Hương Tết "làng" chổi đót

07:00 | 27/01/2025
TTTĐ - Nằm sâu trong con hẻm nhỏ quanh chợ Bình Tiên (Quận 6, TP Hồ Chí Minh), có những người dù đã vào độ tuổi xế chiều nhưng vẫn luôn miệt mài dệt lên từng bó chổi, mặc cho bụi bặm và sự mai một của thời gian. Mỗi dịp Tết đến, "làng" chổi đót nơi đây ngoài sự tất bật để kịp những đơn hàng, công việc này còn là cả những ký ức, nó mang theo giá trị truyền thống vượt thời gian.
TP Hồ Chí Minh: Vui Tết cùng 3.000 trẻ em khó khăn, khuyết tật TP Hồ Chí Minh: Mang Tết ấm áp đến sinh viên xa nhà “Chuyến xe yêu thương” đưa sinh viên về quê đón Tết Ngắm mai vàng thương Tết phương Nam

Những đôi bàn tay miệt mài, chai sạn

Theo lời kể, nghề bó chổi xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 1960, do những lưu dân từ Quảng Ngãi mang vào và tập trung thành từng nhóm quanh chợ Bình Tiên, đường Phạm Phú Thứ và đường Phạm Văn Chí (Quận 6, TP Hồ Chí Minh).

Những hộ còn làm chổi trên con hẻm Phạm Phú Thứ
"Làng" làm chổi trong con hẻm Phạm Phú Thứ

Công việc của những người làm chổi bắt đầu từ 7 giờ sáng đến chiều tối, hôm nào có đơn hàng gấp hay số lượng lớn thì đầu tắt mặt tối chẳng kịp ngơi tay.

Để làm ra một cây chổi đót hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như: Xé bông đót, làm tua, cột lọ, bó và bện chổi, chặt tề… Trong các công đoạn, việc tước hoa đót được xem là bước quan trọng để hình thành nên cây chổi.

Nếu như một số làng nghề truyền thống khác hiện nay còn có sự hỗ trợ của máy móc ở một số công đoạn thì nghề làm chổi đót lại phải thực hiện hầu hết bằng tay. Chẳng vậy mà, bàn tay của các cô, chú làm chổi thủ công luôn có chung đặc điểm là bị chai sạn, bào mòn theo năm tháng.

 Đôi bàn tay chai sần nhưng miệt mài của người làm chổi thủ công
Đôi bàn tay chai sần nhưng miệt mài của người làm chổi thủ công

Nguyên liệu chính để làm chổi là cây đót, được lấy ở vùng núi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi... Bông đót làm chổi phải cắt khi còn xanh và chưa nở hoa rồi sau đó phơi khô.

Trái với những ngành nghề khác, công việc làm chổi phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài. Điển hình như những năm gần đây, do ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai như bão lũ hay hạn hán từ miền Trung đã khiến nguồn nguyên liệu được nhập từ Quảng Ngãi trở nên khan hiếm, chất lượng chổi vì thế cũng không được đảm bảo mà giá chổi còn bị biến động ít nhiều.

Năm nay, giá chổi dao động mỗi cây từ 20.000 - 100.000 đồng tùy loại, tùy nhu cầu của khách mua. Sau khi thành phẩm, chổi ở khu vực này thường được đưa đi phân phối tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây.

Giữ lại một thời hoàng kim

Những người vẫn còn làm công việc này chủ yếu là các cô chú đã lớn tuổi nhưng bằng sự tâm huyết muốn giữ lại nghề truyền thống của cha mẹ để lại nên luôn miệt mài, cần mẫn mặc cho nhiều biến động đã diễn ra.

Các cô, chú nhớ lại thời hoàng kim, dọc con hẻm Phạm Phú Thứ, Phạm Văn Chí đều theo nghề làm chổi. Mỗi dịp Tết đến cả xóm rộn ràng, tất bật để kịp đơn giao cho khách. Ấy vậy mà năm tháng trôi qua, từng nhà một bỏ nghề, chọn công việc khác đỡ vất vả hơn, phần cũng vì khó cạnh tranh được với chổi công nghiệp khác. Như một quy luật tất yếu của những làng nghề truyền thống đều phải chịu sự mai một qua thời gian.

Những hộ còn làm chổi trên con hẻm Phạm Phú Thứ
Một trong những hộ còn làm chổi trong con hẻm Phạm Phú Thứ

Chủ một tiệm chổi trên con hẻm Phạm Phú Thứ chia sẻ: “Tết năm nay buồn lắm con. Như ngày trước còn có chục hộ cùng làm, giờ chỉ còn mấy người lớn tuổi làm thôi. Lớp trẻ ai chịu ngồi làm tay mấy này đâu”. Cô nói vậy nhưng vẫn cặm cụi ngồi dệt từng bó chổi dù giờ đã điểm qua giấc nghỉ trưa…

Cô Trinh (50 tuổi) - thợ làm chổi gắn bó với nghề từ lâu cho biết, gia đình có 3 thế hệ làm chổi và không chỉ làm các loại chổi đót truyền thống mà còn sáng tạo thêm các loại chổi mới như "chổi không bụi", phục vụ cho nhu cầu đa dạng của khách.

Dịp Tết là dịp bận nhất trong năm của xóm làng chổi nơi đây
Dịp Tết là dịp bận nhất trong năm của xóm làm chổi nơi đây

Theo cô Nguyễn Thị Thu Hồng, chủ cơ sở sản xuất chổi Hồng Thái nằm trên con hẻm Phạm Văn Chí cho biết, gia đình đã theo nghề ngót nghét được 40 năm. Hầu như thợ làm đều là người trong gia đình, mỗi người một công việc luân phiên nhau. Tết năm nay lượng hàng có ít đi nhưng vẫn luôn là thời điểm bận rộn nhất trong năm của cơ sở mình.

Các cô chú trong cơ sở Hồng Thái đều là anh chị em mỗi người một việc
Các cô chú trong cơ sở Hồng Thái đều là anh chị em mỗi người một việc

Còn chú Hải - người thợ thuộc cơ sở này bồi hồi nhớ lại khi xưa nguyên cả con phố này nhà nào cũng theo nghề, rồi sau dần cũng bỏ hết chỉ còn lại vài ba hộ như hiện nay. Lúc cao điểm, chú Hải cho biết nhiều chủ cơ sở còn thuê thêm người làm theo ngày.

Chú cũng tâm sự rằng sẽ theo cái nghề tới khi nào không còn đủ sức, bởi dù sao cũng đã gắn bó cùng mình và gia đình qua biết bao năm tháng từ khi huy hoàng đến khi chỉ còn vài ba cơ sở.

“Bụi thì bụi thật, đau tay đau chân thật nhưng giờ mà không làm buồn lắm con ơi”, chú Hải tâm sự.

Nguyễn Trang

Bản quyền thuộc https://tacnghiep.tuoitrethudo.vn/