Nghiện game online qua lời kể của các bác sĩ khoa tâm thần
Khuyến khích học sinh chơi game online: Bộ GD-ĐT đã tính toán kĩ? Giới trẻ mê game online: Điên đảo trong thế giới ảo Mánh khóe lừa đảo qua game online: Người chơi dễ trở thành nạn nhân |
Nô lệ của game
Một bộ phận các em học sinh đều tiếp cận với game online từ rất sớm |
Bác sĩ Nguyễn Như Mạnh, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý - giáo dục Tuệ An, nguyên cán bộ tâm lý tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết: “Không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh gia đình,… các em học sinh được cha mẹ đưa tới khám với lý do không thể rời mắt khỏi thiết bị điện tử. Các bạn học sinh tới khám đều nằm trong độ tuổi đang học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.”
Bác sĩ Mạnh chia sẻ trường hợp một cậu bé lớp 3 được gia đình đưa đến khám vì nghiện game. Cậu bé tỏ ra rụt rè, mệt mỏi và thường xuyên cảm thấy khó chịu khi không được chơi game. Qua trò chuyện, bác sĩ nhận thấy cậu bé tìm thấy niềm vui và sự an ủi trong thế giới ảo. Tuy nhiên, việc thiếu sự quan tâm của cha mẹ và việc chơi game quá nhiều đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý của em.
Bác sĩ Nguyễn Như Mạnh, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý - giáo dục Tuệ An, Nguyên cán bộ tâm lý tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 |
Ngoài em học sinh lớp 3, vị bác sĩ này cũng chia sẻ thêm về trường hợp nữ sinh đang học tại một trường trung học cơ sở. Bệnh nhân này được đưa tới gặp bác sĩ khi xuất hiện những triệu chứng tâm lý như ít tiếp xúc với mọi người trong gia đình, luôn luôn ở trong phòng và thường xuyên thức đêm. Gia đình cho hay cháu thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi game trong 3 tháng nay với tần suất 6-8 tiếng một ngày. Khi làm việc với bác sĩ, bệnh nhân nói rằng ban đầu mục đích chơi game chỉ để giải trí, tuy nhiên sau đó game trở nên cuốn hút, không thể rời xa chiếc điện thoại. Bên cạnh đó, khi ai nhắc nhở về tình hình học tập sa sút gần đây, cháu sẽ trở nên nổi nóng và tìm cách chống đối bằng việc sử dụng điện thoại nhiều hơn.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, trẻ em sẽ dễ dàng trở thành "nô lệ" của các trò chơi trực tuyến. Đáng báo động hơn, phần lớn các em chưa nhận thức được những tác hại nghiêm trọng của việc nghiện game đối với sức khỏe tinh thần. Nhiều trẻ đã xuất hiện các triệu chứng như ảo giác, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi, thậm chí gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Đập đầu, cứa tay khi không được chơi game
Một trong những trường hợp mắc bệnh nặng do nghiện game online là một nam học sinh 14 tuổi tại Hà Nội phải nhập viện tâm thần do tình trạng sức khoẻ tâm lý bị ảnh hưởng trầm trọng, xuất hiện nhiều hành vi chống đối thậm chí là tự gây hại cho bản thân.
"Cậu bé gần như sống trong thế giới ảo của game. Hàng ngày, cậu dành hầu hết thời gian rảnh để chơi game, đến mức không thể rời mắt khỏi màn hình điện thoại. Cuối cùng, cậu đã phải nhập viện tâm thần vì những rối loạn tâm lý nghiêm trọng do nghiện game gây ra."
Các bạn trẻ trong mọi lứa tuổi chọn ra quán game online sau giờ học |
Mẹ nam sinh chia sẻ: “Bình thường bạn ấy đã chơi game nhiều, nhưng lần này bạn chơi liên tục 1 ngày 1 đêm không ngừng nghỉ. Cách đây 3, 4 tháng, gia đình có khuyên nhủ và động viên nên hạn chế chơi game thì bạn ấy chống đối bằng cách trốn ra quán điện tử, trong suốt 3 ngày không về nhà.”
Khi gia đình có những biện pháp mạnh hơn nhằm hạn chế thời gian sử dụng điện thoại thì nam sinh tỏ thái độ với bố mẹ, dùng dao lam tự cứa vào tay, đập đầu vào tường, trốn xuống gầm giường để chống đối. Mỗi lần bố mẹ cấm không cho chơi game hay xem điện thoại, nam sinh xuất hiện những hành động tự làm hại.
Trong các buổi trị liệu, cậu bé chia sẻ rằng cậu luôn nghe thấy những giọng nói kỳ lạ trong đầu, như thể có ai đó đang ra lệnh cho mình. Cậu còn tin rằng thế giới thực chỉ là một trò chơi ảo và mọi thứ xung quanh đều không có thật. Những ảo giác này cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng tâm lý mà cậu đang gặp phải.
Bác sĩ Đoàn Sơn Tùng, Bác sĩ chuyên khoa 1 tâm thần, bệnh viện Tâm thần Trung ương I |
Nói về nguyên nhân dẫn tới nghiện game online, bác sĩ Đoàn Sơn Tùng, Bác sĩ chuyên khoa 1 tâm thần, bệnh viện Tâm thần Trung ương I chia sẻ: “Trẻ em và thanh thiếu niên là độ tuổi năng động nhất, nhiều năng lượng và khả năng học tập lao động tốt nhất, nhưng cũng là độ tuổi nổi loạn, đang hình thành phát triển, củng cố nhân cách và tích lũy kiến thức kinh nghiệm và trải nghiệm để tìm ra chỗ đứng, con đường thích nghi của mình với xã hội nên khó có thể có kế hoạch và sự kiểm soát việc dành thời gian cho game online.”
Điều đáng nói, hậu quả của game online đã và đang đem lại hậu quả rất lớn cho không ít thế hệ trẻ từ trước đến nay. Đã có rất nhiều trường hợp không chỉ ảnh hưởng về mặt sức khoẻ tinh thần mà còn ảnh hưởng tới tính mạng, gây nguy hiểm cho người khác.
Cai nghiện game cho con chỉ có thể bằng tình yêu cha mẹ
Khi trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với game online quá nhiều, không có sự kiểm soát về mặt thời gian, hậu quả mà các bạn phải gánh chịu rất khó kiểm soát. Bác sĩ Tùng cho biết: “Với thời gian chơi game quá dài và dẫn đến tình trạng nghiện game, năng lượng tinh thần, sự chú ý và nhiệt tình của các cháu sẽ bị rút cạn, không còn chỗ cho học tập, rèn luyện bản thân và các hoạt động xã hội.”
Thế giới ảo trên các nền tảng số hiện nay ngày càng phát triển mạnh mẽ, sống động và nhiều sự mới mẻ. Tuy nhiên, một sự thật mà các bạn trẻ nghiện game online đã không nhận thấy đó là thế giới ảo khác xa với ngoài đời thực, khi đắm chìm vào trong game quá lâu, các bạn sẽ bị tách ly khỏi xã hội dễ dàng và trở nên lệch lạc về nhiều khía cạnh trong cuộc sống.
Bảng khảo sát tác động của game online tới người dùng |
Thực hiện khảo sát về tác động của game online với 200 học sinh, thanh thiếu niên từ 14-24 tuổi, số lượng chơi game trên 180 phút một lần chiếm tới 38%, số lượng người chơi game từ 3-4 lần một tuần chiếm 37%. Bên cạnh đó, số người đồng ý rằng chơi game quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ chiếm 73.5%, gây nghiện bào ảnh hưởng đến tâm lý chiếm 41.3%.
Hiện nay, với sự đầy đủ, tiện nghi trong cuộc sống, các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận với game online nói riêng và các sản phẩm giải trí online nói chung. Do đó, từ phía gia đình và nhà trường nên có sự giáo dục sớm nhất để nâng cao nhận thức về tác hại của game online cho các em học sinh.
“Gia đình và nhà trường phải tạo được môi trường tâm lý đủ an toàn, thân thiết và gắn kết để các cháu có thể chia sẻ, tâm sự, được bố mẹ và người thân sát cánh đồng hành trong mọi việc. Nên tạo lập cho các cháu nếp sống sinh hoạt điều độ và ý thức trách nhiệm với các hành động của bản thân, đồng thời hướng con em vào các hoạt động giải trí bổ ích lành mạnh hơn.” – bác sĩ Tùng nhấn mạnh.
Ngày 9/11, Chính phủ đã ban hành nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Tại khoản e, Điều 39 của Nghị định, doanh nghiệp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp. |