eMag azine
01/10/2024 07:00
Lãnh đạo nêu gương, yêu thương lan tỏa

01/10/2024 07:00

LTS: Cơn bão Yagi đi qua đã để lại rất nhiều mất mát cho các tỉnh, thành ở miền Bắc Nói chung và Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, những điều đọng lại cũng rất đáng trân trọng và trở thành những bài học quý. Đó là sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo tập trung, linh hoạt “từ sớm, từ xa” và đặc biệt là tinh thần nghiêm túc, tự giác của Nhân dân trước, trong và sau bão.

yêu thương

bao-yagi
bao-yagi

CƠN BÃO YAGI ĐI QUA ĐÃ ĐỂ LẠI RẤT NHIỀU MẤT MÁT CHO CÁC TỈNH, THÀNH Ở MIỀN BẮC NÓI CHUNG VÀ HÀ NỘI NÓI RIÊNG. TUY NHIÊN, NHỮNG ĐIỀU ĐỌNG LẠI CŨNG RẤT ĐÁNG TRÂN TRỌNG VÀ TRỞ THÀNH NHỮNG BÀI HỌC QUÝ. ĐÓ LÀ SỰ VÀO CUỘC CHỦ ĐỘNG CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ, SỰ LÃNH ĐẠO TẬP TRUNG, LINH HOẠT “TỪ SỚM, TỪ XA” VÀ ĐẶC BIỆT LÀ TINH THẦN NGHIÊM TÚC, TỰ GIÁC CỦA NHÂN DÂN TRƯỚC, TRONG VÀ SAU BÃO.

CÓ THỂ THẤY, VIỆC CHỈ THỊ SỐ 24-CT/TU (NGÀY 7/8/2023) CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY HÀ NỘI VỀ “TĂNG CƯỜNG KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ THÀNH PHỐ HÀ NỘI” ĐÃ ĐƯỢC VẬN DỤNG SÁNG TẠO VÀO THỰC TIỄN VÀ MANG LẠI HIỆU QUẢ TÍCH CỰC, LAN TOÀ NGHĨA TỈNH ĐỂ THỦ ĐÔ KIÊN CƯỜNG VƯỢT QUA BÃO LŨ…

bao-yagi

Ngay khi bão Yagi còn ở phía Đông Philippines, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện khẩn số 86/CĐ-TTg ngày 3/9; tiếp theo đó là Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9 và số 88/CĐ-TTg ngày 6/9. Thủ tướng cũng trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung ứng phó với bão từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại.

Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó; quyết định lập Ban Chỉ huy tiền phương do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban đóng tại Quân khu 3 (thành phố Hải Phòng) để trực tiếp phối hợp với các địa phương ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 2 công điện, văn bản chỉ đạo sớm từ ngày 2/9 khi bão còn ở phía Đông Philippines. Chiều 4/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã họp trực tuyến với các bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố ven biển.

bao-yagi
Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ vụ sạt lở đất tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai

Ngày 6/9, trước khi bão đổ bộ, 2 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra, chỉ đạo tại 4 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình. Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo tại Quảng Ninh.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành công điện; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu

Với sự vào cuộc quyết liệt trên tinh thần cảnh giác cao độ, bão số 3 đã được “đón” sự huy động “100% sức chiến đấu” của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhờ đó, bão đã đi qua trong sự “thở phào” của nhiều người dân dù còn thiệt hại về người cùng nhiều tài sản, hoa màu ở các địa phương bão đi qua. Tại Hà Nội, ngày 5/9, Thường trực Thành ủy ban hành Điện về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3; tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra; tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.

bao-yagi

Các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Các cơ quan, đơn vị chủ động phương án sẵn sàng hiệp đồng với lực lượng quân đội, công an để làm tốt công tác phòng, chống bão, lũ.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, các Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chủ động nắm sát tình hình bão để tập trung kịp thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão và tăng cường kiểm tra việc thực hiện theo chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Chủ tịch UBND thành phố; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó…

Các địa phương xây dựng phương án kịp thời và kiên quyết sơ tán người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, các hộ dân đang cư trú ở những khu nhà chung cư xuống cấp, chung cư cao tầng, nhà ở nguy hiểm, nhà riêng lẻ có nguy cơ sụp đổ để di chuyển đến trụ sở UBND phường, xã, trường học, nơi kiên cố, an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

bao-yagi
bao-yagi

Trước, trong và sau bão, các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước đã có những chỉ đạo quyết liệt, bám nắm tình hình, trực tiếp tới hiện trường cùng các địa phương và người dân khắc phục hậu quả bão, lũ.

Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng ảnh hưởng tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ.

bao-yagi
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi, động viên nhân dân sơ tán tại tỉnh Tuyên Quang

Tới thăm hỏi người dân đang được sơ tán tại các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ sâu sắc với người dân đang phải chịu ảnh hưởng do bão lũ gây ra, mong muốn người dân tiếp tục đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Đối với những vùng còn ngập hoặc khó tiếp cận với người dân đang bị cô lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo các tỉnh và các lực lượng triển khai đồng bộ quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ.

Cùng ngày, sau khi thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lũ ở tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi sạt lở vùi lấp 37 hộ, khiến 95 người chết và mất tích để thị sát, trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân và thăm hỏi, động viên nhân dân, gia đình nạn nhân.

Trực tiếp lội xuống đầm lầy, động viên lực lượng đang tìm kiếm người bị mất tích do lũ cuốn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị bố trí thêm lực lượng, phương tiện, kể cả sử dụng chó nghiệp vụ, thay đổi phương pháp, tranh thủ thời gian sớm tìm kiếm người mất tích. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia buồn sâu sâu sắc với các gia đình có người thân thiệt mạng, mất tích, bị thiệt về tài sản, động viên các gia đình vượt qua đau thương, mất mát. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Lào Cai tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khôi phục lại giao thông, với tinh thần “Trung ương lo Quốc lộ, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo đường thôn, xã”; khẩn trương khôi phục trường lớp, đón học sinh đến trường trở lại.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lào Cai nghiên cứu quy hoạch, bố trí quỹ đất, hỗ trợ chỗ ở cho người dân, riêng với người dân Làng Nủ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2024; đồng thời, lo công ăn, việc làm, sinh kế, bố trí đất sản xuất để người dân sớm ổn định cuộc sống. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chung tay chia sẻ, hỗ trợ với tinh thần “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết” và quyết định chi 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ Lào Cai khắc phục hậu quả bão lũ.

Xác định bão số 3 là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công. Người dân cũng đã vào chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó. Tất cả sự đồng lòng trong thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để ứng phó với bão đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện, theo dõi sát tình hình kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo là phải chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất.

bao-yagi
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thị sát tình hình ngập lụt tại xã Nga Mỹ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Cũng trong ngày 12/9, tại tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác đi kiểm tra tình hình triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, thăm hỏi, động viên nhân dân và lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ tại tỉnh Thái Nguyên.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm vụ ứng phó sau mưa bão là vấn đề không thể chủ quan. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó khi nước rút và phải có kế hoạch khắc phục ngay những nơi ngập sâu, không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt… Bên cạnh đó, tỉnh là cần khắc phục sớm nhất có thể những thiệt hại về hạ tầng, như: Đường giao thông, điện, thông tin, giáo dục, y tế... để sớm đưa học sinh đến trường và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn, người bị thiệt mạng…

Trước đó, tối 7/9, khi bão Yagi đang quét qua Hà Nội, trao đối với báo chí, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 Bí thư quận, huyện, thị ủy, yêu cầu các công tác đảm bảo an toàn cho người dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát diễn biến mưa bão; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao (gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để bị động, bất ngờ với các tình huống. Bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng của bão trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì Nhân dân.

bao-yagi

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, các quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chủ động nắm sát tình hình địa bàn cơ sở theo sự phân công; triển khai nghiêm, hiệu quả, chặt chẽ các phương án phòng, chống bão, lũ; tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân như có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhà cửa có nguy cơ sụt lún, đổ sập; chỉ đạo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tránh trú an toàn; kiên quyết di dời người dân ra khỏi chung cư nguy hiểm, nơi cư trú có nguy cơ đổ sập, người dân thuyền chài, các tàu, thuyền, bè trên sông, hồ vào nơi tránh trú an toàn...

Đặc biệt, các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị nắm bắt sâu sát tình hình nhân dân; huy động sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đoàn viên, thanh niên, hội phụ nữ quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vận dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Sáng 8/9, khi bão vừa tan, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã xuống địa bàn quận Bắc Từ Liêm trực tiếp đôn đốc, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau mưa bão.

Trao đổi với lãnh đạo địa phương cùng các đơn vị chức năng TP tại buổi kiểm tra, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài ghi nhận và đánh giá cao cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong đó có quận Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Oai đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo của Trung ương và TP; chỉ đạo rất sát sao, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; triển khai từ sớm, từ xa các phương án phòng, chống bão số 3.

bao-yagi bao-yagi bao-yagi
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tham gia tổng vệ sinh

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị nắm bắt tình hình từng địa bàn dân cư; huy động sự tham gia vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đoàn viên, thanh niên, hội phụ nữ... quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hại do bão; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm khi cần thiết, không để ai bị đói, bị rét, thiếu thốn thuốc men, chữa bệnh...

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng trực tiếp xuống hiện trường cùng chính quyền và người dân khắc phục hậu quả bão, lũ.

Chiều 10/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp xuống địa bàn, kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại quận Ba Đình. Sau khi nghe UBND quận Ba Đình và phường Phúc Xá báo cáo nhanh tình hình nước lũ và các phương án ứng phó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền quận Ba Đình trong việc triển khai công tác ứng phó với bão số 3; qua đó đã giảm thiểu mức độ thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn quận Ba Đình.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các lực lượng chức năng quận Ba Đình và phường Phúc Xá đẩy mạnh tuyên truyền vận động, kiên quyết di dời toàn bộ người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai” ở khu vực nguy hiểm theo đúng quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài.

Cùng với việc chuẩn bị chu đáo địa điểm sơ tán dân khi nước lũ dâng cao, quận cần chủ động chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh phục vụ Nhân dân, bởi số lượng dân phải sơ tán khi nước dâng cao mức báo động 2 và 3 là rất lớn.

Nhấn mạnh việc bảo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân trong tình trạng mưa lũ khẩn cấp hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị quận Ba Đình chỉ đạo sát sao, giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị quận Ba Đình phân công cụ thể công việc phòng, chống mưa lũ theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm ở mức cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân và giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn trong mọi tình huống.

bao-yagi
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham gia tổng vệ sinh

Trực tiếp xuống địa bàn, kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại khu vực Trạm bơm Hòa Bình, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, ngày 11/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, đây là một trong những vị trí đê xung yếu, nếu xảy ra vỡ đê sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của Nhân dân trong khu vực. Vì vậy, huyện Thanh Trì phải ứng trực nghiêm 24/24h, sẵn sàng ở mức cao nhất để ứng phó với mức độ cao hơn hiện tại của nước lũ.

Lưu ý mức độ nguy hiểm và những thiệt hại to lớn khi mực nước sông Hồng chạm mức báo động 3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền Thanh Trì tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ Nhân dân vượt qua những khó khăn do mưa lũ gây ra. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm người yếu thế, người già, trẻ em và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị các lực lượng chức năng kiên quyết sơ tán các hộ sinh sống tại khu vực nguy hiểm ngoài đê tới nơi an toàn theo đúng phương châm: sơ tán toàn bộ gia đình, không để sót bất cứ người nào ở lại, tránh tình trạng bị cô lập trong mưa lũ.

Sáng 12/9, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với tình trạng nước sông Hồng tăng cao và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại khu vực đê xung yếu xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) và khu vực ngập úng xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Chỉ đạo việc triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chương Mỹ, Đan Phượng khẩn trương thống kê thiệt hại, xây dựng kế hoạch để hỗ trợ kịp thời Nhân dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó cần lưu ý việc khôi phục diện tích rau xanh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Lưu ý việc vận động, hỗ trợ người dân sơ tán đến khu vực an toàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các huyện sơ tán triệt để người dân khỏi khu vực nguy hiểm theo phương châm “không bỏ sót một ai”. Trong thời gian sơ tán, các huyện cần có phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh cho Nhân dân.

bao-yagi
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần sỹ Thanh nghe các đơn vị chức năng báo cáo về công tác khắc phục hậu quả sau bão

Trước đó, sáng sớm 8/9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã kiểm tra trực tiếp công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Nhấn mạnh, bão số 3 đã đi qua và để lại hậu quả nặng nề, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, ưu tiên số một là nhanh chóng khôi phục giao thông.

Sáng cùng ngày, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đi thị sát nắm bắt tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi) tại địa bàn quận Hoàn Kiếm và huyện Thường Tín.

bao-yagi
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra công tác phòng chống lũ tại địa bàn quận Hoàn Kiếm

Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, dù bão đã đi qua nhưng tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, cũng như công tác khắc phục hậu quả sau bão còn rất ngổn ngang, do đó cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động Nhân dân phối hợp cùng các lực lượng tiếp tục rà soát, thống kê những thiệt hại do bão gây ra; thường xuyên kiểm tra tình hình tiêu thoát nước, úng ngập, hệ thống điện, vệ sinh môi trường...

Ngày 10/9, trực tiếp thị sát các điểm nước dâng và nghe báo cáo của quận Hoàn Kiếm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, đây là đợt nước lũ sông Hồng lên cao nhất kể từ năm 2008. Diễn biến thời tiết cực kỳ bất thường, do vậy phải đặt ra tình huống ngập lụt cao hơn với thực tế để lên phương án di dời dân.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan của quận Hoàn Kiếm tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó thiên tai;

bao-yagi
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại quận Hoàn Kiếm

Đồng thời, quận rà soát các khu vực nguy hiểm, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở, khu vực bãi giữa sông Hồng; lập danh sách các hộ dân cần sơ tán, chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ phương tiện thiết yếu để phòng chống lũ như xuồng máy, trang thiết bị, phao cứu sinh và các nhu yếu phẩm cần thiết cho Nhân dân; thực hiện sơ tán ngay, đảm bảo an toàn đối với người dân đến nơi an toàn.

Bão, lũ, cây đổ, nhiều công trình hạ tầng bị hư hại, cả thành phố Hà Nội lại vào cuộc. Sáng 14/9, tại Vườn hoa Vạn Xuân, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3. Trực tiếp đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ chính trị, Bí Thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc Hội TP Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy; Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP; Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP; Hoàng Minh Dũng Tiến - Bí thư Quận ủy Ba Đình… cùng Nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão.

bao-yagi
bao-yagi

Ngày 11/9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đi thăm, động viên Nhân dân khu vực ngoài đê sông Hồng tại quận Bắc Từ Liêm đã được di dời về nơi ở an toàn phục vụ công tác phòng, chống bão.

Tại Nhà văn hóa Tổ dân phố 4, phường Đông Ngạc và Trường Tiểu học Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, cơn bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề cho Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Dù bão đã tan nhưng hoàn lưu sau bão gây mưa lớn dẫn đến ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Với quyết tâm cao, sự vào cuộc kịp thời, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm đã nỗ lực cao nhất để bảo đảm an toàn cho người dân trên địa bàn, nhất là các hộ dân ở khu vực ven sông, có nguy cơ gặp nhiều rủi ro.

bao-yagi bao-yagi
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương thăm và động viên người dân chịu ảnh hưởng của bão số 3 tại quận Bắc Từ Liêm.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP mong muốn, mỗi người dân cùng đoàn kết, đồng hành với TP, với quận, chủ động khắc phục khó khăn, tuyệt đối không được quay về nơi ở cũ khi nước chưa rút, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.

Cùng ngày, tại quận Tây Hồ, kiểm tra chỗ ăn, ở của bà con tại, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương động viên và chia sẻ với những khó khăn của bà con; mong muốn bà con phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp với các lực lượng chức năng từng bước khắc phục khó khăn, tuyệt đối không được quay về nơi ở cũ để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Tối 11/9, để kịp thời hỗ trợ công tác phòng, chống lụt bão, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường đã tới trao 50 triệu đồng cho xã Việt Long (huyện Sóc Sơn) và trao quà cho 11 hộ dân đang tạm cư ở nhà thể chất của Trường THCS Tân Hưng, thôn Mộ Đạo, xã Tân Hưng. Trò chuyện, động viên các hộ dân đang tạm cư tại Trường THCS Tân Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ TP Nguyễn Sỹ Trường mong muốn bà con phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp với các lực lượng chức năng từng bước khắc phục khó khăn.

Thực hiện điện của Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, thành phố Hà Nội, ngay trong đêm 7/9, rạng sáng 8/9, lực lượng chức năng đã ra quân khắc phục thiệt hại do cơn bão, giải quyết các nút thắt giao thông, úng ngập.

Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tuổi trẻ Thủ đô đã cùng các lực lượng có liên quan tích cực, chủ động triển khai nhiệm vụ hỗ trợ khắc phục hậu quả sau cơn bão theo sự điều phối chung của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tại địa phương, đơn vị.

Có mặt trong buổi ra quân, bạn Đoàn Thị Hải Minh (sinh viên năm Hai, Trường Đại học Dược Hà Nội) chia sẻ: "Chứng kiến những ngôi nhà bị tốc mái, cây cối bật gốc, đổ gay sau cơn bão số 3, em không khỏi bàng hoàng và xót xa. Nhưng chính sự thương tiếc ấy đã thôi thúc em cùng các bạn tình nguyện trực tiếp tham gia hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả mưa bão, hỗ trợ Nhân dân Thủ đô. Em tin rằng, với tinh thần đoàn kết, chúng ta sẽ sớm vượt qua khó khăn này".

Để đảm bảo sinh hoạt cho Nhân dân trên địa bàn, thanh niên Thủ đô đã hỗ trợ các lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ, vệ sinh môi trường; thăm hỏi các gia đình người già neo đơn; hỗ trợ người dân sửa sang nhà cửa, ruộng đồng.

bao-yagi
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh thăm hỏi các gia đình có nhà bị ngập ở những xã ngoài đê sông Hồng

Trước đó, với tình hình biến động phức tạp của cơn bão số 3 (Yagi), Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội cũng đã chỉ đạo Ban Thường vụ các quận, huyện, thị đoàn trên địa bàn thành lập 579 đội hình “Thanh niên tình nguyện xung kích” sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Lực lượng đoàn viên đã được tập huấn nhiệm vụ luôn trong trạng thái sẵn sàng, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng theo sự điều phối của Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai các cấp; triển khai hỗ trợ, giải quyết các hậu quả bão gây ra, cập nhật liên tục thông tin về cơn bão, tuyên truyền cho người dân về phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ, xử lý cây đổ, vệ sinh môi trường; sẵn sàng, linh hoạt trước mọi tình huống xảy ra.

Tối 11/9, đoàn công tác của Thành đoàn Hà Nội do đồng chí Chu Hồng Minh, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội làm Trưởng đoàn cùng các đồng chí Thường trực Thành đoàn Hà Nội đã đến thăm, tặng quà, động viên lực lượng đoàn viên, thanh niên đang thực hiện nhiệm vụ tại xã Tự Nhiên; thăm, tặng quà người dân phải di dời do ảnh hưởng của bão lụt tại nhà văn Hoá xã Vân Tảo, huyện Thường Tín.

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Bí thư Thành đoàn Hà Nội đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời của các đội hình thanh niên tình nguyện huyện Thường Tín; đồng thời cũng đề nghị Huyện Đoàn tiếp tục nêu cao tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ; vượt qua những khó khăn, gian khổ; tập trung lực lượng hoàn thành các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương giao phó.

Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, đồng chí Chu Hồng Minh đề nghị Đoàn Thanh niên huyện Thường Tín tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện; phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát và hỗ trợ di rời các hộ gia đình ở khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với từng khu vực; đảm bảo sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn.

Ngày 15/9, nhằm kịp thời động viên, khích lệ các bạn trẻ, đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thành phố Hà Nội cùng đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà các đội hình tình nguyện; đồng thời, đến thăm, trao quà, động viên các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão, lũ trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Đến thăm, động viên các đội hình tình nguyện, đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Uỷ viên ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thành phố Hà Nội cảm ơn và biểu dương các bạn thanh niên đã nhiệt tình, vượt thời tiết nắng nóng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, cùng với các lực lượng chức năng tổng dọn vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả sau bão số 3.

bao-yagi bao-yagi
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội, động viên người dân Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cùng dọn vệ sinh môi trường

Đến với các hộ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do bão số 3, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Nguyễn Đức Tiến bày tỏ tình cảm sẻ chia của Đoàn Thanh niên Thủ đô với các gia đình; mong các gia đình nỗ lực vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo; đồng thời tích cực tham gia, ủng hộ các hoạt động của chính quyền địa phương, tổ chức Đoàn Thanh niên trên địa bàn.

Nhằm động viên tinh thần, để các em có một mùa Trăng rằm ý nghĩa, dịp này, Thành đoàn – Hội đồng Đội Thành phố Hà Nội phối hợp cùng Huyện đoàn, Phòng lao động thương binh xã hội huyện Quốc Oai tổ chức chương trình thăm, tặng quà; trao tặng kinh phí để tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu tại các vùng bị ngập úng do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Hưởng ứng Lời kêu gọi “Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, ngày 11/9, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã ủng hộ 100 triệu đồng qua Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Dịp này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh đã đến thăm, động viên và trao hỗ trợ cho 72 đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện Sóc Sơn bị ảnh hưởng bởi bão lũ với tổng số tiền 144 triệu đồng.

Tại buổi gặp, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội đã trực tiếp trò chuyện, thăm hỏi tình hình đời sống của đoàn viên, người lao động. Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh chia sẻ với những thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với các doanh nghiệp và đoàn viên, người lao động. Đồng chí động viên đoàn viên, người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn, sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố đã trao số tiền hỗ trợ của tổ chức Công đoàn với mức 2 triệu đồng/người cho 60 đoàn viên, người lao động của Công ty Cổ phần Gốm xây dựng Xuân Hòa và 12 đoàn viên, người lao động của Công ty Cổ phần Cầu Xây.

Trước tình trạng nhiều địa phương bị ngập lụt do ảnh hưởng của bão số 3, đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn Thủ đô đã tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân hộ đê, di dời tài sản phòng chống lũ. Tại nhiều địa phương bị ngập, đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn đã không quản ngại ngày đêm, mưa gió tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, Nhân dân địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ và ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Cùng với đó, các cấp Công đoàn hỗ trợ công tác di dời tài sản, vật nuôi của người dân tại các khu vực nguy hiểm; hỗ trợ đắp đê ngăn nước tràn vào trong nhà hộ dân…

Cơn bão số 3 đi qua đã để lại nhiều thiệt hại về người và của. Để chung tay khắc phục hậu quả, các cán bộ, hội viên phụ nữ tại các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã tích cực tham gia hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão.

bao-yagi

Ngay từ sáng sớm 8/9 hơn 750 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn quận Long Biên đã tham gia vệ sinh môi trường, phối hợp hỗ trợ công tác cắt tỉa, dọn dẹp cây đổ tại các tuyến đường, ngõ, trường học, nhà văn hóa, khu đi tích, sân chơi trên địa bàn, thăm tặng quà, hỗ trợ che chắn, khắc phục ảnh hưởng sau bão.

Tại quận Ba Đình, sáng 8/9, ngay khi bão số 3 đi qua, các cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn quận đã xuống đường tham gia tổng vệ sinh đường phố, phối hợp khắc phục hậu quả sau bão, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Tại quận Tây Hồ, Hội Phụ nữ từ quận tới cơ sở đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của thành phố và quận, thường xuyên tuyên truyền tới hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn về công tác phòng tránh bão lũ. Trước khi bão số 3 đến Hà Nội, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn đã tham gia vận động các hộ dân cư trú tại khu tập thể, nhà nguy hiểm (phường Thụy Khuê, Tứ Liên... và các hộ sống trên thuyền tại phường Phú Thượng) về nơi tránh trú an toàn; đồng thời hỗ trợ các hộ dân các bữa ăn và vật dụng cần thiết.

Tại quận Hoàng Mai, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN_ quận tích cực tham gia công tác phòng chống bão; thăm hỏi gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng do bão, đặc biệt cử cán bộ, hội viên tham gia công tác hậu cần, nấu, hỗ trợ bữa ăn, tiếp tế lương thực... cho các hộ dân phải di dời do bão và hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trực chốt.

Tại huyện Đông Anh, từ ngày 6/9, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trên địa bàn đang thực hiện mô hình chăn nuôi trên đất nông nghiệp di chuyển người về khu dân cư, hỗ trợ người dân rào chắn chuồng trại.

Tương tự, tại huyện Mỹ Đức, quận Bắc Từ Liêm, quận Hà Đông, các cơ sở Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân cùng tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cùng đoàn công tác đã đến thăm, động viên cán bộ, hội viên phụ nữ, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại huyện Quốc Oai. Tại các điểm đến, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Lê Kim Anh thăm hỏi tình hình cuộc sống của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân, chia sẻ những khó khăn, vất vả với các địa phương.

bao-yagi
bao-yagi

Cơn bão số 3 với sức mạnh khủng khiếp gây ảnh hưởng lớn cho Hà Nội nhưng chúng ta rất chủ động ứng phó. Có được điều này là bởi ngay từ đầu, lãnh đạo các cấp chính quyền của Thủ đô đã vô cùng quyết liệt, khẩn trương trong việc phòng, chống bão.

Các thông tin về cơn bão được cập nhật kịp thời, nhanh chóng đến cho người dân. Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo sát sao và có những quyết sách vô cùng hợp lý để cùng người dân giảm thiểu thiệt hại nhất có thể. Chính bởi vậy, chúng ta có thời gian chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng ứng phó khi bão về.

Ngay từ chiều 6/9, trước khi cơn dông đầu tiên ập đến, ngành Giáo dục đã quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/9. Trong khi đó, ngay sau cơn dông, tùy theo tình hình tại địa điểm mà học sinh được tan học sớm, đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, thời điểm bão đổ bộ cũng là dịp cuối tuần nên cũng có phần thuận lợi cho người dân trong việc hạn chế các hoạt động ngoài khuôn khổ ngôi nhà của mình. Chính điều này đã giúp các gia đình chủ động được việc tránh trú trong nhà, không còn lo lắng về việc đưa đón con hay di chuyển ngoài đường khi bão đổ bộ.

Việc công nghệ thông tin phát triển đã giúp cho người dân cập nhật được nhanh chóng tình hình mưa bão cũng như chỉ đạo về phòng, chống bão của lãnh đạo thành phố. Các bản tin liên tục được cập nhật cho thấy sự mẫn cán, hết lòng với nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.

Tại các điểm có sự cố do mưa bão gây ra, lực lượng chức năng ứng trực giải quyết nhanh chóng khiến người dân càng vững tâm. Trong nhóm Zalo của các tổ dân phố, số điện thoại đường dây nóng túc trực giải quyết sự cố do bão được cung cấp để người dân có thể liên lạc nhờ hỗ trợ bất cứ lúc nào.

bao-yagi

"Bình tĩnh, chủ động, có thời gian để sắp xếp mọi thứ nhằm tránh bão", chị Mai Thương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết. Còn chị Hoàng Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) thì tự tin: "Suốt mấy năm qua Hà Nội trải qua nhiều sự kiện như dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt... rồi nên chúng tôi không còn cảm thấy lúng túng trước những điều bất thường nữa".

Quả thực như vậy, tuy ở vùng đồng bằng sông Hồng nhưng với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trải qua rất nhiều biến động. Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai... đã tôi luyện cho người Kinh đô xưa và Thủ đô nay có bản lĩnh vững vàng, bình tĩnh để xử lý mọi tình huống.

Cơn bão Yagi cũng là một trong những thử thách để chúng ta chứng tỏ độ thích ứng và phẩm chất ngày càng tuyệt vời của mình.

Chiều 6/9, vừa dứt cơn mưa dông, chị Vân Chi (Hoàng Mai, Hà Nội) vội len lỏi trong đám tắc đường để về đón con. Đường vừa tắc vừa nhiều chỗ ngập cục bộ, chị Vân Chi đang lo lắng thì nhận được điện thoại của con báo là đã được mẹ của bạn cùng lớp đưa về nhà an toàn. "Thực sự cảm động và bớt lo lắng đi rất nhiều, không còn phải vội vàng cố chen về thật nhanh nữa", chị Chi kể.

Trước khi bão càn quét qua, trên mạng xã hội nhiều người đăng tin nhà có phòng trống kèm số điện thoại để người vô gia cư, những ai không may bị tốc mái nhà có thể đến ở nhờ. Hành động này được lan tỏa để rất nhiều người cùng thể hiện trách nhiệm và tình thân ái với cộng đồng trong lúc thiên tai dữ dội.

Trong ngày 7 và 8/9, khi bão đổ bộ vào Hà Nội, nhiều gia đình bị mất điện và không có nước sinh hoạt nhưng nhanh chóng được hàng xóm hỗ trợ. Chị Lê Mai (Long Biên, Hà Nội) kể mình chạy sang xóm bên cạnh tranh thủ sạc pin điện thoại và nấu nhờ bếp gas nhà bạn. Bởi vậy mà dù mưa bão chị vẫn không mất liên lạc với ai và gia đình vẫn được đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng.

Những ngày mưa bão, các gia đình ở yên trong nhà và đây là lúc mọi người quan tâm đến nhau nhiều hơn. Anh Như Phong (Mê Linh, Hà Nội) kể bố mẹ anh ở Vĩnh Phúc, nhà mấy cô em gái ở các quận, huyện khác nhau tại Thủ đô. Cả gia đình nhắn tin thường xuyên hỏi han nhau tình hình ứng phó mưa bão ra sao, có an toàn không, chia sẻ cho nhau những thông tin, bí quyết về gia cố nhà cửa, dán băng dính vào cửa kính... để tránh bị gió bão gây thiệt hại... "Cứ như một cuộc họp gia đình online. Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện với nhau qua mạng xã hội nhiều thế, bởi tất cả đều lo lắng và mong người thân của mình được bình yên", anh Phong tâm sự.

Rồi cơn bão sẽ qua đi nhưng những ngày này sẽ khiến chúng ta nhớ mãi bởi trong thiên tai chúng ta đã tạo nên những kỉ niệm đẹp cùng nhau, cùng gắn kết để cùng vượt qua khó khăn. Mỗi dịp như vậy, người Hà Nội càng chứng tỏ được tinh thần, trách nhiệm và phẩm chất tốt đẹp của mình. Cũng chính bởi vậy, dù bất cứ biến cố nào xảy ra, chúng ta cũng đều dễ dàng vượt qua.

bao-yagi

Khắp Hà Nội, ngoài trường học, các hội trường... thì các thiết chế văn hóa cũng đều trở thành nơi để người dân tránh trú ngập lụt an toàn. Có chỗ để ở, đảm bảo được tính mạng qua mùa mưa ngập, người dân Hà Nội còn ấm lòng vì được các cấp chính quyền chăm lo rất tận tình, chu đáo.

Chủ trương của thành phố được lãnh đạo các cấp khi đến thăm hỏi, động viên người dân đang tạm trú tại nhà văn hóa cộng đồng nhắc nhở địa phương phải đặc biệt quan tâm đến các hộ dân bị ngập lụt, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men để người dân yên tâm nơi sơ tán.

Do ảnh hưởng của bão số 3 và tình trạng mưa lớn, xả lũ sau bão khiến mực nước sông Hồng qua khu vực cầu Long Biên (Hà Nội) dâng cao. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch) đã trở thành “ngôi nhà thứ 2” của những hộ dân đang sinh sống ở bên bờ vở sông Hồng.

Sinh sống gần 30 năm tại phố Tân Ấp, bà Vũ Thị Ngoan (70 tuổi) tâm sự đây là lần đầu tiên phải di dời do ngập, lụt: “Tôi đã được các anh chị ở phường và lực lượng chức năng đến vận động đi di dời từ 4 hôm trước. Nhà chỉ còn hai bà cháu nên tôi cũng đồng ý đi theo. Đến đây được các anh chị chăm sóc tận tình, đầy đủ thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, chăn gối, quần áo nên cũng hạnh phúc và vui mừng lắm. Cháu còn nhỏ, bố mẹ đi làm ăn xa nên chỉ có mình tôi, nếu nước lũ dâng cao thì hai bà cháu cũng không biết xoay sở thế nào”.

Bà Vũ Thị Ngoan là một trong 53 người được các lực lượng chức năng động viên di dời đến đây. Mỗi ngày, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch, tổ chức hội, đoàn thể, tổ dân phố đều tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân. Đặc biệt, lực lượng cán bộ UBND, công an, y tế, dân quân thường trực sẽ ứng trực 24/24h để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt; khách sạn 5 sao Pan Pacific sẽ bảo đảm các suất ăn trong ngày đầy đủ dinh dưỡng.

“Cơn bão số 3 đến khiến mái ấm của chúng tôi bị ngập đến tầng một. Nhưng may mắn thay tôi và các ông, bà đã được lực lượng chức năng hỗ trợ di tản đến đây. Mỗi ngày, chúng tôi đều được các anh chị hỗ trợ chăm lo hỏi han sức khoẻ, tình hình. Tất cả đồ dùng sinh hoạt cá nhân, đồ ăn trong ngày đều được các cô chú chuẩn bị chu đáo”, ông Nguyễn Bá Thành (73 tuổi) chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Thành là một trong 5 cụ ông của ngôi nhà “Hà Nội chung tay”, mái ấm của cho những người già vô gia cư, được di dời đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính. “Tôi tha hương lên Hà Nội kiếm sống, vật vờ mưu sinh qua ngày, đến tiền trọ cũng chẳng có mà trả, đêm xuống lấy vỉa hè làm nhà, ghế đá làm giường. May mắn được các cháu ở nhà chung mời về chăm sóc. Nay mưa lũ, chúng tôi lại được các đơn vị hỗ trợ. Tôi chợt nhận ra rằng, trong những lúc khó khăn, sự quan tâm của mọi người thật quý giá biết bao”.

bao-yagi

“Khi đã ở tuổi tứ tuần, cái tôi sợ không phải cái chết cũng chẳng sợ khổ cực mà điều tôi sợ nhất là cô đơn và ước vọng về hơi ấm gia đình trước những ngày cuối cuộc đời. Chính tại trung tâm này, chúng tôi cảm nhận được tình yêu, sự chăm sóc như mái ấm tình thương của mình”, ông Bá Thành tâm sự.

Đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch chia sẻ: “Mặc dù mưa đã ngớt nhưng chúng tôi vẫn tiếp nhận những người dân đến tránh lũ. Đặc biệt, 5 công dân quận Tây Hồ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt cũng đã đến đây. Các đơn vị, lực lượng chức năng luôn cố gắng đảm bảo các điều kiện tốt nhất có thể để Nhân dân yên tâm tạm trú khi nước lũ tiếp tục dâng cao”.

Đồng chí Nguyễn Dân Huy cũng cho biết Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên số 67 phố Phó Đức Chính có khả năng tiếp nhận trên 400 người. “Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án dự phòng, bao gồm huy động nhà sinh hoạt cộng đồng và các cơ sở hưu trí sẵn sàng hỗ trợ nếu xảy ra tình huống quá tải. Rất nhiều người dân tự nguyện đóng góp vật chất, đứng ra kêu gọi người thân và bạn bè tham gia góp sức, mong muốn san sẻ bớt phần nào những khó khăn, thiếu thốn của các hộ được di dời tới đây. Phường cũng chủ động các lực lượng liên quan triển khai các phương án ứng phó kịp thời bão lũ... đảm bảo an toàn cho Nhân dân ngay tại chỗ”.

Vừa thăm hỏi tình hình, sức khỏe cho người dân, chị Trần Thị Chi, Trạm trưởng Trung tâm Y tế phường Trúc Bạch chia sẻ: “Từ hôm cơn bão số 3 đổ bộ đến nay, Trung tâm Y tế phường đã túc trực 24/7, đảm bảo luôn có mặt người dân khi cần. Chúng tôi cùng nhận được sự hỗ trợ của các nhà thuốc, nhà hảo tâm, sẵn sàng chuẩn bị thuốc men đầy đủ cho mọi người, đặc biệt là cho những người có bệnh lý nền, các cụ cao tuổi”.

Sự tận tình, chu đáo, ân cần của các lực lượng hậu cần tại 67 Phó Đức Chính đã phần nào động viên giúp cho người dân cảm thấy an lòng, cảm nhận được tình người giữa lúc ngập lụt. Đây là minh chứng cho sự đoàn kết, tình người luôn là điểm tựa vững chắc nhất, không chỉ góp phần sẻ chia mà còn tiếp thêm động lực, sức mạnh để cùng nhau vượt qua khó khăn, bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Rồi khi bão lũ qua đi, nước rút xuống, ai nấy đều trở về ngôi nhà quen thuộc của mình, cùng dọn dẹp, vệ sinh môi trường, trở lại nhịp sống bình thường. Tin rằng, những ngày cùng ở Nhà văn hóa, Trung tâm thể thao sẽ là những kỉ niệm vô cùng đẹp mà người dân Thủ đô không bao giờ quên trong đời. Qua hoạn nạn, gian nan, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt thêm, người dân và chính quyền thấu hiểu, tin tưởng nhau hơn và cùng đồng thuận trước những thời khắc quan trọng.

Bão lũ qua đi, tình người sẽ lại về ấm áp như ánh nắng chan hòa cùng niềm tin về tương lai tươi sáng.

Nội dung: Nhật Trường

bao-yagi

Nguyễn Anh