eMag azine
18/09/2022 00:00
Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng” bằng hành động

18/09/2022 00:00

TTTĐ - Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, hướng đến một đại dương không rác thải nhựa các cấp ngành, trong đó có tuổi trẻ đã bắt tay ngay vào hành động. Nhiều mô hình, sáng kiến nhằm hạn chế rác thải nhựa đã ra đời. Mỗi hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn sẽ góp phần “Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng””.

rác

Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng” bằng hành động

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, hướng đến một đại dương không rác thải nhựa các cấp ngành, Đoàn Thanh niên đã bắt tay ngay vào hành động. Nhiều mô hình, sáng kiến nhằm hạn chế rác thải nhựa đã ra đời. Mỗi hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn sẽ góp phần “Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng””.

Những con số biết nói

Theo báo cáo của tạp chí khoa học Science của Hiệp hội Mỹ gần đây: Đến nay thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó có 6,3 tỉ tấn là rác thải nhựa. Trong 6,3 tỉ tấn rác thải nhựa đó thì: 9% rác thải nhựa được tái chế, 12% rác thải nhựa được đốt, 79% còn lại tồn tại trong môi trường tự nhiên, bao gồm cả môi trường biển.

Thống kê của Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy của Mỹ cũng cho thấy: Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra biển trên toàn thế giới. Tổ chức này cũng dự báo là tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa.

Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì lượng rác thải nhựa thải ra biển mỗi năm là 0,28 tấn – 0,73 tấn, chiếm 6% và là nước xếp thứ 4 về lượng rác thải nhựa trên biển của toàn thế giới.

Rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và các sinh viên trên biển. Nhận thức được mối nguy hại từ rác thải nhựa, Việt Nam đã sớm bắt tay vào hành động.

Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng” bằng hành động

Năm 2018, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng, đề xuất sáng kiến chống rác thải nhựa đại dương và nhấn mạnh mục tiêu gìn giữ đại dương xanh, môi trường sinh tồn của nhân loại chỉ có được khi hòa bình, ổn định, hợp tác lan tỏa trên các vùng biển.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nêu thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đổi khí hậu; đưa ra sáng kiến thành lập Diễn đàn Hợp tác mở rộng giữa các nước G7 và các quốc gia ven biển về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường sinh thái biển để tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và huy động các nguồn lực cho thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức tại Việt Nam (tháng 6/2018), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đề xuất Dự án vùng vì một đại dương không rác thải nhựa và được GEF hoan nghênh, hợp tác triển khai

Cùng hành động vì một đại dương xanh, phong trào chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên môi trường có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện qua những nỗ lực, sáng kiến chống ô nhiễm rác thải nhựa được các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương thực hiện.

Sức hút của chiến dịch

“Hãy làm sạch biển”

Là lực lượng trẻ giàu nhiệt huyết, sáng tạo, Đoàn Thanh niên các cấp cũng đã vào cuộc, tích cực hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ biển quê hương.

Trong đó, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung tâm Tin tức VTV24 triển khai từ năm 2016 tại 28 tỉnh, thành phố có đường bờ biển. Chiến dịch thu hút đông đảo sự tham gia của đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; được sự ghi nhận, đánh giá cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng và xã hội. Các cấp bộ Đoàn, cấp bộ Hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại địa bàn cụ thể hóa các nội dung triển khai chiến dịch phù hợp với địa phương.

Với mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm rác thải, bảo vệ môi trường biển; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò của biển đối với đời sống, chiến dịch ngày càng có sức hút và nhận được sự hưởng ứng, đồng tình ủng hộ của cộng đồng, xã hội.

Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” được 28 tỉnh, thành phố có đường bờ biển duy trì thường niên với cách làm thiết thực, sáng tạo. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và đoàn viên, thanh niên, Đoàn Thanh niên các đơn vị còn trao sinh kế cho ngư dân, hỗ trợ con em ngư dân để họ yên tâm bám biển.

Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng” bằng hành động

Chị Nguyễn Thị Minh, ngư dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Từ chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, một lượng rác thải lớn đã được thu gom. Ngư dân, các chủ tàu khách và chủ tàu cá trên địa bàn xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, ngư dân nhiều tỉnh thành khác nói chung có ý thức giữ gìn môi trường biển hơn khi cùng đã ký cam kết không xả rác xuống biển”.

Bên cạnh chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, mô hình “Ngày chủ nhật xanh” được Trung ương Đoàn phát động và triển khai trên toàn quốc” nhằm vận động đoàn viên, thanh niên cả nước tình nguyện bảo vệ môi trường bằng các hành động thiết thực, xoá những "điểm đen" rác thải thành "điểm sáng - xanh - sạch đẹp".

Cuộc vận động “Thanh niên hành động chống rác thải nhựa" cũng được Trung ương Đoàn phát động và triển khai mô hình "Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa" và "Chung cư hạn chế rác thải nhựa"… Từ đó tạo ra sự đồng thuận, cùng hành động chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường sống và đại dương.

Hành động cụ thể, thiết thực đã tạo sức lan tỏa từ trung ương đến các địa phương, tiếp sức cho nhiều mô hình sáng tạo trong chống rác thải nhựa, bảo vệ đại dương ra đời.

Thông điệp

từ “ngôi nhà thu gom phế liệu”

Tỉnh Thanh Hoá với 102 km đường bờ biển giàu tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, khai thác cảng biển… nhưng cũng là thách thức để hạn chế rác thải nhựa đại dương. Góp sức cùng cộng đồng, tổ chức Đoàn - Hội LHTN tỉnh Thanh Hoá có nhiều hoạt động trong chống rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Đặc biệt, tuổi trẻ tỉnh đã sáng tạo và nhân rộng mô hình “ngôi nhà thu gom phế liệu”, hay còn gọi là nhà “ăn” rác thải nhựa.

“Ngôi nhà thu gom phế liệu” được Hội LHTN phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa; Phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá và nhiều đơn vị khác trên địa bàn triển khai. Các “ngôi nhà thu gom phế liệu” có vai trò tập hợp vỏ chai nhựa, phế liệu sau sử dụng. Vị trí đặt những ngôi nhà đó chủ yếu là nơi có nhiều hàng quán và đông người qua lại. Định kỳ 2-3 ngày/lần, sau khi nhà “ăn no” phế liệu, các bạn trẻ sẽ đến thu gom và bán phế liệu. Số tiền thu được sử dụng mua quà tặng cho học sinh nghèo, ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

“Ngôi nhà thu gom phế liệu” được thực hiện từ năm 2019. Chỉ sau thời gian ngắn, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Anh Nguyễn Văn Trung (trú tại phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn) cho biết: “Từ khi có “ngôi nhà thu gom phế liệu” của Đoàn Thanh niên, tôi thấy ý thức của đa số người dân địa phương có thay đổi trong bảo vệ môi trường. Chúng tôi bảo nhau mang phế liệu, rác thải nhựa đến bỏ vào ngôi nhà này, chứ không vứt xuống biển nữa. Hành động bỏ rác vào “ngôi nhà thu gom phế liệu” không chỉ cho biển bớt rác mà còn hỗ trợ được trẻ em nghèo, gia đình khó khăn, tôi thấy việc làm này rất tốt, thiết thực”.

Chị Lê Thị Lan Hương (trú tại thành phố Sầm Sơn) chia sẻ: “Tôi mong rằng sẽ ngày càng có nhiều hơn những “ngôi nhà thu gom phế liệu” để môi trường thêm xanh, để có thêm nhiều em học sinh được hỗ trợ, tặng quà. Từ khi có ngôi nhà, tôi thấy không những người lớn mà các em thiếu nhi cũng dần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất ra môi trường biển quê hương”.

Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng” bằng hành động

Cùng với những ngôi nhà “ăn rác”, tuổi trẻ tỉnh Thanh Hoá còn có nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương như: Ra quân chiến dịch “Hãy làm sạch biển” hàng năm; Triển khai hoạt động dọn vệ sinh môi trường, rác thải nhựa ở biển; Phát động bảo vệ môi trường trong việc giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa và túi nilon dùng một lần…

Cuối tháng 8 vừa qua, tại bãi biển xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tuổi trẻ tỉnh Thanh Hoá tổ chức chương trình “Hãy làm sạch biển” năm 2022. Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” bảo vệ môi trường, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” với mục tiêu: Phát huy có hiệu quả vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia bảo vệ môi trường, cùng nhau hành động vì một bãi biển xanh, sạch. Qua đây tích cực vận động quần chúng Nhân dân bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo, tham gia bảo vệ môi trường biển; cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, làm sạch bờ biển, hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm từ nhựa…

Ông Lê Trung Khôi (ngư dân huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá) bày tỏ: "Chúng tôi đi biển, khi vào gần bờ thấy rất nhiều rác thải nằm khắp nơi. Sau mỗi chiến dịch, chương trình, hoạt động dọn vệ sinh môi trường của tuổi trẻ huyện Hậu Lộc nói riêng, tỉnh Thanh Hoá nói chung, tôi thấy môi trường biển sạch hơn. Đồng thời, các đoàn thể cùng bà con địa phương cũng noi theo thực hiện dọn rác dọc bãi biển, tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của rác thải nhựa đại dương, cùng nhau giữ gìn môi trường biển để hàng ngày vươn khơi bám biển. Sau này mỗi chuyến ra khơi trở về tôi sẽ thu gom rác thải bỏ vào thùng rác theo quy định, để góp phần sức nhỏ của mình bảo vệ đại dương”.

Trả lại màu xanh cho biển...

Một thời, đi dọc các bờ biển tại tỉnh Phú Yên, không khó để nhìn thấy rác thải nhựa trôi nổi trên mặt nước cũng như mắc lại trên bờ. Rác thải nhựa đã làm hình ảnh vùng biển Phú Yên mất điểm trong mắt du khách. Những chiếc túi ni lông, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn,… được thải ra từ sinh hoạt hàng ngày của người dân và du khách xuất hiện tràn lan.

Tuy nhiên, “rác trắng” đang dần bị đẩy lùi khi tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp, thu gom, vận chuyển xử lý rác thải bằng xe chuyên dùng, nhiều mô hình hạn chế rác thải được triển khai tại tỉnh từng bước nâng cao ý thức của cộng đồng trong về tác hại của chất thải rắn.

Những mô hình thu gom rác từ lồng bè nuôi trồng thuỷ sản ở Phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu; thu tái chế chai nhựa và pin làm vật liệu xây dựng tại Trường cao đẳng nghề Phú Yên; tái chế rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học ở xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa và khách sạn Kaya được đánh giá cao. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại, giảm thiểu phát thải, tái chế rác thải, biến rác thành tài nguyên.

Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng” bằng hành động

Thanh niên Phú Yên đã và đang góp sức trong hành trình “thanh lọc” rác thải nhựa trên biển. Tháng 10/2020, tại danh thắng quốc gia Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) phối hợp với Sở TN&MT, UBND huyện Tuy An và hơn 300 đoàn viên thanh niên tổ chức chương trình “Sạch biển Hòn Yến – đẹp mãi Phú Yên”.

Ông Trần Minh Trí, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn luôn xác định “Thanh niên xung kích ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường” là nội dung quan trọng trong phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn luôn chú trọng đổi mới, sáng tạo hình thức và nội dung tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên thông qua các cuộc thi sáng tác clip tuyên truyền, các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, Chiến dịch Hãy làm sạch biển; Hoạt động đồng loạt ra quân Ngày chủ nhật xanh,…

Vào đầu tháng 3/2022, khoảng 50 người dân và 120 sinh viên Đại học Xây dựng miền Trung đã tập trung tại một bờ biển nằm gần một khu vực đông dân cư tại phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên để dọn rác thải. Những người tham gia đã thu gom được 250 túi rác lớn với trọng lượng 30 - 35 kg mỗi túi, tương đương 7.500 - 9.000 kg rác thải nhựa và các loại rác thải khác tại vịnh Xuân Đài.

Bên cạnh những tổ chức, các ban, ngành, đoàn thể, nhiều cá nhân cũng đang góp sức vào việc giữ gìn màu xanh của biển. Chị Thiên Bình, người phụ nữ Hà Nội đã cùng con bỏ phố về biển dọn rác. Ngoài ra, chị còn thành lập nhóm tình nguyện Touch Blue nhằm "khoác màu áo mới" cho biển.

Chia sẻ lý do việc rời phố về biển, chị Bình cho rằng, đây là một sự ngẫu nhiên. “Khi dịch COVID-19 đến, tôi có nhiều thay đổi về định hướng cuộc sống của bản thân và của 2 mẹ con. Từ đó, tôi đưa ra quyết định sẽ gắn bó với một vùng đất mới. Một phần vì công việc của tôi không cố định nên dù đi đến một vùng đất khác, tôi vẫn có thể linh hoạt tìm kiếm cho mình những cơ hội mới", chị Thiên Bình chia sẻ.

Khi đặt chân đến xã Cam Lập (Khánh Hòa), điều đầu tiên chị Bình nhận thấy, môi trường tại đây đã bị ô nhiễm nhưng lại không có bãi rác tập kết nào; Thêm vào đó, những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm ở vùng này cũng phát triển mạnh nên rác thải trong nuôi trồng thủy sản cũng nhiều hơn.

Xanh hóa đại dương, đẩy lùi “rác trắng” bằng hành động

Chứng kiến rác thải la liệt trên bờ biển như vậy, một vùng biển đã từng rất trong xanh lại trôi nổi đầy rác và bốc lên mùi "hôi thối", chị Thiên Bình không thể ngồi yên. Hai mẹ con chị Thiên Bình và một vài người bạn đã quyết định cùng nhau dọn sạch bờ biển.

Với mong muốn tập hợp nhiều cá nhân trả lại màu xanh cho biển nơi đây, tháng 6/2022, chị Thiên Bình quyết định thành lập ra nhóm Touch Blue. Với tên gọi Touch Blue, chị Bình muốn truyền tải thông: chạm tay vào màu xanh, chạm tay vào biển cả.

Các thành viên trong hàng ngày cần mẫn dọn rác, góp phần đem lại sự xanh - sạch - đẹp cho vùng biển. Tính tới nay, nhóm đã có gần 400 thành viên, gồm hai mẹ con chị Bình, người dân trong thôn và những người muốn bảo vệ môi trường biển trên khắp cả nước.

Nhắc đến Phú Yên, du khách không chỉ nhớ tới địa danh nơi có hoa vàng trên cỏ xanh, mà còn là những bãi biển xanh ngắt đẹp hút hồn, thắng cảnh sơn thủy hữu tình như Đầm Ô Loan và Vịnh Xuân Đài. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần cố gắng hơn nữa trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, giúp vùng biển nơi đây có thể thu hút và giữ chân du khách.

Không chỉ Phú Yên, Thanh Hóa… các tỉnh thành có đường biển đang nỗ lực vì một đại dương xanh bằng những hành động thiết thực nhất.

Bài viết: Phương Thanh, Lê Dung, Thi Mai

Thiết kế: Thành Trung

Thành Trung, Nguyễn Dũng, Lê Dung, Thi Mai