòng của tất cả mọi người. Ông chủ Hà Văn Thạn là đầu bếp chính, cũng là tay nhậu cừ khôi. Vì thế, bữa rượu càng lúc càng đậm, men say mỗi lúc thêm nồng. Lát sau, ông Hà Văn Quang lật đật chạy đến. “Bữa nay, lùa trâu ăn xa quá” - người đàn ông cao gầy kéo vội ống quần nâu, cười cười giải thích. Ít lâu sau đó, các cô giáo mầm non Hà Thị Thêu, Hà Thị Tiêu và cháu Bùi Thị Hồng Hoa lần lượt tề tựu. Những chiếc áo xanh, áo đỏ làm họ nổi bật như những bông hoa nở trong hương rừng. “Đội văn nghệ của thôn đấy” - anh Hà Văn Thạn như hiểu được sự thắc mắc của khách, hỉ hả lên tiếng giới thiệu. Mấy năm vừa qua, từ khi du lịch manh nha phát triển ở xóm Chiến, những “cây văn nghệ” tập hợp với nhau thành một đội biểu diễn. Hàng ngày, họ vẫn chăn trâu, dạy học và đến trường. Khi được mời, họ vội vã cất trâu, gác phấn, xếp sách vở để chung vui với du khách. Các tiết mục được đưa lên sân khấu hoàn toàn là những bài biểu diễn truyền từ đời này sang đời khác - họ diễn ca hồn nhiên bởi tất cả đã ngấm vào máu thịt từ tấm bé. Vì thế, chúng tôi dường như có thể chạm vào văn hoá của dân tộc Mường. Bên cạnh điệu múa mừng lúa mới, mừng nước hay ru con, người viết kinh ngạc khi đoàn văn nghệ đưa lên sân khấu điệu múa “mặt mẻ” lạ lùng, huyền bí. Người đàn ông khoác áo thụng, đeo mặt nạ đen, nhảy nhót trên gót chân theo những tư thế kỳ dị, theo sau là cả đoàn người phụ hoạ khiến cho bầu không khí như trở về từ cõi u minh. |
Những bông hoa của núi rừng |
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, NSƯT Bùi Chí Thanh từng viết: “Cũng như nhiều dân tộc khác, người Mường sử dụng múa như một hình thức để giao tiếp với tổ tiên. Trước hết, họ sử dụng múa như một nghi thức để tế lễ lên tổ tiên, đây là một hành vi tín ngưỡng linh thiêng của người sống đối với người quá cố và chính tổ tiên của mình. Họ coi múa là cơ hội để con cháu, họ hàng được tiếp xúc với tổ tiên, gặp lại tổ tiên, gặp lại những người thân mà họ từng gắn bó. Chính vì thế ở góc độ này, múa được sử dụng như một hình thức để trò chuyện với tổ tiên. Điều này được thể hiện rõ nhất trong điệu múa mặt mẻ”. Trải nghiệm văn hoá độc đáo này, cộng với những bình rượu cần cứ vơi lại đầy thực sự là khiến người viết hoà tan vào đời sống của đồng bào. Có lẽ, du lịch cộng đồng tròn vẹn nhất cũng chỉ đến thế! |
Mảnh đất sử thi
Là vùng đất cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội - tỉnh Hòa Bình được coi là cái nôi của người Mường cổ, với nền nét văn hóa Hòa Bình đặc sắc. Tận dụng lợi thế từ trầm tích văn hoá, tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai ngành du lịch - tập trung vào du lịch cộng đồng - hết sức hiệu quả, đáng nể. Đã từng khảo sát đến những vùng đất xa xôi nhất của tỉnh Hoà Bình, ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình) liệt kê rất rành rọt, hiện nay, Hòa Bình đang có 786 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, tiếng nói, chữ viết là 10, ngữ văn dân gian là 154, nghệ thuật trình diễn dân gian là 171, tập quán xã hội là 113, nghề thủ công truyền thống là 26, tri thức dân gian là 268. Di sản văn hóa vật thể tại bảo tàng tỉnh Hòa Bình đang lưu giữ 18.003 hiện vật. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 105 di tích lịch sử, di tích văn hóa được xếp hạng (41 di tích cấp quốc gia, 64 di tích cấp tỉnh) và gần 300 di tích chưa xếp hạng. Đặc biệt, cái nôi văn hóa của người Việt cổ giờ đây được in đậm trong các quần thể di tích có giá trị khảo cổ như hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ, hang xóm Trại (Lạc Sơn), hang Chổ (Lương Sơn)… |
Vẻ đẹp rực rỡ, huyền áo của đền Thác Bờ - tỉnh Hoà Bình |
Cùng với người Mường, người Thái, Tày, Dao, Mông… trong tỉnh Hòa Bình sống xen kẽ, hòa hợp với nhau đã tạo nên sự phong phú và đặc sắc của các giá trị văn hóa. Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đều có những bản sắc riêng biệt. Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú. Trong đời sống văn hóa, đồng đảo vẫn lưu giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quản, tín ngưỡng của dân tộc mình; cùng với bảo tồn và lưu giữ những giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục... Chính điều đó đã tạo nên sự đa văn hóa và sức hấp dẫn riêng... cho Hòa Bình. Ngoài ra, giá trị văn hóa được ẩn chứa trong các phong tục, tập quán, lễ hội. Các lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (Tân Lạc), lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), lễ hội chùa Hang (Yên Thủy), lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Mường, lễ hội Cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao... được tổ chức đều đặn hàng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, hướng về nguồn cội đã làm thỏa mãn những du khách đam mê khám phá các giá trị cổ truyền. Cùng với các lễ hội, nhiều di tích văn hóa tín ngưỡng được các cấp bảo tồn và phát huy với nhiều hình thức: Sưu tầm các di vật, cổ vật trên địa bàn; khơi dậy các sản phẩm du lịch độc đáo nhạc cụ cồng chiêng của người Mường. “Đây là tiềm năng lớn có vai trò quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh”, ông Bùi Xuân Trường bày tỏ. |
Trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang dần trở thành trụ cột được Hòa Bình khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, khai thác. Loại hình này mang lại nhiều lợi ích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế bền vững, tạo thêm việc làm và cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc bản địa. Đồng thời, du lịch cộng đồng cũng góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc. Ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, trong cơ cấu thu từ khách du lịch cộng đồng của tỉnh, khách quốc tế đóng góp 1/3. Doanh thu từ dịch vụ bán hàng ăn uống, cho thuê phòng chiếm tỷ trọng cao nhất (70%), số thu từ các dịch vụ còn lại chiếm 30%. |
(Còn nữa)
Bài : Phạm Việt KHoa