Hà Nội đã thực hiện tốt chủ trương "dựa vào dân, dân là gốc"
Quán triệt quan điểm dân là gốc, quyết sách gì cũng phải nghĩ tới lòng dân Lấy "dân là gốc", là trung tâm trong triển khai hoạt động Mặt trận Hà Nội luôn lấy người dân làm trung tâm phục vụ |
Sáng 19/12, Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII; tổng kết 15 năm triển khai thi đua dân vận khéo.
Dự hội nghị có đồng chí: Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương. Đại biểu TP Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ; Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP; Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ; Đỗ Anh Tuấn, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ…
Đại biểu dự hội nghị |
Triển khai đồng bộ, toàn diện trên 4 lĩnh vực
Báo cáo tại hội nghị cho thấy: Trong 15 năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thành ủy, các cấp ủy trực thuộc đã kịp thời ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phù hợp với nhiều đối tượng.
Từ năm 2009 đến nay, Thành ủy và các cấp ủy từ TP đến cơ sở đã ban hành 15.295 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Ban Dân vận và các cơ quan tham mưu về công tác dân vận đã ban hành 2.038 văn bản để hướng dẫn triển khai, qua đó đưa “Dân vận khéo” trở thành một phong trào thi đua sâu rộng, nét đặc sắc trong công tác dân vận của Đảng bộ Thủ đô, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo, với tinh thần tự nguyện, tự giác của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành uỷ Vũ Hà báo cáo tại hội nghị |
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá, biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được quan tâm, tiến hành thường xuyên, kịp thời động viên, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai đồng bộ, toàn diện trên 4 lĩnh vực: Kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị và theo 3 cấp: Thành phố; quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy; cấp cơ sở.
Từ năm 2009 đến nay, toàn TP có 160.013 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai và phát huy hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa, được các cấp biểu dương, khen thưởng và nhân rộng.
Cụ thể: Có 29.208 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực phát triển kinh tế; 89.971 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; 21.586 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; 27.248 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký triển khai trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị…
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành uỷ cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy định 124 -QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng |
Quá trình triển khai có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và bám sát nhiệm vụ chính trị của TP, của các địa phương, cơ quan, đơn vị, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, thu hút sự tham gia bằng tinh thần tự nguyện, tự giác của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; thông qua đó phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và thành phố.
Đặc biệt, trong thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, trong những hoàn cảnh cam go, thử thách như: Thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với khủng hoảng kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng được đẩy mạnh; thông qua đó, đã phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội, được nhân lên bằng những nghĩa cử cao đẹp và tinh thần tự nguyện; huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận về: Kinh nghiệm triển khai mô hình “Dân vận khéo” trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người khuyết tật; Kinh nghiệm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong công tác dân vận chính quyền, hòa giải, giải quyết mâu thuẫn tranh chấp từ cơ sở; phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng thế trận an ninh Nhân dân vững chắc; các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên… Qua đó những đóng góp tích cực vào hành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân… |
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành uỷ cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy định 124 -QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng |
Thực hiện thường xuyên, liên tục trong từng nhiệm vụ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng ghi nhận, đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Hà Nội.
Đồng thời đề nghị TP Hà Nội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để công tác dân vận của hệ thống chính trị trong TP ngày càng phát huy tốt vai trò, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị đã đề ra...
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc phát động phong trào dân vận khéo là thực hiện chủ trương rất lớn của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là làm rõ hơn quan điểm lấy dân là gốc, sự ủng hộ tham gia của người dân là yếu tố rất quan trọng trong mọi việc.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Về các giải pháp TP đã thực hiện, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cho biết: Thành uỷ đã ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 15- CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội; ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP; đồng thời, tăng cường đối thoại, tiếp xúc, giải quyết kiến nghị cử tri, nhân dân… Nhờ đó, các vụ việc bức xúc, nổi cộm có xu hướng giảm; nhận thức của cấp uỷ, người đứng đầu về đối thoại với doanh nghiệp, người dân được nâng lên… |
Theo Phó Bí Thư Thường trực Thành uỷ, 15 năm qua, TP đã thực hiện nhiều việc lớn việc khó, phức tạp nhờ làm tốt công tác dân vận, đặc biệt là dân vận khéo. TP đã có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2014-2023, thu nhập bình quân dầu người của Hà Nội tăng khoảng 40%. TP đã dành nguồn lực để chăm lo an sinh xã hội, đầu tư, phát triển cho văn hoá, giáo dục, y tế…
Có được những kết quả đó là nhờ TP đã có những giải pháp hiệu quả để huy động sự tham gia ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân; trong đó có những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn địa phương, đơn vị trong phong trào dân vận khéo.
“Dù việc khó đến đâu, nếu chúng ta làm tốt công tác dân vận, thấm nhuần quan điểm dựa vào dân, dân là gốc thì đều hoàn thành. Hà Nội đã thực hiện tốt chủ trương này, suy đến cùng mọi mục tiêu cao nhất phải hướng tới hạnh phúc của Nhân dân”- Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả trên, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế, như: Khả năng nhân rộng, tính bền vững của các mô hình còn chưa cao; việc giám sát của Mặt trận với cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn mang tính hình thức, chưa thực sự là nhu cầu của cấp uỷ chính quyền; việc phát huy dân chủ cơ sở còn chưa tốt; …
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức sâu sắc hơn vai trò của công tác dân vận, đặc biệt là dân vận khéo; thể hiện rõ quan điểm trọng dân, dựa vào dân và mọi kết quả công việc của Đảng, hệ thống chính trị không nhằm ngoài nâng cao hạnh phúc Nhân dân. Đây phải là công việc làm thường xuyên, thực hiện từ trong việc nhỏ tới việc lớn.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Nguyễn Doãn Toản trao Bằng khen của UBND TP cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo |
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng nhấn mạnh, công tác dân vận khéo trong tình hình mới cần hướng đến công việc cụ thể, gắn chặt với từng cơ quan đơn vị, xuống tới tổ dân phố, thôn xóm… Trong 2025, cần tập trung động viên Nhân dân tham gia phong trào thi đua "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" trên toàn địa bàn Thủ, làm cho TP, địa phương sạch đẹp hơn.
Cùng đó, đẩy mạnh chuyển đổi số vào công tác dân vận, vận động Nhân dân chung tay vào công cuộc chuyển đổi số của TP; tập trung giám sát, đóng góp ý kiến cho công tác phòng, chống lãng phí; tuyên truyền vận động để tạo nhận thức chung trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương…
Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn trao Bằng khen của UBND TP cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dân vận khéo |
Dịp này, Ban Thường vụ Thành uỷ đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy định 124 -QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen cho 19 tập thể, 16 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dân vận khéo.