Tập trung các nguồn lực, tạo “cú hích” để Thủ đô phát triển
Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng
Luật Thủ đô bám sát 5 quan điểm chỉ đạo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Luật ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của 3 Nghị quyết (Nghị quyết 15, Nghị quyết 06 và Nghị quyết 30 năm 2022) của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là Luật có ý nghĩa đặc biệt và triển khai Luật Thủ đô một cách nghiêm túc, kịp thời, nhanh chóng sẽ mở ra sớm hơn các cơ hội để Thủ đô Hà Nội có những đột phá, vượt trội trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Luật Thủ đô 2024 đáp ứng niềm mong mỏi của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô |
Theo các chuyên gia, để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, Hà Nội cần xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội; vừa đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô.
Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng quá trình thực hiện có thể có nhiều vướng mắc pháp lý xảy ra, các “điểm nghẽn” cần được nhận thức, quán triệt và đồng lòng tháo gỡ.
Trong đó, Hà Nội hiện đang đứng trước nhiều thách thức với việc phải thoát được bẫy thu nhập trung bình 7.000 USD/người hiện nay. Hà Nội phấn đấu đến 2030 thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 12.000-13.000 USD và muốn vậy, tốc độ tăng trưởng phải cao.
Để giải quyết các thách thức trên, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là khâu đột phá, trong đó cần chú trọng đầu tư cho yếu tố nguồn nhân lực. Đây vừa là tiềm lực, vừa là động lực, vừa là giải pháp.
Hà Nội đã và đang kêu gọi các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực đưa ra nhiều tư vấn, kiến nghị, góp ý để xây dựng các nghị quyết trình HĐND TP thông qua, qua đó cụ thể hóa Luật Thủ đô. Trong các vấn đề cần cụ thể là thu hút, kết nối nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước... cũng như cụ thể hóa các cơ chế mới trong Luật Thủ đô liên quan đến doanh nghiệp, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới...
HĐND TP Hà Nội tổ chức kỳ họp chuyên đề - kỳ họp thứ 19 để ban hành các Nghị quyết thi hành Luật Thủ đô |
Bên cạnh đó là xác định chương trình khoa học trọng điểm của TP, các sản phẩm khoa học công nghệ chủ lực để tránh đầu tư dàn trải; xây dựng các chương trình khoa học công nghệ cụ thể để TP tập trung nguồn lực thực hiện, kêu gọi đầu tư, ưu đãi đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược...
Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, để thực hiện thành công việc phát triển khoa học và công nghệ trọng điểm, Hà Nội cần xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trình độ cao, thực hiện một số biện pháp chiến lược, như: Mở rộng cơ hội hợp tác và tìm kiếm nhân tài; xây dựng chính sách ưu đãi trong tuyển dụng và đãi ngộ hấp dẫn, không chỉ cạnh tranh trong nước mà với cả các khu vực trên thế giới; khuyến khích sự trở về của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài bằng cách tạo ra các cơ hội việc làm hấp dẫn và các chương trình nghiên cứu trọng điểm…
Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhìn nhận, về lĩnh vực cơ khí tự động hóa, TP Hà Nội đến năm 2045 sẽ phải hoàn thành khoảng 600km đường sắt đô thị, trong đó có cả đoạn trên cao và đoạn ngầm dưới lòng đất.
Để hoàn thành một khối lượng đường sắt lớn như thế, cộng với vấn đề duy tu bảo dưỡng, cần đặt ra vấn đề về hình thành cơ chế, phương án hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ của TP tham gia vào những chuỗi giá trị này, đề ra định hướng sản phẩm chủ lực…
Nâng cao năng lực của từng cấp chính quyền
GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Luật Thủ đô năm 2024 đã xác định Thủ đô Hà Nội là “đô thị loại đặc biệt” là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia” và là “trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước” (Khoản 2 Điều 2). Theo đó, một trong những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô là quy định các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô.
Vì vậy, nâng cao năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa của HĐND và UBND các cấp, nhất là cấp TP đối với các cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô phù hợp với từng cấp chính quyền Thủ đô là nhiệm vụ hàng đầu để thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Để làm được điều này, cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về phân cấp, phân quyền giữa cấp chính quyền TP với chính quyền cấp quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố giữa chính quyền quận, thị xã TP thuộc TP với chính quyền phường, xã trong việc tổ chức và thực hiện các chính sách, đặc thù theo đúng quy định về phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND.
Cùng với đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục hành chính mới ban hành đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; trọng tâm là các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư và các thủ tục khác.
Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học triển khai Luật Thủ đô |
Liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng phân tích: Luật Thủ đô 2024 đã cho phép xây dựng các tuyến đê mới. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu, được xây dựng công trình, nhà ở với tỉ lệ thích hợp. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng. Vấn đề này được ủy quyền cho HĐND TP Hà Nội quyết định hình thức sử dụng, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Việc ủy quyền nêu trên, theo TS Cao Đức Phát là “rất mạnh mẽ” nhưng yêu cầu thêm nội dung đi kèm, đó là phải thực hiện theo quy hoạch đê điều; theo quy hoạch phòng, chống lũ các tuyến sông có đê; theo quy hoạch sử dụng đất và theo quy hoạch khác có liên quan, chính là theo quy hoạch xây dựng… Trong khi đó, thẩm quyền thực hiện các quy hoạch lại rất khác nhau.
Vì vậy, Hà Nội nên tổ chức họp, phối hợp với tất cả các cơ quan có liên quan thực hiện tổng rà soát, lập kế hoạch phân công và đề ra tiến độ rõ để thực hiện.
“Khi làm tốt thì chúng ta phát huy được sự cởi mở của Luật Thủ đô. Còn cứ ngồi đợi nhau thì bỏ lỡ cơ hội và trở thành yếu tố kìm hãm sự phát triển Thủ đô”, ông Phát nói.
Việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một "cú hích" quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là vấn đề mới của Hà Nội.
Để bảo đảm việc triển khai Luật Thủ đô hiệu quả, kịp thời và đúng tiến độ, kể từ ngày 1/1/2025, đối với công tác xây dựng các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ tập trung rà soát, hoàn thiện, trình dự thảo các nghị quyết chưa hoàn thành trong năm 2024; tập trung rà soát, hoàn thiện, đăng ký, đề xuất rõ tiến độ, thời hạn trình ban hành trong năm 2025, bảo đảm nội dung văn bản phù hợp với các luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám, kỳ họp thứ 9 và quy định pháp luật.