Muôn kiểu “chạy trốn” nắng nóng của người trẻ

TTTĐ - Thời tiết mùa hè tại miền Bắc nắng nóng khiến cho nhiều người phải tìm cách thoát khỏi sự khó chịu này. “Trú ẩn” các trung tâm thương mại, quán cà phê… tranh thủ tránh nắng dưới gầm cầu, bóng cây khi ra đường hay đơn giản hơn là tự chế những công cụ “giảm nóng” ở nhà đang là những cách được không ít người trẻ áp dụng.

ĐỒ TRÁNH NÓNG TỰ CHẾ

Thuê phòng trọ giá rẻ, không điều hòa, nóng lạnh là cách mà nhiều sinh viên lựa chọn để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Dù vậy, khi mùa nắng nóng ập đến, sự khó chịu của thời tiết khiến người trẻ phải nghĩ cách để chống chọi lại những vất vả này.

Do chỉ ở một mình, dành nhiều thời gian để đi học và đi làm thêm, Vũ Bá Dương (21 tuổi) chỉ sống trong một căn phòng trọ tại Triều Khúc, Hà Nội với mức giá 1,5 triệu đồng/ tháng và không có điều hòa. Tuy nhiên, khi thời tiết ngày một nắng nóng hơn, chàng trai trẻ phải nghĩ cách để giảm nhiệt độ mỗi khi ở nhà.

“Mình xem trên mạng thấy mọi người hướng dẫn tránh nóng bằng việc đặt chậu nước trước quạt, thi thoảng có thể cho thêm đá vào chậu nước. Cách này tuy không bằng sử dụng điều hòa nhưng cũng khiến mình thấy dễ chịu hơn. Quan trọng nhất là có thể tiết kiệm thêm chi phí”, Dương nói.

Muôn kiểu “chạy trốn” nắng nóng của người trẻ

Bá Dương tránh nắng bằng phương pháp tự chế

Tương tự, Hà Anh (sinh viên năm hai) mặc dù thuê căn phòng trọ có điều hoà, nhưng nữ sinh vẫn không dám sử dụng thường xuyên vì sợ không chi trả nổi tiền điện. Mới những ngày đầu hè, thời tiết tại Hà Nội đã ở mức cao kỷ lục nhưng Hà Anh cũng chỉ dám sử dụng chiếc quạt máy ở mức hết công suất để xua bớt đi cảm giác nóng bức.

“Mình đã quen với cái nóng khi vào hè nhưng năm nay thực sự đợt nóng quá gay gắt. Cái nắng của mùa hè Hà Nội thật đáng sợ, nó khiến sinh hoạt của mình đảo lộn, thậm chí mình còn không muốn ăn gì, chỉ muốn uống nước. Mình cũng không dám bật điều hòa vì tình hình kinh tế của bản thân đang khá khó khăn”, Hà Anh chia sẻ.

Muôn kiểu “chạy trốn” nắng nóng của người trẻ

"TẠM TRÚ" Ở NƠI CÓ ĐIỀU HÒA GIÁ RẺ

Có mặt tại một cửa hàng tiện lợi trên phố Kim Ngưu từ rất sớm, Đức Long (20 tuổi, sinh viên năm ba) cho biết: “Thời tiết nóng quá nên vừa học xong ở trường là mình tạt qua đây luôn. Bỏ ra vài chục ngàn mua chai nước nhưng đổi lại mình có được không gian thoáng mát trong phòng máy lạnh. Vào đây có không gian làm việc, học bài... sẵn tránh nóng luôn chứ giờ này mà về phòng trọ không khác gì bước vào cái lò xông hơi...”.

Ghé qua cửa hàng tiện lợi cũng là việc mà Ngọc Anh (19 tuổi) lựa chọn để thường xuyên lui tới suốt mấy ngày qua. Chia sẻ về lý do mà chọn nơi này để làm chỗ “tạm trú” mấy ngày qua, Ngọc Anh cho biết:

“Bạn chỉ cần đến cửa hàng mua một chai nước suối 1,5 lít với giá 8.000 đồng là được tự do thoải mái lên lầu tìm cho mình một góc ngồi với đầy đủ tiện nghi như: bàn ghế, ổ cắm điện để sạc điện thoại, máy tính xách tay và wifi thì cực mạnh và được xài miễn phí từ sáng sớm đến khuya”.

Muôn kiểu “chạy trốn” nắng nóng của người trẻ Muôn kiểu “chạy trốn” nắng nóng của người trẻ

Cửa hàng tiện lợi và siêu thị có lẽ là hai nơi "giá rẻ" nhất để giới trẻ tránh nắng nóng

Còn Nguyễn Văn Minh (22 tuổi, sinh viên Đại học Y Hà Nội) thì lựa chọn khu vực ghế nghỉ ở 1 trung tâm thương mại gần nhà trên đường Nguyễn Trãi là nơi lui tới thường xuyên những ngày gần đây

“Mình ở trọ gần đây nhưng ở trong phòng nóng quá chịu không nỗi nên tranh thủ mang laptop, sạc dự phòng ra đây ngồi cho máy. Vừa rẻ lại vừa không mất tiền. Ở đến khi trung tâm thương mại về là vừa vì lúc đó nhiệt độ cũng xuống rồi”, Văn Minh nói.

"TỐN KÉM" VÌ TRÁNH NÓNG Ở QUÁN CÀ PHÊ

Muôn kiểu “chạy trốn” nắng nóng của người trẻ

Khoảng một tháng qua, Hà Linh (25 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cộng thêm 50.000 – 70.000 đồng/ngày vào tiền “văn phòng phí”. Đều đặn mỗi ngày, cô gái trẻ sẽ mua thêm các loại nước giải nhiệt, hoặc nán lại ở quán cà phê máy lạnh để làm việc, chờ qua cơn nắng rồi về. Thông thường, cô không có thói quen như vậy.

Hà Linh thừa nhận mình không phải người giỏi quản lý tài chính. Mỗi tháng, cô gửi tiết kiệm 5 triệu đồng. Số tiền còn lại, cô tính toán để đủ chi tiêu đến kỳ lương kế tiếp. Thông thường, nhân viên này ít khi phải “thắt lưng buộc bụng” cho các chi phí sinh hoạt cá nhân. Tuy nhiên, khi thời tiết vào giai đoạn cao điểm oi nóng, cô thấy rõ quỹ tiền của mình eo hẹp hơn. Hóa đơn tiền điện “ngốn” ngân sách đáng kể. Ngoài ra, tiền cho cho việc đi lại, ăn uống bên ngoài cũng tăng chóng mặt.

“Đó đều là những hạng mục khó có thể cắt giảm, mình không biết phải tiết kiệm thế nào”, Hà Linh nói.

Tương tự, mỗi tuần, Bảo Khánh (25 tuổi, nhân viên kinh doanh" cũng mất 300.000 – 500.000 đồng cho chi phí ngồi cà phê để làm việc hay gặp gỡ đối tác. “Mình thừa nhận là ra đó ngồi không khi sẽ dễ chịu hơn. Mình có thể ngồi ở nhà hay chỗ làm nhưng công việc sẽ không thuận tiện. Ngồi ở những chỗ này sẽ tốn kém hơn nhưng mình cũng không còn cách nào khác cả", Bảo Khánh chia sẻ.

Muôn kiểu “chạy trốn” nắng nóng của người trẻ

TRÁNH NẮNG NÓNG MỌI LÚC, MỌI NƠI

Khi lưu thông trên đường vào những ngày này chúng ta dễ nhận thấy nhiều người trang bị cho mình rất kỹ, có người bịt kín từ đầu đến chân, chỉ chừa 2 con mắt. Còn khi sắp đến các giao lộ mà họ thấy có tín hiệu giao thông chuyển sang đèn đỏ thì chủ động tấp vào các bóng cây để tránh bớt ánh nắng mặt trời chiếu vào người.

Di chuyển dưới chân cầu vượt Ngã tư Vọng, khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ mặc dù cách xa khoảng hơn 100m nhưng Hải Hà (24 tuổi) đã cùng nhiều người chủ động cho xe dừng lại tránh nắng dưới khu vực dạ cầu hoặc dưới bóng các cây ven đường.

Muôn kiểu “chạy trốn” nắng nóng của người trẻ

Tránh nắng dưới bóng cây, dạ cầu khi có thể cũng là cách người trẻ tận dụng mỗi khi ra đường

“Mấy ngày này phải có việc thực sự quan trọng mình mới đi ra đường chứ nắng gắt quá. Vậy nên có cơ hội tránh nắng được phút nào hay phút đó mặc dù như vậy là chưa tuân thủ luật an toàn giao thông”, Hải Hà chia sẻ.

Còn cách tránh nắng của Bích Thùy và nhóm bạn bè của mình cũng rất thú vị. Cô gái trẻ và các bạn thường dừng dưới bóng cây hoặc trước cửa các nhà hàng, quán ăn lớn mỗi khi dừng đèn đỏ để tranh thủ “làm mát bản thân”.

“Che nắng bằng mũ, nón, ô hay áo chống nắng là việc mình thường làm hàng ngày rồi. Ngoài ra, mình còn sử dụng thêm khăn ướt đã bỏ tủ lạnh, bỏ vào bình giữ nhiệt để có khăn mát lau mồ hôi. Khi di chuyển ngoài đường mình cũng chọn những tuyến phố nhiều cây để đi cho đỡ nắng nóng, thi thoảng vô tình được "hưởng" khí mát trước cửa các nhà hàng khách sạn cũng là một cảm giác thật khó tả”, Bích Thùy chia sẻ.

THÀNH TRUNG