3 sai lầm của phụ huynh khiến con “mất gốc” tiếng Anh
Từ kinh nghiệm thực tế kiểm tra, phỏng vấn trực tiếp các con và bố mẹ, tôi đã nhận ra nguyên nhân khiến học sinh “mất gốc” tiếng Anh. Trong bài viết này, tôi tập trung vào đối tượng học sinh lớp 8, 9 khi các em đang chuẩn bị cuộc thi chuyển cấp quan trọng - lên lớp 10; trong đó, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến các học sinh rơi vào tình trạng này.
Nhiều phụ huynh cho rằng con học tiểu học nên không cần học ngữ pháp tiếng Anh (Ảnh minh họa) |
Sai lầm thứ nhất: Học sinh tiểu học không cần học ngữ pháp
Khá nhiều phụ huynh có con học lớp 8, 9 hỏi tôi về việc thi vào lớp 10 của con. Khi con làm bài kiểm tra (test) trình độ thì bị hổng kiến thức ngữ pháp cơ bản và kỹ năng viết câu, viết đoạn văn rất kém. Hỏi ra thì các phụ huynh đó đều cho con học tiếng Anh từ nhỏ nhưng suốt những năm học tiểu học, đều không chú trong học ngữ pháp, từ vựng, chủ yếu học giao tiếp.
Khi vào cấp 2, con học tiếng Anh trên lớp với điểm trung bình học kỳ trong các năm lớp 6, lớp 7 từ 7,5 đến 8,0 nên phụ huynh cảm thấy yên tâm. Điểm là vậy nhưng khi kiểm tra thực tế cho thấy, kiến thức của các con cơ bản hổng, từ vựng ít và không viết đúng nhiều từ thông dụng.
Với đa số các con học trường công hay tự thục, không học các trường quốc tế thì phụ huynh muốn con mình học tiếng Anh từ cấp 1 cho vui. Nhiều phụ huynh có quan điểm các con học nói, giao tiếp là chính, ngữ pháp không quan trọng.
Thực chất, chúng ta nên cho con làm quen từ nhỏ, đã học tiếng Anh phải chú trọng cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; Không lơ là học đọc, viết mà bỏ qua ngữ pháp.
Một điều nữa, bất cứ kì thi chuyển cấp nào, các con muốn vào lớp chọn, trường điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay nhiều tỉnh thành khác thì hầu hết đều phải thi viết, kiểm tra ngữ pháp là chủ yếu. Như vậy, nếu không học ngữ pháp bài bản từ đầu, nắm vững kiến thức cơ bản với một lượng từ vựng nhất định thì các con lấy đâu ra “vốn” để làm các bài thi.
Việc xem nhẹ, không chú trọng học ngữ pháp, từ vựng làm cho quá trình học tiếng Anh mất nhiều thời gian hơn và là nguyên nhân khiến con bạn sẽ luôn bị điểm kém trong quá trình học tập suốt các năm THCS. Có người ví von, học tiếng Anh như xây một căn nhà, trong đó ngữ pháp chính là nền móng và bộ khung.
Trước tiên, chúng ta phải có nền móng và khung vững thì nhà mới chắc chắn để xây cao dần. Ngược lại, móng làm ẩu, khung xương yêu thì cứ xây là đổ, làm sao xây cao mãi được.
Để học tốt tiếng Anh, học sinh không được xem nhẹ chương trình SGK phổ thông (Ảnh minh họa) |
Sai lầm thứ hai: Xem nhẹ chương trình SGK phổ thông
Có điều hết sức sai lầm khi một số phụ huynh cho rằng, học tiếng Anh ở lớp không quan trọng. Giáo trình, sách giáo khoa (SGK) có vẻ “lạc hậu” và tâm lý đó “ngấm” sang con. Do không ít nguyên nhân, rất nhiều học sinh cấp 1 và 2 đã coi nhẹ tiếng Anh trong chương trình phổ thông.
Nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần. Nội dung văn hóa được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết chứ không chỉ chú trọng kỹ năng viết như trước.
Nếu con bạn học nghiêm túc chương trình tiếng Anh trên lớp, thuộc trên 80% từ vựng và ngữ pháp trong các tiết học thì sau mỗi năm học, kiến thức tiếng Anh thực sự đã đạt đến trình độ nhất định rồi.
Khi tiếp xúc với nhiều học sinh bị “mất gốc” tiếng Anh lớp 9, tôi có cho các con đọc lại các bài trong SGK và làm kiểm tra với nội dung hoàn toàn nằm trong sách. Kết quả chung là các em chỉ “đọc vẹt”, thậm chí đọc sai và không thuộc từ, không nắm được cấu trúc ngữ pháp.
Bốn năm học cấp 2, lượng kiến thức ngữ pháp bao trùm gần hết kiến thức cơ bản cộng các cấu trúc giúp học sinh có thể thành thạo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nếu học sinh nắm tốt kiến thức SGK THCS, đặc biệt tiếng Anh lớp 9 chương trình mới thì để làm một bài thi trắc nghiệm vào lớp 10 với nội dung như đề các năm 2019 - 2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội đạt điểm 9 - 10 không khó.
Thực tế, trong 2 năm qua, gần 50% số học sinh lớp 9 của Hà Nội thi vào lớp 10 có điểm môn tiếng Anh dưới trung bình. Cụ thể, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 của Sở GD&ĐT Hà Nội, lần đầu tiên môn tiếng Anh trở thành môn bắt buộc trên phạm vi toàn thành phố. Vốn được xem như môn học thế mạnh của học sinh Hà Nội nhưng môn tiếng Anh lại chiếm tỷ lệ điểm trên trung bình thấp nhất so với 3 môn còn lại.
Trong 4 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội, môn tiếng Anh có mức điểm thấp nhất với gần 45% bài thi đạt điểm dưới trung bình. Điều này khiến dư luận khá bất ngờ. Với mức độ đề cơ bản, việc gần 45% số thí sinh có điểm dưới trung bình khiến nhiều giáo viên lo ngại về trình độ tiếng Anh của phần lớn thí sinh còn quá yếu, chưa đạt tới mức cơ bản.
Ngược lại, có một điều phụ huynh dễ nhận thấy, nếu hôm nào trên lớp có môn tiếng Anh, về nhà học thuộc từ mới, mẫu câu, ngữ pháp thì chắc chắn kiến thức của con sẽ rất vững. Điểm kiểm tra của con sẽ luôn đạt từ 7, 8 điểm trở lên. Nếu luôn đạt 9, 10 điểm các bài kiểm tra trên lớp thì phụ huynh có thể yên tâm về trình độ tiếng Anh của con và có thể đầu tư cho con thi các kì thi học sinh giỏi hay thi vào chuyên Anh cấp 3.
Sai lầm thứ ba: Bắt con theo học các trung tâm và thầy cô nổi tiếng
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều phụ huynh cho rằng, học tiếng Anh trên lớp chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu hy vọng con học giỏi thì phụ huynh phải cho con ra các trung tâm tiếng Anh, trung tâm nổi tiếng càng tốt.
Nhiều phụ huynh cho con theo học các trung tâm nổi tiếng với số tiền không nhỏ, có “cam kết đầu ra” nhưng kết quả không đạt mục tiêu khi thi chuyển cấp cũng như lấy chứng chỉ tiếng Anh trong nước và quốc tế. Điều đó do bạn chọn sai, trung tâm tiếng Anh có thế nổi tiếng nhưng lại không phù hợp với con mình.
Khi thấy “con nhà người ta” đoạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh, đỗ IELTS 7.0 - 8.0 là nhiều phụ huynh lại cuống cuồng “inbox” hỏi thông tin: “Con anh, chị học tếng Anh cô nào, ở trung tâm nào đấy? Cho em xin số điện thoại để liên lạc”.
Nói là làm, bạn gọi điện thoại ngay cho cô giáo nổi tiếng, xin bằng mọi cách, tìm mọi quan hệ để con được vào học. Tuy nhiên, cô giáo có thể đạt thành tích dạy rất nhiều học sinh đỗ chuyên Anh trường Ams, Chuyên Nguyễn Huệ, Chuyên Ngoại ngữ nhưng con bạn mãi không thấy cải thiện trình độ?
Chính bản thân tôi đã từng cho con đến test đầu vào với một cô giáo nổi tiếng. Được xếp lớp giỏi nhưng sau 6 tháng thấy con không hứng thú, không chăm học nên tôi đã cho dừng. Sau đó, tôi quyết định cho con dừng theo học lớp của cô giáo đó. Đến giờ, đây vẫn là quyết định đúng nhất của tôi. Vì sau đó, tôi tìm được cho con một lớp học phù hợp hơn, không “toàn siêu nhân” ngày học cả trăm từ mới mà vẫn có thể đạt kết quả tốt trong các kỳ thi.
Như vậy, khi con đã lớp 8, 9, bạn phải xác định rõ trình độ thật của con đang ở đâu để chọn lớp học, thầy cô dạy phù hợp. Nếu vẫn mắc các sai lầm như trên thì con sẽ “mất gốc” kéo dài và khó đạt điểm cao môn tiếng Anh trong các kỳ thi về sau.