TTTĐ - Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP, đem lại nhiều việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác… Người trẻ luôn gắn với sự bứt phá và sáng tạo. Việc tạo dựng lớp trẻ vừa là người gây dựng, phát triển, vừa là người tiêu dùng công nghiệp văn hóa đang được thành phố Hà Nội chú trọng và được tổ chức Đoàn đặc biệt quan tâm. Để làm rõ hơn về vấn đề này, báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng đăng loạt bài viết: “Văn hóa số và khát vọng thanh niên”… Bài 1: Phát triển công nghiệp văn hoá – Sứ mệnh của người trẻ Người trẻ nói chung và tuổi trẻ Thủ đô nói riêng có nhiệm vụ to lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, bạn trẻ Thủ đô trở thành lực lượng tiên phong, được kỳ vọng sẽ là thế hệ làm chủ và phát huy những thế mạnh của công nghệ thông tin trong sáng tạo, thúc đẩy công nghiệp văn hóa. |
Tuổi trẻ Thủ đô trở thành lực lượng tiên phong, được kỳ vọng sẽ là thế hệ làm chủ và phát huy những thế mạnh của công nghệ thông tin trong sáng tạo, thúc đẩy công nghiệp văn hóa |
Bứt phá và cất cánh...Năm 2016, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là văn bản pháp lý cụ thể mở đường “cất cánh” cho các ngành kinh tế dựa trên sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng. Công nghiệp văn hóa được xác định gồm 13 ngành: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổng kết 5 năm triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, tính đến ngày 3/1/2021 giới hạn ở 5 ngành: Điện ảnh; Du lịch văn hóa; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Nghệ thuật biểu diễn; Quảng cáo. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, phát triển văn hóa và con người Hà Nội vô cùng quan trọng, bởi đây là vấn đề không chỉ của Hà Nội mà còn cho cả nước, để chúng ta tự hào về văn hóa, tự hào về con người Việt Nam. Vì thế, Hà Nội cần tập trung vào văn hóa, trong văn hóa phải tập trung vào công nghiệp sáng tạo. Với vị trí đặc biệt của văn hóa Thủ đô, việc phát triển công nghiệp văn hoá không chỉ góp phần tạo ra nhiều doanh thu, việc làm, mà còn phải gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Hà Nội trong thời đại toàn cầu hóa. Bởi lẽ, nơi đây là trái tim của cả nước, là bộ mặt của quốc gia. |
Ông Đỗ Đình Hồng, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội cho biết: “Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hoá trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Cho tới nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ra nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hoá. Ngày 22/2/2022, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09 - NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các chuyên gia cho rằng, du lịch là một ngành công nghiệp không khói và rất quan trọng đối với phát triển đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Vì thế chúng ta cần tạo ra hàng loạt các sản phẩm hấp dẫn cho Hà Nội. Để du lịch Thủ đô trở nên hấp dẫn phải gia tăng những giá trị văn hoá. Theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 5.922 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 2.380 di tích được xếp hạng, chiếm tỉ lệ gần 20% cả nước. Nhiều di sản nổi tiếng có giá trị nổi bật như: Hồ Gươm, Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, Đền Ngọc Sơn, nhà tù Hoả Lò… Người trẻ mang sứ mệnh tiên phong |
Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội đã ban hành. Vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố cũng được xác định. Người trẻ Hà Nội không thể đứng ngoài cuộc. Hiểu rõ được vị trí, vai trò của mình, các bạn trẻ sinh sống, học tập và làm việc tại Thủ đô đã và đang tham gia có trách nhiệm vào phát triển công nghiệp văn hoá. Thế hệ trẻ ngày nay có nhiều điều kiện, cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại, được trang bị kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là sức sáng tạo để góp phần vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà thành phố giao phó. Từ học sinh, sinh viên, công chức, trí thức, đến các nghệ sĩ trẻ… chính là đội ngũ tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô nói riêng và nước ta nói chung. Bởi thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là vốn di sản văn hóa giàu có, mà còn có nguồn lực con người to lớn, với tỉ lệ dân số trẻ cao. Thanh niên Hà thành nói riêng và cả nước nói chung đã và đang triển khai những phần việc phục vụ nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hoá. Nhiều người trẻ tiên phong sáng tạo ra các công trình, mô hình, ứng dụng hiện đại. Họ chuyển giao công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực du lịch văn hoá, giữ gìn di tích lịch sử gắn với bảo tồn, quảng bá thông qua số hoá, mã hóa dữ liệu các “địa chỉ đỏ”… Trên các lĩnh vực của công nghiệp văn hoá đều có sự có mặt, tiên phong của lực lượng thanh niên. Người trẻ hôm nay nhận thức rõ sứ mệnh, cơ hội cũng như vai trò của mình, góp phần bảo tồn giá trị truyền thống, tham gia phát triển công nghiệp văn hoá trong thời đại công nghệ 4.0. Với thế hệ trẻ Thủ đô, họ hiểu được bổn phận của mình trong công nghiệp văn hoá, cũng chính là trách nhiệm đối với chiến lược phát triển của thành phố. Trong thời gian qua, nhiều nghệ nhân trẻ Thủ đô mang sản phẩm làng nghề truyền thống đến với bạn bè quốc tế đã nhận được sự quan tâm lớn. Những phần mềm ứng dụng, hay trò chơi giải trí được bạn bè thế giới đón nhận. Những tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ giành giải cao trong các cuộc thi Nhiếp ảnh, Triển lãm uy tín mang tầm cỡ quốc tế… Thực tế cho thấy, tính chất trách nhiệm xã hội của mỗi thanh niên nói chung và người trẻ Thủ đô nói riêng trong tham gia phát triển công nghiệp văn hoá đã và đang được thể hiện trên nhiều phương diện đời sống. Ý thức và làm tốt điều đó là họ đang thể hiện được bổn phận, trách nhiệm của mình đối với xã hội, góp phần phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô, cũng như cả nước. Ở mỗi thời điểm, trách nhiệm của thanh niên cũng được thể hiện khác nhau. Trong kỷ nguyên số, bổn phận của họ chính là phát triển kinh tế - xã hội số. Với họ, công nghiệp văn hoá chính là ngành kinh tế mũi nhọn, là nơi thử sức buộc người trẻ phải xung kích, tiên phong, ghi dấu ấn trẻ trên hành trình mới, dù còn đang phải dùng tới nhiều phép thử và cả sự dò dẫm, táo bạo… (Còn nữa) |