Bài 1: Cuộc đua khốc liệt
Tranh minh họa
Bài liên quan
"Trường học công dân xanh" tạo ý thức cho học sinh bảo vệ môi trường
Tăng cường chỉ đạo nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh tới trường
Phụ huynh Hà Nội hài lòng với dịch vụ giáo dục công tại các trường học
Những ngày này, trên khắp diễn đàn mạng xã hội đều nghe phụ huynh bàn tán rôm rả chuyện chọn trường, chọn lớp cho con. Đây cũng không còn là câu chuyện hiếm trước mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp…
Đi bằng cửa nào?
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) là một trong số những phụ huynh như thế. Con trai đầu lòng của chị năm nay vào cấp 1. Để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho con, từ cuối năm ngoái, chị đã đi tham khảo hết lượt các trường tư, công xung quanh nơi mình sinh sống.
Rất nhanh chóng, chị có thể “vanh vách” kể ra những ưu điểm, nhược điểm của từng trường. Những thông tin ấy xoay quanh việc học phí của trường ra sao, có những chương trình đào tạo ngoại khóa, kỹ năng gì, muốn vào trường thì phải “đi bằng cửa nào”. Chị nghe các phụ huynh khác rỉ tai nhau về những mức phí để cho con đi học, dao động từ 5 – 10 đến cả vài chục triệu đồng/suất.
Không riêng gì chị Vân Anh, ngó qua bất cứ diễn đàn của cha mẹ nào đều có thể dễ dàng thấy topic bàn về chạy trường cho con. Những topic này thu hút sự chia sẻ của hàng trăm phụ huynh với số lượng comment dài dằng dặc từ vài chục đến hàng trăm trang.
Vừa mới chạy xong cho con vào lớp 6 trường điểm năm nay, anh Nguyễn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) kể: “Tuy cuối tháng 6 mới công bố kế hoạch tuyển sinh, tháng 7 mới là thời điểm nộp hồ sơ nhưng muốn chạy trường cho con, tốt nhất nên chọn thời điểm này. Đây là lúc các trường kiểm tra hồ sơ và còn chừa lại một số “suất ngoại giao” nên phải nhanh chân nắm bắt sớm”.
Để tận dụng nốt “tháng cao điểm” chạy trường và kịp “đặt gạch” 1 suất học cho con tại trường điểm, lớp điểm, chị Thanh Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang đứng ngồi không yên. Tự biết gia đình không có quan hệ, quyền thế nên vợ chồng chị xác định phải bỏ một khoản tiền lớn mong có được một suất học trái tuyến tại trường điểm.
Chị Loan bằng mọi cách để tận dụng các mối quan hệ xin học cho con. Qua nhiều khâu trung gian, cuối cùng chị cũng bắt mối trực tiếp được với hiệu trưởng rồi làm quen với giáo viên để ngỏ ý trực tiếp mua suất học. Tính sơ sơ, để có được suất học này, chị vui vẻ bỏ ra số tiền lên đến vài chục triệu đồng để “cảm ơn”.
Vì đâu nên nỗi?
Vậy tâm lý “chạy trường, chạy lớp” cho con bắt nguồn từ đâu? Chị Lan Chi (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý của phụ huynh học sinh và chất lượng của các trường không đồng đều. Có trường dạy tốt, trường điểm nhưng cũng có trường dạy trung bình, kém, nhất là ở các thành phố và vùng đồng bằng.
“Điều dễ nhận thấy, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay đã khác trước nhiều. Phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu sắc. Vì vậy, không hiếm gặp trường hợp phụ huynh có “điều kiện” sẵn sàng bỏ tiền để con mình được học ở trường tốt”, chị Lan Chi chia sẻ.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, càng với những trường công lập lớn, có danh tiếng thì việc tuyển đầu vào càng khó khăn với rất nhiều tiêu chí khắt khe. Tiêu chí đầu tiên là phải có hộ khẩu thường trú 3 năm nên dẫn đến tình trạng chạy trường trong dịp hè, thậm chí nhiều phụ huynh đã chủ động liên hệ, chạy trước nhiều năm trời.
Theo đó, các phụ huynh rỉ tai nhau các mức giá vào trường tốt tại Hà Nội cụ thể như, lớp 1 có giá từ 1.000 - 2.000 USD. Vào lớp 6, nếu “mua suất” học vào trường hàng đầu từ 3.000 USD đến 5.000 USD. Những trường vừa phải cũng có giá 500 USD đến 1.000 USD…
Không ít gia đình sẵn sàng cho con đi học xa cả chục cây số hoặc mua nhà, chuyển khẩu về gần trường để tiện cho con vào trường tốt.
Một trong những tác động lớn nhất của việc chạy trường, chạy lớp trong tuyển sinh vào các trường điểm là làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Ngoài chi phí chạy vào trường, từ vài trăm tới vài nghìn USD, những “khoản đóng góp tự nguyện” cho việc xây dựng trường, mua sắm trang thiết bị và các chi phí khác thường cao hơn đối với học sinh ở trường điểm và trái tuyến.
(Còn nữa)