đất nước
TTTĐ - 12 cơ sở trải dài khắp các tỉnh thành từ Thủ đô Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, nhà ăn "0 đồng" Thiện nguyện Nhất Tâm cung cấp những bữa ăn miễn phí cho lao động nghèo, người già neo đơn... là nơi giảm bớt chút gánh nặng chi tiêu cho những gia đình khó khăn. Đó cũng là nơi mọi người cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi của những con người xa lạ. Khi nhà ăn "0 đồng" Nhất Tâm lần đầu tiên mở tại Hà Nội, nhóm phóng viên đã được trải nghiệm một ngày làm tình nguyện viên tại đây và có dịp chứng kiến những câu chuyện "không phải ai cũng biết".Đều đặn mỗi ngày thức dậy từ 4h, bà Trần Cẩm Tuyết - người được gọi thân mật là U Cẩm đã tất bật dậy chuẩn bị đi chợ. Ở tuổi 86, bà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn; Lo lắng và nhớ hết tên của nhóm tình nguyện viên (TNV) hỗ trợ tại nhà ăn. U Cẩm bảo: "Mình phải đi chợ sớm thì mới mua được đồ ăn ngon. Mình mua nhiều nếu đến muộn có khi không còn gì mà mua ấy chứ!". Đều như cơm bữa, đúng 7h, U Cẩm có mặt tại nhà ăn cùng các bà, các cô và nhóm TNV để tiến hành sơ chế nguyên liệu. Dù quán chính thức mở cửa lúc 11h nhưng từ 10h30 đã có khách tới chờ ăn. Tuy khách đến sớm, người trong bếp vẫn nhiệt tình phục vụ. Mỗi ngày, nhà ăn phục vụ trung bình từ 100 - 200 suất cơm, dù chỉ mở cửa buổi trưa. |
Anh Trần Thanh Long, người sáng lập chuỗi nhà ăn chay "0 đồng" Thiện nguyện Nhất Tâm, cho biết: "Khi mở nhà ăn "0 đồng" đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh), tôi chưa bao giờ nghĩ có thể đem chuỗi nhà ăn thiện nguyện này ra tận Thủ đô. Trong khoảng thời gian dịch bệnh, chúng tôi triển khai mô hình "Bình Oxy 0 đồng" cung cấp cho các bệnh nhân nghèo mắc COVID-19 ở Bệnh viện K thì thấy Hà Nội vẫn còn nhiều nơi cần sự yêu thương, đùm bọc nhau lắm. Nó thôi thúc tôi phải làm gì đó nhưng việc quản lý 12 cơ sở trên khắp cả nước không phải là điều dễ dàng. Ý nghĩ ấy cứ ở đó, cho đến khi chị Hoàng Minh Ngọc và U Cẩm (mẹ của chị) đề cập với tôi thì tôi như "vớ được vàng" vậy". |
Dù là chuẩn bị nguyên liệu hay phục vụ, các khâu đều được thực hiện an toàn, đảm bảo vệ sinh |
Quán ăn "0 đồng" của nhóm từ thiện Nhất Tâm từng đón đủ các thực khách tới ăn, từ học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng đến tài xế xe ôm, công nhân, người buôn bán tự do... Thực đơn của mỗi ngày cũng rất đa dạng, không phải ngày nào nhà ăn cũng phục vụ cơm phần mà đôi khi cũng thay đổi với phở, bún... Vào các ngày rằm, mồng một hay dịp lễ Vu lan, rằm tháng 8, quán sẽ nấu thêm bún bò, mì Quảng, hủ tiếu chay "bán" cho khách. Tất cả các món đều bán với giá 0 đồng. Dù tất cả đều là món chay nhưng đều được chế biến theo khẩu vị chung của đa số mọi người. U Cẩm chia sẻ, quá trình chế biến một món ở nhà ăn "0 đồng" Nhất Tâm trải qua sự thử nghiệm của rất nhiều người, từ đó thay đổi cho hợp khẩu vị chung. Một trong những điều thu hút nhóm phóng viên là không khí gần gũi, ấm áp tại đây. Dù mới trải nghiệm trong vai một TNV đến giúp đỡ lần đầu nhưng phóng viên cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các TNV khác. Sau này, cô Nguyễn Thị Bé (trưởng nhóm kết nối TNV nhà ăn "0 đồng" Nhất Tâm) mới cho chúng tôi biết: "Tất cả mọi người khi đến đây giúp đỡ đều xuất phát từ tâm, từ tấm lòng lương thiện nên tôi và các bạn cũng đối xử lại như thế; Nhất là những bạn mới đến, do chưa quen việc nên dễ rơi vào cảm giác lạc lõng trong nhóm TNV đã chơi thân từ trước. Vì vậy, tôi luôn dặn các bạn TNV trong nhóm phải quan tâm, giúp đỡ cả những bạn mới chứ không phải chỉ quan tâm đến công việc của nhà ăn". |
Dù khác biệt về vùng miền nhưng ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Quận 2, TP Hồ Chí Minh), chúng tôi cũng được chứng kiến khung cảnh tương tự cơ sở ở Hà Nội. Người đến lấy cơm trật tự, nghiêm túc xếp hàng chờ đến lượt; Còn người phát cơm thì nhẹ nhàng, ân cần hướng dẫn người dân ngồi vào bàn, phục vụ và chăm sóc thực khách như nhà hàng. Nhiều người dân bày tỏ sự hài lòng, vui vẻ khi các TNV của nhà ăn đều đón tiếp họ với thái độ niềm nở, nhiệt tình.
Khác với những chi nhánh còn lại của Thiện nguyện Nhất Tâm, "Nhà ăn hạnh phúc" tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh chủ yếu phục vụ người nhà bệnh nhân đang điều trị. Thậm chí, các y, bác sĩ còn đưa bệnh nhân không có người thân chăm sóc xuống nhà ăn. Bằng chất giọng miền Tây đặc sệt, cô Nguyễn Huỳnh Mai Phương (40 tuổi, TNV tại "Nhà ăn hạnh phúc") ra tận cửa mời chúng tôi vào bàn: "Người nhà bệnh nhân à, vào đi cháu! Vào ăn rồi còn mang đồ về cho người thân chứ. Nhanh vào đi, tí nữa đông lắm đấy!". Được biết, mỗi buổi trưa, nhà ăn Hạnh phúc phục vụ từ 500 - 600 thực khách. Dù ở đâu trên mảnh đất hình chữ S, miền Bắc hay Nam, chúng tôi với tư cách là TNV hay người đến ăn, cũng được tiếp đón rất đặc biệt. Đây là lý do khiến mọi người công nhận câu nói "của cho không bằng cách cho" đúng với nhà ăn "0 đồng" Nhất Tâm.
|
Yên Bình |