Phát triển hợp tác xã - phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp
Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp ngày càng nâng cao Nâng sức cạnh tranh cho kinh tế tập thể, hợp tác xã |
Nhờ đó, ngành nông nghiệp huyện Ứng Hòa đã có bước chuyển biến rõ nét, trở thành vùng sản xuất, cung ứng nông sản cho thành phố.
Những điển hình tiêu biểu
Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (xã Vạn Thái) là một điển hình. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ được thành lập tháng 3/2006, với 33 xã viên. Sau khi thành lập, hợp tác xã đã liên kết gần 40 thành viên xây dựng mô hình sản xuất lợn theo tiêu chuẩn an toàn, đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín.
Chăm sóc đàn gà đẻ trứng tại trang trại liên kết của Hợp tác xã chăn nuôi Đông Lỗ, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. |
Hiện nay, sau 18 năm, hợp tác xã có quy mô sản xuất hơn 22ha với 3.000 con lợn nái, 70.000 con lợn thịt/năm; trung bình mỗi năm, hợp tác xã thu hơn 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 60 lao động với mức lương bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức (xã Minh Đức) chọn đầu tư về phát triển dịch vụ cơ giới hóa như dịch vụ làm đất, gặt, máy cấy, mạ khay. Ông Chu Văn Tráng - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức chia sẻ: Được thành lập năm 2015 theo Luật Hợp tác xã năm 2012 với 100% thành viên mới, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức đang là đơn vị cung ứng mạ khay, máy cấy, các dịch vụ thủy lợi cho nhiều xã trên địa bàn huyện Ứng Hòa và một số huyện lân cận.
Thống kê của phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho thấy, hiện toàn huyện có 110 hợp tác xã, trong đó có 97 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 100% hợp tác xã đã tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Từ sự phát triển các hợp tác xã, những năm qua, kinh tế nông nghiệp huyện Ứng Hòa có sự chuyển dịch rõ nét; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1ha đất canh tác năm 2020 (gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) của huyện ước đạt 220 triệu đồng/ha, tăng 1,45 lần so với năm 2015. Trong đó, giá trị sản xuất lúa đạt 90 triệu đồng/ha, cây ăn quả bình quân đạt 260 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất thủy sản đạt 380 triệu đồng/ha…
Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả từ các hợp tác xã, thời gian tới, huyện Ứng Hòa tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã; lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm và tâm huyết với kinh tế tập thể, đồng thời, huy động nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Được biết, thời gian tới, UBND huyện Ứng Hòa tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, hỗ trợ vốn, cây, con giống có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn ngày; hỗ trợ chuyển đổi mới máy móc thiết bị kỹ thuật; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để phát triển kinh tế tập thể. Để khuyến khích các hợp tác xã trên địa bàn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, huyện tiếp tục hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, vùng nuôi thủy sản, khu chăn nuôi tập trung…
Hợp tác xã VietGAP Đồng Tiến thuộc xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa có diện tích trên 53ha trồng bưởi Diễn bên bờ sông Đáy, mỗi năm đem lại doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha. |
Nâng cao hiệu quả, đảm bảo an sinh xã hội
Tính đến tháng 8/2024, TP Hà Nội có 1.498 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Nhằm khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã… ngày 24/4, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn TP.
Theo Quyết định, UBND TP Hà Nội chọn 19 hợp tác xã thí điểm tham gia đề án. Có thể kể đến Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai); Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa); Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa); Hợp tác xã Quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ở Thụy Điển (quận Cầu Giấy); HTX Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm); Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai); Hợp tác xã Nông nghiệp xã Vân Nam (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ)…
Việc xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết. Từ đó, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể phát triển.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, qua hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể của Hà Nội cho thấy, kinh tế tập thể có bước chuyển biến rõ rệt, mang lại hiệu quả cao.
Hà Nội là địa phương có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước. Các hợp tác xã - nòng cốt của kinh tế tập thể chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động đa dạng. Việc thành lập các tổ hợp tác đã đáp ứng và khắc phục được khó khăn của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, sức cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như Hợp tác xã Cuối Quý, Hoa lan Đan Hoài, huyện Đan Phượng; Công nghệ cao Thăng Long; Rau củ quả Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; Sông Hồng, huyện Đông Anh; chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì; Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm; rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ…
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội |