TTTĐ - Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khi Đốt rác, rơm rạ… ngoài trời, một lượng bụi mịn có đường kính 1/30 sợi tóc sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải, gây nhiều loại bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư.Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại các khu vực nông thôn, sau khi gặt lúa, rơm rạ thường được bỏ lại trên đồng ruộng và sẽ đốt vào buổi tối, vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại từ 21h đến 1h sáng hôm sau. Tùy thuộc vào từng khu vực, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có sự khác nhau, tuy nhiên xu hướng chung là sự gia tăng hàm lượng PM2.5 vào ban đêm. |
"Tại khu vực nội thành Hà Nội, hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra trực tiếp, tuy nhiên trong những ngày gần đây hàm lượng bụi mịn PM2.5 cũng tăng cao vào thời gian buổi tối. Một số khu vực diễn ra hoạt động đốt rơm trực tiếp như tại tỉnh Bắc Ninh, hàm lượng bụi mịn rất cao, cao hơn khu vực nội thành Hà Nội", đại diện Tổng cục Môi trường cho hay. |
Đốt rơm rạ khiến Hà Nội bị ô nhiễm môi trường trầm trọng |
sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội kết hợp Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã công bố kết quả “Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng”. Trong đó, chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm 2020, tổng lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng ở Hà Nội là 384.505 tấn. Khoảng 20% trong số đó bị đốt, phát sinh 179,08 tấn bụi PM10, 163,3 tấn bụi mịn PM2.5 và 23.000 tấn CO2. Đây đều là những chất gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc đốt rơm rạ phát sinh lượng bụi mịn PM2.5 rất lớn, được coi là sát thủ trong không khí, nguyên nhân của hàng loạt bệnh về hô hấp và tim mạch. |
Nhóm nghiên cứu đánh giá, bên cạnh các nguồn gây ô nhiễm không khí như giao thông, xây dựng, làng nghề, bụi và khí thải từ hoạt động đốt rơm rạ cũng là nguồn đóng góp đáng kể, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng do tính chất cục bộ, chất ô nhiễm tập trung trong thời gian ngắn (cao điểm chỉ trong 7-10 ngày). Bằng mô hình tính toán lan truyền chất ô nhiễm, các nhà khoa học cho thấy, bụi và khí thải từ đốt rơm rạ có thể lan truyền trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ, làm tăng ô nhiễm môi trường không khí, làm tăng nguy cơ bệnh tật cho cộng đồng, đặc biệt là các bệnh về hô hấp và tim mạch. Theo kết quả kiểm kê vụ Đông Xuân 2020, các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ và Mỹ Đức của Hà Nội có tổng lượng bụi phát sinh lớn nhất do hoạt động đốt rơm rạ gây nên. Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Trì có tỷ lệ phát hiện đốt rơm rạ ở mức cao, khoảng 30 - 60%. Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín tuy có diện tích sản xuất lúa thấp nhưng tỷ lệ đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng được phát hiện ở mức cao nhất. |
Nhiều giải pháp thay thế đốt rơm rạ |
Tại huyện Ứng Hòa, vụ Xuân năm 2021, tổng số rơm rạ phát sinh sau thu hoạch là 45.980 tấn đã được xử lý bằng các phương pháp như thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu chiếm 31%; biện pháp khác (để rơm rạ tại ruộng tự phân hủy…) 58%; đốt còn 11%. Theo đại diện Live & Learn, thực hiện Chỉ thị số 15 của UBND TP Hà Nội về tăng cường các biện pháp đối với hoạt động đốt rơm rạ, từ tháng 5/2020, đơn vị này phối hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thực hiện các hoạt động hỗ trợ và đồng hành với các bên trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Trong đó có việc thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện giải pháp kỹ thuật hạn chế đốt rơm rạ. |
Nhờ đó, vụ Đông Xuân 2021, ít nhất 6 huyện (Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì) với hơn 1.000ha đồng ruộng áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt. Từ đây, nhiều mô hình, sáng kiến đã được khuyến khích triển khai như Hội phụ nữ Sóc Sơn xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ; Hội Nông dân Đan Phượng triển khai phân rắc chế phẩm sinh học; Nông dân Ba Vì thu rơm, phay rơm làm thức ăn cho gia súc; Hội Phụ nữ Đông Anh dùng rơm làm mái nhà giáo xứ, mô hình thu rơm hỗ trợ nuôi ao cá tại Mỹ Đức. Đại diện Live&Learn cho rằng, nếu toàn hệ thống chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội môi trường và người dân các quận, huyện, phường, xã cùng chung tay thực hiện các giải pháp thì có thể đưa Chỉ thị 15 vào đời sống, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ. |
Trước thực trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm, Bộ TN&MT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN&MT, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định. Bên cạnh đó, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường; Quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. |
Phạm Mạnh |