Muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới
Cơ chế đặc thù tạo bước đột phá về khoa học công nghệ Tận dụng sức mạnh công nghệ để tạo môi trường học tập đa dạng |
Ngày 23/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khi tình hình thay đổi, nhiệm vụ thay đổi thì phương thức quản lý, tổ chức cũng phải thay đổi.
Theo ông Chính, pháp luật về công nghệ thông tin trước đây chưa bao gồm các khái niệm mới như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và Internet vạn vật. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI, đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng để vừa thúc đẩy, vừa quản lý hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu |
Trong bối cảnh đó, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết, bởi chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong phát triển của giai đoạn mới và phải có luật để quản lý.
Chia sẻ về tư duy sửa đổi pháp luật nhanh chóng để cập nhật theo bối cảnh thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng và sửa đổi pháp luật được thực hiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nhận thức trong hiện tại, khi nhận thức thay đổi, có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thì việc tiếp tục sửa đổi pháp luật cho phù hợp là cần thiết, nên được tiến hành mạnh dạn, kịp thời.
Quang cảnh phiên họp |
Nêu rõ tầm quan trọng của ngành chip bán dẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, muốn chạy nhanh, chạy xa, muốn đi trước đón đầu, phải đi bằng công nghệ mới này. Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực chip bán dẫn, cần có những ưu đãi đặc biệt về đất đai, nguồn cung cấp nước sạch, điện năng, cơ sở hạ tầng và tài chính.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, ưu đãi về tài chính là một cách thức thu hút nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, tạo cơ hội tiếp cận và chuyển giao công nghệ.
Song song với ưu đãi tài chính, cần có những hỗ trợ phù hợp để tận dụng tốt ưu thế địa lý, đảm bảo sức thuyết phục với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn.
Ông Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, việc thu hút doanh nghiệp lớn phải tính toán kỹ lưỡng lợi ích quốc gia trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; phải lấy lợi ích tổng thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết chứ không tính toán lợi ích cụ thể.
Đối với thử nghiệm có kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm, nếu cứ giữ vòng an toàn của mình thì không gian sáng tạo sẽ hạn chế; kiểm soát về thời gian mới là điều quan trọng, hiệu quả hơn kiểm soát phạm vi và đối tượng.
"Nếu tạo ra thí điểm không gian sáng tạo thì phải mở phạm vi và đối tượng thuộc ngành công nghệ số. Nếu không vượt ra được thì vẫn có vòng kim cô, hạn chế không gian sáng tạo", ông Chính nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị luật chỉ quy định khung, nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quy định để mở rộng không gian sáng tạo, nâng cao hiệu quả quản lý.