eMag azine
15/08/2022 09:09
Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh

15/08/2022 09:09

TTTĐ - Dạo bước trên những tuyến phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người lao động tự do với gánh hàng rong nặng trĩu trên vai, hay những chiếc xe đẩy chở đầy hàng hóa... song mức thu nhập của họ lại khá “khiêm tốn”.

cống hiến

Lặng lẽ cống hiến Thu về trái ngọt an sinh

Dạo bước trên những tuyến phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp những người lao động tự do với gánh hàng rong nặng trĩu trên vai, hay những chiếc xe đẩy chở đầy hàng hóa... song mức thu nhập của họ lại khá “khiêm tốn”. Hiểu và thấu cảm với những vất vả của người lao động, vượt qua không ít khó khăn, đội ngũ cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã kiên trì vận động, tư vấn chính sách bảo hiểm xã hội để người dân yên tâm tham gia vào mạng lưới an sinh.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh

Là một cán bộ Thu của BHXH huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên), chị Trần Thị Minh Thịnh luôn trăn trở trước những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn chẳng may ốm đau, đi viện chi phí có khi cả bạc tỷ vì không có thẻ BHYT. Cũng có người về già vẫn phải lao động mưu sinh, sống dựa vào con cháu từng ngày… Vì vậy, chị đã tích cực tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với đông đảo người dân.

Chị Trần Thị Minh Thịnh, cán bộ Thu của BHXH huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) tư vấn chính sách BHXH cho người dân
Chị Trần Thị Minh Thịnh (bên phải), cán bộ Thu của BHXH huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) tư vấn chính sách BHXH cho người dân

Chia sẻ về hành trình lan tỏa những giá trị nhân văn của mình, chị Trần Thị Minh Thịnh cho hay: “Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó nên bản thân tôi hiểu rất rõ những trăn trở của người nông dân. Đa số người dân sống ở quê đều sinh sống bằng nghề tự do hoặc làm nông nghiệp. Công việc của họ rất nặng nhọc, tốn nhiều thời gian song thu nhập chẳng đáng là bao nên hầu như mọi người đều không có khoản tiền riêng để tích lũy.

Chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh phải bán hết nông sản, vật nuôi để đi viện nếu không mắc bệnh trọng khiến trái tim tôi như bóp nghẹn. Tôi muốn làm một điều gì đó cho bà con quê hương. Những suy nghĩ đó thôi thúc tôi hàng ngày, nên tôi quyết định dành thời gian đến từng nhà, gặp từng người dân để chia sẻ, giải thích cho họ hiểu về những chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tôi cũng luôn đồng hành với họ trong những lúc họ cần. Nhờ đó, người dân hoàn toàn tin tưởng và tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện tại huyện Ân Thi tăng dần theo năm tháng”.

Vừa đảm nhiệm tốt công tác chuyên môn, vừa hoàn thành mọi nhiệm vụ lãnh đạo giao phó, lại được đông đảo bà con Nhân dân vùng thôn quê yêu quý khiến chị Thịnh không khỏi xúc động. Bí quyết để chị có thể đảm đương được hết mọi công việc chính là nhờ chị biết cách sắp xếp thời gian hợp lý và lịch làm việc khoa học.

Theo đó, mặc dù công việc chuyên môn rất bận rộn nhưng chị Thịnh vẫn dành thời gian cuối tuần, ngoài giờ hành chính để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến những người dân lao động tự do.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh

Để người dân hiểu được ý nghĩa của các chính sách BHXH, BHYT, theo chị Thịnh, trước tiên cần chuẩn bị nội dung tư vấn cho người dân, làm sao họ thấy quyền lợi ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT. Đồng thời, chị cũng tư vấn mức căn cứ đóng phù hợp, xác định đối tượng tư vấn, làm sao để giúp họ hiểu tham gia BHXH tự nguyện là một quyển sổ tiết kiệm an toàn nhất cho tương lai. Quỹ hưu trí là nguồn quỹ an toàn nhất chỉ sau Ngân sách nhà nước vì được Nhà nước bảo hộ và lương hưu, duy nhất do Quỹ BHXH chi trả, không có hình thức bảo hiểm nào tham gia để được lương hưu ngoài BHXH.

Trong quá trình tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, chị Thịnh cũng đặt ra mục tiêu cho công việc. Kinh nghiệm của chị Thịnh là bắt đầu từ mục tiêu nhỏ và từ từ điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện. Đối tượng tuyên truyền vận động là những người tiếp xúc mỗi ngày, lao động tự do từ người bán rau, bán hoa quả, kinh doanh tạp hóa… không cần phải tìm họ ở đâu xa.

Chia sẻ về phương pháp làm việc hiệu quả của bản thân, chị Thịnh cho biết: “Ngoài việc giúp người dân lao động tự do hiểu và xác định chính sách BHXH, BHYT là phát triển bền vững, tôi còn thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, chia sẻ cuộc sống để giữ vững niềm tin của người tham gia; Đồng thời nhắc nhở người tham gia trước khi hết kỳ đóng, để người tham gia có công tác chuẩn bị”.

Ngoài việc trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền trực tiếp, chị Thịnh còn xử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tuyên truyền. Theo chị Thịnh, mạng xã hội là nguồn tiếp cận khách hàng tiềm năng lớn. Do đó, chị thường xuyên cập nhật các chính sách BHXH, BHYT trên chính trang cá nhân như Facebook, Zalo… để đông đảo người dân biết đến và chia sẻ rộng rãi.

Cán bộ ngành BHXH giới thiệu về chính sách BHXH tới người lao động
Cán bộ ngành BHXH giới thiệu về chính sách BHXH tới người lao động tự do

“Nhờ đam mê với công việc đã giúp tôi suy nghĩ nghiêm túc về việc “tư vấn BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” là việc lan tỏa chính sách an sinh xã hội, đem đến giá trị nhân văn cho nhiều người. Đam mê với công việc khiến tôi xóa được rào cản tâm lý của của bản thân trước khi thực hiện. Đam mê với công việc giúp tôi luôn học hỏi, chia sẻ, hướng tới tư duy tích cực để hoàn thành các công việc. Đam mê với công việc khiến tôi luôn làm việc với tâm trạng vui vẻ, thoải mái”, chị Thịnh chia sẻ.

Niềm đam mê, tâm huyết ấy của chị Thịnh đã được đơm hoa, kết trái. Trong năm 2021, chị Thịnh đã vận động được gần 200 người tham gia BHXH tự nguyện (gấp 15,4 lần chỉ tiêu phong trào thi đua năm do Giám đốc BHXH tỉnh Hưng Yên phát động), góp phần nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện của toàn huyện Ân Thi lên gần 1.600 người (tăng 6,6 lần so với năm 2020) và toàn tỉnh là gần 9.000 người (tăng 6,3 lần so với năm 2020), đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong công tác tuyên truyền và vận động người dân.

“Niềm đam mê, tâm huyết của tôi đã lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều đồng nghiệp, nhân viên Đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn… Họ tiếp tục cùng tôi tích cực “truyền lửa” để đưa chính sách BHXH, BHYT đến với người dân”, chị Trần Thị Minh Thịnh vui vẻ nói.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh

BHXH, BHYT là hai trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn trong công tác mở rộng đối tượng tham gia song những cán bộ Thu của ngành BHXH đã tìm mọi cách, phối hợp cùng với các hội, đoàn thể tại địa phương để tuyên truyền tới người dân hiểu và yên tâm tham gia vào mạng lưới an sinh.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh
Lễ ra mắt “Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” trên địa bàn TP Trà Vinh năm 2021

Tại tỉnh Trà Vinh, trong năm qua, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.

Chia sẻ về mô hình mới, lạ này, bà Nguyễn Thị Lan, cán bộ ngành BHXH tỉnh Trà Vinh cho biết: Mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện” ra đời từ năm 2020 do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh khởi xướng. Đến nay đã được triển khai và nhân rộng với 40 tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh.

Tham gia mô hình nuôi heo đất, mỗi chị em hội viên sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hằng ngày bỏ vào con heo đất, đến kỳ sinh hoạt của Chi hội phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện tương ứng với mức đóng phù hợp. Bằng cách thức tham gia đơn giản, tiện lợi, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp chị em hội viên có ý thức tiết kiệm mà còn yên tâm, tự tin lo cho tương lai khi về già sẽ có lương hưu và thẻ BHYT nhờ tham gia BHXH tự nguyện ngay khi còn trẻ.

Mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Với mô hình này, chỉ trong năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động, phát triển được 1.583 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020), đạt 158,3% chỉ tiêu kế hoạch BHXH tỉnh giao.

Kết quả này đã góp phần cùng BHXH tỉnh hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong năm 2021 với 19.433 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ lệ hơn 3,86% lực lượng lao động của tỉnh; Đạt và vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy Trà Vinh giao về số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh

Bà Trần Thị Hết, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, phấn khởi nói: “Tôi tham gia nuôi heo đất này được hơn 1 năm rồi. Mỗi ngày, tôi bỏ vào heo 10.000 đồng nhưng cũng có khi hai, ba ngày mới tích góp được hai chục thì tôi bỏ hai chục. Bây giờ làm sao để cố gắng dành dụm nuôi heo cho nó mập lên và tiếp tục đóng BHXH tự nguyện hằng tháng, sau này không phải phụ thuộc vào con cháu”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, năm nay 60 tuổi có hoàn cảnh khó khăn khi phải nuôi cháu nhỏ nhưng bà vẫn hứng khởi tham gia vào tổ nuôi heo đất. Mỗi ngày tiết kiệm một chút, bà tin rằng sau này khi không còn lao động được nữa, bà sẽ có một chỗ dựa tài chính an tâm trang trải cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh

Ngay sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cầu Ngang kêu gọi thành lập tổ phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm mua BHXH tự nguyện, rất nhanh chóng các bà, các cô và các chị em đều phấn khởi tham gia. Nhờ đó, năm 2020, năm đầu tiên triển khai mô hình mới này, huyện Cầu Ngang đã có 1.971 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 220% so với năm 2019. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 song đến nay, toàn huyện đã phát triển được 32 Tổ Phụ nữ nuôi heo đất, với mỗi tổ ít nhất 15 thành viên.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh
Cán bộ ngành BHXH giới thiệu về chính sách BHXH tới người lao động

Đánh giá hiệu quả của mô hình này tại địa bàn, bà Võ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cầu Ngang cho biết: "Đây là mô hình hết sức thiết thực phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của chị em hội viên phụ nữ địa phương. Trước đây chỉ có cán bộ, công chức Nhà nước mới có lương hưu nhưng nay thông qua chính sách BHXH tự nguyện, người lao động tự do cũng có cơ hội được hưởng lương hưu. Có thể nói chính sách này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân cũng như hội viên Hội Phụ nữ…

Để góp phần động viên, đồng thời trực tiếp tư vấn, giải thích cặn kẽ những thắc mắc liên quan đến chính sách BHXH tự nguyện cho bà con, định kỳ hàng tháng, tổ công tác BHXH huyện Cầu Ngang xuống tận địa phương gặp gỡ và trao tặng các thành viên của tổ nuôi heo đất những chú heo mới.

Những buổi giao lưu, gặp gỡ này không chỉ góp phần tuyên truyền, đưa chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước đến gần hơn với người dân, mà còn đem đến niềm vui, niềm tin về điểm tựa an sinh cho các chị em. Sau đó, chính họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trên quê hương mình với niềm tin rồi sẽ có nhiều chị em tham gia BHXH tự nguyện để có cuộc sống thảnh thơi hơn khi về già.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh

Có thể thấy rằng, vượt qua không ít khó khăn, đội ngũ cán bộ, viên chức ngành BHXH luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng trung tâm để phục vụ. Nhờ đó, ngành đã thu được những “trái ngọt” an sinh. Đặc biệt, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện luôn hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

Nhờ chính sách ưu việt của BHXH, nhiều người lao động khi về già đã có cuộc sống an hưởng từ nguồn lương hưu hàng tháng, họ cũng được chăm sóc sức khỏe thường xuyên vì được cơ quan BHXH cấp BHYT miễn phí. Đặc biệt, lương hưu được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng kinh tế nên cuộc sống của những người có lương hưu đa phần đều ổn định. Với “trái ngọt” này, mọi người có được cuộc sống an nhàn, không phải tất bật lo toan khi hết tuổi lao động.

Lặng lẽ cống hiến để thu về "trái ngọt" an sinh
Bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH thành phố Hà Nội

Chia sẻ về những quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân được hưởng năm quyền lợi chính. Cụ thể là khi tham gia BHXH tự nguyện, nếu đến tuổi về hưu và có thời gian 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng. Cùng với đó, những người đang hưởng lương hưu sẽ được cơ quan BHXH cấp BHYT miễn phí.

Nếu chẳng may người đang hưởng lương hưu hoặc đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ năm năm trở lên mà qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.

Đặc biệt, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH. Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm.

“Về phương thức đóng BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng hằng tháng, ba tháng một lần, sáu tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau (nhưng không quá 5 năm).

Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu”, bà Dương Thị Minh Châu nhấn mạnh.

Chính sách BHXH tới người lao động

Có thể thấy rõ rằng, BHXH chính là trụ cột an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống. Thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già.

Người lao động có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp người lao động tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội.

Bằng sự nỗ lực, tận tâm, với sự cống hiến thầm lặng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH, Hội Liên hiệp Phụ nữ của các đơn vị, địa phương, những năm qua, số lượng người tham gia BHXH nói chung, trong đó có BHXH tự nguyện nói riêng không ngừng gia tăng. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều người được bảo vệ bởi lưới an sinh xã hội.

Có lẽ, phần thưởng lớn nhất mà những người làm công tác phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH mong muốn nhận được chính là “trái ngọt” an sinh luôn được đơm hoa, kết trái; Phúc lợi xã hội luôn được đảm bảo và không còn những mảnh đời khó khăn, bất hạnh khi không được “hòa mình” vào mạng lưới an sinh.

Bài viết: Hoàng Châu

Đồ họa: Phạm Mạnh

Phạm Mạnh