Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân từ mỗi cộng đồng dân cư
Truyền thống, nét văn hoá hơn 20 năm
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTƯ về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Từ đó, hàng năm lãnh đạo các bộ, ngành cho đến các cấp chính quyền từ tỉnh, xuống đến quận, huyện, phường, xã, về với dân, sinh hoạt cùng khu dân cư, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hiểu được ý nghĩa tổng kết năm của địa phương nơi cán bộ sinh sống. Nhiều nơi còn sáng kiến có cả bữa cơm đoàn kết, thực sự đúng nghĩa là ngày hội.
Nhờ có Ngày hội đại đoàn kết mà làm cho toàn dân hiểu hơn hiểu về Mặt trận Dân tộc thống nhất và ngày truyền thống đại đoàn kết toàn dân.
Thông qua Ngày hội, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái trong cộng đồng, trong Nhân dân được tăng cường; chất lượng hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình tiêu biểu được nâng lên...
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được đổi mới nội dung và phương thức tổ chức |
Ngày hội còn là cầu nối chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân ở khu dân cư; phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo ra môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; giúp Đảng và Nhà nước lắng nghe, tiếp nhận và kịp thời hoàn thiện hơn phương thức lãnh đạo, xây dựng và hoàn thiện chính sách đáp ứng những nguyện vọng chính đáng, những phản ánh của Nhân dân trong cuộc sống.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, trong tất cả các thiết chế (tỉnh, huyện, xã, thôn) thì khu dân cư (có nơi gọi là thôn, làng, bản, phum, sóc...) là quan trọng nhất. Khu dân cư là nơi gần nhất có thể sẻ chia, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “vắng anh em xa, có láng giềng gần”, “người già của làng tiếp người sang của nước” ...
Cho đến ngày nay, làng quê Việt Nam có nhiều biến đổi nhưng đọng lại vẫn là “tình làng nghĩa xóm”, là văn hóa tốt đẹp, hồn cốt của văn hóa Việt Nam, quê hương, bản quán rất thiêng liêng với mỗi con người.
Đó cũng là lý do Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X vừa qua đã thống nhất bổ sung một chương trình hành động là “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no hạnh phúc.”
Nâng cao vai trò, uy tín của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hơn 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được đổi mới nội dung và phương thức tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo diễn ra thiết thực.
Ngoài ra còn có hoạt động vinh danh các gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; tổng vệ sinh môi trường, giữ gìn trật tự đô thị, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, sinh hoạt cộng đồng, tổ chức bữa cơm Đại đoàn kết… tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân.
Những hoạt động đó đã kết nối “tình làng, nghĩa xóm”, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tương thân, tương ái trong mỗi cộng đồng dân cư, cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội dự Ngày hội Đại đoàn kết tại quận Ba Đình |
Tại Hà Nội, hơn 20 năm qua, đã có 4.385 công trình dân sinh được xây dựng, 9.978 nhà Đại đoàn kết được xây mới, 3.940 nhà Đại đoàn kết được sửa chữa, 5.878 nhà Đại đoàn kết được trao tặng trong dịp tổ chức Ngày hội. |
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Năm nay, UBND TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã thống nhất ban hành Kế hoạch liên tịch về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn. Theo đó, Ngày hội gồm cả phần lễ và phần hội để tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã đưa nội dung “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” vào nội dung Ngày hội để người dân cùng đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng khu dân cư phát triển hơn.
Cũng theo Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam TP đã kết nạp thêm 4 tổ chức thành viên; thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cấp chính quyền động viên, phát huy vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Cùng với đó, MTTQ luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của Nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để Nhân dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động; phát huy mọi nguồn lực, khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.
Để nâng cao vai trò, uy tín của MTTQ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, kịp thời tổng hợp và định hướng dư luận xã hội; tăng cường dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Cùng với đó là tăng cường đồng thuận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại; góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.