Ngẩn ngơ nhớ thời đu tiên ngày Tết

Ngẩn ngơ hội thời đu tiên ngày Tết

TTTĐ - 2022 là một năm đặc biệt khi lễ hội trên cả nước sẽ chỉ tổ chức phần lễ và không có phần hội. Chính vì vậy, những trò chơi dân gian vốn là truyền thống của người Việt cũng thiếu vắng trong năm Nhâm Dần này.

NĂM Đặc biệt

Ngày 28/1, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gửi công điện đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Theo đó, các lễ hội truyền thống không tổ chức các hoạt động hội, chỉ tổ chức phần nghi lễ.

Như thường lệ, hằng năm, cứ tới tiết Đông chí, những hình ảnh "Tết xưa" với "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"... và một nỗi nhớ nữa trong muôn vàn cái nhớ về Tết “ngày xưa”, ấy là thú chơi Tết.

Xuân sang mang theo tháng Giêng, tháng khởi đầu cho một năm mới. Cứ đến thời điểm đó, trời đất dường như ban tặng riêng cho người dân miền Bắc một thứ mưa xuân diệu kỳ như sương như khói, mờ ảo. Đó cũng chính là lúc khắp các làng trên xóm dưới của vùng đất ngoại thành tưng bừng mở hội khai xuân, đón mừng năm mới. Người ta nô nức kéo nhau du xuân, chơi hội. Trong muôn vàn trò chơi dân gian phong phú, bổ ích và đầy lý thú của Tết ngày xưa, đánh đu thu hút nhiều nam thanh nữ tú tham gia.

Ngẩn ngơ nhớ thời đu tiên ngày Tết

Đu được làm bằng hệ thống ròng rọc bằng gỗ, những con sỏ, dây tre cuốn sẵn buộc chặt lấy bộ phận khớp đu

Nhớ Hội đu

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: "Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hằng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương".

Như vậy, từ thế kỷ XII đã ghi nhận sự thịnh hành của trò chơi dân gian này, qua đó cũng thấy được sự hoà nhập hết sức tự nhiên của đánh đu trong cuộc sống và lễ hội của người Việt.

Ngẩn ngơ nhớ thời đu tiên ngày Tết

Có nhiều loại hình thức và cách thức đánh đu nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất là đánh đu đôi hay còn gọi là đu tiên. Theo đó, từng cặp hai người sẽ lên so tài đánh đu sao cho đẹp mắt và nhún bay lên một tầm nhất định để được tán thưởng. Nhún đu cũng là một cách sinh hoạt để đôi lứa tìm nhau và trao nhau những điều khó nói qua ánh mắt bàn tay.

"Nhún mình như thể nhún đu / Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm...".

Ngẩn ngơ nhớ thời đu tiên ngày TếtTrên một khoảng đất rộng, sáu hay tám cây tre dài được chôn sâu đủ vững chắc để chịu được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính. Hai cây tre làm cần đu nhỏ, vừa tay cầm được treo ở chính giữa. Lên đu có thể là một hay hai người. Càng nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên nọ sang bên kia, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Ở nhiều nơi, người ta còn treo phần thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải.

Ngẩn ngơ nhớ thời đu tiên ngày TếtNhững cây tre được chôn thật sâu vào lòng đất vừa mềm vừa cứng tạo nên những trụ đu chắc chắn, mỗi bên từ 2 đến 3 cây. Phần đầu tre được uốn cong theo thế gọng vó, chụm vào nhau bằng sự chằng quấn chắc nịch của sợi dây chão chỉ dùng kéo thuyền.

Trên đỉnh cây đu (thượng đu) là lá cờ đỏ sao vàng. Xung quanh bãi chơi đu, những lá cờ đuôi nheo đêm ngày ngạo nghễ phấp phới trong cái thứ gió lộng đông thơm ngát hương vị đầu xuân tinh khôi.

Ngẩn ngơ nhớ thời đu tiên ngày Tết

Niềm vui của những đôi chơi đánh đu rạng rỡ trên khuôn mặt

Đánh đu bao giờ cũng là một cặp nam thanh nữ tú. Nam thì vận áo the khăn đóng, nữ thì rực rỡ trong bộ đồ mớ bảy mớ ba, với mảnh yếm nâu sồng tươi cùng dải thắt lưng màu thiên thanh khoe nét đẹp xuân thì. Cái chất tình, giao duyên của trò chơi không chỉ khiến người trong cuộc như uống phải men say mà người xem cũng náo nức.

Những ngày Tết ngày xưa là vậy. Còn Tết thời nay ít thấy bóng trò chơi dân gian. Đặc biệt hơn, khi dịch bệnh bùng phát, việc tổ chức những trò chơi dân gian đã thiếu nay lại càng vắng. Những người trẻ dần chỉ còn biết tới những trò chơi dân gian qua sách báo, người cao tuổi chỉ còn nhớ tới trò đu tiên trong hồi ức một thời. Sự trống vắng ấy khiến người ta có cảm giác hụt hẫng. Bởi lẽ, cái nét văn hóa Tết thuần Việt ngày một mất mát dần đi. Nghĩ mà thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ những cái Tết ngày xưa...

Bài viết: Phạm Mạnh