Cờ hoa rợp trời, tràn đầy cảm xúc hùng tráng
Những thiết kế từ cảm xúc đặc biệt với mùa thu Hà Nội Khắc họa mùa thu Hà Nội đầy hào hùng và lãng mạn “Cảm xúc tháng 10”- hội tụ tinh hoa, tôn vinh trọn vẹn Hà Nội |
Chương trình nghệ thuật "Hà Nội - Bản hùng ca phố" do UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã diễn ra vào tối 10/10, tại Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Đây là chương trình mang dấu ấn đặc biệt trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm, nhằm tái hiện chặng đường hào hùng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Đại biểu tham dự chương trình chụp hình cùng các nhân chứng lịch sử |
Sự kiện có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; đồng chí Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các nhân chứng lịch sử và đại diện các tầng lớp Nhân dân.
Có lẽ không có thành phố nào trên thế giới lại có nhiều bài hát ngợi ca như Hà Nội. Hà Nội - Bản hùng ca phố với âm nhạc và những câu chuyện, gợi nhớ đến những ngày tháng lịch sử anh dũng mà hào hoa của Thủ đô và sự tiếp nối của thế hệ ngày nay trong công cuộc gìn giữ hòa bình, sáng tạo và phát huy nét văn hóa của Hà Nội phố, để Hà Nội xứng đáng là Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, Thủ đô của đất nước Việt Nam đang vươn mình bước vào kỉ nguyên mới.
Trong chương trình, khán giả đã được theo dõi những tài liệu lưu trữ tại Pháp và phỏng vấn các chuyên gia quốc tế về âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp ngay từ đầu năm 1946; những hình ảnh chân thực về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô; tái hiện hình ảnh những đoàn người tản cư, những chuyến xe chở máy móc, thiết bị quý giá rời khỏi thành phố… Những năm tháng chống Mỹ ác liệt, hàng chục vạn người con Thủ đô xung phong lên đường chiến đấu, phố lại tiễn người đi vào những chiến trường ác liệt nhất. Hà Nội đã viết tiếp bản hùng ca những ngày cùng cả dân tộc đứng lên chống Mỹ.
Điểm nhấn của chương trình chính là những lời kể xúc động của những nhân chứng lịch của thời điểm ấy. Với họ, cảm xúc của những ngày tháng sống cùng Thủ đô vẫn vẹn nguyên. Đó là NSƯT Phùng Đệ, khi đó chỉ là một Vệ út 13 tuổi. Ông kể lại những ngày cuối cùng ở Hà Nội, chỉ còn 20 viên đạn mỗi người, lương thực chỉ đủ cho 5 ngày nhưng không ai muốn rời đi và sẵn sàng ở lại chết vì Hà Nội. Đó là bác Hoàng Quân Tạo, Tổ trưởng tổ phát tán tài liệu Ban Công vận nội thành, người từng bị giam tại Hỏa Lò, là minh chứng cho lòng quyết tâm, sức sống bền bỉ và kiên cường của những chiến sĩ cách mạng trong lòng địch. Hay bà Phạm Thị Viễn khi đó là nữ tự vệ 22 tuổi của Nhà máy cơ khí Mai Động, đầu chít khăn tang trắng vẫn kiên cường bên mâm pháo bảo vệ bầu trời Hà Nội và góp phần hạ gục chiếc máy bay F.111A vào đêm 22/12/1972... và còn nhiều nữa những con người của lịch sử.
Ngày tiếp quản 10/10/1954 là ngày đánh dấu mốc son Hà Nội chính thức là Thủ đô giải phóng của đất nước vừa được thế giới công nhận chủ quyền độc lập. Câu chuyện ngày 10/10 - ngày vinh quang của dân tộc giành được tự do - đã được kể lại bằng hình ảnh tư liệu và phỏng vấn nhân chứng, bằng âm nhạc và các thước phim, mang lại cảm hứng lịch sử niềm tự hào sâu sắc cho khán giả. Đặc biệt, trong chương trình Hà Nội - Bản hùng ca phố, lễ chào cờ lịch sử 15 giờ ngày 10/10/1954 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã được tái hiện trên nền ca khúc Tiến quân ca do ca sĩ Tùng Dương và dàn nhạc Thăng Long trình diễn, mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Các đại biểu tham gia tái hiện lễ chào cờ ngày 10/10/1954 |
Bên cạnh các phóng sự được thực hiện kỳ công hoặc trích đoạn phim tài liệu quý giá, âm nhạc là mạch chính nối cảm xúc và xuyên suốt trong chương trình. Điểm kết nối ấn tượng trong đó là công nghệ 3D Maping. Những hình ảnh về một thủ đô vừa hòa hoa vừa hào hùng đã được tái hiện ở Hoàng thành Thăng Long, nơi có ý nghĩa quan trọng của thủ đô lịch sử ngàn năm văn hiến.
Bên cạnh đó, màu sắc âm nhạc của Hà Nội - Bản hùng ca phố cũng thay đổi theo nhiều cung bậc khác nhau, khi hùng hồn hào sảng như Người Hà Nội, Hà Nội niềm tin và hy vọng, lúc lắng lại da diết như bản mashup Hướng về Hà Nội - Áo mùa đông, cũng có khi trong trẻo hồn nhiên như Em bé Hà Nội... qua giọng hát của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hồng Nhung, NSND Tấn Minh, NSƯT Đăng Dương, Trọng Tấn, Phạm Thu Hà, Tạ Quang Thắng, Đông Hùng, Mai Tuyết Hoa, nhóm OPlus… Các phần dàn dựng được kết hợp giữa tính liền mạch của âm nhạc, các set sân khấu, công nghệ trình chiếu và sự trình diễn của đông đảo nghệ sĩ để tạo nên một bản hùng ca phố cả về thính giác, thị giác và chiều sâu cảm xúc, bề dày lịch sử của Thủ đô.
Từ khúc khải hoàn ca lịch sử tháng 10/1954, 18 năm sau là chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, đó đều là những dấu mốc mang tầm vóc thời đại, khẳng định vai trò thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội - là nơi tiên phong gánh vác, góp phần hoàn thành vẻ vang những sứ mệnh lịch sử của dân tộc. Những sứ mệnh ấy tiếp tục được lớp lớp thế hệ người con Hà Nội gìn giữ và dựng xây qua từng giai đoạn lịch sử. 70 năm qua, Hà Nội ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt và rực rỡ. Những công trình, thành tựu đáng tự hào trên mọi mặt lĩnh vực đời sống, song song với dòng chảy bền vững của hồn cốt văn hiến ngàn năm xuyên suốt từng con phố.
Chương trình ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping tạo ấn tượng mạnh |
Sự tiếp biến giữa các giá trị văn hóa linh thiêng từ quá khứ với những giá trị anh hùng của thời hiện đại, những phẩm chất hội nhập quốc tế sâu rộng đã làm nên những nét riêng có của Thủ đô ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hòa bình; hướng đến hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại", phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh khu vực và quốc tế, hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô.