eMag azine
07/11/2022 15:00
Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

07/11/2022 15:00

TTTĐ - Du lịch cộng đồng đang trở thành ngọn gió tươi mới thổi sức sống vào bức tranh kinh tế chung của các tỉnh Tây Bắc, góp phần lực thúc đẩy sự phát triển của vùng đất biên cương.

Tây bắc

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Du lịch cộng đồng đang trở thành ngọn gió tươi mới thổi sức sống vào bức tranh kinh tế chung của các tỉnh Tây Bắc, góp phần lực thúc đẩy sự phát triển của vùng đất biên cương. Những mô hình du lịch đậm đà bản sắc dân tộc, cảnh sắc hùng vĩ tráng lệ, kết hợp với dịch vụ càng lúc càng chuyên nghiệp đang đưa nhiều địa phương của Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đến gần với du khách trong và ngoài nước.

Những làn gió mới mang lại đổi thay

Mỗi lần lên với Tây Bắc, tâm trí tôi thường hiện ra những câu chuyện của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong tập truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát”. Nhà văn kể cuộc sống, về con người ở những bản làng nằm lọt thỏm giữa “ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn”. Đó là khung cảnh có phần buồn bã và cô đơn, đẹp nhưng lạnh lẽo, lãng mạn song quá hoang sơ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm thôn bản Hua Tạt vào tháng 5/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm thôn bản Hua Tát vào tháng 5/2022

Trải qua nửa thế kỷ, ngọn gió của Hua Tát vẫn thổi ngang trời xanh Tây Bắc, tuy nhiên, khung cảnh và con người của vùng đất trùng điệp núi non này đã lột xác, trở nên sống động, vui tươi đến ngỡ ngàng.

Kể chuyện ngày xưa

Trong những năm tháng thanh xuân, cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng có chòm chèm chục năm dạy học tại Tây Bắc. Truyện “Những ngọn gió Hua Tát” của ông dẫn dắt người đọc vào một thế giới như mộng ảo, đầy tính huyền thoại về cảnh vật và cuộc sống nơi đây.

Giống như hàng trăm địa phương tại các tỉnh Tây Bắc, thung lũng Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp là một bản làng ở trong thung lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở vàng đến nhức mắt. Thung lũng ở Hua Tát rất ít nắng, ở đó quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người nhìn vật thì chỉ thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thôi. Đó quả thực là một cái không khí để huyền thoại bay lên. “Hua Tát là một bản nhỏ cô đơn”, nhà văn cảm khái.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng tập truyện Những ngọn gió Hua Tát ngay tại sân trường cấp III Mai Sơn, nơi ông từng dạy học vào cuối thập niên 1970. Ảnh: Mai Anh Tuấn
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ký tặng tập truyện "Những ngọn gió Hua Tát" ngay tại sân trường cấp III Mai Sơn, nơi ông từng dạy học vào cuối thập niên 1970 (Ảnh: Mai Anh Tuấn)

Về sau này, khắp cả nước Việt Nam, nhiều thế hệ đã đọc “Những ngọn gió Hua Tát” và nghe Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện về Tây Bắc. Họ si mê những bản làng lấp trong sương mù, những mái tranh ẩn dưới tán cây đào cổ thụ, những bữa rượu say mèm bên bếp lửa và say nhất là tính người mộc mạc nơi ở mảnh đất xa xôi kia. Và họ lên đường đến với Tây Bắc!

Khoảng chừng mươi mấy năm trước, người viết lần đầu lên với Tây Bắc, cũng mang theo bao nhiều háo hức và chờ mong. Con đường quốc lộ 6 ngoằn ngoèo mảnh như sợi chỉ vắt ngang lưng chừng núi đưa chúng tôi đến với Mai Châu, Hang Kia - Pà Cò, thị trấn Nông Trường (Mộc Châu), xa hơn nữa là đèo Pha Đin cao ngất, đèo Khau Phạ phủ lúa vàng rực rỡ, đèo Ô Quy Hồ chòng chành như người say, động Tiên Sơn mờ ảo, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ hùng tráng… Cảnh sắc Tây Bắc đẹp hơn cả chờ mong!

Tuy nhiên, dù là một du khách dễ tính và ngây thơ, chúng tôi ngày ấy cũng khá là tiếc nuối khi tiềm năng du lịch của các vùng đất Tây Bắc chưa được khai thác một cách xứng đáng. Hầu như không thể tìm được một điểm lưu trú mang hơi hướng bản địa, ngoại trừ chấp nhận ở trong các nhà trọ xập xệ, hoặc chi tiền cho những khách sạn tựa như hộp bê tông cứng nhắc vốn chẳng ăn nhập chút nào với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng.

Bản làng vùng cao lấp ló trong sương sớm. Ảnh: Đức Anh
Bản làng vùng cao lấp ló trong sương sớm (Ảnh: Đức Anh)

Lúc bấy giờ, dịch vụ du lịch của người dân địa phương chỉ có thể diễn tả bằng hai từ “khiêm tốn”. Ví dụ, tại Mộc Châu, những gia đình sở hữu cánh đồng gần đường quốc lộ 6, hoặc trong khu vực rừng thông Bản Áng thường bỏ công gieo một mảnh vườn cải. Dịp cuối năm, khi hoa cải nở trắng tinh, khách từ dưới xuôi nô nức du Xuân, họ sẽ dừng ở vườn cải để chụp ảnh - mỗi người khách đóng góp cho chủ vườn 10 ngàn đồng, gọi là phí chăm sóc hoa. Sau vài ngày, cánh đồng hoa cải bị xéo dập dụi, du khách rời đi và người chủ vườn chẳng còn gì.

Bầu không khí mới trên bản mông

Lại chuyện mười năm trước, tại Hà Nội phồn hoa, người viết quen biết anh bạn dân tộc Mông, cũng sinh ra trên mảnh đất Hua Tạt, tên là Tráng A Chu. Bấy giờ, A Chu chừng 23 - 24 tuổi, đang học Cao đẳng Giao thông vận tải, sau đó còn theo tiếp Đại học Bách Khoa. Mấy anh bạn miền xuôi đều khoái A Chu, bởi hắn thông minh lém lỉnh, điệu bộ ngây ngô nhưng tháo vát vô cùng, cái miệng hay cười trong khi cặp mắt lúc nào cũng hấp háy, nhấp nhỉnh.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc
Chàng trai Tráng A Chu ở thôn bản Hua Tạt

Trong những lần lang thang phố phường Hà Nội, lặng ngắm ánh đèn loang loáng, A Chu bảo hắn sẽ làm gì đó để thay đổi bộ mặt bản làng quê hương, thay đổi cuộc sống của người Mông. A Chu thật thà thổ lộ: “Người Mông ở Hua Tạt có nhiều cái cần thay đổi lắm. Như trong nếp sống thì hầu như không nhà nào có nhà vệ sinh; Phụ nữ ít khi tắm rửa, ít đi khám bệnh. Nhiều người quen sử dụng thuốc phiện để hút hoặc dùng thay thuốc kháng sinh chữa bệnh, vì thế nên sẽ lén lút trồng hoặc mua bán chất ma túy. Trong việc làm thì ít quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, thường đốt nương rẫy, chặt cây rừng, săn thú… Vì thế, cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn mà càng khó khăn thì lại dễ trở về với lạc hậu… Quê mình bao đời vẫn chậm thay đổi bởi bà con trong bản ít có ai được đi nhiều, học nhiều như tôi. Quê hương nuôi mình khôn lớn nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm với sự phát triển của quê hương mình”.

Chúng tôi nghe vậy, thằng nào cũng gật lấy gật để, rồi cười phà phà, cho rằng đó chỉ là lời nói ngông cuồng của tuổi trẻ. Thế rồi, A Chu không xuống Hà Nội nữa, nghe nói bố mẹ bắt lấy vợ, bọn chúng tôi đều tặc lưỡi tiếc cho giấc mơ “thay đổi bản làng quê hương” của chàng trai đã tắt.

Nhưng không phải như vậy! Tráng A Chu đã làm được nhiều hơn sự tưởng tượng của chúng tôi.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Nghe tin mô hình homestay của Tráng A Chu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân ghé thăm hồi cuối tháng 5 vừa qua, những người bạn cũ như chúng tôi đều kinh ngạc. Chúng tôi vội vã lên thăm A Chu. Thì ra, trong lúc chúng tôi đang mải miết “chém gió” với cuộc đời, thì tại thôn bản Hua Tạt của mình, Tráng A Chu đã âm thầm cần mẫn làm nên những điều lớn lao, hiện thực hóa giấc mơ mà ai nấy đều coi là điên rồ thời trai trẻ.

Homestay A Chu bây giờ là điểm hẹn quen thuộc của các du khách mỗi khi đến với Tây Bắc. Đây là một quần thể bao gồm nhà sàn và một vài bungalow nằm ngay cạnh nhà văn hóa và sân vận động của bản Hua Tạt. Năm 2014, gia đình Tráng A Chu là những người đầu tiên trong bản đã tự tay phá bỏ vườn mận, vườn đào, vay vốn cùng anh em dựng ngôi nhà sàn gỗ to nhất bản, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Nhà văn hóa và sân vận động được xây dựng khang trang cũng do một phần góp đất của gia đình A Chu.

Giờ đây, cơ ngơi của A Chu đã rất vững vàng. Ngôi nhà sàn độc đáo, kết hợp những nét truyền thống của ngôi nhà Mông, nhưng lại tăng thêm những tiện ích hiện đại tạo sự thoải mái cho du khách. Mái nhà lợp lá cọ, trên những hàng cột được lắp bóng điện trang trí khéo léo. Tầng một của nhà sàn được thiết kế quầy bar, các bàn cho khách ngồi ăn uống, ngắm cảnh thiên nhiên, được trang trí bằng những vật dụng độc đáo. Tất cả những vật dụng nhỏ nhất của ngôi nhà đều tạo ra vẻ hài hòa với không gian của miền cao nguyên.

Thết đãi bạn phương xa, A Chu bày biện toàn những món của người Mông như gà xương đen, cá suối, lợn bản, rau rừng… do chính tay người vợ của A Chu là chị Hàng Thị Sua tự tay nấu nướng. Rượu men lá thơm nồng, cuộc trò chuyện mỗi lúc thêm huyên náo, A Chu kể về “sự nghiệp” làm homestay của mình như sau: “Lúc bắt đầu, ngoài quyết tâm và ý tưởng, trong tay hai vợ chồng mình chẳng có đồng tiền nào. Mình với vợ xuống Lóng Luông, vay nặng lãi được 30 triệu. Rồi mua căn nhà này trị giá 150 triệu - người ta cho nợ một năm. Trong quá trình tu sửa ngôi nhà để làm homestay, nói thật là nhiều lúc mình muốn đốt nhà, bởi vì khó khăn quá. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, mọi người dèm pha - bao nhiêu là áp lực. Cũng may mắn cho mình, thầy Dương Minh Bình (Giám đốc Công ty Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam, Community Based Tourism, viết tắt là CBT) luôn động viên, hỗ trợ mình. Hơn nữa, mình muốn trải nghiệm thành quả của sức lao động, hơn là kiếm tiền từ việc “xách hàng” từ bên kia biên giới (nơi A Chu sinh sống trước đây là trọng điểm buôn bán ma tuý, rất nhiều thanh niên vướng vào lao lý do tham gia vào vận chuyển cái chết trắng - PV)”.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Quan điểm của A Chu khi làm du lịch cộng đồng là giữ gìn tôn tạo nếp văn hóa Mông đặc trưng, ở thổ cẩm hoa văn họa tiết trên trang phục, đến các loại nông cụ đan lát bằng vật liệu tre truyền thống, nếp nhà lợp mái tranh xưa cũ đông ấm hè mát, hài hòa với thiên nhiên. Đồng thời, A Chu lồng ghép tinh tế vật liệu tre, đá hài hòa với khung cảnh chung quanh. Bờ rào tre, con đường lát đá, du khách đến bản Hua Tạt được trải nghiệm cảm giác thư thái, sống chậm nhu nhuận với tự nhiên. Đó chính là giá trị cốt lõi chạm tới cảm xúc du khách.

Nhờ tài trí thông minh tháo vát và kinh nghiệm nhiều năm tại Hà Nội của A Chu, do đó, không chỉ có các du khách tìm đến mà các công ty lữ hành cũng đã coi A Chu là đối tác quan trọng. Cơ sở lưu trú của Tráng A Chu may mắn khi được Công ty Du lịch dựa vào cộng đồng Hà Nội lên khảo sát, giúp đỡ kết nối với hơn 50 công ty du lịch lữ hành thường xuyên đưa khách du lịch tới nghỉ. Bình quân mỗi tháng homestay của Tráng A Chu thu hút khoảng 400 - 500 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông. Riêng các ngày nghỉ lễ, homestay của A Chu luôn kín phòng. Năm 2019, thời điểm hoạt động du lịch chưa bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, homestay A Chu đón gần 7.200 lượt khách, chưa kể số khách tới đặt ăn mà không nghỉ lại.

Du khách tới thăm bản làng vùng Tây Bắc
Du khách tới thăm bản làng vùng Tây Bắc

Từ khi A Chu triển khai dự án du lịch cộng đồng đã bắt đầu được chính quyền địa phương quan tâm. Cổng chào, con đường vào bản cũng đã được làm kiên cố. Hai bên đường có hệ thống đèn điện chạy bằng năng lượng mặt trời do một đơn vị của Hàn Quốc tài trợ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cũng đã về khảo sát và tìm hiểu để làm cơ sở nhân rộng mô hình cho các nơi khác. Dự án của A Chu đã mở ra một hướng đi mới cho bà con của bản Hua Tạt.

A Chu không những là người Mông đầu tiên ở bản Hua Tạt tiên phong làm du lịch cộng đồng mà anh còn hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Tráng A Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh… lần lượt đã đến nhà nhờ Chu hướng dẫn mình xây dựng mô hình. Cho tới nay, tại bản Hua Tạt heo hút, nghèo khó đã xây dựng được 5 mô hình homestay. A Chu tâm sự “Mình làm thành công thì cần phải chia sẻ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm cùng bà con. Bà con ở bản phải đoàn kết nâng cao chất lượng các homestay để thu hút du khách đến đông hơn nữa, cùng nhau quyết tâm vượt đói nghèo từ làm du lịch”.

Phần 2 Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa

Ở khắp các tỉnh Tây Bắc, nơi nơi đều có thể ghi nhận những mô hình du lịch cộng đồng đang hoạt động thành công, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền và nguồn cảm hứng từ những người đi trước nâng bước cho bà con các tỉnh Tây Bắc phát huy các giá trị sâu lắng về kiến trúc, văn hoá, tín ngưỡng… trở thành sinh kế dài lâu, bền vững.

Xây dựng được một sản phẩm du lịch chất lượng cần có sự sáng tạo bay bổng mà luôn có tính kết nối liền mạch quá khứ hiện tại, cái sống động của dòng chảy cuồn cuộn hiện tại với sự thâm trầm mờ ảo của ký ức thời gian...

Viên ngọc quý ở bản Hoa

Ông Hà Ngọc Quý, sinh năm 1957, người dân tộc Thái, là niềm tự hào của người dân ở Bản Hoa (xã Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La). Trong nhiều năm, trong cương vị người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương, ông Ngọc Quý đã góp phần nâng cao cuộc sống của Nhân dân, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho những gia đình vốn quen với nếp du canh, du cư. Ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2000. Bây giờ, ở tuổi ngoại lục tuần, ông Ngọc Quý lại tiên phong xây dựng nền móng cho du lịch cộng đồng tại Bản Hoa, mở ra hướng đi mới cho bà con nơi đây.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Vào một ngày cuối tháng 9 vừa qua, khi trời đất Sơn La rải nắng vàng và những bông hoa dã quỳ hé nở khoe màu rực rỡ, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Hà Ngọc Quý tại homestay Bản Hoa - tâm huyết 10 năm vừa qua của người Anh hùng thời kỳ đổi mới.

Thành tích giúp ông Ngọc Quý được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới thì nhiều người đã biết. Ông có 15 năm làm Chủ tịch UBND xã, 10 năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Lập. Xã Tân Lập nằm cách biệt trong thung lũng, cách trung tâm huyện lị Mộc Châu chừng 30km, ngút ngát sau những núi đá tai mèo màu xám trắng. Trước đây, người dân tộc thiểu số tại Tân Lập trồng thuốc phiện nhiều lắm, dễ có tới hàng trăm hộ trồng cây phù dung. “Cán bộ xã tới nhà tuyên truyền bỏ cây thuốc phiện, rất nhiều người phản ứng, thậm chí thù ghét. Hoặc, họ chấp hành bề mặt, rồi lại lén lút trồng ở mãi sâu trong núi, chính quyền khó kiểm soát”, ông Hà Ngọc Quý hồi tưởng.

Bằng sự kiên trì và khéo léo, ông Hà Ngọc Quý cùng với chính quyền xã Tân Lập dần dần tiêu diệt cây thuốc phiện, thay thế bằng cây ăn quả và cây chè. Đến nay trên địa bàn xã người nghiện thuốc phiện, ma tuý gần như không còn, hầu hết các bản trong xã đều được công nhận đạt chuẩn “4 không” về ma tuý.

Điều đáng quý trong việc làm của ông Ngọc Quý không đơn thuần là triệt bỏ cây thuốc phiện. Quan trọng hơn, ông đã mang lại “cần câu cơm” cho bà con trong xã khi thứ cây đẹp chết chóc kia đã không còn. Cụ thể, Tân Lập từng là vùng đất trồng chè lâu đời. Những năm 1990, do thị trường Đông Âu biến động, chè sản xuất ra không tiêu thụ được, nông dân chặt chè trồng cây khác. Trước tình hình đó, với vai trò Chủ tịch UBND xã, ông Ngọc Quý tích cực vận động Nhân dân khôi phục cây công nghiệp chè trên địa bàn. Qua nhiều trăn trở, nghiên cứu, ông Ngọc Quý quyết định vay vốn ngân hàng mua giống hạt chè về phân phối cho bà con và tiên phong nhận trồng 1ha chè. Từ đó, nhân dân tin tưởng, yên tâm làm theo. Năm 2000, toàn xã trồng được 50ha chè shan tuyết chất lượng cao; Năm 2003 thực hiện dự án tái định cư (TĐC) thuỷ điện Sơn La, được sự hỗ trợ của Nhà nước, xã trồng thêm 190ha, đưa tổng diện tích chè toàn xã lên 240ha.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Năm 2004, khi diện tích chè khôi phục và trồng mới đã cho thu hoạch nhưng không có đơn vị bao tiêu sản phẩm vì sản lượng còn ít, đường vào xã chỉ đi lại được mùa khô. Lo lắng dân mất lòng tin với cây chè, một lần nữa ông Quý đứng ra thành lập HTX sản xuất kinh doanh chè, tổ chức thu mua chế biến. Năm 2008, HTX thực hiện giải pháp liên doanh với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, Công ty chè Tân Lập được thành lập, chuyên sản xuất chè chất lượng cao, xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài. Đến nay, xã có 2 nhà máy chè, công suất 700 tấn/năm; Xuất khẩu sang thị trường Đài Loan hơn 100 tấn chè khô/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Với những cống hiến đóng góp đó, nhiều năm liền ông Quý được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 1999 ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2000 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Bây giờ, bỏ sau lưng những vinh hoa và danh tiếng, ông Ngọc Quý lại thử sức mình ở lĩnh vực du lịch cộng đồng. Triết lý làm du lịch của ông Hà Ngọc Quý rất đơn giản: “Khách thích như thế nào thì mình chiều như thế”. Homestay Bản Hoa rộng 5ha nằm biệt lập giữa những đồi trè xanh ngút ngát, ông Ngọc Quý bảo rằng ông muốn mang lại cho du khách trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn không có tiếng ồn. Thực phẩm đa phần do gia đình tự cung, tự cấp. Rau sạch, cá ao, lợn nuôi bằng thân chuối, còn gà thì khách đuổi được con nào sẽ tặng con đó, vì vườn rộng quá!

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Ở tuổi gần 70, điều đáng trân trọng ở ông Ngọc Quý nằm ở tinh thần cầu thị, sẵn sàng học hỏi. Bắt tay vào làm du lịch, ông xác định “tôi có kinh nghiệm gì đâu”. Vì thế, ông xuống Hà Nội để học. Ông kết nối với các công ty lữ hành, họ hướng dẫn cho ông và gia đình nấu ăn thế nào, nói chuyện ra làm sao, đối với “khách ta” và “khách Tây” đều có các chú ý, phân biệt khác nhau.

“Khách Việt khó tính hơn, họ yêu cầu muốn ăn thế này, muốn ăn thế kia. Khách Tây dễ tính trong việc ăn uống, nhưng lại khó giao tiếp. Mình không biết tiếng của họ, nên phục vụ cũng khó. Sau này, người ta chỉ cho mình mở gúc-gồ (google) để dịch, muốn nói gì với khách đều nhờ gúc-gồ. Cách ấy cũng tiện, nhưng không chuyên nghiệp. Vậy nên, tôi đang cho cháu nội là Hà Anh Quân đi học tiếng Anh ở thành phố Sơn La nhằm giao tiếp với khách Tây trôi chảy hơn”, ông Ngọc Quý chia sẻ.

Chứng kiến thành công của Bản Hoa homestay, những người dân Bản Dọi gần đó cũng bắt tay làm du lịch cộng đồng. Thế là, “Bản du lịch cộng đồng” của đồng bào dân tộc Thái ra đời giữa thung lũng Tân Lập. Sự chung tay của cả bản giúp cho những homestay tại Bản Dọi khá quy củ, vừa giữ được nét truyền thống, vừa pha chút hiện đại, khang trang. Nhà sàn gỗ sẫm màu thời gian, kết hợp tinh tế với các tiện nghi của đời sống hiện đại khiến Bản Dọi trở thành sự lựa chọn hấp dẫn với du khách.

Ông Hà Ngọc Quyết (chủ Hà Quyết homestay tại bản Dọi, cũng là em trai ông Hà Ngọc Quý) cho biết, ông làm du lịch khoảng 3 năm gần đây. “Trong giai đoạn dịch COVID-19, hoạt động rất khó khăn. Tuy nhiên, vài tháng nay, khách tìm đến nhiều hơn, thậm chí có cả khách đoàn vài chục người. Chúng tôi làm du lịch bằng sự tận tâm, nên chắc chắn hoạt động sẽ ổn định và khởi sắc”.

Nở rộ các mô hình du lịch cộng đồng

Những ví dụ đã đề cập như homestay A Chu, homestay Bản Hoa, homestay Hà Quyết… là các mô hình đang tạo ra điểm nhấn, sự thu hút riêng khi phát triển du lịch cộng đồng tại Tây Bắc. Nói rõ thêm, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên của cộng đồng, do cộng đồng chủ động tham gia xây dựng sản phẩm quản lý và vì lợi ích của cộng đồng.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Vùng Tây Bắc gồm 6 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Khó có thể kể hết thắng cảnh thiên nhiên tại Tây Bắc, ví như rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào…

Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản…

Trong nhiều năm qua, các địa phương Tây Bắc đã phát triển nhiều loại hình du lịch, trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn. Trong số đó, du lịch cộng đồng đã trở thành thương hiệu của du lịch Tây Bắc. Xây dựng được một sản phẩm du lịch chất lượng cần có sự sáng tạo bay bổng mà luôn có tính kết nối liền mạch quá khứ hiện tại, cái sống động của dòng chảy cuồn cuộn hiện tại với sự thâm trầm mờ ảo của ký ức thời gian...

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Các sản phẩm du lịch cộng đồng điển hình của Tây Bắc bao gồm: Tham quan, tìm hiểu bản làng dân tộc thiểu số (tổ chức cho khách tham quan, tìm hiểu hoặc trải nghiệm cùng cuộc sống của cộng đồng, ngủ tại nhà dân, lên nương, làm bếp, dệt vải cùng dân); Thưởng thức ẩm thực địa phương (thưởng thức các món ẩm thực địa phương là nội dung quan trọng của sản phẩm du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng. Du khách có thể kết hợp với việc tham quan, tìm hiểu hoặc trải nghiệm cuộc sống trong bản với thưởng thức các món ẩm thực các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao); Ngắm cảnh theo mùa nông nghiệp (các mùa hoa, ruộng bậc thang).

Từ Hà Nội lên với Tây Bắc, theo hướng Quốc lộ 6, có vô khối các lựa chọn để du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Tây Bắc. Có thể kể tới bản Giang Mỗ (Hoà Bình) nhỏ bé trong thung lũng, bản Mai Hịch (Mai Châu, Hoà Bình) với mô hình dịch vụ lưu trú tại gia và khám phá văn hóa đồng bào dân tộc Thái, homestay A Chu ở Vân Hồ (Sơn La), Bản Hoa (Mộc Châu, Sơn La), bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu) hay không gian của bà con đồng bào Thái ở các bản du lịch cộng đồng như: Bản Mển, bản Ten, bản Co Mỵ, bản Che Căn (Điện Biên). Không ngoa khi nói rằng, các làng bản của Tây Bắc luôn luôn “đỏ đèn đỏ lửa” (mượn ý của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”) trong sự phát triển quy mô, rộng lớn của ngành du lịch cộng đồng.

Đường không tự có - người ta đi mãi mà thành

Có một điều khiến chúng tôi suy nghĩ mãi sau cuộc nói chuyện với Tráng A Chu: Anh mong muốn con đường phía sau bản sẽ được chính quyền đổ bê tông để khách du lịch tiện bề trải nghiệm, nâng cao hiệu quả du lịch. Con đường quanh bản Hua Tạt chỉ là một ví dụ tượng trưng phản ánh rằng du lịch cộng đồng tại Tây Bắc cần được mở lối đi, tháo gỡ các khó khăn nhằm bứt phá, trở thành ngành kinh tế mạnh, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống của người dân bản địa.

Bi hài chuyện chủ homestay ghen với khách trọ

Quay lại với bản Hua Tạt thơ mộng, sau khi tiên phong làm du lịch cộng đồng, Tráng A Chu đã hướng dẫn, giúp đỡ anh em, họ hàng, bà con trong bản và các bản khác cùng phát triển mô hình này. Tráng A Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh… lần lượt đã được A Chu hướng dẫn mình xây dựng mô hình. Cho tới nay, tại bản Hua Tạt heo hút, nghèo khó xưa kia đã xây dựng được 5 mô hình homestay.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Thời gian đầu, các homestay “sinh sau đẻ muộn” hoạt động khá ổn, dân bản vui mừng vì thu nhập cao hơn làm rẫy, lại sạch sẽ, văn minh. Song, vấn đề càng lúc càng phát sinh. “Người dân nghĩ cứ dựng nên homestay thì sẽ có khách, sẽ có tiền. Nhưng không đơn giản thế” - A Chu phân tích - “Mình phải học; Học tiếp xúc với khách, học lời ăn tiếng nói, học cách nấu món ăn và học cả cách hoà đồng với khách. Hơn nữa, mình phải tái đầu tư. Homestay giống như con bò sữa, mình phải cực kỳ yêu nó, hơn nữa, phải nuôi nó. Con bò đẹp, sạch sẽ thì mới cho sữa ngon”.

A Chu kể một câu chuyện khá hài hước: Hai vợ chồng A cũng dựng homestay trong bản Hua Tạt. Mới đầu, A Chu chuyển khách của mình sang cho gia đình A, nên hoạt động kinh doanh khấm khá lắm. Tuy nhiên, anh A lại có tính hay ghen, mà chị vợ lúc nào má cũng đỏ hồng, môi cũng căng mọng, và cười nói với khách. Thế là không được rồi! Cơn ghen nổi lên, anh A dẹp luôn homestay, hai vợ chồng trở lại với rẫy ngô. “Chuyện đó nói lên là dân bản còn thiếu chuyên nghiệp, còn phải được đào tạo nhiều”, A Chu kết luận.

Tương tự như thế, sự đơn điệu và thiếu quy trình chuẩn trong hoạt động du lịch đang là “nỗi lo” của ngành du lịch cộng đồng. Khách du lịch đi vùng người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La) và Điện Biên đều có nhận xét chung là du khách chỉ thăm một làng du lịch cộng đồng thì đã biết trước các sản phẩm du lịch của các làng khác, đều ngủ nhà sàn, ăn cơm lam, xem xòe Thái, uống rượu cần... Vì vậy, có du khách đã nhận xét không cần đi cả vùng Tây Bắc, chỉ cần đến một làng du lịch cộng đồng cũng biết được sản phẩm du lịch của toàn vùng.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc
Xu hướng du lịch cộng đồng phát triển tại vùng Tây Bắc

Theo TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm yếu nhất của du lịch cộng đồng là phát triển một cách ồ ạt, thiếu định hướng, thiếu chọn lọc. Chính vì thế, các sản phẩm du lịch ra đời nghèo ý tưởng, rập khuôn, ở các địa phương khác hoàn cảnh địa lý tập quán sinh sống mà sản phẩm na ná nhau không có sức hấp dẫn... Nhiều nơi bà con đổ xô xây dựng homestay, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức quản lý, cho nên tình trạng dựng nhà lên rồi rơi vào cảnh “đắp chiếu” cũng không ít.

Tự xây nên con đường riêng

Theo tiến sỹ Trịnh Hữu Sơn (Hội văn nghệ dân gian Việt Nam), tình trạng phát triển du lịch cộng đồng không hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là, chính quyền địa phương và người dân nhận thức du lịch cộng đồng dễ làm, đầu tư ít nên phát triển khá ồ ạt. Thứ hai là, chính quyền địa phương chưa giải được bài toán giữa phát triển du lịch với phát triển các ngành nghề khác. Thứ ba, cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân và chính quyền địa phương chưa nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở của bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc.

Chính vì thế, đẩy mạnh công tác nghiên cứu bản sắc văn hóa và tính đặc thù của từng địa phương, phục vụ hiệu quả cho phát triển du lịch cộng đồng là yếu tố tiên quyết để giữ gìn, phát huy hiệu quả hoạt động các homestay, các làng du lịch. Ví dụ, homestay A Chu thấm đậm văn hóa đồng bào Mông, từ bộ váy áo truyền thống tới điệu hát dân ca, từ món mèn mén tới trải nghiệm giã bánh giày ngày Tết.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Các công ty lữ hành đặc biệt lưu ý người dân bản địa nghiên cứu khai thác, xây dựng tài nguyên du lịch thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với nhu cầu của du khách. Bằng tất cả sự nỗ lực và thân thiện, du lịch cộng đồng cần tạo ra thiện cảm từ vấn đề đón khách, dịch vụ ăn, uống, dịch vụ giải trí (bên cạnh nhu cầu thưởng thức văn nghệ, du khách rất khao khát được trải nghiệm cuộc sống dân dã. Vì thế, các điểm du lịch cộng đồng cần nghiên cứu xây dựng các chương trình trải nghiệm, như hội thi bắt cá suối, quăng chài, thả lưới bắt cá ao, tham gia dệt thổ cẩm, chế biến món ăn...). Homestay A Chu, homestay Bản Hoa đang làm rất tốt điều này khi đưa du khách đến với các hoạt động làm giấy dó, tham gia bẻ ngô hay tái hiện tục bắt vợ của người Mông.

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Đồng thời, như kiến nghị của Tráng A Chu hay ông Hà Ngọc Quý, các địa phương đã và đang xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch cộng đồng. Tiến sỹ Trịnh Hữu Sơn hiến kế: “Du lịch cộng đồng là cánh cửa mở cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn người dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Cần có chính sách ngân hàng cho các hộ gia đình vay với lãi suất thấp hoặc lập các quỹ du lịch hỗ trợ cho cộng đồng để đồng bào các dân tộc thiểu số có kinh phí xây dựng nhà cửa và các công trình vệ sinh phục vụ du lịch cộng đồng. Mặt khác, Nhà nước cần có một số chế độ ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đưa khách đến với vùng du lịch cộng đồng, như chế độ giảm thuế, cho vay ưu đãi...

Vai trò điều tiết của chính quyền được cho là yếu tố then chốt. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho các điểm du lịch cộng đồng. Đây cũng là lực lượng điều hòa lợi ích giữa người dân với doanh nghiệp. (Đối với vấn đề này, tỉnh Sơn La mới đây đã ban hành Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/1/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2026 cùng với hàng loạt đề án phát triển du lịch).

Lời kết: "Người thầy" của Tráng A Chu, ông Dương Minh Bình (Giám đốc công ty phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam) định nghĩa “du lịch cộng đồng” là “bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách thích sống gần gũi với người dân nông thôn. Từ nhu cầu đó, người dân ở nhiều địa phương cứ thế mà làm, nhà này học theo nhà kia, địa phương này học theo địa phương khác... mà không có theo một sự hướng dẫn nào. Nông thôn này tham quan trải nghiệm nông thôn kia”.

Thực tế cho thấy, nhu cầu của du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống, văn hoá của vùng đất Tây Bắc rất to lớn, rõ ràng. Ai mà chẳng muốn tắm mình trong cảnh sắc, không khí của núi rừng, đắm hồn trong văn hoá đặc sắc của các dân tộc anh em? Vì thế, sự ra đời và tồn tại của các homestay, các bản du lịch tại Tây Bắc là điều tất yếu, cần thiết.

Người dân nô nức muốn tham gia vào dịch vụ du lịch. Tấm lòng họ đầy hăng hái, tay họ có sức khoẻ. Tuy nhiên, nguồn vốn, cơ chế cũng như sự đào tạo, hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức du lịch là những điều người dân mong cầu hơn cả. Một khi những “con đường” này đã thông suốt, chắc hẳn du lịch cộng đồng sẽ góp nhiều ngọn gió thành cơn lốc quét ngang trời Tây Bắc, thổi bay những lạc hậu đói nghèo, đem lại sinh khí mới cho đồng bào.

Bài viết: Vũ Cường - Thanh Thắng - Phạm Mạnh

Con gió lành thổi ngang trời xanh Tây Bắc

Phạm Mạnh