HĐND TP Hà Nội được biết đến là điểm sáng, hình mẫu trong hoạt động của các cơ quan dân cử. Một trong những thế mạnh làm nên “danh hiệu” này chính là hoạt động giám sát. Đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ khóa XVI, hoạt động giám sát đã được HĐND các cấp TP Hà Nội quyết liệt đổi mới, tạo những chuyển biến hết sức tích cực.
Việc đổi mới trong hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội xuất phát từ quyết tâm của Thường trực HĐND nhiệm kỳ này và một phần từ sự quan tâm, đôn đốc của Quốc hội với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
Nhìn trên tổng thể các cơ quan dân cử, chưa giai đoạn nào hoạt động giám sát được thực hiện quyết liệt và đổi mới như hiện nay. Giám sát của Quốc hội từng đưa ra những con số khiến dư luận không khỏi xót xa. Như giai đoạn 2016 - 2021 có đến 3.085 dự án sử dụng vốn Nhà nước có thất thoát, lãng phí; Tổng số tiền gây thất thoát lãng phí trong 5 năm là 31.800 tỷ đồng; 74.378,7ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.
Đáng lưu ý, dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm hầu hết là dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao hơn nhiều so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.
Cùng với đó là tình trạng quy hoạch treo, dự án treo khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc có báo cáo, đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015ha…
Còn tại Hà Nội, qua giám sát của HĐND TP đã chỉ ra, 383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012-2017. Điều đáng nói là sau tái giám sát năm 2022 cho thấy, vẫn còn 293 dự án vẫn chậm triển khai hoặc có các vi phạm; 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay, vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, qua tái giám sát còn phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh sau khi HĐND TP giám sát tháng 7/2018 đến tháng 3/2021.
Cuối tháng 12/2022, UBND TP Hà Nội thống nhất dừng 11 dự án chậm triển khai |
Cũng từ giám sát của HĐND TP Hà Nội cũng cho thấy nhiều hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP. Nhiều địa điểm nhà đất có vị trí, lợi thế thương mại giá trị cao không đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả lại đóng cửa, không kinh doanh khai thác, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội.
Các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm. Đáng chú ý, số nợ tiền thuê nhà phải thu về ngân sách nhà nước lớn và có chiều hướng tăng nhanh. Trong đó, đối với quỹ nhà chuyên dùng, số nợ phải thu đến thời điểm hiện tại là hơn 415 tỷ đồng. Với diện tích kinh doanh tầng 1 toà chung cư tái định cư, số nợ còn phải thu là hơn 70 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi hơn 39 tỷ đồng…
Những con số “biết nói” về hàng trăm dự án, hàng trăm nghìn héc ta đất, hàng chục nghìn tỷ đồng lãng phí được chỉ ra phía trên đã trực tiếp khẳng định tầm quan trọng của hoạt động giám sát; Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Trung ương đã kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai |
Nhiều vụ việc bê bối thời gian qua được đưa ra ánh sáng cũng cho thấy, ngoài nguyên nhân công tác cán bộ có sai sót, lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực thì còn có nguyên nhân buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát. Có nơi đã thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đầu tư công; Sử dụng đất đai; Thực hiện các dự án đầu tư công và mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao…
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là giám sát chỉ để chỉ ra sai phạm mà không có tác dụng khắc phục tồn tại. Trên thực tế, sự quyết liệt trong giám sát của Quốc hội và HĐND đã tạo nguồn lực quan trọng để phát triển. Một số địa phương sau giám sát đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ. Chẳng hạn, tỉnh Ninh Bình thu hồi 725 dự án treo sau 3 năm không triển khai, diện tích 1.795 ha; Tỉnh Đồng Nai thu hồi 376 dự án, diện tích 3.875 ha... Các địa phương cũng thu hồi gần 34.136 ha quỹ đất đã giao, cho các doanh nghiệp thuê nhưng bị giải thể, phá sản... để hạn chế thất thoát, lãng phí đất đai.
Tại Hà Nội, nhiều nội dung, vấn đề tồn tại nhiều năm, thậm chí đã được giám sát nhưng chậm chuyển biến, được thẳng thắn chỉ ra và tái giám sát làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp, lộ trình cụ thể để khắc phục hiệu quả, cho thấy sự quyết liệt của HĐND TP và công tác giám sát đang đi đúng, trúng về phương hướng và cách làm.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, giám sát là một khâu trung tâm của đổi mới nâng cao hoạt động của Quốc hội; Đồng thời rất quan tâm, chú trọng tới việc phát huy, nâng cao vai trò của HĐND trong thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan dân cử ở địa phương.
Trong năm 2022, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 3 miền Bắc, Trung, Nam và tổ chức Hội nghị ở 6 khu vực trong cả nước. Thông qua hội nghị, các địa phương đã được chia sẻ, giao lưu, học hỏi nhiều kinh nghiệm hay, bài học quý trong công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, hoạt động thẩm tra... để áp dụng, tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND địa phương mình.
Đặc biệt, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND nhằm tạo điều kiện để HĐND có cơ sở, chủ động, tích cực, phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ban hành Thông báo kết luận số 1304/TB-ĐĐQH 15 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND. Trên cơ sở đó, UBTVQH đã ban hành Kế hoạch số 389/KH-UBTVQH15 để tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của HĐND”.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, ngay sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết số 594, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã khẩn trương, kịp thời tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai đến Thường trực, các ban, đại biểu HĐND 30 quận, huyện, thị xã và 404 xã, thị trấn trên toàn TP.
Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngay sau kỳ họp cuối năm 2022, bằng việc ban hành Nghị quyết phiên chất vấn để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các cơ quan trả lời chất vấn; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn của HĐND TP. Nghị quyết có phụ lục về từng nội dung cam kết và tiến độ, thời gian thực của lãnh đạo UBND TP và các cơ quan, đơn vị, làm cơ sở cho công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát sau khi nghị quyết được ban hành.
Phó Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Ngọc Phương trong cuộc tiếp xúc cử tri để nắm bắt được các vấn đề còn bức xúc trong Nhân dân, từ đó có phương án giải quyết triệt để |
Theo Phó Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Ngọc Phương, nếu như trước đây mỗi đơn vị thực hiện hoạt động giám sát theo một cách làm khác nhau và phần lớn là không đầy đủ các bước, thì nay, Nghị quyết 594/ NQ-UBTVQH15 đã hệ thống lại các quy trình giám sát một cách đồng bộ làm căn cứ để các đơn vị thực hiện công tác này một cách bài bản.
Bám sát Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH, sau khi ban hành kế hoạch, lựa chọn nội dung giám sát, HĐND quận Hai Bà Trưng đã thông báo và yêu cầu các đơn vị chuẩn bị báo cáo. Với phương châm “Giám sát diện rộng, nhưng triển khai tập trung”, HĐND sẽ lựa chọn một số đơn vị để giám sát thực tế. Sau giám sát trực tiếp, yêu cầu đơn vị được giám sát và đơn vị chủ quản có giải pháp khắc phục, đồng thời tiếp tục thực hiện giám sát vấn đề cho tới cuối nhiệm kỳ.
“Đơn cử như với việc giám sát Chuyên đề 12-CĐ/QU ngày 15/7/2021 của Ban Thường vụ Quận ủy về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025, chúng tôi yêu cầu cơ sở chuẩn bị hồ sơ đầy đủ từ kế hoạch, giấy mời, biên bản, các thông tư, báo cáo... Đơn vị nào tổ chức các hội nghị tọa đàm, nói chuyện về chuyên đề phải có tư liệu minh chứng. Việc này sẽ cho cái nhìn toàn cảnh, chuẩn xác hơn về nội dung được giám sát, đồng thời, tăng tính nghiêm minh, trách nhiệm của hoạt động giám sát”- Phó Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng cho biết, đồng thời khẳng định, Nghị quyết 594/ NQ-UBTVQH15 là sự mong đợi của các cấp HĐND, tiếp sức cho HĐND.
Đồng chí Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội triển khai Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH15 của Quốc Hội |
Trước đó, chủ động nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã chủ động tham mưu để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 15/ĐA-TU ngày 12/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.
Đề án 15-ĐA/TU đã đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để HĐND các cấp thực hiện. Trong đó, về hoạt động giám sát chuyên đề hằng năm: HĐND các cấp tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát; Thường trực HĐND các cấp tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát, khảo sát và ít nhất 2 phiên chất vấn, giải trình giữa 2 kỳ họp.
Các Ban của HĐND cấp TP và cấp huyện tổ chức ít nhất 4 cuộc giám sát, khảo sát. Các Ban của HĐND cấp xã tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát, khảo sát. Các Tổ đại biểu HĐND cấp TP tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát, khảo sát tại đơn vị ứng cử; Tổ đại biểu HĐND quận, thị xã tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát, khảo sát tại các phường đơn vị ứng cử; Tổ đại biểu HĐND huyện tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát tại đơn vị ứng cử.
(Còn nữa)
Bài viết: Thành Lộc |