Tăng cường hiệu quả "phạt nguội" vi phạm giao thông bằng nhiều phương pháp
Ứng xử khi tham gia giao thông - một phút nóng nảy, một đời hối tiếc Giải tỏa nỗi lo phạt oan khi đèn giao thông "bỗng dưng đỏ" Cách gửi thông tin, hình ảnh vi phạm giao thông tới cảnh sát |
Chưa có cơ chế chi tiền cụ thể
Thời gian gần đây, thông tin về việc chi trả tiền cho người gửi tin báo vi phạm trật tự, an toàn giao thông đã làm dậy sóng dư luận xã hội.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, những thông tin về việc cá nhân được nhận tiền thưởng từ cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên mạng xã hội gần đây là không chính xác.
Tại nhiều điểm không có Cảnh sát giao thông và camera, tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra thường xuyên |
Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025, cho phép Bộ Công an được chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông với mức chi không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được cảnh sát giao thông thực hiện trong thời gian qua.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông từ thông tin, hình ảnh do người dân, tổ chức cung cấp.
Về đầu mối tiếp nhận, mới đây nhất, Thông tư 73/2024 của Bộ Công an có nêu nội dung này. Đơn vị cảnh sát giao thông có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin.
Đồng thời, đơn vị cảnh sát giao thông sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu của cá nhân, tổ chức cung cấp.
Đơn vị cảnh sát giao thông thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục Cảnh sát giao thông; phòng cảnh sát giao thông; đội cảnh sát giao thông, trật tự thuộc công an cấp huyện.
Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông thông qua cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeTraffic do Bộ Công an phát triển.
Thông tư 73/2024 cũng nêu quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021.
Dữ liệu thu được cần đảm bảo: Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật; đồng thời, phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm.
Đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, điều này sẽ được các cơ quan liên quan sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi, hiện chưa có cơ chế cụ thể về vấn đề này.
Do vậy, những thông tin về việc cá nhân được nhận tiền thưởng từ cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên mạng xã hội thời gian gần đây là không chính xác.
Ưu tiên sử dụng camera khi xử lý vi phạm
Trao đổi với báo chí trước đó, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông nhận định, việc thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông là một vấn đề dễ gây nhiều tranh cãi, do việc này có những ưu điểm và cũng có những nhược điểm.
Ưu điểm của biện pháp này là giúp khuyến khích người dân tham gia giám sát; nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm; xây dựng ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Nhược điểm của việc thưởng tiền này có thể dẫn đến tình trạng "săn" lỗi; gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Việc tăng cường xử lý "phạt nguội" sẽ hạn chế tình trạng vi phạm giao thông |
Một số quốc gia trên thế giới đã từng áp dụng hình thức thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông, tuy nhiên hiệu quả và những tác động của chính sách này còn nhiều tranh cãi. Cụ thể, nhiều thành phố ở Mỹ đã thử nghiệm các ứng dụng cho phép người dân báo cáo vi phạm giao thông và nhận phần thưởng nhỏ.
Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả của các chương trình này khá đa dạng giữa các địa phương. Một số quốc gia châu Âu như Hà Lan, Đức đã có những dự án thử nghiệm liên quan đến việc khuyến khích người dân báo cáo vi phạm giao thông. Tuy nhiên, các hình thức khuyến khích thường đa dạng hơn là chỉ đơn thuần thưởng tiền mặt.
Tại các nước Châu Á, ngoài Singapore, một số quốc gia khác như Hàn Quốc cũng đã có những đề xuất hoặc thử nghiệm các hình thức khuyến khích tương tự.
Thực tế, việc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm nhằm tăng cường hiệu quả các biện pháp "phạt nguội". Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Vì thế, trước mắt, việc ưu tiên cần làm là thúc đẩy triển khai đồng bộ, hiệu quả việc lắp đặt camera giao thông để việc "phạt nguội" đạt hiệu quả tốt hơn.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông cho biết, sẽ ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người quản lý chiến sĩ để ghi hình tuyên truyền nhắc nhở, xử lý giao thông tham gia của người dùng.
Theo đó, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để thu thập dữ liệu và xử lý vi phạm (phạt nguội) thay cho phương thức xử lý trực tiếp; đơn giản hóa quy trình, thủ tục xử lý và nộp tiền phạt vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với người dân, doanh nghiệp.