TTTĐ - Là một vùng đất cổ của Thăng Long xưa, tại quận Đống Đa (Hà Nội) ngày nay còn hiện diện nhiều dấu tích là các công trình tâm linh lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử. Đến quận Đống Đa, bạn có thể ghé thăm những ngôi đền nổi tiếng linh thiêng dưới đây.
Đền Vua Bà (hay Vĩnh Bảo đài) tọa lạc tại số 112 phố Chùa Láng (phường Láng Thượng), là nơi thờ người vú nuôi của vua Lý Thần Tông hồi nhỏ. Bà được phong là “Từ Phúc Hoa, Lý mẫu Cung thần”. Hằng năm, vào ngày hội chùa Láng (mùng 7 tháng Ba), khi kiệu Đức thánh Láng được rước qua đây sẽ dừng lại để làm lễ bái vọng. Nhiều du khách khi đi lễ chùa Láng thường vào đền Vua Bà lễ như nghi thức lễ trình thường thấy ở các di tích quan trọng.
Ngôi đền tọa lạc trên khu đất rộng 300m2, trông ra mặt phố chùa Láng. Đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống gồm 3 gian, kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Ngoài đền thờ chính, trong khuôn viên đền còn có lầu Cô, lầu Cậu, lầu Sơn trang thường gặp trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt.
Đền Bà Chúa Kho cùng với đình Giảng Võ, phường Giảng Võ hiện nay là nơi tôn vinh, tưởng niệm người nữ hào kiệt đã có nhiều đóng góp vào thắng lợi vẻ vang của của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông ở thế kỷ XIII trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Nhiều người những tưởng Bà Chúa Kho chỉ có trên một ngọn núi xứ Kinh Bắc. Nào ngờ, giữa Hà Thành đô hội cũng hiển hiện một Bà Chúa Kho, một nữ viên quan trông coi lương kho quốc khố hẳn hoi. Nhưng khác với xứ Kinh Bắc, Bà Chúa Kho thành Thăng Long không có chuyện vay - trả.
Nằm ẩn mình thầm lặng cuối một con ngõ nhỏ tại 129 phố Giảng Võ (phường Cát Linh), đền Bà Chúa Kho như tách biệt hẳn với những ồn ào chốn đô hội. Từ bục cổng trở vào, không gian làng lẫn không gian tâm linh hiện rõ mồn một. Hồ nhỏ mà đồ rằng, xưa hình bán nguyệt vẫn còn đó. Những cột phương đình án trước bậc tam cấp màu đá xanh vào hậu cung cũng đủ cho khách biết, nơi này thờ một thần nhân đầy những công trạng.
Đền thờ bà Lý Châu Nương, một nữ tướng phụ trách kho lương của quân đội thời Trần, được nhân dân quen gọi là Bà Chúa Kho. Với vai trò quản lý quốc khố, Lý Châu Nương là người đã bảo vệ kho lương, lo hậu cần cho quân đội nhà Trần trong kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông xâm lược.
Năm 1287, trong cuộc chiến chống quân xâm lược, chồng bà đã anh dũng tử trận trong quá trình bảo vệ vua Trần. Nghe tin chồng mất, bà vẫn bình tĩnh chỉ huy quân sĩ di chuyển, cất giấu toàn bộ lương thảo, khí giới rồi tuẫn tiết theo chồng. Để ghi nhớ công lao của bà, vua Trần đã phong bà là Phúc Thần phường Võ Trại và cho dựng đền thờ trên nền kho lương cũ.
Hồ bán nguyệt trước đền Bà Chúa Kho
Cụ Nguyễn Bá Ngọ (người trông coi đền Bà Chúa Kho) cho hay: “Theo tích cũ truyền lại, khi bà Lý Thị Châu tự sát thì trời đất nổi cơn cuồng phong. Tấm vải phủ mặt bà bay về Đồng Hịch (tức khu vực Bộ Y tế ngày nay - PV). Dân làng mới lập tại đó một miếu thờ”.
Năm 1288, quân Nguyên bị phản công phải rút lui. Khi xét thưởng, bà được triều đình truy tặng “Quản trưởng quốc khố công chúa”. Đồng thời, nhà vua lệnh cho lập đền thờ bà ở Giảng Võ (Hà Nội) và Diễn Châu (Nghệ An) và 20 nơi khác mà bà đã cùng chồng đóng quân. Những nơi lập đền thờ bà Lý Thị Châu được miễn 5 năm đóng thuế.
"Lễ Hội đình làng Giảng Võ" (Thuyết minh: Học sinh THCS Giảng Võ, Hà Nội)
Cụ Nguyễn Bá Ngọ, người trông coi đền Bà Chúa Kho cho hay: “Ở đây không có chuyện khách thập phương lễ đầu năm vay, cuối năm trả. Đền cũng cấm đốt vàng mã và đốt hương tràn lan. Nạn buôn thần bán thánh không có đất sống ở đình này nên việc viết sớ cũng hoàn toàn không có”.
Đền Bà Chúa Kho ở Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng linh thiêng. Tuy nhiên, cách hành lễ mỗi nơi mỗi khác, làm được vậy có lẽ cũng do cách quản lý và ý thức của người đi lễ. Đền Bà Chúa Kho ở Hà Nội chỉ là nơi người dân đến cầu lộc, cầu an, chứ tịnh không có chuyện vay - trả bao giờ.
“Hằng năm, vào ngày 12/2 Âm lịch là ngày sinh của bà, dân làng Giảng Võ tổ chức 2 ngày tế lễ rất long trọng. Chúng tôi cũng đang xây dựng phương án đền bù cho người dân để mở rộng di tích, trả lại khuôn viên cho đình Giảng Võ cũng như đền Bà Chúa Kho”.
Ông Vũ Hồng Thanh (Trưởng ban Quản lý di tích) |
Một trong những ngôi đền linh thiêng tại Hà Nội được nhiều người dân đến tham quan và dâng hương chính là đền Sòng Sơn có địa chỉ tại số 35 phố Tôn Đức Thắng (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa). Đền là nơi thờ công chúa Liễu Hạnh hay bà Chúa Liễu, Mẫu Sòng, Mẫu Phủ Giày, Mẫu Nghi thiên hạ - một trong bốn vị thần bất tử trong thần điện của người Việt.
Năm 1947, đền bị thực dân Pháp đốt phá. Đến năm 1949, đền được phục dựng và có quy mô, kiến trúc như ngày nay. Trong đền bày các lớp tượng theo tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt như: Tam tòa Thánh mẫu, Thánh mẫu Liễu Hạnh, Ngũ vị Tôn ông, mẫu Sơn Trang, Tứ phủ Chầu bà, mẫu Hải Cờn… được tạo tác công phu, sơn thếp lộng lẫy. Ngoài ra, trong đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý. Đền Sòng Sơn đã được xếp hạng Di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia năm 1994.
Ngày nay, đền Sòng Sơn được xây dựng theo hướng Tây, trông ra đường Tôn Đức Thắng. Tính từ ngoài vào, kiến trúc đền bao gồm cổng tam quan, một khoảng sân hẹp và khu thờ tự. Tam quan đền Sòng Sơn là một kiến trúc gạch nhỏ, được xây dựng theo chiều ngang của nhà tiền tế.
Hiện di tích đền Sòng Sơn còn bảo lưu được bộ di vật văn hoá - lịch sử khá phong phú, đa dạng với nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau: 4 bức hoành phi, 3 bức cửa võng, chạm rồng chầu, 1 long ngai chạm rồng thế kỉ XIX, 10 khám thờ, 37 pho tượng tròn. Các pho tượng được tạc tác tỉ mỉ, công phu, tinh xảo, khác với các điêu khắc Phật giáo.
Các pho tượng thánh Mẫu ở đền Sòng Sơn mang nét đẹp dân dã, tràn đầy tính nhân đạo vốn có của dân tộc ta. Sự sinh động trên từng pho tượng là giá trị điển hình của điêu khắc tượng Mẫu dân gian truyền thống.
Ngoài giá trị thẩm mỹ, các hiện vật trên còn là minh chứng sống động cho khả năng, sức sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Các đề tài trang trí còn là nguồn tư liệu quý, làm cơ sở trong việc tìm hiểu về những quan niệm tư tưởng, mỹ tục quan truyền thống của Nhân dân ta.
Phạm Mạnh |