Nhiều ca biến chứng viêm phổi do tự ý điều trị cúm A
Nhập viện trong đêm vì biến chứng viêm phổi do cúm A
Bệnh viện Đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận trường hợp người phụ nữ nhập viện ngay trong đêm vì biến chứng viêm phổi do mắc cúm A.
Suốt mấy ngày nay, bệnh nhân nữ P.T.H (51 tuổi, ở Hà Nội) ho nhiều, ho có đờm, đau rát họng kèm người gai rét, sốt cao. Đặc biệt, cô H xuất hiện tình trạng đau rát vùng sau xương ức và khó thở.
![]() |
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính phổi của bệnh nhân mắc cúm phát hiện tổn thương. Ảnh: BVCC |
Nghĩ là cảm cúm thông thường nên cô H tự ra hiệu thuốc mua thuốc cảm cúm về uống. Tuy nhiên, tình trạng không thuyên giảm, vẫn sốt cao kèm mệt nhiều, ăn kém nên quyết định nhập viện ngay trong đêm.
Khi đến bệnh viện, bác sĩ chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết phục vụ chẩn đoán. Trong đó, xét nghiệm cúm A cho kết quả dương tính. Đáng chú ý, hình ảnh chụp cắt lớp vi tính phổi độ phân giải cao cho thấy, hình ảnh dày thành phế quản hai phổi kèm tổn thương kính mờ, nốt đặc, dày tổ chức kẽ thùy trên phổi trái.
Chẩn đoán xác định, bệnh nhân mắc cúm A kèm theo biến chứng viêm phổi. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Nội.
TS.BS Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc Chuyên môn, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: Tuy rằng đa phần các trường hợp bị nhiễm cúm A thường diễn biến khá nhẹ, tuy nhiên cũng sẽ có những tình huống đặc biệt nguy hiểm, thậm chí là gây ra tử vong.
Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng.
Cúm A sẽ gây ra biến chứng điển hình như viêm phổi. Tình trạng này xuất hiện phổ biến ở các nhóm người có yếu tố nguy cơ cao như trẻ em, người trên 65 tuổi, hay người có bệnh mạn tính như suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ gan…
Cúm A còn có khả năng gây viêm bội nhiễm (viêm tai giữa, viêm mũi xoang mủ), viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm nấm huyết.
Đối với phụ nữ mang thai, mắc cúm A sẽ dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi nặng và suy thai, sảy thai, thai chết lưu, đẻ non…
Bác sĩ Cương nhấn mạnh, dù cúm mùa thường được xem là bệnh nhẹ, nhưng nếu xuất hiện 2 dấu hiệu sau, người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay lập tức: suy hô hấp (thở nhanh, thở nông, khó thở, co kéo cơ hô hấp, tím tái); đo SpO2 giảm dưới 93% (chỉ số bão hòa ôxy trong máu thấp có thể dẫn đến suy hô hấp cấp).
Bên cạnh đó, những người có bệnh nền như hen phế quản, COPD, tiểu đường, bệnh tim mạch có nguy cơ biến chứng cao hơn và cần đặc biệt theo dõi sát sao.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm, người dân hãy chủ động thực hiện thăm khám để phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp điều trị hiệu quả.
Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhi mắc cúm A
Phòng khám Đa khoa Medlatec số 2 đã cấp cứu cho bệnh nhi N.T.L (6 tuổi, ở Hà Nội) bị co giật vì sốt cao do mắc cúm A.
ThS.Trần Thị Kim Ngọc, Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Medlatec số 2 cho biết, trước khi đến phòng khám, bé L có biểu hiện sốt cao kéo dài 24 giờ, sau đó đột ngột co giật, mất ý thức, tím môi, tím tay chân. Gia đình lập tức đưa trẻ đi cấp cứu.
Tại Medlatec, qua thăm khám phát hiện, trẻ sốt cao 40 độ, co giật khi sốt cao, tím môi, tím tay chân, mất ý thức khoảng 1 phút, đã được xử lý bằng cắt co giật và hạ sốt đường tĩnh mạch. Kết quả cận lâm sàng cho thấy trẻ bị viêm phế quản phổi do cúm A.
![]() |
Gia đình đưa các bệnh nhi đến khám tại Chuyên khoa Nhi, Hệ thống Y tế Medlatec. Ảnh minh hoạ |
Dựa trên kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ kết luận bệnh nhi mắc viêm phế quản phổi do cúm A biến chứng sốt cao co giật.
Từ trường hợp bé L, bác sỹ Ngọc cảnh báo, sốt cao co giật có thể là một biến chứng nguy hiểm của cúm A, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, cơn co giật có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như tổn thương não. Khi trẻ co giật kéo dài, não bộ có thể bị thiếu oxy, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thần kinh.
Để tránh bị co giật khi sốt cha mẹ cần lưu ý theo dõi sát thân nhiệt của trẻ bởi khi trẻ bị cúm A, sốt cao là triệu chứng phổ biến.Cha mẹ nên đo nhiệt độ 1 giờ/lần. Nếu sốt trên 38.5°C, người chăm sóc cho trẻ cần hạ sốt bằng paracetamol theo đúng liều lượng kết hợp lau mát bằng khăn ấm ở vùng trán, cổ, nách, bẹn để hỗ trợ hạ nhiệt.
Trẻ cũng cần được bổ sung đủ nước và dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước, sữa, nước oresol hoặc nước trái cây để tránh mất nước; đảm bảo chế độ ăn dễ tiêu hóa, đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch.
Nếu trẻ xuất hiện cơn co giật kéo dài trên 5 phút; trẻ không tỉnh lại sau co giật; xuất hiện tím tái, khó thở, gia đình cần gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Xây dựng đề án cấp cứu ngoại viện

Infographic: Khuyến cáo về phòng chống bệnh sởi

Tai nạn giao thông chấn thương sọ não, thai phụ vượt qua "cửa tử"

CDC Hà Nội đẩy mạnh công tác An toàn vệ sinh lao động

Giảm ca bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 dân vào năm 2030

Đối thoại với gần 500 thanh niên ngành y

Vingroup tài trợ 1.000 tỷ đồng cho Đề án Cấp cứu Ngoại viện cấp quốc gia

Ngành y tế thực thi nghiêm phòng, chống tác hại thuốc lá

Buồn nôn, chóng mặt... cảnh giác với hạ natri máu
