Người dân ủng hộ việc “tăng nặng” mức phạt khi vi phạm giao thông
Tăng cường xử lý các vi phạm
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, sau 24 giờ ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP với mức phạt “tăng nặng” cho các hành vi vi phạm cơ bản, thành phố đã xử phạt 594 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền 1.671.825.000 đồng, tạm giữ 189 phương tiện, 385 bộ giấy tờ, tước 19 giấy phép lái xe.
Qua phân tích, các lỗi vi phạm chủ yếu là vượt đèn đỏ với 62 trường hợp, đi vào đường cấm ngược chiều 20 trường hợp, vi phạm tốc độ 18 trường hợp, dừng đỗ sai quy định 72 trường hợp, vi phạm về nồng độ cồn 138 trường hợp và không đội mũ bảo hiểm 237 trường hợp…
Phòng Cảnh sát giao thông đánh giá, ngày 2/1/2025 là ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2025, khắp các ngả đường ở Hà Nội lại trở nên đông đúc.
Tuy nhiều tuyến đường như Khuất Duy Tiến, Láng, Phạm Hùng… vẫn xảy ra ùn ứ tại một số điểm nhưng đã chấm dứt tình trạng người dân chen lấn đi lên vỉa hè, dừng xe quá vạch và vượt đèn đỏ. Những hình ảnh này cũng được các cơ quan báo chí ghi nhận là mang đến "hình ảnh khác lạ” cho giao thông Thủ đô.
Việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, nhiều người dân đồng tình ủng hộ, bởi sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông |
Ghi nhận tại tại nút giao nhiều tầng Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân) thời gian qua "nổi tiếng" với tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu, đi ngược chiều..., ngay từ sớm, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông) đã bố trí lực lượng, phối hợp các lực lượng khác tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông như thường nhật. Theo ghi nhận, vi phạm đã giảm trông thấy.
Cá biệt, có trường hợp N.C.N (sinh năm 2005, ở Hà Nội) đang là sinh viên điều khiển xe mô tô đi ngược chiều trên đường Nguyễn Xiển hướng về nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến thì bị lực lượng chức năng phát hiện, dừng phương tiện để kiểm tra.
Trình bày với lực lượng chức năng, N.C.N cho biết, do đi theo chỉ dẫn của Google Maps rồi biết bị nhầm đường, định đi ngược chiều quay lại cho nhanh. Với lỗi đi ngược chiều trên đường một chiều, N.C.N sẽ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trừ 2 điểm trong giấy phép lái xe.
Cũng trong sáng và trưa cùng ngày, nhiều sinh viên, người lái xe công nghệ… bị xử phạt về điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… với mức phạt 5 triệu đồng. Họ đều đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình, cam kết không tái phạm. Quá trình xử lý, người vi phạm đều được cho xem lại hình ảnh vi phạm bằng camera giám sát để “tâm phục khẩu phục”.
Người dân ủng hộ
Chia sẻ về việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, nhiều người dân đồng tình ủng hộ, bởi việc xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Chị Nguyễn Thúy Hạnh (Hai Bà Trưng) Hà Nội cho biết: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông. Khi “đánh vào” kinh tế, người dân sẽ có ý thức tham gia giao thông an toàn hơn, hạn chế các hành vi vi phạm. Điều này đã thể hiện rõ trong hai ngày đầu áp dụng Nghị định 168/2024/NĐ-CP".
Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân |
Cùng quan điểm với chị Nguyễn Thúy Hạnh, anh Phùng Anh Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Cung đường tôi di chuyển hàng ngày là một trong những cung đường có tình trạng tắc đường, kẹt xe bậc nhất của Hà Nội. Mỗi buổi sáng khi đi làm, tôi phải vượt qua đoạn đường gần 5km bị tắc cứng, để tiết kiệm thời gian, tôi và nhiều người khác thường leo lên vỉa hè để đi cho nhanh.
Tuy nhiên, khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP với mức phạt “tăng nặng” cho các hành vi vi phạm cơ bản bắt đầu có hiệu lực, tôi đã không dám vi phạm như trước nữa. Bởi mức phạt tăng nặng hơn, nên người tham gia giao thông cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật giao thông đường bộ để tránh bị “tiền mất, tật mang”".
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, việc tăng phạt không chỉ nhằm tăng tính răn đe, mà còn để xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, góp phần lập lại trật tự giao thông.
Cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, hướng tới xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.