eMag azine
03/08/2022 11:35
“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

03/08/2022 11:35

LTS: Thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng không chỉ giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội mà còn là nơi đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho Nhân dân; Là yếu tố quan trọng hình thành văn hóa cộng đồng, xây dựng đời sống văn minh. Để phát triển văn hóa Hà Nội, đưa văn hóa thành nguồn lực nội sinh bền vững và từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân, việc “phủ sóng” nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, hướng tới đồng bộ từ “vỏ” tới “chất” vô cùng quan trọng.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

LTS: Thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng không chỉ giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xã hội mà còn là nơi đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho Nhân dân; Là yếu tố quan trọng hình thành văn hóa cộng đồng, xây dựng đời sống văn minh. Để phát triển văn hóa Hà Nội, đưa văn hóa thành nguồn lực nội sinh bền vững và từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân, việc “phủ sóng” nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, hướng tới đồng bộ từ “vỏ” tới “chất” vô cùng quan trọng.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Phải khẳng định, xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó “phủ sóng” nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua. Việc này xuất phát trước tiên từ nhu cầu hưởng thụ trong đời sống tinh thần của người dân.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu quan điểm: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức khác. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn".
“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Cùng với việc lao động sản xuất tạo sản vật duy trì sự sống thì hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa tinh thần là một nhu cầu thiết yếu. Nó đôi khi lại là cứu cánh để con người sống và cảm thấy có hứng khởi cho cuộc sống.

Như vậy, người nghèo hay kẻ giàu cũng vẫn cần có đời sống tinh thần hay nói cách khác là hưởng thụ văn hóa. Trước văn hóa thì mọi người dân đều bình đẳng về mặt cơ hội cũng như quyền được thưởng thức.

Thời phong kiến hay giai đoạn trước đổi mới, nhu cầu tinh thần của người dân đôi khi ẩn khuất sau những nhu cầu vật chất. Trong thời hiện đại có điều kiện hơn, con người tự cho mình quyền hưởng thụ cao hơn. Nhiều người tìm đến những hoạt động nghệ thuật chất lượng cao, với giá vé bằng cả tháng lương; Không ngại bỏ tiền thuê phòng tập để làm đẹp, thuê sân bãi rèn luyện thể thao... Rõ ràng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, thì đời sống tinh thần, nhu cầu hưởng thụ văn hóa càng mở rộng.

Cũng như người dân trên cả nước, nhu cầu hưởng thụ tinh thần của người Hà Nội luôn thường trực, thậm chí ngày một đa dạng và phong phú theo thời gian, thậm chí trở thành yêu cầu cấp bách khi mỗi dịp lễ, Tết. Cũng bởi thế, Công viên Thủ Lệ, Công viên nước Hồ Tây, rạp chiếu phim, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm... mỗi dịp lễ, Tết lại đông kín người. Thời gian gần đây, các điểm “check-in” công cộng như ga Cát Linh cũng quá tải, bởi “làm gì có nơi nào để đi!”.

Khi “không có nơi nào để đi”, những thiết chế văn hóa ở cơ sở lại trở thành cấp thiết. Tại nhiều địa bàn, người dân đã sáng tạo ra những “sân chơi” mới, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mình.

Điển hình phải kể đến là người dân khu tập thể nhà A3, tổ dân phố 17 phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã lập thư viện sách nhỏ trong không gian 20m2 tại khu vực cầu thang với hàng chục đầu sách báo. Không gian ấy không chỉ là nơi đọc sách mà còn gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tạo nên điều khác biệt tại cuộc sống phố phường vốn “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”.

Phát triển từ ý tưởng cách đây đã hơn 20 năm nhưng kỳ lạ thay mặc dù công nghệ 4.0 ngày càng phát triển thì thư viện đặc biệt này vẫn thu hút người dân nơi đây. Trung bình mỗi ngày, cầu thang văn hóa thu hút khoảng 20 lượt người đến đọc sách, báo và tra cứu tư liệu. Hơn cả một “thư viện”, nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của khu dân cư.

khu tập thể nhà A3, tổ dân phố 17 phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội)
Khu tập thể nhà A3, tổ dân phố 17 phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội)

Còn tại các huyện ngoại thành, sân bóng, nhà văn hóa “bỗng” trở thành “sân chơi” mới với nhiều người dân, nhất là trong những tối hè nóng nực.

Thôn An Điền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cứ tối tối lại xôn xao, sôi động các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Bà Nguyễn Thị Hồng, người dân trong thôn cho biết: “Nhà văn hóa thôn An Điền nhiều năm nay đã trở thành điểm sinh hoạt của cả thôn. Muốn có thông tin, vui khỏe mỗi ngày thì cứ ra nhà văn hóa. Ở đó, bên cạnh vui chơi, giải trí bằng đọc sách báo, mọi người còn được dịp giao lưu gặp gỡ và chia sẻ với nhau về cuộc sống, gia đình, con cái. Thậm chí, trai gái có thể gặp gỡ, nên duyên đôi lứa”.

Giữa xã hội hiện đại, con người có nhiều mối quan tâm nhưng các hoạt động sinh hoạt cộng đồng vẫn thu hút người dân. Điều này gián tiếp khẳng định, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân vẫn luôn thường phát triển. Tại các khu dân cư, thôn xóm, cần thiết phải có những thiết chế văn hóa với vai trò, chức năng rõ rệt, được quản lý bài bản, chuyên nghiệp.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Quan điểm về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa và thỏa mãn nhu cầu văn hóa của Nhân dân trong sự nghiệp phát triển đã được thể hiện rõ qua một loạt văn kiện của Đảng và rất nhiều chương trình lớn của Chính phủ.

Trong đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII ra đời đã tạo ra một bước ngoặt toàn diện trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và vai trò, tầm nhìn chiến lược về văn hóa.

Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta xác định xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam là một trong trong các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược. Trong đó, Đảng ta nhấn mạnh, việc xây dựng môi trường văn hóa một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế; Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội; Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa; Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội…

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Với Hà Nội, thành phố liên tục có sự đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong quan điểm về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đến nay, trải qua 8 kỳ đại hội kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xã hội được Đảng bộ thành phố kế thừa và phát triển qua từng giai đoạn.

Gần đây nhất, Đại hội XVII Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội. Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; Giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; Coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững” và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”.

Cũng trong nhiệm kỳ này, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 09 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Một trong những nhiệm vụ được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Thành ủy, đó là đầu tư, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa. Đây là mục tiêu tiếp nối mà Hà Nội đã đặt ra trước đó tại Chương trình số 04 khóa XVI với tiêu chí: Đến năm 2020, đảm bảo 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng. Cơ bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc nhà văn hóa ở các tổ dân phố.

Trên thực tế, nhiều năm nay, công tác đầu tư, khai thác, quản lý hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT), giai đoạn 2015 - 2021, thành phố đã quan tâm đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho 74 dự án văn hóa, thể thao với tổng nguồn kinh phí hơn 1.553 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2021, các quận, huyện, thị xã đã đầu tư hơn 11.973 tỷ đồng cho công tác xây dựng và hỗ trợ duy trì hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Đến nay, Thủ đô đã có 30 thiết chế văn hóa, thể thao với 37 công trình văn hóa, thể thao cấp thành phố, đã và đang hoạt động hiệu quả, phục vụ thiết thực nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân Thủ đô.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Nhìn lại dặm dài lịch sử, ở giai đoạn nào, thời điểm nào cũng đều tồn tại yếu tố không gian sinh hoạt cộng đồng. Thuở xa xưa là cây đa, bến nước, sân đình, sân kho hợp tác... ngày nay là các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Những thiết chế văn hóa này đã góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Từ xa xưa, đình làng là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lưu giữ phong tục, tập quán tốt đẹp. Không gian đình làng được ví von là không gian làng quê thu nhỏ với nhiều chức năng: Hành chính, tín ngưỡng, sinh hoạt, vui chơi.

Trong cuốn “Điêu khắc dân gian Việt Nam”, cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung có viết: “Làng Việt Nam nào cũng có một cái đình, nhà công cộng của xã; Nơi thờ thành hoàng địa phương đồng thời là nơi hội họp đình đám, hội hè; Nơi các kỳ hào tụ tập chè chén, nơi mà dân chúng thỉnh thoảng đến dự một cuộc tế lễ hoặc xem một cuộc biểu diễn (chèo, tuồng). Dân làng rất quý và tự hào về cái đình của mình”.

Trong cuốn “Chuyện cũ Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài cũng nhắc tới đình làng: “Cái đình là trung tâm của làng. Làng nào cũng có đình thờ ông thần hoàng. Đình được cất cao ráo khang trang... Mọi công chuyện làng xóm đều được đem ra đình: Kiện tụng, thề bồi, cưới xin, ma chay, thuế má, quan nha bắt lính, xử tội kẻ trộm và các giấy tờ, mọi sai trái, mọi thủ đoạn phe cánh, cuộc chè chén và các cuộc ẩu đả đánh chém nhau của các quan làng đều xảy ra ở chốn đình trung...”.

Đình làng là nơi hôi họp, lưu giữ thuần phong mỹ tục
Đình làng là nơi hội họp, lưu giữ thuần phong mỹ tục

Sách sử về xã Đông Ngạc (một làng cổ ngoại vi kinh thành Thăng Long xưa) đã lưu nhiều phong tục cổ truyền nơi đây, trong đó cũng nhắc tới chuyện ở đình làng: “Xưa kia, đình của 3 làng (Đông Ngạc, Liên Ngạc và Nhật Tảo) là nơi hội họp của các cụ bô lão và dân làng để bàn việc làng, việc nước. Đây là một phong tục đẹp được hình thành từ nhiều thế kỷ. Đình làng còn đôi câu đối: “Thị phi thiên tải hạ / Nghị luận nhất hương trung” (nghĩa là: "Khen chê dưới ngàn thuở / Bàn bạc trong một làng"). Những ngày hội làng có tục hát thờ, múa bài bông, múa sênh tiền, múa trống cơm tại đình làng. Cũng tại đây còn có các trò vui như đánh cờ người, đố chữ, đánh đu, đánh vật, múa rối nước, ban đêm có hát chèo, đốt pháo bông...”.

Hà Nội xưa là đất “kẻ chợ” nên đình làng ở khu vực nội, ngoại thành Hà Nội cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Dù chưa phải là thiết chế văn hóa đúng nghĩa nhưng các đình, làng, miếu mạo xưa đã thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của đông đảo người dân .

Cùng với tiến trình phát triển của lịch sử, các không gian sinh hoạt cộng đồng cũng dần được mở rộng. Công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, làng xã nào cũng có sân kho. Sân được lát gạch lục, tường bao xây cao, một góc xây cái nhà, nhỏ thì 3 gian, rộng thì 5 gian có buồng, có cửa gỗ lắp lõi khóa. Từng khoang tường sân kho được viết những khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tay cày, tay súng” hay “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Sân kho hợp tác là tâm điểm của xóm của làng, nhộn nhịp tiếng nói cười xôn xao của những người đập lúa; Những đêm đội chiếu bóng huyện về chiếu phim phục vụ dân làng… Rồi không rõ từ bao giờ, sân kho hợp tác đã bổ sung công năng khác, trở thành nhà văn hóa của thôn, xóm với hoạt động ban sơ là những đám cưới tưng bừng.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Nhận thức rõ tầm quan trọng của các không gian sinh hoạt cộng đồng và đáp ứng nhu cầu về một không gian sinh hoạt cộng đồng ở làng xã, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Trong chương trình có vấn đề xây dựng các nhà văn hóa tới tận các thôn làng.

Với chủ trương trên, các nhà văn hóa đã xuất hiện trong khắp các thôn làng; Nhà văn hóa trở thành nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền cổ động, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ (CLB), sinh hoạt cộng đồng, địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, các hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu văn hóa, thể thao thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Nhà văn hóa cũng là nơi phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, các sinh hoạt chính trị như bầu cử, tiếp xúc cử tri… Cũng có nơi, nhà văn hóa là nơi tổ chức các lớp học nghề, các buổi phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật…

Nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, khang trang
Nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, khang trang

Ngoài việc phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhà văn hóa còn đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của các tầng lớp Nhân dân; Trở thành nơi gặp gỡ, nơi giao tiếp xã hội của dân cư nhiều địa bàn, thực sự là ngôi nhà chung, là không gian sinh hoạt cộng đồng.

Được biết, từ năm 2016, Sở VH&TT Hà Nội đã triển khai đề án “Nghiên cứu, khảo sát, thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho nhà văn hóa thôn trên địa bàn TP Hà Nội”. Từ những mô hình đầu tiên được thí điểm tại nhà văn hóa thôn Đoài, huyện Đông Anh, như: CLB Di sản và ký ức, CLB Nghệ thuật trình diễn, CLB làm hoa giấy... Đến nay, đề án đã được triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương, làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tại cơ sở, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân Thủ đô,

Để “phủ sóng” Nhà văn hóa”, đối với các địa phương thiếu kinh phí, Sở VH&TT Hà Nội đã đề xuất TP Hà Nội hỗ trợ 100% nguồn vốn từ ngân sách TP để xây dựng. Đối với các địa phương gặp khó khăn về quỹ đất do vướng quy hoạch, thiếu kinh phí, giải phóng mặt bằng, Sở đã đề nghị các ngành liên quan hướng dẫn, đề xuất giải pháp thực hiện và chỉ đạo UBND các huyện chủ động bố trí kinh phí. Các ngành chức năng cũng đã tích cực tham mưu cho UBND TP ban hành các cơ chế, chính sách trong việc đẩy mạnh xã hội hóa. Từ đó, đã có hàng trăm tập thể, cá nhân đóng góp hàng chục tỷ đồng vào việc xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố thông qua chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Cũng từ chủ trương đó, huyện Ba Vì đã được tặng hơn 40 nhà văn hóa, góp phần giúp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện được gìn giữ hiệu quả hơn. Một số địa phương khác như: Quốc Oai, Thanh Trì, Thạch Thất… cũng đã triển khai khá tốt việc vận động Nhân dân đóng góp xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa, gồm cả hiến đất, tặng vật liệu xây dựng, đóng góp trang thiết bị…

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Tích cực hoàn thiện các tiêu chí để đưa huyện thành quận vào năm 2023, Đông Anh đã nỗ lực triển khai Đề án số 02 của Huyện ủy về nâng cao chất lượng nhà văn hóa, khu thể thao giai đoạn 2018 - 2020 và đề án phát triển văn hóa thể thao giai đoạn 2020 - 2025. Hiện nay, toàn huyện hiện có một nhà văn hóa cấp huyện được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại trên khu đất rộng dần 7ha, là tổ hợp công trình mang tính biểu trưng cho văn hóa lịch sử truyền thống huyện Đông Anh; Một nhà thi đấu đa năng, 9 trung tâm văn hóa thể thao cấp xã và 180 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đạt chuẩn, cơ bản đáp ứng tiêu chí 100% thôn tổ dân phố có nhà văn hóa.

Để xây dựng đời sống văn hóa, Huyện ủy Đông Anh đã xây dựng Chương trình số 04-CTr/HU ngày 7/9/2020 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh giai đoạn 2020 - 2025”; Ban hành Nghị quyết số 250-NQ/HU của Huyện ủy Đông Anh về thực hiện tiêu chí “5 có, 3 không”. Trong đó, 5 có gồm: Có nhà văn hóa; Có công viên mi ni, điểm sinh hoạt cộng đồng; Có sân bóng đá; Có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh; Có điểm thu gom, tập kết phế thải xây dựng.

Thực hiện các Chương trình, Nghị quyết này, đến nay, 152 trong tổng số 155 thôn có nhà văn hóa (đạt 98%), 30/30 tổ dân phố có nhà văn hóa. Ngoài ra, huyện còn có 233 điểm sinh hoạt cộng đồng; 99 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng đã lắp đặt 654 thiết bị, dụng cụ thể thao ngoài trời để nhân dân tập luyện. Đáng chú ý, toàn bộ 195 thôn, tổ dân phố đều đã thành lập Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa. Mỗi Ban chủ nhiệm gồm ít nhất 5 người chịu trách nhiệm quản lý, điều phối, tổ chức các hoạt động.

Huyện Đan Phượng là địa phương đi đầu xây dựng Nông thôn mới, cũng là địa phương quan tâm đến đời sống văn hóa cơ sở. Từ năm 2016, huyện đã triển khai đề án nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa thôn. Đan Phượng thực hiện song song việc cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa với kiện toàn ban chủ nhiệm nhà văn hóa; Mỗi ban chủ nhiệm được hỗ trợ kinh phí từ 4 đến 5 triệu đồng/năm để hoạt động, đồng thời được tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho nên hoạt động ngày càng bài bản, hiệu quả.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Với những nỗ lực của thành phố và các quận, huyện, thị xã, nhiều năm trở lại đây, nhà văn hóa, nhà hội họp, nhà sinh hoạt cộng đồng tại một số địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã trở thành địa chỉ thân thuộc và gần gũi với nhiều người dân. Từ những địa chỉ này, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, tăng cường đoàn kết, gắn kết cộng đồng dân cư...

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Từ sáng sớm, không gian Nhà văn hóa thôn Vang (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã rộn rã tiếng cười bởi nhiều người trong thôn đến sớm để “khởi động” cho ngày mới.

Không khí lắng xuống lúc đến giờ đi làm nhưng sôi động trở lại khi tối đến các CLB bắt đầu hội họp. Bí thư Chi bộ thôn Vang Nguyễn Văn Tâm cho biết: Thôn có 5 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao khác nhau. Sôi nổi nhất là các CLB: Khiêu vũ; Tuồng; Trống hội; Lân - Sư - Rồng. Do có nhiều CLB cho nên phải chia lịch rõ ràng, hôm nào tập trống, hôm nào tập văn nghệ, tập dưỡng sinh… để không ảnh hưởng lẫn nhau.

Điều đáng nói là mọi người dân đều nhận thức được hoạt động nhà văn hóa gắn liền với lợi ích của mình cho nên nhiệt tình tham gia. Riêng bộ dụng cụ thể dục, thể thao, Nhân dân đã chung tay đóng góp 250 triệu đồng để mua.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, thành viên của CLB khiêu vũ cho biết: Trước đây nói chuyện khiêu vũ, nhiều người dân ngại lắm. Khi trong thôn có người giỏi khiêu vũ đứng ra nhận dạy và được vận động, bà và con dâu đều tham gia. Sau 3 tháng, bà Ngoan nhận thấy khiêu vũ cổ điển là một hoạt động rất văn hóa, lại góp phần tăng cường sức khỏe, nên từ sự lúng túng, ngượng nghịu, giờ đây, chỉ trừ những ngày mưa gió, còn ngày nào bà Ngoan cũng tới CLB.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
Đông Anh là huyện giàu truyền thống văn hóa, người dân các thôn, xã đều hăng hái tham gia sinh hoạt cộng đồng

Cũng nhộn nhịp không kém, nhà văn hóa thôn Đại Độ (xã Võng La) có tới 9 CLB khác nhau thường xuyên sinh hoạt, gồm: Văn nghệ; Bóng đá; Bóng cửa; Yoga; Khiêu vũ; Bóng chuyền hơi; Trống hội… Trưởng thôn Đại Độ Nguyễn Văn Minh cho biết: “Thôn đã bầu ra Ban Chủ nhiệm Nhà văn hóa gồm năm ông, bà. Đó là nòng cốt của phong trào. Vào các buổi tối mùa hè, nhà văn hóa còn tổ chức các hoạt động hè cho thanh, thiếu nhi. Nhà văn hóa hiện có một tủ sách để tuyên truyền pháp luật, có hệ thống bàn ghế, loa đài để phục vụ các cuộc họp, các hoạt động văn nghệ được chu đáo”.

Sang những thôn khác của xã Cổ Loa nói riêng, huyện Đông Anh nói chung, nhà văn hóa nào cũng tấp nập như thế. Sự nhộn nhịp của các nhà văn hóa này xuất phát từ chủ trương quan tâm phát triển văn hóa cộng đồng của huyện Đông Anh từ năm 2018 với Đề án số 05-ĐA/BCĐ về “Đẩy mạnh thực hiện chương trình 03-CTr/HU, tập trung xây dựng, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động điểm sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2018 - 2020”.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
Dụng cụ thể dục được lắp đặt tại Nhà văn hóa Tổ dân phố số 7 thị trấn Đông Anh

Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết: Huyện chú trọng hoàn thiện hạ tầng thiết chế văn hóa, tất cả tổ dân phố, thôn, làng có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Năm 2018, huyện kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý nhà văn hóa của tất cả 195 thôn, tổ dân phố với lãnh đạo thôn hoặc tổ dân phố trực tiếp làm chủ nhiệm nhà văn hóa, khu thể thao; Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ xã, cán bộ khu dân cư về vận hành, quản lý nhà văn hóa, khu thể thao. Tại một số địa phương, ngoài các CLB văn hóa, thể thao, nhà văn hóa còn là nơi tổ chức những phòng đọc sách, CLB thơ…

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Quá trình xây dựng Nông thôn mới cũng là quá trình chính quyền và Nhân dân huyện Gia Lâm cùng nỗ lực giữ gìn, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử, chung tay xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng...

Cùng với đó, hệ thống nhà văn hóa được đầu tư, chỉnh trang, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được quan tâm, đẩy mạnh, ngày càng thấm sâu, lan tỏa trong cộng đồng.

Mỗi sáng sớm và chiều muộn, nhà văn hóa các thôn lại nhộn nhịp các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể thao. Góc này là giải bóng đá thiếu niên nhi đồng, góc kia là CLB bóng chuyền, tối tối, lũ trẻ tập trung ở sân nhà văn hóa tham gia trò chơi do đoàn thanh niên tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Doanh, người dân thôn Thuận Tốn chia sẻ: "Từ khi chính quyền có chủ trương xây dựng nhà văn hóa mới, Nhân dân trong thôn rất phấn khởi. Nhà ngay gần nhà văn hóa, nên cứ chiều đến, cả nhà lại ra đây, mỗi người một CLB, tối muộn mới về”.

Dẫn phóng viên dạo quanh các nhà văn hóa trên địa bàn xã, anh Nguyễn Văn Đà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đa Tốn tự hào cho biết: Các nhà văn hóa sáng đèn đến tối muộn đồng nghĩa với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thêm bài bản, chất lượng hơn, lôi cuốn đông đảo người dân tham gia. Cũng từ các phong trào văn hóa thể thao, lối ứng xử thân thiện với cộng đồng, môi trường cũng từng bước trở thành thói quen thường nhật của người dân nơi đây.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Đi qua con phố Ngụy Như Kon Tum ở quận Thanh Xuân đông đúc, tấp nập vào một buổi chiều ngột ngạt, rẽ theo biển chỉ dẫn vào ngõ 40, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi chứng kiến một không gian rộng mát, rợp bóng cây xanh. Đó là khuôn viên của khu vực nhà hội họp khu dân cư Nam Thăng Long 1-3 thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nơi đây được biết đến là nhà hội họp kiểu mẫu của Hà Nội không chỉ bởi không gian xanh ngắt với tổng diện tích trên 1.000m2 mà còn bởi những hoạt động hữu ích, cụ thể mà cư dân được tham gia và thụ hưởng hàng ngày. Nhà hội họp khu dân cư Nam Thăng Long 1-3 được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2014. Đây là nơi sinh hoạt chung của cư dân 2 khu dân cư 1 và 3 đến từ 5 tổ dân phố (31, 32, 33, 34 và 35) thuộc phường Nhân Chính. Các hoạt động từ chính trị, xã hội, văn - thể - mỹ… đều được diễn ra tại đây một cách đều đặn và sôi nổi suốt nhiều năm qua.

Hiện nhà hội họp khu dân cư Nam Thăng Long 1-3 là nơi sinh hoạt của các CLB: Yoga; Bóng chuyền hơi; Cờ tướng; Văn nghệ; Dưỡng sinh; Cầu lông; Khiêu vũ thể thao… Hầu hết các ngày trong năm, kể cả ngày lễ, Tết, nhà hội họp luôn kín lịch sinh hoạt và mở cửa từ 6h30 đến khoảng 22h hàng ngày để phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân.

Bởi có một không gian sinh hoạt rộng rãi, thoáng mát nên khu vực nhà hội họp khu dân cư Nam Thăng Long 1-3 luôn đông vui, thu hút từ người già đến trẻ nhỏ sum tụ vui chơi và sinh hoạt. Khi cơn mưa vừa ngớt, bão vừa tan, lúc nắng chiều dần tắt… cư dân đều đến đây để gặp gỡ, sinh hoạt chung trong tràn ngập tiếng nói cười.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
Người dân sinh hoạt tại Nhà văn hóa khu đô thị T, tổ 51 - 56 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Nhà văn hóa khu dân cư đô thị T - nơi sinh hoạt của 6 tổ dân phố (từ tổ 51 đến tổ 56, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nhộn nhịp như thế.

Là thành viên CLB dưỡng sinh thường xuyên sinh hoạt tại đây, bà Trần Thị Huyền phấn khởi chia sẻ: “Từ khi về hưu và đến sinh hoạt tại nhà văn hóa khu dân cư đô thị T, với chúng tôi dường như đó là trang mới của cuộc đời. Trước kia, tuy cùng khu dân cư nhưng giữa khu đô thị mới ồn ào này, rất ít người quen biết nhau. Ban đầu đến sinh hoạt ở đây ai cũng dè dặt, ngại ngùng nhưng chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi thân thiết với nhau như cố nhân; Luôn chuyện trò, tâm sự, chia sẻ với nhau bí quyết để gìn giữ sức khỏe, cách nuôi dạy, bảo ban con cháu xây dựng và duy trì nếp sinh hoạt văn hóa, văn minh...”.

“Đến nhà văn hóa đã trở thành quyền lợi sát sườn của mỗi người dân Thủ đô. Ai cũng bận rộn, cũng có gia đình, công việc nhưng mỗi người cần thể hiện trách nhiệm công dân của mình một cách sâu sắc, cụ thể hơn bằng cách tham gia sinh hoạt văn hóa thường xuyên để hòa vào nếp sống văn minh của khu dân cư; Đồng thời, phát huy nét văn hóa đó đến mỗi thành viên trong gia đình…”, ông Đỗ Đình Việt, người dân phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Không chỉ là là nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt của tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương; Nơi tổ chức biểu diễn, tập luyện, giao lưu, văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao, vui chơi của Nhân dân... cùng với các nhà văn hóa ở ngoại thành, các nhà hội họp, nhà sinh hoạt cộng đồng trong khu dân cư nhiều nơi đã và đang khẳng định vai trò gắn kết cộng đồng. Người dân đến để tìm niềm vui, để trao đi và nhận lại những giá trị sống nhỏ nhoi mà trong cuộc sống tất bật hằng ngày, đôi khi bị lãng quên.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đã thổi làn gió mới vào đời sống tinh thần của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, so với nhu cầu của người dân, tại nhiều nơi, đặc biệt là các quận nội thành, công năng, giá trị của thiết chế này chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều nhà văn hóa xuống cấp, sử dụng sai mục đích... đang trở thành bài toán cần lời giải đáp cho nhiệm kỳ này.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Một trong những mục tiêu mà Hà Nội đề ra tại Chương trình số 04 về “Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2016 - 2020 là hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố tới cơ sở. Đến năm 2020, đảm bảo 100% thôn, làng có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng. Cơ bản có điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc nhà văn hóa ở các tổ dân phố.

Thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đã rất nỗ lực quan tâm tới phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao. Tuy nhiên tới nay, toàn thành phố Hà Nội mới có 136/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 24,0%. 4/12 quận chưa có một trung tâm văn hóa xã, phường. 9/30 quận huyện của thành phố trắng trung tâm văn hóa cấp xã.

Trong tổng số hơn 4.200 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố, chỉ có hơn 1.900 nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích xây dựng, trang thiết bị; Hơn 2.100 nhà văn hóa chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản.

Đáng kể, tỷ lệ "phủ sóng" của nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng phân bố không đồng đều. Tại khu vực ngoại thành, sau khi xây dựng Nông thôn mới, về cơ bản các thôn, xã đã có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Các quận mới như Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm cũng đã bố trí được quỹ đất, kinh phí để xây nhà văn hóa. Khó khăn chủ yếu nằm ở khu vực nội thành cũ, khi không thể bố trí được quỹ đất.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
Nhà văn hóa phường Nguyễn Trung Trực cũ kỹ, xuống cấp

Phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Ðình) có 7 tổ dân phố, với khoảng gần 10 nghìn người dân nhưng mỗi dịp liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, các tổ dân phố lại phải đi mượn địa điểm để tập luyện. Bởi cả 7 tổ dân phố, chỉ có duy nhất một trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Ðây là một tòa nhà cũ tại số 64 đường Yên Phụ. Do không đủ diện tích, lại thiếu trang, thiết bị, nên cũng chưa đủ "chuẩn" để trở thành nhà văn hóa. Tuy nhiên, cũng chỉ có người dân tổ 1 và tổ 2 chung nhau sử dụng tòa nhà này. Những khu dân cư khác hiếm khi có mặt, do khoảng cách xa. Nhiều buổi sinh hoạt, hay họp hành, người dân thường phải đi mượn địa điểm, đôi khi cả trạm y tế phường cũng được dùng làm nơi họp hành, tập luyện văn nghệ.

Không chỉ riêng phường Nguyễn Trung Trực, trên địa bàn quận Ba Ðình, việc thiếu nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng là tình trạng chung diễn ra nhiều năm nay. Toàn quận có 217 tổ dân phố, thì chỉ có 92 nhà sinh hoạt cộng đồng, chưa có nhà văn hóa. Cũng giống như nhiều quận nội thành, khó khăn lớn nhất của quận là quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa hay trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Việc các tổ dân phố không có hoặc phải dùng chung trung tâm sinh hoạt cộng đồng là hết sức phổ biến.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, còn hàng trăm tổ dân phố không có nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Dù đã nỗ lực chỉ đạo khai thác tối đa quỹ đất và vận dụng linh hoạt cơ chế trong đầu tư song thực tế, toàn quận Hai Bà Trưng đến nay còn 71 tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng (chiếm 38%). Trong 163 nhà sinh hoạt cộng đồng có tới 55 tổ dân phố (20,9%) đang phải dùng chung 31 nhà sinh hoạt cộng đồng (11,7%); 16 nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, dột nát… cần được đầu tư xây mới.

Tỷ lệ nhà sinh hoạt cộng đồng giữa các phường cũng không đều, nhiều phường đạt rất thấp như Bách Khoa, Trương Định, Phạm Đình Hổ, Phố Huế… Về quy mô, chỉ 11 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng có diện tích từ 130 - 270m2, còn lại chỉ rộng từ 12 - 130m2.

Nằm ở trung tâm thành phố, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, không có nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở thiết chế văn hóa theo đúng nghĩa.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho biết: Việc phát triển các thiết chế văn hóa rất khó khăn, do không có quỹ đất. Để bố trí các điểm sinh hoạt cho người dân, phường đã tận dụng các di tích, trường học trên địa bàn. Tình trạng này không riêng của phường Hàng Trống mà nhiều phường khác của quận Hoàn Kiếm cũng chịu cảnh tương tự.

Trái ngược với tình trạng thiếu thốn và xuống cấp do thiếu các quy định về quản lý, khai thác và sử dụng nên nhiều nhà văn hóa tại một số địa bàn dù được xây sửa khang trang nhưng hoạt động lại chưa hiệu quả. Không ít nhà văn hóa cơ sở vẫn chủ yếu dành cho hội họp, mỗi tháng mở cửa một vài lần. Nhiều nhà văn hóa bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, điển hình như: Nhà văn hóa phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) thành nơi trông giữ xe ô tô; Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư 21, 22 phường Ô Chợ Dừa có tầng 1 trở thành cửa hàng thực phẩm; Nhà văn hóa tổ dân phố số 8 phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) lại tồn tại 2 kiot ngay dưới tầng 1 với diện tích hơn 20m2 buôn bán tấp nập ngày đêm; Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao huyện Hoài Đức xây khang trang to đẹp nhưng lâu nay được dùng phần lớn diện tích sân bãi làm nơi trông giữ xe…

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
Nhiều trung tâm văn hóa trở thành điểm trông giữ xe
“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao tại một quận nội thành, cho biết: “Hội trường nhà văn hóa quận có sức chứa gần 500 người, là nơi tổ chức các cuộc thi, liên hoan văn nghệ, hội nghị... cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, ngoài các CLB thơ, văn nghệ, hội dưỡng sinh... cho người cao tuổi được duy trì hoạt động đều đặn hàng tuần thì thi thoảng mới có một số trường cấp 3 trong quận đến tổ chức các cuộc thi ca múa nhạc, đóng kịch... Mỗi năm 2 lần, nhà văn hóa cũng tổ chức các cuộc thi liên hoan văn nghệ quần chúng. Phần lớn, nhà văn hóa chưa được sử dụng hết công suất.

Để tránh lãng phí và bổ sung kinh phí hoạt động, nhiều nhà văn hóa đã được tận dụng để cho các đơn vị thuê tổ chứ các sự kiện, mở lớp dạy yoga, erobic… Theo lý giải của các đơn vị quản lý, kinh phí hoạt động hiện nay của nhà văn hóa vẫn được nhà nước bao cấp nhưng “khá bèo bọt”. Nếu cho thuê mặt bằng được giá, mức thu nhập này mới được nâng lên.

Tuy nhiên, có một nghịch lý, nhiều địa điểm nhà văn hóa ở những vị trí đắc địa và có giá khá mềm nhưng giới trẻ khi tổ chức những hoạt động văn hóa của mình thì lại không nghĩ đến việc thuê mặt bằng ở đây.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
Nhiều nhà văn hóa, trung tâm văn hóa bị “biến” thành điểm kinh doanh

Một nhóm sinh viên Đại học Hà Nội chạy đôn chạy đáo xin tài trợ địa điểm để tổ chức một mô hình ứng dụng về nghệ thuật truyền thống, sau khi được hỏi sao không đến nhà văn hóa đã cho biết: “Chỗ ấy chỉ toàn người già và trẻ con, có tổ chức cũng không có người trẻ biết đến. Hơn nữa, chúng em cũng đã khảo sát, ở đó không có gì hay để đến tổ chức. Thà mượn một quán cà phê còn thu hút hơn”.

Bạn Nguyễn Văn Vinh (sinh viên Đại học Kiến trúc) từng có “thâm niên” nhiều lần tổ chức lớp học ở nhà văn hóa kể: “Mô hình nhà văn hóa chỉ phù hợp để làm lớp học. Nó không liên quan đến những hoạt động biểu diễn hoặc vui chơi của giới trẻ. Mặc dù, nhà văn không cũ nhưng vì xây dựng theo kiểu cũ, tính thẩm mỹ chưa cao, do vậy khó mà tạo được sức hút với người trẻ. Chưa kể, những người làm việc ở đây hầu hết không có chuyên môn về văn hóa nên cũng khó yêu cầu, đề xuất điều gì”.

Trong khi đó, một nghệ sĩ chia sẻ: Nhà văn hóa quá buồn tẻ, không gian không chút nào sáng tạo. Hơn nữa, dù thuê địa điểm này rẻ nhưng nếu kéo dài thì vẫn là quá sức, nhất là với những dự án văn hóa phi lợi nhuận. Thà đi xin địa điểm hỗ trợ ở những góc phố hoặc các trung tâm văn hóa sẽ đỡ mất công cải tạo không gian. Trừ khi có riêng một diện tích được cải tạo cho những hoạt động sáng tạo nếu không, tôi không nghĩ sẽ làm gì ở những nhà văn hóa như hiện nay.

Rõ ràng, nếu không thay đổi cung cách hoạt động và đầu tư vào nội dung thì nhà văn hóa vẫn rất khó trở thành nhà văn hóa đúng nghĩa...

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Nguyên nhân khiến thiết chế nhà văn hóa chưa phát huy hiệu quả, theo các chuyên gia là do chưa đáp ứng đúng và khơi dậy các nhu cầu của người dân trong đời sống. Sau cuộc “cách mạng” Nông thôn mới với việc “phủ sóng” nhà văn hóa và trước bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh phát triển văn hóa, phải chăng việc cần xem xét lại là “tu bổ” từ “vỏ” tới ”chất” của thiết chế này.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Thực tế hoạt động khởi sắc của một số nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cho thấy, việc thành lập Ban Chủ nhiệm, ban hành quy chế hoạt động đồng thời với việc thành lập các CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao có vai trò then chốt trong việc vận hành hiệu quả.

Một công chức văn hóa xã Cổ Loa chia sẻ kinh nghiệm: Tại Cổ Loa cũng như các địa phương khác ở Đông Anh, vai trò của ban chủ nhiệm nhà văn hóa rất quan trọng. Ban chủ nhiệm sẽ định hướng, khơi dậy, huy động Nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch của địa phương, ban chủ nhiệm nhà văn hóa các thôn xây dựng kế hoạch quản lý và tổ chức các hoạt động, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoạt động của từng CLB, từng ngành, đoàn thể và linh hoạt xử lý khi có nội dung sinh hoạt đột xuất... Bên cạnh đó, nhà văn hóa cần phân công người phụ trách vệ sinh, môi trường thì mới bảo đảm không gian luôn sạch, đẹp.

Còn theo trưởng thôn Hà Lỗ Dương Văn Tam (xã Liên Hà, huyện Đông Anh): “Mấu chốt là cán bộ địa phương phải theo sát phong trào. Từ những nhân tố điển hình, mình khuyến khích, vận động thành lập các câu lạc, gắn trách nhiệm hoạt động với cán bộ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở”.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh
Phát triển các thiết chế văn hóa dựa trên nhu cầu và kinh tế mỗi địa phương

Cũng theo ông Tam, hoạt động của các CLB chính là “linh hồn” của nhà văn hóa. Điều quan trọng nhất phải khơi gợi được đam mê thì Nhân dân sẽ hưởng ứng, mọi người sẽ chủ động tham gia, đóng góp kinh phí cho các hoạt động.

Để giải quyết vấn đề thiếu thiết chế cơ sở khu vực nội thành, Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VH&TT Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên cho rằng : Việc "phủ sóng" nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại các quận nội thành cũ rất khó khăn. Thực tế này cho chúng ta một gợi ý. Các thiết chế văn hóa của Trung ương, thành phố hay cấp quận không phải lúc nào cũng sử dụng hết công suất. Các cơ quan lớn đều có hội trường, có phương tiện dành cho sinh hoạt văn hóa. Cách khắc phục trước mắt là địa phương cần phối hợp các cơ quan. Tuy nhiên, để các cơ quan, những thiết chế văn hóa cấp trên "mở cửa" cho sinh hoạt văn hóa cơ sở, thì thành phố, hay cấp quận cần xúc tiến xây dựng cơ chế phối hợp. Nếu làm tốt, dân cư nhiều địa bàn sẽ thoát cảnh "trắng" điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng như hiện nay.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Phân tích về những nguyên nhân khiến nhiều thiết chế nhà văn hóa chưa phát huy hiệu quả, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh quan điểm: Thiết chế văn hóa trước hết phải đáp ứng yêu cầu của người dân; Khơi dậy được nhu cầu của người dân trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Với thiết chế nhà văn hóa, nếu như đình làng xưa mang những nét đặc sắc về kiến trúc, quy mô thì nhà văn hóa hiện nay đa số chưa đáp ứng được điều đó. Đây là điểm hạn chế của thiết chế này, cũng vì thế mà nhà văn hóa thiếu cuốn hút người dân.

Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đảng, được đầu tư từ nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa, khác với đình, đền, phủ xưa kia, do người dân các đại phương góp công, góp của để xây dựng và phục vụ nhu cầu thực tế cuộc sống của họ. Về công năng của nhà văn hóa cũng còn hạn chế, đến nay, nhiều nơi chỉ coi đây là địa điểm hội họp, một năm vài lần, còn đâu cửa đóng then cài.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Những hạn chế này không phải khó nhận ra. Tuy nhiên, với văn hóa, người ta rất khó có thể tìm ra tiêu chí để đánh giá hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển. Vì vậy mới phát sinh những tiêu chí “cứng” về số lượng. Điều này dẫn đến thực trạng, không phải thiết chế văn hóa nơi nào cũng phát huy hiệu quả như mong muốn và nhà văn hóa là một ví dụ.

Mặc dù vậy, theo TS Nguyễn Viết Chức, đây lại là cách duy nhất để phát huy đời sống văn hóa cộng đồng, đặc biệt là với các địa phương giàu truyền thống văn hóa, sôi nổi các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy, việc phát triển nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng là vẫn phải triển khai, có điều, cần theo nhu cầu của mỗi địa phương và địa bàn dân cư, chứ không nên máy móc, áp đặt như một tiêu chí. Nếu không đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương thì tức là đâu đó trong khâu thực hiện chủ trương đã bị sai lệch.

Khẳng định thiết chế văn hóa giúp triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, giai đoạn hiện nay càng cần phát triển, củng cố hoàn thiện, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Trong đó, chúng ta cần phải đổi mới tư duy, hoàn thiện bổ sung chức năng nhiệm vụ mới đối với thiết chế này; Quan trọng bậc nhất là đáp ứng nhu cầu Nhân dân.

TS Nguyễn Viết Chức cũng lưu ý, phải chống tư tưởng cách làm bao cấp trong hoạt động văn hóa cộng đồng mà khuyến khích mỗi địa phương có cách làm riêng để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn; Đặc biệt cần phát huy vai trò đoàn viên thanh niên trong việc đi đầu khởi xướng các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Cùng với xây dựng thiết chế văn hóa, các địa phương phải tìm cách phổ biến, bảo tồn phát huy những trò chơi dân gian, các lễ hội dân gian còn đang tồn tại, đang là nhu cầu ở một số địa phương... Ngoài ra, các địa phương cũng cần tích hợp chức năng nhiệm vụ, các đình, đền, miếu phủ với nhà văn hóa, khuyến khích để không thiết chế nào bị bỏ không.

Hà Nội là địa bàn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất cả nước, với 1.783 di sản các loại. Việc đầu tư hệ thống nhà văn hóa cơ sở không chỉ giúp cải thiện đời sống văn hóa, mà còn tạo "bệ đỡ" cho việc bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là những loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, khi các nghệ nhân có không gian để luyện tập, biểu diễn. Bên cạnh đó, hoạt động hiệu quả của hệ thống nhà văn hóa cơ sở cũng sẽ giúp người dân vừa là chủ thể tham gia, vừa là đối tượng thụ hưởng văn hóa.

Hy vọng, với việc phủ sóng từ “vỏ” tới “chất”, đời sống tinh thần, chất lượng hưởng thụ văn hóa của người dân sẽ được nâng lên. Từ đó, hướng tới các mục tiêu trong phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa của Hà Nội trong nhiệm kỳ này.

“Mở cửa” nhà văn hóa, xây đời sống văn minh

Nội Dung: Tú Linh

Đồ họa: Nguyễn Anh