Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khuyến học
Hà Nội ban hành nghị quyết về khuyến học, khuyến tài Tăng cường phối hợp giữa Đoàn Thanh niên và Hội Khuyến học Việt Nam |
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh một số nội dung mà Hội Khuyến học cần làm tốt trong năm 2025 như đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khuyến học; các cấp hội hoạt động "đều tay"; đề xuất các giải pháp cụ thể để mọi người dân có cơ hội học tập và phát triển năng lực bản thân - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập từ năm 1996, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ khuyến khích, thúc đẩy toàn thể nhân dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục-đào tạo.
Theo Hội Khuyến học Việt Nam, trong gần 30 năm qua, Hội đã thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để góp phần hướng tới một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời.
Các cấp hội đã nỗ lực, sáng tạo, phát động nhiều phong trào thi đua nhằm liên kết, phối hợp với các lực lượng xã hội, cơ sở giáo dục, động viên, thúc đẩy việc học tập suốt đời của nhân dân. Trong đó, Hội đã chủ trì và phối hợp triển khai hiệu quả các mô hình học tập: "Công dân học tập", "Gia đình học tập", "Dòng học học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập"...
Trong năm 2024, các cấp hội khuyến học từ Trung ương đến cơ sở đã làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Theo báo cáo của hội khuyến học các tỉnh, thành phố, đến nay, số hội viên khuyến học cả nước là hơn 27,3 triệu người, chiếm 28% tổng số dân (tăng 1,2% so với năm 2023). Số hội khuyến học cơ sở là 10.683 hội.
Việc xây dựng xã hội học tập thông qua thực hiện 2 Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị" và "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030" đạt kết quả thiết thực.
Tuy nhiên, Hội cũng nêu ra một số hạn chế, như phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp nhưng hiệu quả hoạt động đồng đều. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác khuyến học, phong trào học tập suốt đời của người lớn. Trung tâm học tập cộng đồng ở một số địa phương chưa được quan tâm…
Các ý kiến của Hội Khuyến học cho biết, trong năm 2025, Hội sẽ xây dựng đề án chuyển đổi số trong hệ thống Hội; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phong trào "Bình dân học vụ số" để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển đổi số khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hội có kế hoạch triển khai chương trình "Khuyến học xanh"; thực hiện tốt nhiệm vụ "hỗ trợ giáo dục trong và ngoài nhà trường" về việc phối hợp giữa nhà trường-gia đình-xã hội để giáo dục đạo đức cho học sinh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của Hội Khuyến học với tinh thần tạo mọi điều kiện để Hội ngày càng lớn mạnh, đưa công tác khuyến học đạt nhiều thành tựu hơn nữa - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác này, đến phát huy vai trò của các tổ chức hội, đặc biệt là vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học Việt Nam. Sự quan tâm đó đã được cụ thể hóa tương đối đầy đủ thông qua các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực mà Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được, "đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình". Nhiều kết quả có thể lượng hóa được.
Hội đã tham gia Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và tổ chức triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; tham gia đánh giá, cho điểm, công nhận mô hình công dân học tập. Hội đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác khuyến học được đẩy mạnh. Công tác phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài có kết quả tích cực; tiếp tục củng cố, mở rộng số lượng hội viên.
Nhất trí với các giải pháp mà Hội Khuyến học nêu ra trong năm 2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh một số nội dung, đó là cần làm tốt, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khuyến học. Phải làm sao để các cấp hội hoạt động "đều tay", nhiều việc nằm ở các cơ quan khác nhau nhưng vai trò chủ động, hoạt động "đều tay" ở các cấp hội là rất quan trọng. Hội cần chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể để tạo điều kiện cho mọi người dân, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, có cơ hội học tập và phát triển năng lực bản thân.
Hội tiếp tục kêu gọi, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc đóng góp nguồn lực cho phong trào khuyến học, khuyến tài.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, giải quyết các kiến nghị của Hội Khuyến học với tinh thần tạo mọi điều kiện để Hội ngày càng lớn mạnh, đưa công tác khuyến học đạt nhiều thành tựu hơn nữa.