Hà Nội phải bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội |
Đại biểu Trung ương tham gia buổi làm việc có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy…
Đại biểu TP Hà Nội có: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP; giám đốc, thủ trưởng các ban, sở, ngành, Bí thư một số quận, huyện uỷ...
Quang cảnh buổi làm việc |
Trung ương đặt nhiều kỳ vọng vào Hà Nội
Phát biểu mở đầu, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ: Trung ương xác định Hà Nội là Đảng bộ trọng điểm, Đảng bộ gương mẫu đi đầu, mong muốn thành phố sẽ tích cực triển khai các nghị quyết của Đảng để sớm đi vào cuộc sống, đến với cấp cơ sở, từng cán bộ, đảng viên.
Trung ương cũng mong muốn Hà Nội trở thành cực tăng trưởng kinh tế của khu vực và cả nước, dẫn dắt tăng trưởng cho các địa phương xung quanh. Đồng thời, Hà Nội phải trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo. Những chính sách đặc thù được thực hiện ở Thủ đô đã phát huy hiệu quả và khẩn trương nhân rộng, phổ biến trong phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, cả nước đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng các cấp. Trung ương cũng đã thống nhất cao phải nỗ lực gấp nhiều lần, phải chuẩn bị một tâm thế mới để đưa đất nước phát triển vượt bậc, bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc phải chống lãng phí. Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV sắp kết thúc, có rất nhiều Luật, Nghị quyết mới, chính sách mới được ban hành…
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc |
Vì vậy, Tổng Bí thư mong muốn, qua buổi làm việc với TP Hà Nội để xem các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quốc hội được triển khai vào thực tiễn ra sao; các địa phương đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ.
Với mong muốn Hà Nội phải bứt phá, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương và Nhân dân, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra rằng, TP đang có rất nhiều việc phải làm nhưng có hai việc quan trọng cần phải tập trung là giải quyết ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.
Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, rồi sau đó đến các dòng sông nội đô khác. Bên cạnh đó là giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại Thủ đô, hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ… góp phần tạo động lực cho phát triển của Thủ đô.
Hoàn thành xây dựng thể chế, chính sách tạo lập không gian phát triển mới
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong năm 2024, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được Đảng bộ Hà Nội quan tâm đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả.
Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những việc lớn, việc khó, phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường, có chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới.
Trong đó, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục là đơn vị gương mẫu đi đầu trong việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo các Nghị quyết của Trung ương.
Công tác xây dựng thể chế, chính sách được tăng cường, với kết quả nổi bật trong năm 2024 là đã hoàn thành xây dựng thể chế, chính sách tạo lập không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn cho phát triển Thủ đô, đó là: Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Về phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, các nhiệm vụ đề ra cho năm 2024 cơ bản đã hoàn thành, trong đó dự kiến hoàn thành 20/24 chỉ tiêu, với 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng và đạt tốc độ tăng trưởng khá; các cân đối vĩ mô của nền kinh tế đều đạt kết quả khá, có nhiều triển vọng phát triển. Tổng thu NSNN trên địa bàn dự kiến đạt 492.309 tỷ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với năm 2023.
Về công tác chống lãng phí, căn cứ chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về chống lãng phí, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí do Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh làm Trưởng Ban...
Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội dự buổi làm việc |
Hà Nội đang nỗ lực xử lý ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông
Về một số nhiệm vụ được cử tri Thủ đô quan tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chỉ ra nhiều đầu mục công việc cần tập trung quyết liệt trong thời gian tới như: Xử lý các vấn đề môi trường; các nhiệm vụ về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng các công trình khu vực Hồ Tây; tích cực triển khai Quy hoạch phát triển hai bên bờ sông Hồng; hướng tới phát triển dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Láng - Hòa Lạc)...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong báo cáo tại buổi làm việc |
Hà Nội cũng đề nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành cùng với TP sớm tập trung triển khai phát triển 2 thành phố thuộc Thủ đô trong thời gian tới...
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã báo cáo làm rõ hơn hai vấn đề mà Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm là giải quyết ô nhiễm môi trường và phát triển hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc.
Trong đó, về thu gom, xử lý nước thải, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã quan tâm quyết liệt chỉ đạo vấn đề xử lý ô nhiễm nước thải. Đến nay, TP đã có 6 nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, chủ yếu tập trung tại vùng đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng - lưu vực sông Tô Lịch và một phần lưu vực Tả Nhuệ với tổng công suất xử lý là 314.300 m3/ngày đêm; đạt tỷ lệ 30,9% nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tháng 12/2024, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ đi vào vận hành chạy thử với công suất 100.000 m3/ngày đêm, nâng tỷ lệ lên 40%; dự kiến năm 2025, khi dự án hoàn thành toàn bộ (công suất 270.000 m3/ngđ) sẽ đạt 50% (hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra).
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại buổi làm việc |
Đặc biệt, Hà Nội đang chỉ đạo, hoàn thiện, phê duyệt Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” trong tháng 1/2024. Trên cơ sở thu gom triệt để nước thải xả vào sông Tô Lịch, vận hành tốt hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan dọc 2 bờ sông, dự kiến trong năm 2025, môi trường, cảnh quan sông Tô Lịch sẽ chuyển biến tích cực, phục vụ hiệu quả Nhân dân Thủ đô...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã phát biểu làm rõ về các kết quả phát triển kinh tế - xã hội, xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông; phát triển văn hóa và việc triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi); thực hiện chuyển đổi số... trên địa bàn TP.