Tag
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời

Giáo dục 15/11/2024 23:29
aa
TTTĐ - Khẳng định muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy giỏi, người thầy tốt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo...".
Ngành Giáo dục Thủ đô đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất Hà Nội vinh danh 196 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo lần thứ VIII Nhà giáo ưu tú Đỗ Thị Mai: Tấm gương sáng trong đổi mới giáo dục

Chiều 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đến dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh;

Cùng dự còn có Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đỗ Ngọc Huỳnh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh; các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Thị Kim Chi; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng; cùng đông đảo các đại biểu cơ quan Trung ương…

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên phát triển đội ngũ nhà giáo

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã trở thành sự kiện thường niên, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Năm nay là năm thứ 4, Thủ tướng tiếp tục duy trì dành thời gian cho sự kiện này. Đây thực sự là nguồn cổ vũ, quan tâm, động viên rất lớn của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Giáo dục nói chung và với lực lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng.

60 nhà giáo hôm nay thuộc 251 cô giáo, thầy giáo tiêu biểu được vinh danh năm 2024. Đây là các cô giáo, thầy giáo đại diện cho hơn 1,6 triệu nhà giáo thuộc các cấp học khác nhau, đến từ nhiều vùng, miền của đất nước.

Trong đó, có thầy, cô dạy học ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Rất nhiều cô giáo, thầy giáo là giáo viên cốt cán của tỉnh, thành phố, giáo viên giỏi với nhiều thành tích quan trọng trong công tác giảng dạy đại trà, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; là những nhà khoa học với nhiều sản phẩm khoa học, các giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.

Đại diện cho các cô giáo, thầy giáo tiêu biểu cùng hơn 1,6 triệu nhà giáo của ngành Giáo dục, Bộ trưởng trân trọng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của Thủ tướng với ngành Giáo dục nói chung, với các nhà giáo nói riêng.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt và ưu tiên phát triển lực lượng đội ngũ nhà giáo, coi nhà giáo là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.

Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn” và đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.

Đây là quyết sách lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước tới nhà giáo, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển lực lượng nhà giáo đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của ngành và của đất nước.

Chia sẻ thực trạng đội ngũ nhà giáo và những chính sách đối với đội ngũ, Bộ trưởng khẳng định: Nhận thức sâu sắc về các thách thức phát triển lực lượng nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã xác định rõ các việc ngắn hạn và dài hạn cần thực hiện. Trong thời gian trước mắt, Bộ sẽ cùng với các bộ, ban ngành liên quan và các địa phương tập trung triển khai một số việc: Tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục năm học 2024 - 2025 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Đồng thời, Bộ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức tuyển dụng đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các cấp học theo tinh thần Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ, công tác triển khai thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo của các địa phương.

Thay mặt toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục và lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm hết sức thiết thực đến đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục; trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã quan tâm và tạo điều kiện để Bộ GD&ĐT tham mưu và đề xuất các chính sách, điều kiện thuận lợi phát triển nhà giáo và cán bộ cán bộ quản lý giáo dục.

Các nhà giáo tiêu biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Các nhà giáo tiêu biểu tại cuộc gặp mặt - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên ngành Giáo dục cả nước, đặc biệt các nhà giáo tiêu biểu có mặt ngày hôm nay; chúc các nhà giáo có một dịp 20/11 nhiều niềm vui và luôn hạnh phúc, thành công với công việc của mình.

Nhiệt huyết và khát vọng cống hiến

Tham dự buổi gặp mặt, các thầy, cô giáo đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trong sự kiện ý nghĩa này. Đặt chân lên mảnh đất Điện Biên, cô Nguyễn Thị Chuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Mường Toong số 1 (Mường Nhé, Điện Biên) mang trong mình nhiệt huyết và khát vọng cống hiến không ngừng của tuổi trẻ.

Gắn bó với nghề giáo bao nhiêu năm là bấy nhiêu thời gian cô được chứng kiến sự đổi mới và phát triển không ngừng của ngành giáo dục.

Cô Chuyên nhìn nhận, trong những năm gần đây, ngày càng nhiều những ngôi trường mới mọc lên, cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật trường học cũng được nâng cao đáng kể với các thiết bị hiện đại, tân tiến hơn như: Máy chiếu, máy tính, thiết bị thí nghiệm…

Có được những điều này là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến sự nghiệp giáo dục đào tạo, đặc biệt là với giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn như Điện Biên.

“Đây cũng là sự cổ vũ động viên to lớn, là động lực để giáo viên chúng tôi giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi biên cương” - cô Chuyên bày tỏ.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô Đào Thị Huế - giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường Nuôi dạy trẻ em Khiếm thị Hải Phòng luôn xác định, dạy học là nghề cao quý, nhiều chông gai. Dạy dỗ các em học sinh khuyết tật lại càng cần sự nỗ lực gấp nhiều lần. Đối với giáo viên, hạnh phúc là khi học trò của mình chăm ngoan, giỏi giang, đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế.

“Hạnh phúc của những thầy, cô giáo dạy học sinh khuyết tật bình dị lắm, đến từ những tiến bộ nhỏ của học sinh khi các em biết tự xúc ăn, biết chào cô khi vào lớp, biết viết những dòng chữ vụng về trên tấm thiệp tặng cô”, cô Huế bộc bạch và bày tỏ hạnh phúc vì sự tiến bộ của học trò, sự tin yêu của phụ huynh học sinh.

“Nếu cho được chọn lại nghề, tôi chắc chắn vẫn chọn nghề giáo để gắn bó với những học trò khuyết tật” - cô Huế quả quyết.

Cô Nguyễn Thị Chuyên, Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Cô Nguyễn Thị Chuyên, Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên phát biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Là Trưởng bộ môn Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Hùng Vương, nhà giáo Bùi Thị Loan từng đạt danh hiệu Giảng viên giỏi toàn quốc; hướng dẫn nhóm học sinh THPT đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; nhiều năm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) đạt giải Nhất, Nhì toàn quốc, giải Nhì cuộc thi NCKH Eureka…

Các giải pháp khoa học do nhà giáo Bùi Thị Loan làm chủ nhiệm đều được công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ và các khu vực lân cận, từ đó góp phần kết nối các lực lượng giáo dục, lan tỏa thông điệp: Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại!

Được cống hiến cho sự phát triển của trường đại học trên quê hương đất Tổ, nhà giáo Bùi Thị Loan luôn tự hào: Nhà giáo là nghề cao quý, nghề không trồng cây vào đất nhưng mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa thơm!

Bày tỏ lòng biết ơn các lãnh đạo, các đồng nghiệp, gia đình và các sinh viên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để mình có thể cống hiến và trưởng thành trong sự nghiệp trồng người, nhà giáo Bùi Thị Loan bày tỏ: “Người thầy giáo cũng giống như ngọn nến, đốt cháy chính mình để soi sáng cho người khác.

Với tất cả niềm tự hào của người con trên quê hương đất Tổ, tôi luôn ý thức và nỗ lực cố gắng, hoàn thiện bản thân mỗi ngày, đổi mới trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong giảng dạy để mong muốn truyền lửa, khơi dậy niềm đam mê cho các thế hệ sinh viên tự tin, bản lĩnh và nhân văn, góp phần nhỏ bé tạo nên những con người vừa hồng, vừa chuyên".

Giáo dục luôn là trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp nền văn hiến

Gửi tới các nhà giáo trên khắp mọi miền tổ quốc tình cảm chân thành, sự trân quý và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, với đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải không ngừng nỗ lực, trau dồi tri thức mới, kỹ năng, bồi dưỡng phẩm chất, lý tưởng, niềm tin.

Trong tâm trạng của học trò, là người từng tham gia giảng dạy và cũng là phụ huynh, Thủ tướng có nhiều ký ức về nghề giáo. 20/11 là ngày để các thế hệ học trò thể hiện tình cảm, tri ân với thầy, cô giáo. Đó là văn hóa, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, giáo dục luôn là trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp nền văn hiến, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Chính trong giai đoạn ngặt nghèo nhất thì giáo dục lại bừng sáng, vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh để cùng dân tộc làm nên kỳ tích. Từ thời kỳ phong kiến, hình ảnh ông đồ đã trở thành biểu tượng của trí tuệ, của cốt cách thanh tao, là sự ngưỡng mộ của Nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giáo dục luôn đồng hành, vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của dân tộc - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, ngành giáo dục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diệt giặc dốt, xóa nạn mù chữ, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo hiền tài, tôi luyện lý tưởng, nuôi dưỡng ước mơ hoài bão... đóng góp lớn cho sự nghiệp thống nhất non sông.

Có những thời điểm, các thầy giáo, cô giáo đã xuất hiện như là sự lựa chọn của lịch sử, đó là ý chí sắt đá dấn thân tìm đường cứu nước của thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành từ mái trường Dục Thanh…; là thầy giáo Võ Nguyên Giáp quyết định buông tay phấn, gia nhập Mặt trận Việt Minh để cùng với quân dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; đó còn là bao thế hệ thầy cô cùng với sinh viên, học sinh của mình đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập, ngành giáo dục cũng không ngừng tìm tòi, đổi mới để thực hiện các mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển giáo dục là: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước, hội nhập quốc tế thành công.

Đặc biệt sau khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục và đào tạo đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bày tỏ vui mừng khi thấy chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên, Thủ tướng nhấn mạnh đến truyền thống hiếu học của dân tộc - luôn tự phấn đấu vươn lên, khát khao được cống hiến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Qua nghe chia sẻ của các giáo viên, Thủ tướng bày tỏ, các thầy, cô là những tấm gương sáng để học sinh noi theo. Nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu; trong đó có có những thầy, cô vừa làm tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa làm tốt công tác quản lý.

Nhiều thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã gác lại niềm riêng để ngày ngày cắm bản, gùi chữ lên non, đưa ánh sáng tri thức đến với đồng bào.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo trong những năm vừa qua, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19” - Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những cống hiến không biết mệt mỏi của các thầy, cô giáo và toàn ngành Giáo dục.

Nhấn mạnh phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng", Thủ tướng đề nghị, ngành Giáo dục cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khi xây dựng Luật Nhà giáo: Luật khi ban hành phải tạo sự chào đón và phấn khởi của thầy cô giáo. Theo đó, ngành Giáo dục cần chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn sau khi dự thảo Luật Nhà giáo được ban hành.

Thủ tướng yêu cầu, cần hoàn thành thể chế trong ngành Giáo dục bảo đảm phù hợp, khả thi, toàn diện, bao trùm, góp phần thúc đẩy ngành giáo dục phát triển.

Ngoài ra, cần có cơ chế huy động nguồn lực để ngày càng nâng cao cơ sở vật dạy - học, ngang tầm các nước phát triển. Thủ tướng mong muốn, đội ngũ nhà giáo ngày càng chất lượng cao, toàn diện và yêu nghề hơn.

"Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy giỏi, người thầy tốt. Học sinh được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu có sự dìu dắt và chỉ bảo của giáo viên có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền dạy hợp lý; đồng thời, phải tôn trọng sự khác biệt, sự đa dạng, khuyến khích sự sáng tạo; có tư duy phản biện, đam mê tìm tòi, khát vọng cống hiến… phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của mỗi học sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh và các nhà giáo tiêu biểu - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Mỗi nhà giáo cần là khởi nguồn bất tận thổi bùng trong thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, ươm mầm khát vọng, chắp cánh bay cao, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Vì thế, mỗi thầy giáo, mỗi cô giáo hãy là tấm gương sáng về rèn đức - luyện tài, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, có cách tiếp cận mới trong dạy và học; để mỗi tiết học thực sự bổ ích và lý thú, để mỗi ngày học thực sự là ngày vui", Thủ tướng bày tỏ.

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, mọi nhà, mọi bậc phụ huynh... hãy cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục và đào tạo, chung sức với các thầy cô giáo trong sự nghiệp "trồng người" cao cả, chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện, xứng tầm truyền thống văn hóa lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, bất khuất của đất nước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Đọc thêm

Nam Từ Liêm: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Giáo dục

Nam Từ Liêm: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

TTTĐ - Là đơn vị nằm trong tốp dẫn dầu của thành phố về các tiêu chí: quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia… đến nay, ngành Giáo dục quận Nam Từ Liêm đã nhận được nhiều thành tích ấn tượng, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của quận.
Trường THCS Hoàng Mai - ngôi nhà của những chiến binh săn huy chương Giáo dục

Trường THCS Hoàng Mai - ngôi nhà của những chiến binh săn huy chương

TTTĐ - Thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Trường THCS Hoàng Mai (Hà Nội) đã gặt hái được nhiều thành tựu và xây dựng thành công chương trình giáo dục chất lượng cao, trở thành điểm sáng trong ngành giáo dục Thủ đô.
Luồng gió mới từ thế hệ giáo viên gen Z Giáo dục

Luồng gió mới từ thế hệ giáo viên gen Z

TTTĐ - Thế hệ Z với sức trẻ trung, năng động “hợp thời đại” của mình đã và đang cống hiến, làm thay đổi các lĩnh vực trong đời sống xã hội theo hướng tích cực hơn. Đó cũng là cách mà nhiều giáo viên gen Z đang thổi “làn gió mới” với ngành giáo dục.
Vi phạm trong tuyển sinh, trường Đại học Quốc tế bị xử phạt Giáo dục

Vi phạm trong tuyển sinh, trường Đại học Quốc tế bị xử phạt

TTTĐ - Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả đối với Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vì có những vi phạm, thiếu sót trong trong quá trình hoạt động, tuyển sinh, cấp phát văn bằng…
Gợi mở nhiều tiềm năng nghệ thuật ở các nhà trường Giáo dục

Gợi mở nhiều tiềm năng nghệ thuật ở các nhà trường

TTTĐ - Chiều 15/11, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức tổng kết cuộc thi “Sáng tác ca khúc dành cho học sinh”.
Nhà giáo ưu tú Đỗ Thị Mai: Tấm gương sáng trong đổi mới giáo dục Giáo dục

Nhà giáo ưu tú Đỗ Thị Mai: Tấm gương sáng trong đổi mới giáo dục

TTTĐ - Giỏi chuyên môn, không ngừng bồi dưỡng, học hỏi những đổi mới trong giáo dục, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Đỗ Thị Mai - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã gặt hái được nhiều thành tựu trong sự nghiệp “trồng người”.
Học sinh thực hành kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy Pháp luật

Học sinh thực hành kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy

TTTĐ - Ngày 15/11, Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) quận Ba Đình đã tổ chức hoạt động ngoại khóa trang bị kiến thức PCCC cho học sinh tại trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.
Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Trung trong thời đại số... Giáo dục

Để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Trung trong thời đại số...

TTTĐ - Nhiều chuyên gia đến từ các trường đại học uy tín Trung Quốc, Việt Nam tại Hội thảo quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số, đã chia sẻ mô hình hay, cách làm sáng tạo và những gợi mở rất hữu ích nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Trung hiện nay.
Vinh danh nhà giáo tiêu biểu quận Tây Hồ Giáo dục

Vinh danh nhà giáo tiêu biểu quận Tây Hồ

TTTĐ - Sáng 15/11, quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô, 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành GD&ĐT quận năm 2024.
Quận Đống Đa tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu Giáo dục

Quận Đống Đa tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu

TTTĐ - Ngành Giáo dục quận Đống Đa vừa tổ chức kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024); tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm học 2023 - 2024.
Xem thêm